Bài viết của Hàn Húc

[MINH HUỆ 20-11-2018] Tiếp theo Phần 1

[Ghi chú của Ban Biên tập: một chuyên gia tài năng của tỉnh Cam Túc đã liên tục bị bắt giữ vì từ chối từ bỏ Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ tháng 7 năm 1999. Ông bị kết án 10 năm tù sau lần bắt giữ thứ ba vào tháng 5 năm 2002. Ông Hàn Húc, một người thông thạo bốn ngôn ngữ, thuật lại chi tiết những tra tấn mà ông phải chịu đựng trong loạt bài viết gồm hai phần này].

Kết án phi pháp 10 năm

Trong tại tạm giam, một người có liên hệ với nhân viên của Phòng 610 bảo tôi rằng các vụ án của học viên Pháp Luân Công, trong đó có tôi, bị liệt vào một trong 10 “đại án” của huyện Hộ. Phòng 610, hệ thống công kiểm pháp (công an, kiểm sát, tư pháp) liên hợp bàn bạc nội bộ và đã định đoạt sẵn bản án của chúng tôi.

Trước khi mở phiên tòa, họ giả bộ cung cấp tư vấn pháp lý miễn phí cho chúng tôi. Khi tôi hỏi luật sư rằng liệu có thể biện hộ vô tội cho tôi không, ông ta nói rằng bên trên không cho ông ta làm vậy. Do đó, tôi quyết định tự biện hộ cho mình.

Trong phiên tòa, thẩm phán không cho tôi đọc những lời biện hộ mà tôi đã tự viết, nhưng tôi đã vạch trần được việc tôi bị tra tấn bức cung. Họ cuống quýt giật lấy micro của tôi và khống chế tôi ra khỏi phòng xử án. Cuối cùng, cả 10 người chúng tôi đều bị kết án. Tôi bị kết án 10 năm tù.

Trong thời gian tôi bị giam trong trại giam, tôi nói với các tù nhân ở đó về Pháp lý Chân-Thiện-Nhẫn và chia cho họ đồ ăn của tôi. Vào mùa đông, tôi đem quần áo của mình cho họ mặc. Tù nhân trưởng nói rằng Pháp Luân Công tốt như vậy, mọi người cũng nên học “Chân-Thiện-Nhẫn” và không đánh người mới nữa.

Điều kiện sinh hoạt trong trại giam vô cùng khổ sở. Mỗi bữa ăn chúng tôi chỉ được cung cấp một tô nước có vài cọng rau, đáy bát thì đóng cặn bùn, trên mặt nước thì nổi lềnh bềnh một lớp sâu. Mùa đông thì phải ngồi trực tiếp trên sàn xi măng, chúng tôi lạnh cóng người và run lẩy bẩy.

Trong tám tháng tôi bị giam ở huyện Hộ, Cục Công an Huyện Hộ đã liên tục đổi chúng tôi từ diện giam giữ hình sự sang giám sát tại nơi cư trú và ngược lại để năm tháng tôi bị giam giữ ban đầu không được tính vào thời gian thụ án tù, nhưng thực tế chúng tôi bị đưa đến trung tâm cai nghiện.

Chúng tôi bị đưa tới Nhà điều dưỡng của Công nhân Huyện Trường An (hay còn gọi là Trại tẩy não Tây An) sau khi chúng tôi tuyệt thực kháng nghị tập thể.

Cục Công an Huyện Hộ còn cướp đoạt tiền mà các học viên mang theo người, viện cớ rằng đó là chi phí tiền ăn tại trung tâm cai nghiện. Họ bắt tôi viết thư gửi đến Cục Công an Lan Châu, yêu cầu họ khấu trừ 3.000 đến 10.000 tệ mà họ đã lấy của tôi vào chi phí sinh hoạt ở trung tâm này. Tôi đã từ chối. Cảnh sát cũng nhiều lần đến ngân hàng cố gắng yêu cầu tịch biên tài khoản ngân hàng của tôi, nói rằng đó là tiền phi pháp, nhưng bị ngân hàng cự tuyệt. Cuối cùng họ đã trả lại khoản tiền 10.000 tệ này sau khi gia đình tôi đệ đơn khiếu nại lên viện kiểm sát.

Biệt giam

Sau khi bị giam tám tháng trong trại tạm giam Huyện Hộ, tôi bị chuyển tới Nhà tù Vị Nam. Nhà tù này còn được gọi là Nhà tù Số 2 Tỉnh Thiểm Tây, vốn là nơi giam giữ tội phạm bị kết án chung thân hoặc giam các tử tù hoãn thi hành án. Đây cũng là căn cứ mà họ dùng để “chuyển hóa” các nam học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Thiểm Tây.

Hầu hết các phạm nhân ở các khu vực trong nhà tù đều phải tham gia sản xuất nồi hơi, số ít còn lại làm quần áo trẻ em để xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu, và làm các vật dụng khác xuất khẩu sang New Zealand. Các tù nhân bị cưỡng bức làm việc hơn 10 giờ mỗi ngày, những ai không đạt chỉ tiêu sẽ phải làm thêm giờ.

Tôi bị biệt giam, và có hai tù nhân được giao nhiệm vụ giám sát tôi 24/24 kể từ đầu năm 2003. Tôi không được phép tiếp xúc với bất kỳ ai và các tù nhân đó đi theo tôi mọi lúc mọi nơi, thậm chí ngay cả khi tôi đi vệ sinh.

Khi vừa đến nhà tù này, tôi bị yêu cầu lao động nhưng tôi từ chối. Tôi nghiêm chỉnh nói với cảnh sát rằng tôi không phạm tội, tôi không phải làm việc mà một phạm nhân phải làm. Tôi cũng từ chối điểm danh.

Để đòi quyền luyện công của mình, tôi tuyệt thực nhiều lần, dài nhất là 25 ngày. Sau đó họ đưa tôi đến bệnh viện nhà tù để bức thực. Một bác sỹ biết tôi đã âm thầm bảo tôi hãy ngừng tuyệt thực, bởi khi bức thực họ thường sẽ cố ý làm những động tác vô cùng tàn bạo hòng khiến chúng tôi thống khổ.

Bởi vậy tôi bảo với trưởng khoa giáo dục và trưởng nhà tù rằng nếu có chuyện gì xảy ra với tôi khi tôi bị bức thực, gia đình tôi sẽ đệ đơn kiện họ. Sau đó, trưởng đội lính canh tự ra tay bức thực tôi để tránh việc tôi bị bức hại quá nghiêm trọng.

Phòng cấm bế

Năm 2006, nhà tù bắt đầu thực hiện cái gọi là “chuyển hóa” học viên Pháp Luân Công sau khi học kỹ thuật “chuyển hóa” từ Trại lao động Cưỡng bức Mã Tam Gia.

Một hôm, trong một cuộc “họp chuyển hóa”, khi thấy các học viên đã bị cưỡng chế viết “tam thư” bị ép đứng lên bục nói những lời lăng mạ Đại Pháp, tôi cùng một học viên khác đã đứng lên và hô lớn: “Pháp Luân Đại Pháp hảo! Phản đối bức hại!” Tiếng hô của chúng tôi vang vọng khắp tòa nhà.

Khi hai tù nhân đứng cạnh chúng tôi định thần lại sau sự việc đột ngột này, họ vội vàng bịt miệng chúng tôi lại và đẩy chúng tôi ngã xuống sàn. Tôi bị bất tỉnh. Lính canh còng tay chúng tôi, túm cổ áo kéo chúng tôi lên, rồi họ giam và tra tấn chúng tôi trong phòng biệt giam ba tháng.

2005-10-15-heizuizi-06--ss.jpg

Tái hiện cảnh tra tấn: Giam trong phòng cấm bế

Có một khu gọi là “khu cấm bế” với một hành lang dài. Nơi đây lúc nào cũng lờ mờ không đủ ánh sáng và có một khu vực nhỏ để tù nhân tập thể dục. Mỗi buồng giam nhỏ ở khu cấm bế này chỉ rộng chừng sáu đến bảy mét vuông, nó giống hệt với cái lồng nhốt sư tử hổ báo trong vườn bách thú, không gian rất nhỏ, có một chiếc camera giám sát lắp trên trần nhà và ngay dưới camera là bồn cầu xổm. Những người bị nhốt trong buồng giam phong bế này được thả ra ngoài hai lần một ngày để tắm rửa.

Trong mùa hè, các buồng giam dạng này biến thành các phòng tắm hơn. Mặc dù có một cửa sổ nhỏ trên trần nhà, nhưng nó không lớn lắm, căn bản là không thấy được ánh sáng mặt trời.

Tra tấn tẩy não

Sau ba tháng, tôi bị chuyển từ phòng cấm bế tới phòng biệt giam, ba tù nhân phạm tội giết người được giao nhiệm vụ giám sát tôi. Tôi thấy một đường kẻ màu vàng mới được sơn trong phòng biệt giam với một tấm biển được treo ngoài cửa cảnh báo rằng người ngoài cấm đi qua vạch kẻ vàng. Các bức tường của phòng giam dán đầy những biểu ngữ có nội dung phỉ báng Pháp Luân Công, và buồng giam chỉ có một ô cửa sổ nhỏ nhưng đã bị che lại bằng giấy.

Tôi biết là họ chuẩn bị tra tấn tôi.

Tù nhân trưởng thông báo với tôi rằng tôi sẽ không thể bước ra khỏi cửa trừ phi tôi bị “chuyển hóa”, và tôi không được trò chuyện với bất kỳ ai. Tôi bị bắt ngồi trên một chiếc ghế nhỏ từ 7 giờ 30 sáng đến 9 giờ 30 tối hàng ngày và không được tiếp xúc với bất cứ thứ gì ngoại trừ tài liệu “chuyển hóa”.

Cả ngày tôi bị cưỡng chế tẩy não và phải xem các VCD tẩy não, và cứ một tiếng rưỡi tôi được nghỉ 10 phút, tuy nhiên tôi chỉ được đi lại trong phòng. Khi cảnh sát phụ trách phiên tẩy não đến nói chuyện với tôi, tôi cảnh cáo anh ta không được tra tấn tôi, bằng không họ sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn nếu có gì xảy ra với tôi.

Khi tôi ngồi trên chiếc ghế nhỏ đó cả ngày, tôi liên tục nhẩm Pháp, việc này giúp tôi được gia trì năng lượng và được an ủi. Khi họ bắt tôi viết báo cáo về những gì đã học được, tôi liền viết ít nhất bảy đến tám trang giấy về Đại Pháp và giảng chân tướng cho họ. Tôi viết tổng cộng 84 bài như vậy trong bảy tháng bị tẩy não.

Tù nhân uy hiếp tôi và không cho tôi tắm rửa trong tháng 8, đây là tháng nóng nhất trong mùa hè. Khi tôi kháng nghị chủng ngược đãi này và yêu cầu được gặp cảnh sát canh tù, thì họ bắt tôi phải điền vào lá đơn đề nghị, nhưng họ liền xé toạc nó sau khi tôi điền xong. Họ bảo tôi rằng cảnh sát sẽ không gặp tôi trừ phi tôi bị “chuyển hóa”.

Tôi phải chịu đựng cảnh tra tấn như vậy trong bảy tháng. Có một tù nhân nghiện ma túy hễ nhìn thấy tôi liền chế giễu rằng tôi ở trong phòng biệt giam đó quá lâu. Sau đó tôi biết rằng lính canh từng xúi giục anh ta tra tấn các học viên Pháp Luân Công và anh ta được giảm án nhờ làm vậy.

Mùa đông năm 2009, một lần nữa họ lại giam tôi trong phòng biệt giam ở khu cấm bế hai tháng khi tôi viết một lá thư vạch trần những ngược đãi xảy ra trong nhà tù.

Tôi bị bắt phải gồi trên sàn gạch lạnh giá vào ban ngày. Đêm đến, khí lạnh khiến tôi không ngủ nổi, dù tôi mặc trên người quần áo bông và quấn chăn, nhưng cũng không chống chọi nổi cái lạnh thấu xương đó. Lúc thức giấc, tôi có thể ngồi trùm chăn như vậy cho tới sáng. Khi ở trong phòng giam này, tôi chỉ được cấp một cái bánh bao và một miếng rau mỗi ngày. Căn bản là ăn không đủ no.

Có lần, cảnh sát muốn thẩm vấn tôi vào ngày trời giá rét nhất. Họ còng tay tôi vào một chiếc ghế trong phòng thẩm vấn hơn ba giờ đồng hồ, nhưng không thấy ai tới. Chiếc ghế sắt lạnh buốt, cửa sổ và cửa chính đều để mở, và tôi gần chết vì lạnh cóng.

2006-3-4-msj-kuxin-58--ss.jpg

Công cụ tra tấn: Ghế sắt

Sỉ nhục nhân phẩm

Nhằm ép tôi từ bỏ đức tin của mình, họ không những tra tấn thể xác mà còn sỉ nhục nhân phẩm tôi.

Khi tôi bị giam ở khu cấm bế, tôi không được tắm rửa, nên tôi phải dùng nước từ bồn cầu.

Có một cái nút ở phía sau bể nước của bồn cầu, và nước sẽ phun ra mỗi khi nhấn nút. Phần phía trước là chỗ để ngồi đại tiện. Ban đầu khi tôi vừa bị đưa đến phòng giam này, tù nhân bảo tôi tìm một miếng giẻ để lau chùi nhà vệ sinh để tôi có thể lấy nước ở trong bồn cầu rửa mặt.

Nhìn thấy bồn cầu nhuốm vàng loang lổ, bụng tôi sôi trào. Trước bữa ăn, vì quá khát nên tôi phải ấn nút đó và lấy tay hứng một vốc nước để uống trong khi hai mắt nhắm chặt. Tư tưởng lại một phen cuộn dâng, nhất là khi tôi nghĩ tới việc bản thân từng là một nhân viên cốt cán khi làm việc tại đơn vị, nói trôi trảy bốn thứ tiếng, có thể đàm phán giao thương với khác hàng ngoại quốc….

Nhưng thời khắc này tôi lại bị bắt giam tới nơi hắc ám này, vì sinh tồn mà phải dùng nước ở nơi vệ sinh này mà cho vào miệng. Đây chẳng phải là vô cùng vũ nhục sao! Tôi nghĩ rằng, sau này có cơ hội, tôi sẽ nói hết thảy những chuyện này với bạn học, giáo viên, bạn bè người nước ngoài, và khách hàng của tôi, họ chắc sẽ không tin nổi chúng là sự việc có thật tồn tại ở Trung Quốc trong thế kỷ 21.

Tôi có thể kiên trì trụ vững trước 10 năm bị đày đọa như vậy trong khi bị giam cầm là bởi trong tâm tôi luôn có Sư phụ và Đại Pháp. Cuối cùng, ngày 22 tháng 12 năm 2012 tôi đã được trả tự do.

Lại bị bắt giữ và tẩy não

Tháng 8 năm 2017, tôi lại bị người của Đồn Công an Củng Tinh Đôn bắt giữ vì giảng chân tướng Pháp Luân Công cứu người. Họ không hề xuất trình giấy tờ chứng minh thân phận hay nói danh tính đơn vị công tác. Họ lục soát nhà tôi mà không có lệnh khám xét, hàng xóm của tôi cũng bị giam giữ và nhà của họ bị lục soát khi cảnh sát không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào ở nhà tôi. Sau đó họ lấy đi máy tính xách tay và máy in của tôi.

Tôi nói với viên cảnh sát tên Tô Tuấn rằng việc lục soát nhà tôi mà không có lệnh khám là phi pháp, anh ta đáp lại rằng lãnh đạo của anh ta chính là lệnh khám.

Tôi bị đưa tới thẩm vấn ở Đồn Công an Vị Nguyên Lộ, tôi không phối hợp. Cuối cùng, Tô đã ghi chép lại những gì tôi nói, sau đó in ra bắt tôi ký tên vào đó.

Tôi hỏi anh ta tại sao không viết tên anh ta và đơn vị công tác của anh ta vào tờ giấy đó trước khi yêu cầu tôi ký. Tôi cũng bảo anh ta viết rằng việc anh ta lục soát nhà tôi mà không có lệnh khám nhà là phi pháp và rằng Tổng cục Báo chí và Xuất bản đã bãi bỏ lệnh cấm sách của Pháp Luân Công, điều này có nghĩa rằng mọi tài liệu Pháp Luân Công mà tôi có đều không phải là những vật phẩm phi pháp.

Tôi bảo anh ta rằng tôi sẽ không ký tên vào tờ giấy đó khi anh ta nói rằng anh ta không thể ghi lại và báo cáo mọi thứ mà tôi nói. Anh ta nói rằng tôi không ký tên cũng được. Tuy nhiên, sau đó hai cảnh sát khác đến, họ cưỡng chế lấy dấu vân tay và mẫu máu của tôi, và họ còng tay tôi vào ghế sắt suốt đêm. Sáng hôm sau, Tô đến và tuyên bố rằng tôi sẽ bị giam giữ hình sự 15 ngày và phạt 2.000 tệ.

Trong khi bị giam giữ, tôi nói với mọi người về Pháp Luân Đại Pháp và khuyên hơn chục người làm tam thoái (thoái Đảng, Đoàn, Đội).

Một cảnh sát chủ động muốn tranh luận với tôi về Đại Pháp. Khi tôi giảng chân tướng về pháp môn, anh ta nói: “Tôi cãi không nổi anh.”

Sau đó, mỗi khi ai đó thấy tôi họ liền hô lớn “Pháp Luân Đại Pháp hảo!”

Đến ngày thứ 14, cảnh sát sợ gia đình tôi sẽ đến tìm tôi, nên họ chuyển tôi tới Trại tẩy não Cung Gia Loan. Tôi đã tuyệt thực để phản đối chủng bức hại này. Trong thời gian đó, chị gái và anh rể tôi chạy xuôi ngược khắp nơi để tìm tung tích của tôi.

Cảnh sát gọi điện cho gia đình tôi bảo mọi người đến đón tôi. Mặc dù tôi về nhà, nhưng đến giờ tôi vẫn đang bị theo dõi.

Trong gần 11 năm qua, tôi bị sa thải, vợ tôi vì không chịu nổi áp lực to lớn mà ly hôn tôi.

Chị gái tôi năm nay đã ngoài 60 tuổi, và anh rể tôi đã dùng gần như toàn bộ tiền tiết kiệm của họ để thăm hỏi tôi trong khi tôi bị giam giữ trong trại tạm giam và nhà tù. Người cha già gần 90 tuổi của tôi chỉ có một chú chó nhỏ tàn tật làm bạn, trong hơn chục năm qua ông từng thời từng khắc mong ngóng đứa con trai duy nhất của ông trở về.

Và tôi chỉ là một trong số hàng nghìn hàng vạn học viên Pháp Luân Công thiện lương vẫn đang bị bức hại phi pháp vì kiên định đức tin của mình.

Những bi kịch nhân gian như vậy vẫn đang hàng ngày xảy ra ở Trung Quốc Đại Lục. Tại đây, xin được khuyên những nhân viên công kiểm pháp đang làm theo chính sách bức hại của tập đoàn Giang Trạch Dân kia hãy mau chóng cải tà quy chính! Pháp Luân Công là Đại Pháp cao đức của Phật gia, Chân-Thiện-Nhẫn là giá trị phổ quát; học viên Pháp Luân Công là những người từ bi, sẽ không ôm hận các bạn bởi các bạn đã bức hại cá nhân họ. Nhưng đại tội bức hại Phật Pháp là điều mà các bạn vĩnh viễn không sao bồi hoàn được. Vì tương lai của bản thân và người nhà, hãy ngừng bức hại, sữa chữa tội ác, mới có thể được cứu, mới có tương lai.

Bài viết liên quan:

Ông Hàn Húc, một thương nhân thông thạo bốn ngôn ngữ bị bỏ tù phi pháp và bị tra tấn mười năm vì kiên định đức tin của mình


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/11/20/377355.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/12/4/173497.html

Đăng ngày 16-12-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share