Bài viết của Chương Tuệ và Chương Vũ, phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 17-04-2020] Vũ Hán, tâm chấn của đại dịch virus corona, đã điều chỉnh số ca tử vong lên 50,02% vào ngày 17 tháng 4. Với 1.290 ca tử vong do virus corona “mới” được phát hiện, số ca tử vong của thành phố 11 triệu dân này đã tăng từ 2.579 lên 3.869. Nếu so sánh, tính đến ngày 18 tháng 4, New York đã báo cáo 10.022 ca tử vong do virus corona, và dân số của thành phố này là 8,4 triệu.

Ở cấp quốc gia, Hoa Kỳ báo cáo hơn 40.000 ca tử vong do virus corona trên tổng số dân 330 triệu người. Còn Trung Quốc báo cáo 4.632 ca tử vong trên tổng số dân gần 1,4 tỷ người.

Ngày càng có nhiều chính phủ và người dân đang hoài nghi tính tin cậy của dữ liệu về virus corona của Trung Quốc. Một số nhà phân tích nghi ngờ tỷ lệ tăng gần như “hoàn hảo” (gần 50% chẵn) của Vũ Hán là một động thái đáp lại những lời kêu gọi ngày càng nhiều về việc minh bạch thông tin ở Trung Quốc, nhưng ngay cả con số đã điều chỉnh vẫn còn xa mới sát số ca tử vong thực tế.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ xét thêm những ví dụ như thế này và tìm cách giải thích.

Trò chơi số liệu của Trung Quốc

Tờ Barron’s, một tạp chí tài chính và thống kê của Mỹ, đã đăng tải một bài báo vào ngày 15 tháng 2 năm 2020 với tiêu đề “Số liệu virus corona của Trung Quốc không hợp lý”. (China’s Coronavirus Figures Don’t Add Up)

Tác giả Lisa Beilfuss viết: “Số ca tử vong lũy tiến đã báo cáo được thể hiện bằng một công thức toán học đơn giản với độ chính xác cực cao. Phương sai 99,99% – gần như hoàn hảo – được giải thích bằng phương trình này”.

Phó Giáo sư Thống kê Sinh học Melody Goodman của Trường Y tế Cộng đồng Toàn cầu thuộc Đại học New York tán đồng với ý kiến này. “Trong bao năm trời, tôi chưa bao giờ thấy trường hợp nào có trị số ‘r bình phương’ (r-squared) ở mức 0,99. Là một chuyên gia thống kê, nó khiến tôi phải nghi ngờ dữ liệu đó.” Bà cho biết, không bao giờ có thể dự đoán được một cách hoàn hảo dữ liệu thực về dịch bệnh, bởi vì có nhiều yếu tố liên quan, và 0,7 sẽ được xem là trị số r bình phương “rất tốt”. Bà giải thích: “Hễ khi nào có trị số 0,99 đều khiến tôi nghĩ là có người đang làm giả dữ liệu. Điều đó có nghĩa là người ta đã biết trước chuyện gì sẽ xảy ra.”

Ngày 6 tháng 4, lần đầu tiên kể từ khi dịch bùng phát vào tháng Một, Trung Quốc báo cáo số ca tử vong do virus corona bằng 0, nhưng nhiều người nghi ngờ làm sao mà một quốc gia với 1,4 tỷ người có thể đạt được con số như vậy trong khi số ca nhiễm bệnh và tử vong bùng nổ ở các quốc gia khác.

“Trung Quốc vốn có tiếng xấu trong việc cung cấp số liệu chính thức mà thế giới có thể tin tưởng”, phóng viên Robin Brant của BBC viết trong bài báo đăng ngày 7 tháng 4 với tiêu đề: “Virus corona: Tại sao tuyên bố chống dịch thành công của Trung Quốc khiến người ta phải nhướng mày” (tên báo cáo gốc: Coronavirus: Why China’s claims of success raise eyebrows).

Ông Brant chỉ ra rằng trước đại dịch này, Trung Quốc luôn đạt mức tăng trưởng GDP khoảng 6% mà biên độ sai hầu như bằng 0. Ông lưu ý: “Không có nền kinh tế nào đạt được những con số ở mức ổn định một cách đáng ngờ như thế.” Ông nói: “Phân tích độc lập sử dụng các số liệu sản xuất điện của tỉnh tính ra GDP thấp hơn so với số liệu chính thức.”

Ông Brant nói thêm: “Nếu Trung Quốc liên tục bị cáo buộc không minh bạch về con số quan trọng như GDP, thì cũng không khó hiểu khi cho rằng nước này cũng làm thế với điều quan trọng như đại dịch Covid-19.”

Một ví dụ khác là tỷ lệ ca tử vong do virus corona so với số ca nhiễm được xác nhận. Trong một bức thư gửi tờ The New York Times ngày 7 tháng 2, nhà văn người Mỹ Frankie Huang đã kể lại trải nghiệm của cô khi bị cách ly ở Thượng Hải. Cô viết: “Hôm qua, tôi thấy trên mạng xã hội có người nhận ra con số công bố cho thấy tỷ lệ tổng số ca tử vong trên tổng số ca chẩn đoán nhiễm bệnh ngày nào cũng ở mức 2,1% kể từ ngày 30 tháng 1. ‘Chủng Virus ma thuật này rất giỏi toán!’”

Không một quốc gia nào khác có số liệu “ổn định” đến thế. Ngày 19 tháng 3, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso nói rằng ông không tin những con số mà Trung Quốc báo cáo. Ông Michael McCaul, một lãnh đạo của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ phát biểu trong một tuyên bố rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) “đã lừa dối thế giới về khả năng lây truyền từ người sang người của chủng virus này, bịt miệng các bác sỹ và nhà báo đã cố gắng báo cáo sự thật, và hiện giờ rõ ràng còn đang che giấu số liệu chính xác về số ca nhiễm và tử vong do bệnh dịch này”.

“Mặc dù ĐCSTQ có truyền thống nói dối với chính người dân của nó cũng như cộng đồng quốc tế, tôi vẫn thấy sốc khi chính quyền này đi xa đến vậy để bảo vệ quyền lực của mình”, ông Michael McCaul nói, và còn cho biết ông đã đề nghị Bộ Ngoại giao mở “một cuộc điều tra đa phương về việc bưng bít của ĐCSTQ về virus corona.”

Ngày 1 tháng 2, Tencent QQ, một cổng thông tin và dịch vụ nhắn tin nhanh ở Trung Quốc, đã báo cáo số ca tử vong là 24.589. Tuy nhiên, ngày hôm sau, con số đã được điều chỉnh thành 304. Một số người nghi ngờ Tencent QQ có hai bộ số liệu thống kê, một là để theo dõi nội bộ, một để cho công chúng.

ce3440bff7d48e4bd9f5ed447a6307ad.jpg

Ngày 1 tháng 2 năm 2020, Tencent QQ báo cáo số ca tử vong cao gấp 80 lần so với thông thường. Sau đó, con số này đã được sửa lại.

Số ca nhiễm ước tính

Dù với thông tin thất thiệt, nhiều số liệu thống kê khác được công bố ở Trung Quốc đã cho người ngoài một số manh mối về quy mô của đại dịch. Một nghiên cứu gần đây ở Vũ Hán trên 3.600 nhân viên y tế từ Bệnh viện Trung Nam cho thấy 2,4% trong số họ đã hình thành kháng thể với virus corona; một cuộc khảo sát khác với 5.000 cư dân không phải là nhân viên y tế cũng cho kết quả tương tự, theo bài viết với tiêu đề “Các xét nghiệm của Vũ Hán cho thấy ‘miễn dịch cộng đồng’ với virus corona còn xa lắm” (Wuhan Tests Show Coronavirus ‘Herd Immunity’ Is a Long Way Off) được đăng trên tờ The Wall Street Journal vào ngày 16 tháng 4.

Vũ Hán có 11 triệu người, tỷ lệ 2,4% cho phép suy luận có 264.000 ca nhiễm.

Dựa trên các giả định và ước tính khiêm tốn, một báo cáo của Derek Scissors tại Viện Nghiên cứu Doanh nghiệp Mỹ ước tính tổng số ca nhiễm bệnh ở Trung Quốc là 2,9 triệu, chứ không phải tổng số khoảng 82.000 mà Bắc Kinh báo cáo, theo một bài báo trên tờ The Wall Street Journal đăng ngày 13 tháng 4 với tiêu đề: “Trung Quốc vẫn lừa dối thế giới về virus Corona” (China Still Misleads the World on the Coronavirus).

Trung Quốc là quốc gia lớn duy nhất không công bố số người đã được xét nghiệm virus corona. Thí dụ, tại Hoa Kỳ, cho đến nay, đã có khoảng 3,7 triệu người được xét nghiệm. Với 95 phòng thí nghiệm, hơn 120.000 xét nghiệm được thực hiện mỗi ngày. Ngay cả Đài Loan cũng tiến hành gần 10.000 xét nghiệm mỗi tuần và kết quả xét nghiệm cung cấp thông tin trọng yếu mà có thể dùng để kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh.

Số ca tử vong ước tính

Một số quan sát cũng đã đưa ra vài manh mối về số ca tử vong vì virus corona. Ngày 3 tháng 2, một nhân viên của Nhà tang lễ Vũ Xương cho biết: “Chúng tôi đã làm việc 24 giờ một ngày kể từ ngày 27 tháng 1. Bốn đường dây điện thoại của chúng tôi hoạt động 24 giờ một ngày và nhân viên đã kiệt sức.”

Anh Lý Trạch Hoa, từng là người dẫn chương trình của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), đã đến hỏi thăm một đài hóa thân ở Vũ Hán vào ngày 21 tháng 2 và xác nhận khối lượng công việc rất lớn của các đài hóa thân ở Vũ Hán. Anh Lý cho biết, tầm 11 giờ đêm, anh mới rời đi mà các đài hóa thân vẫn đang hoạt động.

Theo anh Lý, có 7 đài hóa thân lớn ở Vũ Hán với tổng cộng 74 lò hỏa thiêu. Nếu tất cả đều hoạt động hết công suất 24 giờ một ngày, mỗi giờ xử lý được 1 thi thể, như vậy tổng cộng xử lý được 46.176 (= 26 x 24 x 74) thi thể trong 26 ngày đó (từ 27 tháng 1 đến 21 tháng 2). Sau khi trừ ra số trường hợp tử vong không liên quan đến virus corona là khoảng 137 một ngày, thì tổng cộng có khoảng 42.614 (= 46.176 – 26 * 137) thi thể được hỏa thiêu trong 26 ngày đó.

Ngoài ra, chính quyền đã bố trí 40 lò thiêu di động đến Vũ Hán vào giữa tháng Hai, tuyên bố rằng chúng được dùng để đốt xác động vật và chất thải y tế. Mỗi lò thiêu này có thể đốt tới 5.000 kg chất thải mỗi ngày. Giả sử trọng lượng trung bình mỗi người là 65 kg, thì một lò đốt rác có thể thiêu khoảng 77 (= 5.000 / 65) thi thể mỗi ngày. Nếu tất cả 40 lò đốt hoạt động cùng lúc, chúng có khả năng xử lý 3.080 (= 77 x 40) thi thể mỗi ngày.

6b42d01f4b0e52ce5b3692b37a1e6025.jpg

40 lò thiêu di động được vận chuyển đến Vũ Hán. Với ba phân đoạn “nghiền rắn, đốt và làm sạch không khí”, mỗi lò thiêu này có sức chứa 30 mét khối và có thể xử lý 5 tấn vật liệu mỗi ngày,

Tuy nhiên, từ những số liệu công bố chính thức, từ ngày 12 tháng 1 đến ngày 12 tháng 4, có khoảng 3.300 ca tử vong do virus corona trên toàn quốc và 2.500 ca là từ Vũ Hán. Nếu các con số là tin tưởng được, thì 74 lò hỏa thiêu sẽ tốn chưa đầy hai ngày để hỏa thiêu thi thể, điều này mâu thuẫn với thực tế là các lò đang hoạt động không ngừng nghỉ.

Một manh mối nữa là số bình đựng tro cốt của bệnh nhân virus corona quá cố ở Vũ Hán. Theo Đài Châu Á Tự do (Radio Free Asia), 7 nhà tang lễ lớn ở Vũ Hán đã trả cho thân nhân còn sống 500 bình tro cốt mỗi ngày từ 23 tháng 3 đến 4 tháng 4. Chỉ riêng với con số này đã tính ra được tổng cộng 45.500 ca tử vong (= 13 ngày x 7 nhà tang lễ x 500 bình tro cốt), con số này tương ứng với con số 42.614 tính được bên trên khi xét số thi thể mà các lò hỏa thiêu Vũ Hán xử lý được khi hoạt động không ngừng nghỉ.

Tạp chí Tài Tân (Caixin) đưa tin Nhà tang lễ Hán Khẩu ở Vũ Hán đã nhận được hai lô hàng gồm 5.000 bình đựng tro cốt trong vòng hai ngày (25-26 tháng 3). Tức là có 10.000 người chết, như vậy vẫn cao hơn số trường hợp được báo cáo chính thức.

Một công cụ chính trị

Đối với ĐCSTQ, số liệu thống kê là một công cụ chính trị được dùng tùy ý để đạt được mục tiêu chính trị. Ví dụ, trong Đại Nhảy Vọt vào cuối những năm 1950, sản lượng lương thực được khoác lác là cao gấp 150 lần sản lượng thực tế trong thời kỳ cuồng tín chính trị. Với sản lượng lương thực “cao bất thường”, Trung Quốc đã xuất khẩu phần lớn lương thực, để lại rất ít cho nhân dân. Các cuộc điều tra độc lập từ nhiều nguồn ước tính có 45 triệu người đã chết đói trong nạn đói ấy.

Lần này, ĐCSTQ đột nhiên tăng 50% số ca tử vong ở Vũ Hán. Họ viện cớ là do đội ngũ y tế và khả năng tiếp nhận bệnh nhân của các cơ sở y tế bị quá tải, cũng như các trường hợp tử vong tại nhà do virus corona chưa được báo cáo, lấy đó làm lý do cho việc báo cáo chậm trễ, báo cáo sót và nhầm lẫn.

Điều mà ĐCSTQ không đề cập đến trong lần điều chỉnh số ca tử vong là các chuyên gia y tế Vũ Hán và các công dân khác bị cấm tiết lộ hay bàn luận thông tin về dịch bùng phát. Vũ Hán, cũng như các địa khu khác của Trung Quốc, đã chịu sức ép phải khống chế các con số ở mức thật thấp hoặc gần bằng không.

Thí dụ, tỉnh Hắc Long Giang ở vùng Đông Bắc Trung Quốc đã báo cáo gần như không có ca nhiễm virus corona mới trong vài tuần qua. Tỉnh này báo cáo có chưa tới 500 ca nhiễm trên toàn tỉnh, trong đó, thành phố Tề Tề Cáp Nhĩ với hơn 5 triệu dân mà chỉ có 40 ca.

Hồi tháng Ba, một nhân viên của Bệnh viện Tề Tề Cáp Nhĩ Số 1 tiết lộ chỉ riêng trong bệnh viện này đã có hơn 200 nhân viên bị nhiễm virus corona. Điều đáng chú ý là, gần như toàn bộ nhân viên khoa chỉnh hình và khoa thí nghiệm lâm sàng đều bị nhiễm bệnh. Nhưng thông tin này đã bị bưng bít, không được công bố.

Ngày 21 tháng 2, hai quan chức ở thủ đô Cáp Nhĩ Tân thuộc tỉnh Hắc Long Giang đã bị cách chức vì báo cáo các ca nhiễm virus corona. Kể từ ngày 22 tháng 2, thành phố không có trường hợp mới nào được báo cáo.

“Sau bảy thập kỷ cầm quyền, ĐCSTQ vẫn dựa vào chế độ cai trị kết hợp giữa chuyên quyền độc đoán, đàn áp tàn bạo, tham nhũng tột độ và lừa dối, gian lận và ngược đãi trên diện rộng”, theo một bài báo của Wall Street Journal (Tạp chí Phố Wall) đăng ngày 13 tháng 4 với tiêu đề “Trung Quốc vẫn lừa dối thế giới về virus corona” (China Still Misleads the World on the Coronavirus).

Bài viết liên quan bằng tiếng Hán:

https://www.minghui.org/mh/articles/2020/4/18/403984.html

疫情数字-中共自称出错率只有


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/4/17/403940.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/4/21/184133.html

Đăng ngày 25-04-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share