Bài viết của một phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc

[MINH HUỆ 06-06-2019] Bà Cao Ngọc Hương, 58 tuổi, sống ở thị trấn Liên Hoa, thành phố Thư Lan. Chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp mà bà đã bị bắt nhiều lần, bị cầm tù 10 năm, và bị tra tấn trong Nhà tù Nữ Trường Xuân. Bà được trả tự do vào ngày 28 tháng 1 năm 2019.

Trước khi thực hành Pháp Luân Công vào năm 1995, bà mắc nhiều chứng bệnh như viêm màng phổi, lao phổi, và còi xương. Sau khi bước vào tu luyện, bà đã khỏi hết những bệnh tật này.

Dưới đây là lời kể của bà về sự bức hại mà bà đã phải trải qua chỉ vì từ chối từ bỏ tín ngưỡng của mình.

Hai năm lao động cưỡng bức

Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, gia đình tôi thường xuyên bị cảnh sát sách nhiễu. Tôi biết Hiến pháp Trung Quốc đã trao cho công dân quyền tự do tín ngưỡng và tự do ngôn luận, vì vậy tôi đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền được tu luyện Pháp Luân Công. Tôi đã bị cảnh sát mặc thường phục bắt khi tôi đến Quảng trường Thiên An Môn và bị giam giữ 15 ngày.

Sau đó, tôi bị giam ở đồn cảnh sát thị trấn. Cảnh sát Tôn Hồng Ba yêu cầu gia đình tôi phải nộp 900 Nhân dân tệ. Kỷ Tây Tài ở Đồn Cảnh sát Liên Hoa đã thu tiền, nhưng từ chối đưa biên lai và nói rằng anh ta sẽ trả lại vào mùa thu. Song, anh ta đã không làm như vậy.

Tháng 10 năm 1999, tôi lại đi đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện đòi công lý cho Pháp Luân Công. Tôi bị bắt tại Quảng trường Thiên An Môn và bị kết án 2 năm lao động cưỡng bức. Ở trong trại lao động, cảnh sát đã sốc điện tôi bằng dùi cui điện. Tôi sẽ không kể chi tiết về những ngược đãi triền miên mà tôi đã phải chịu đựng ở cơ sở này.

Trong một lần tới thăm tôi, con gái tôi kể với tôi rằng khi gia đình tôi bán thóc ở kho thóc, chính quyền thị xã đã tịch thu tiền của chúng tôi nhưng vẫn đưa cho chúng tôi hóa đơn. Đây chính là ăn cướp.

Sau khi tôi được trả tự do, tôi đã đề nghị họ trả lại số tiền đó. Trưởng đồn cảnh sát cho hay người tịch thu tiền đã chuyển đi rồi. Anh ta đe dọa sẽ tìm cớ để đưa tôi trở lại trại lao động nếu tôi cứ tiếp tục đòi tiền.

Không còn lựa chọn nào khác, tôi phải tìm công việc tạm thời. Vì thường xuyên bị sách nhiễu nên tôi không thể giữ một công việc ổn định. Con gái tôi đã phải bỏ học ở tuổi 16 để đi làm.

Bị đánh đập trong khi thẩm vấn

Ngày 29 tháng 10 năm 2009, một số cảnh sát mặc thường phục đã đột nhập vào căn hộ của chúng tôi khi tôi đang chăm sóc người mẹ đau yếu của mình. Mẹ tôi đã ôm lấy tôi và cầu xin cảnh sát: “Xin đừng bắt con gái tôi đi! Nó là một người tốt, không mấy ai tốt được như nó!” Bà ốm yếu đến mức không thể đứng lên được. Cảnh sát đã lôi tôi ra khỏi chỗ bà và lục soát nhà chúng tôi.

Tôi bị đưa đến đồn cảnh sát địa phương, bị trói chân tay vào một chiếc ghế kim loại và bị thẩm vấn. Khi tôi từ chối hợp tác, họ đã đánh đập tôi cho đến khi tôi ngất đi. Họ dội nước lạnh lên mặt tôi và tiếp tục tra khảo tôi. Tôi vẫn từ chối không chịu nói với họ bất cứ điều gì.

Cuộc thẩm vấn kéo dài đến tận tối. Một trong số những cảnh sát đã từng đánh đập tôi sau đó nói: “Hãy xin Sư phụ của chị (nhà sáng lập Pháp Luân Công) dừng trừng phạt tôi đi. Tôi đau đầu đến mức không thể chịu được nữa rồi. Tôi sẽ không đánh mọi người nữa.”

Tôi nói với anh ta: “Không phải là Sư phụ của tôi trừng phạt anh, mà là anh đang bị quả báo vì đã bức hại người tốt. Hãy cẩn thận với những gì anh làm sau này!”

Họ đưa tôi đến một trại tạm giam, ở đó tôi đã tuyệt thực để phản đối việc bức hại này. Tôi đã bị bức thực bằng ống xuyên qua mũi, khiến mũi tôi chảy máu và nước mắt tôi trào ra. Triệu chứng trào nước mắt vẫn theo tôi cho đến ngày hôm nay.

Bị kết án 10 năm tù giam

Em gái tôi thuê một luật sư không phải người ở địa phương. Chánh án Tòa án Thành phố Thư Lan, chủ tọa phiên tòa, và nhân viên của Phòng 610 đã đến trại tạm giam. Họ đe dọa là sẽ tịch thu giấy phép hành nghề luật sư và bắt giữ ông ấy trừ khi tôi loại ông ra khỏi vụ việc của mình.

Họ tuyên bố rằng: “Chị sẽ không có cơ hội thấy luật sư đó ở tòa đâu. Nếu chị không thuê ông ta nữa, chúng tôi sẽ tha cho ông ta. Luật sư đó đã luôn bào chữa cho học viên Pháp Luân Công các chị. Chúng tôi biết điều này. Cuối cùng thì ông ta sẽ bị liên lụy và bị bỏ tù thôi. Còn nữa, cấp trên đã đưa xuống các văn bản nói rằng những luật sư bào chữa không phải là người địa phương thì không được phép có mặt ở tòa án địa phương.”

Sáu, bảy người cũng yêu cầu như thế vài lần và còn đe dọa: “Đừng làm liên lụy những người khác [vì vụ việc của chị]. Chúng tôi có thể giúp chị lấy lại phí thuê luật sư. Ngay cả nếu chị từ chối bãi bỏ luật sư, chúng tôi vẫn có cách để không cho ông ta xuất hiện tại tòa. Chúng tôi đã có số thẻ căn cước của ông ta. Chúng tôi đã muốn xử lý ông ta lâu rồi.”

Khi tôi đề nghị được xem văn bản chính thức cấm những luật sư không phải người địa phương, đầu tiên họ đồng ý nhưng cuối cùng đã thừa nhận rằng đó là luật bất thành văn.

Một người trong số họ nói với tôi: “Chị mất tiền để thuê luật sư. Nếu ông ấy không thể xuất hiện ở tòa, thì chị đang lãng phí tiền rồi. Hãy nhìn con chị – chị sẽ làm ảnh hưởng đến cuộc sống, việc học hành và công việc của chúng. Nếu chị bãi bỏ luật sư, chúng tôi có thể giúp chị tìm một luật sư địa phương miễn phí.”

Tôi biết là vị luật sư đã được thuê là tốt cho tôi, nhưng tôi lại sợ làm liên lụy đến các đồng tu khác. Bởi vì không hiểu luật pháp, tôi đã bãi bỏ luật sư, tôi cảm thấy miễn cưỡng và bất lực. Tôi khóc. Họ đã chuẩn bị sẵn giấy tờ bãi bỏ và chỉ cần tôi ký là xong.

Thế là họ tìm cho tôi môt luật sư địa phương. Tôi cố gắng giảng chân tướng cho ông ấy về Pháp Luân Công và cuộc bức hại, cũng như vụ tự thiêu giả trên Quảng trường Thiên An Môn. Người luật sư đó nói rằng ông ấy không thể bào chữa cho tôi ở tòa với những sự thật mà tôi đã cung cấp cho ông ấy.

Sau đó, họ phân cho tôi một luật sư nữ ngoài 40 tuổi. Tôi hỏi cô ấy có biết về Pháp Luân Công không, cô ấy có biết tại sao tôi tu luyện Pháp Luân Công không, và tại sao rất nhiều người như vậy – gần 100 triệu người – bước vào tu luyện Pháp Luân Công chỉ trong 7 năm sau khi pháp môn được truyền ra công chúng. Cô ấy bảo tôi rằng đó là lần đầu tiên cô nghe về chủ đề này, và rằng bây giờ cô mới biết Pháp Luân Công thực sự là như thế nào.

Vào hôm xét xử, sáu xe cảnh sát đã đến trại tạm giam từ sáng sớm. Cảm thấy nực cười khi trông thấy nhiều cảnh sát vũ trang mặc áo chống đạn như vậy, tôi đã bình luận về việc lực lượng cảnh sát đang được sử dụng để bức hại một nhóm người vô tội thay vì chống tham nhũng, hút hít ma túy, và những kẻ lừa đảo. Một trong số họ nói với tôi: “Chị có thể nói điều này với chúng tôi, nhưng hãy cẩn thận với những gì chị nói trong khi xét xử. Nói ít đi thì hơn.”

Tòa án đã ngấm ngầm tổ chức phiên xét xử mà không thông báo cho gia đình tôi. Phiên xử chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn. Khi tôi từ chối ký bất cứ giấy tờ nào, họ nói rằng tôi sẽ phải nhận một bản án nặng vì sự ngang bướng của mình.

Sau khi bị giam ở trại tạm giam trong một năm 9 tháng, tôi đã bị kết án 10 năm tù vào ngày 5 tháng 7 năm 2011.

Bị tra tấn ở Nhà tù Nữ Trường Xuân

Tôi bị giam trong Nhà tù Nữ Trường Xuân từ ngày 5 tháng 7 năm 2011 đến ngày 28 tháng 1 năm 2019.

Ban đầu, họ bắt tôi ngồi thẳng lưng trên một chiếc ghế nhựa nhỏ với hai bàn tay đặt trên hai đầu gối. Tôi sẽ bị đánh nếu không giữ đúng tư thế như vậy. Hơn 20 “người giúp đỡ giáo dục” ngồi xung quanh tôi và thay phiên nhau cố gắng “chuyển hóa” tôi, hoặc ép tôi từ bỏ Pháp Luân Công.

Tôi kể cho họ tôi đã khỏi đủ thứ bệnh sau khi tu luyện Pháp Luân Công ra sao, và những người mà tôi biết đã thu được lợi ích từ việc thực hành Pháp Luân Công như thế nào, và ví dụ về thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo. Tôi giải thích tại sao vụ tự thiêu trên Quảng trường Thiên An Môn chỉ là một màn dàn dựng, khiến cho họ không nói được gì. Cuối cùng, họ đã bỏ cuộc đối với tôi, và tù nhân độc ác nhất, Bàng Thục Diễm, được giao việc theo dõi tôi.

Cai tù Dương Hy đã ra lệnh cho Bàng bắt tôi học thuộc lòng những quy định của nhà tù. Tôi từ chối vì những quy định đó là để cho các phạm nhân, chứ không phải cho các học viên Pháp Luân Công, những người sống chiểu theo nguyên lý Chân Thiện Nhẫn và không phạm bất cứ tội ác nào. Vì tôi không thừa nhận là có tội, những “người giúp đỡ giáo dục” và các tù nhân đã cấm tôi dùng nhà vệ sinh, bắt tôi nói tôi là một phạm nhân từ 50 đến 100 lần, và còn ngược đãi tôi theo nhiều cách khác nữa.

Sau khi tôi ngồi trên ghế nhỏ được 5 hay 6 ngày, họ lại đặt một bức ảnh của Sư phụ Lý Hồng Chí (nhà sáng lập Pháp Luân Công) ở dưới ghế, và vài người ghì tôi ngồi trên đó. Tôi chống lại bằng cách duỗi thẳng toàn thân và nằm trên mặt đất. Họ bèn lôi tôi vào nhà vệ sinh để đánh tôi.

Trong số họ, Bàng là người độc ác nhất, cô ta tiếp tục đánh vào mặt và miệng tôi. Tôi không thỏa hiệp. Cuối cùng, họ bắt tôi phải đứng khép hai chân lại với nhau và không được nhúc nhích. Tôi phải đứng trong tư thế đó từ 4 giờ sáng đến 10 giờ tối hàng ngày, đôi khi cho đến tận 1 giờ sáng. Sau 20 ngày bị tra tấn theo cách này, hai chân tôi sưng phù lên.

Vì tôi vẫn không chịu từ bỏ Pháp Luân Công, cai tù Dương nói: “Chị đứng ở đó một mình trong khi nhiều người như thế nhìn chị. Chị vẫn muốn ngủ à?” Những tù nhân giám sát tôi coi đây như một lời gợi ý và quyết định không cho tôi ngủ.

Sau 5 ngày đứng ròng không ngủ, Bàng mang đến một số bức ảnh của Sư phụ Lý và đề nghị lột quần tôi ra rồi dán những bức ảnh đó lên người tôi. Tôi tức giận đến mức tôi đã đẩy họ ra xa. Họ ngạc nhiên trước sức mạnh của tôi mặc dù tôi đã không ngủ trong 5 ngày liền.

Sau đó họ nói: “Vì ngồi trên ghế, đứng và không được ngủ không thể thay đổi chị, chúng tôi quyết định cho phép chị ngồi trong tư thế hoa sen. Chị không được phép bỏ chân xuống, và chị phải giữ hai tay ở trên đầu.”

Tôi đã phải làm như vậy trong 12 tiếng đồng hồ, cho đến tận sáng hôm sau. Tính đến lúc đó, tôi đã phải đứng trong 25 hay 26 ngày liên tiếp và không được ngủ trong 6 ngày.

Bức hại leo thang

Ngày 5 tháng 8 năm 2011, một lô tù nhân đã được trả tự do. Nhà tù bắt đầu tổ chức lại các đơn vị và giao cho những kẻ sát nhân hay lừa đảo đã bị kết tội giám sát các học viên Pháp Luân Công. Khoảng 7 người được giao việc canh chừng tôi. Một trong số họ là Lý Trường Chi, người đã tuyên bố rằng cô ta có thể khiến một học viên phát điên hoặc trở nên ngớ ngẩn.

Họ cấm tôi dùng nhà vệ sinh và không được tắm rửa. Có lần tôi không thể chịu đựng được nữa và đã làm ướt quần mình. Họ bèn chế giễu tôi và nói: “Thật xấu hổ cho một người lớn như Cao Ngọc Hương mà lại đái ra quần.” Tôi bật khóc vì cảm thấy quá xấu hổ.

Họ viết một câu có nội dung phỉ báng Pháp Luân Công và bảo tôi viết lại câu đó nếu tôi muốn dùng nhà vệ sinh. Tôi đã không tỉnh táo và sợ lại bị cười nhạo một lần nữa nếu tôi làm ướt quần. Tôi cũng lo sợ rằng tôi sẽ làm bẩn sàn nhà mà mọi người vẫn ngồi ăn, nên tôi đã tuân theo yêu cầu của họ. Sau khi đi vào nhà vệ sinh, đầu óc tôi thanh tỉnh trở lại, và tôi cảm thấy hối hận sâu sắc trong tâm.

Rồi họ dùng cách tra tấn “trói buộc” đối với tôi. Họ bắt tôi nằm trên một chiếc giường và úp mặt xuống, hai bắp chân tôi bị kéo lên với hai bàn chân gần chạm mông, còn đầu tôi bị kéo về phía lưng. Mỗi khi tôi thay đổi tư thế là họ lại đánh tôi. Họ thay phiên giám sát tôi từ 4 giờ sáng cho đến 10 giờ tối. Tôi được phép ngồi dậy một lúc vào các bữa ăn.

Sau 10 ngày, họ không còn cho tôi ngồi dậy để ăn mà xúc cho tôi. Tôi không thể nuốt thức ăn nên đã làm bẩn giường. Khi tôi tức giận và ngồi dậy, Bàng Thục Diễm đã túm đầu tôi đập vào tường. Tôi nói tôi sẽ kiến nghị với trưởng khu, và Bàng đề nghị tự đi tìm bà ấy.

Thay vì đi gọi trưởng khu, cô ta lại gọi một tù nhân ở tầng 5 (chuyên dùng để tra tấn học viên Pháp Luân Công) trông rất cao lớn và tàn bạo. Tù nhân đó vừa đánh tôi vừa nói: “Tao được đội trưởng đặc biệt giao cho việc xử lý các học viên. Mày có phàn nàn với ai cũng vô dụng. Chính quyền cho phép tao làm bất cứ điều gì. Đánh [các học viên] đến chết sẽ được tính là họ tự tử. Nhà tù này có hạn mức chết là 4 đến 5 người mỗi năm.” Cô ta tiếp tục đánh tôi cho đến khi thấm mệt và bỏ đi.

Họ trói tôi trở lại tư thế đau đớn ở trên giường từ 4 giờ sáng đến 11 giờ đêm. Điều này kéo dài trong 49 ngày. Tôi chỉ còn da bọc xương và khó lấy máu trong lần khám sức khỏe định kỳ. Từ ngày đó trở đi, họ ngừng việc tra tấn này và cho phép tôi ra khỏi giường.

Tẩy não không thành công

Họ bảo tôi đưa cho họ danh sách người nhà có thể vào thăm tôi. Lúc đó tâm trí tôi trống rỗng, và tôi không thể nhớ ra được số điện thoại của con gái mình, tên con rể mình hay thậm chí cả tên cháu mình. Các tù nhân lại cười giễu tôi. Tôi cũng phá lên cười, nhưng đó không phải là một kiểu cười bình thường. Tim tôi đau đớn, và tôi bật khóc. Tôi không thể kiểm soát được bản thân mình. Ai cũng nghĩ rằng tôi đã trở nên ngớ ngẩn.

Tôi cố gắng nhớ lại những bài giảng của Pháp Luân Đại Pháp nhưng không thể nhớ ra bất cứ điều gì. Mỗi khi tôi nhớ ra một câu, tôi sẽ tiếp tục nhẩm đi nhẩm lại câu đó. Dần dần, tôi đã có thể nhớ được ngày một nhiều hơn và tâm trí tôi trở nên thanh tỉnh. Đại Pháp đã lại cứu vớt tôi khỏi bờ vực của suy sụp tinh thần.

Họ đưa tôi một quyển sổ để viết ra những gì tôi muốn viết về Đại Pháp. Tôi suy nghĩ cẩn thận và viết một cách chậm rãi. Tôi viết trong 3 ngày và viết kín cả quyển sổ về những trải nghiệm của bản thân trong khi tu luyện Đại Pháp, cả những trải nghiệm của người thân và bạn bè tôi, và những câu chuyện về thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo. Rồi tôi đưa cuốn sổ đó cho một cai tù.

Họ yêu cầu tôi đọc những bài viết lăng mạ Đại Pháp, nhưng tôi từ chối. Họ bắt tôi xem băng hình tuyên truyền phỉ báng Đại Pháp, bao gồm vụ tự thiêu trên Quảng trường Thiên An Môn, v.v. Một hôm họ tìm thấy một trong những bài viết của Sư phụ Lý mà tôi đã mang đến từ trại tạm giam. Tôi đã bị phạt bằng cách phải đứng trong nhiều giờ đồng hồ, và Bàng đánh đập tôi bằng một cuộn giấy.

Có người báo cáo tình trạng của tôi cho một cai tù vẫn còn lương tâm. Cô ấy gọi tôi vào văn phòng và hỏi liệu có ai đã đánh tôi không. Tôi không trả lời vì Bàng đang ở đằng sau tôi. Cô ấy bảo Bàng đi khỏi và sau đó bảo tôi cởi quần áo ra. Thân thể tôi đầy các vết bầm tím. Nhiều cai tù trông thấy điều đó, và một số đã ngã ngửa vì những vết thương của tôi.

Bàng không còn được giao giám sát tôi nữa, và tôi bị ra lệnh phải “học tập” trong một bộ phận kiểm soát ngặt nghèo trên tầng 3, mà thực chất là để tẩy não. Tù nhân Từ Trường Bình, người được giao việc giám sát tôi, lôi ra một sợi dây dài và dọa sẽ tra tấn bằng cách treo tôi lên nếu tôi từ chối đi “học”.

Tôi được sắp xếp ở trong một căn phòng thay vì một buồng giam. Nhưng tôi vẫn phải đến buồng của Bàng Thục Diễm để dùng nhà vệ sinh. Tôi bị bắt phải dọn sạch nhà vệ sinh cả trong lẫn ngoài sau mỗi lần sử dụng. Ngay cả đến thế, Bàng vẫn thường từ chối cho tôi dùng nhà vệ sinh.

Cũng như hầu như tất cả các học viên Pháp Luân Công bị cầm tù ở đó, tôi bị bắt phải lao động cưỡng bức trong khi bị ngược đãi cả về thể xác lẫn tinh thần. Đến năm 2016, thành quả lao động của tôi đã có thể giảm thời hạn tù của tôi xuống khoảng 2 năm. Song, chỉ vì tôi từ chối viết những bản tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công, các quan chức nhà tù đã từ chối giảm thời hạn tù cho tôi.

Tổng quan về việc bức hại các học viên Pháp Luân Công của Nhà tù Nữ Trường Xuân​

Tất cả các học viên Pháp Luân Công ở Nhà tù Nữ Trường Xuân đều bị giam ở Khu số 8, do Nghê Tiếu Hồng phụ trách.

Khu này được chia thành 6 Đội. Một số học viên bị giam trên tầng 3 để tẩy não. Những người ở tầng 2 bị kiểm soát chặt chẽ, còn những người ở tầng 1 bị đặt dưới sự kiểm soát cực kỳ ngặt nghèo. Tất cả những ai từ chối bị “chuyển hóa” đều bị cô lập và bị khoảng 6-7 tù nhân giám sát.

Trên tầng 3, hai tù nhân được giao theo dõi mỗi học viên. Đến vào nhà vệ sinh họ cũng phải đi cùng nhau. Những người từ chối bị “chuyển hóa” bị bắt phải ngồi trên một chiếc ghế nhỏ, bị bắt đứng trong nhiều giờ đồng hồ, bị đánh đập, không cho ngủ trong nhiều ngày, v.v. Một số người còn bị tra tấn bằng “ghế cọp”, “trói buộc”, “giường chết”, “giường kéo căng người”, v.v.

cd25e95564b6870a32ca90eac90d41ff.jpg

Minh họa cảnh tra tấn: Giường kéo căng

Các tù nhân trong nhà tù này thường dậy vào lúc 5h30 sáng, nhưng để tăng “tỷ lệ chuyển hóa”, các học viên bị bắt dậy lúc 4h sáng và phải ngồi trên những chiếc ghế nhỏ từ 4h sáng đến 10h tối. Đồng hồ bị tháo khỏi buồng giam để các học viên không biết giờ giấc và để họ tùy tiện kéo dài thời gian trừng phạt. Hình thức ngược đãi này đã kéo dài trong khoảng nửa năm.

Vào cuối năm 2018, họ đã ngừng việc bắt các học viên dậy sớm nhưng vẫn tiếp tục bắt học viên ngồi trên những chiếc ghế nhỏ. Các tù nhân thay phiên nhau canh chừng các học viên. Một số ghế nhỏ có một lỗ nhỏ ở giữa, và những tù nhân này chủ định nhét một thanh giấy vào đó, buộc học viên phải ngồi ra rìa ghế. Một số học viên phải ngồi nhiều đến mức chân họ run lên, một số người còn bị những vết thương mưng mủ ở mông, khiến cho quần lót của họ dính bết vào các vết thương.

Vì bị tra tấn, một số học viên đã trở nên ngớ ngẩn hoặc bị suy sụp tinh thần. Một đồng tu bị ép ngồi trên một chiếc ghế mà trên mặt ghế có ảnh của Sư phụ. Nếu cô ấy từ chối thì họ sẽ đánh cô. Cuối cùng, cô không thể chịu được nữa và gục xuống. Nhưng những kẻ tàn ác đó vẫn không để cho cô yên mà còn giễu cợt cô. Tiếng cười của họ nghe như âm thanh đến từ địa ngục và không còn một chút nhân tính nào.

Tôi nhớ có một học viên khác bị nhốt vào buồng biệt giam trong 2 tháng vì đã đọc một bài viết của Sư phụ. Khi cô được thả ra, cô không thể đi được nữa và bị hai người kéo lê trên hành lang.

Hơn 19 học viên, trong đó có bà Vương Nhã Hân, bà Lý Thụy Anh, và bà Ngưu Ngọc Huy, đã bị giam trong tầng 1 vào khoảng tháng 4 năm 2018. Ngoài việc phải ngồi trên những chiếc ghế nhỏ, họ còn chỉ được cho ăn dưa muối. Họ không được phép mua đồ ăn hay gặp người vào thăm. Họ cũng không được phép tắm, rửa mặt hay đánh răng trong một thời gian dài.

Việc uống nước cũng bị hạn chế. Một số người thậm chí đã phải uống nước được dùng để xả nhà vệ sinh. Sau khi ngày một nhiều các chi tiết của cuộc bức hại các học viên bị vạch trần công khai, họ đã được cung cấp đồ ăn tù bình thường vào cuối năm 2018.

Còn một thủ đoạn tẩy não được gọi là học tập văn hóa truyền thống. Những “người giúp đỡ giáo dục” mở những chương trình video đặc biệt, hướng dẫn từng học viên và bắt họ làm bài tập về nhà hàng ngày. Do không được đọc các sách của Pháp Luân Công và bị đe dọa và trong môi trường hà khắc, nhiều học viên vì thế mà đã bị “chuyển hóa”.

Vào đầu năm 2019, vẫn có hơn 100 học viên Pháp Luân Công trong Nhà tù Nữ Trường Xuân.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/6/6/388248.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/6/25/178203.html

Đăng ngày 05-07-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share