Bài viết của một phóng viên Minh Huệ ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 20-5-2019] Bà Tiền Hữu Vân, 54 tuổi, là cư dân thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Bà đã liên tục bị bắt vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, một môn tu luyện cả tâm lẫn thân dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ tháng 7 năm 1999.

Bà Tiền bị tra tấn trong suốt bốn năm ngồi tù. Chỉ ba tháng sau khi ra tù, bà lại bị bắt phi pháp vào ngày 23 tháng 4 năm 2019 vì nói chuyện với mọi người về việc bản thân bị tra tấn và những lợi ích của tu luyện Pháp Luân Công. Hiện vẫn chưa biết bà ở đâu.

Pháp Luân Đại Pháp đã cải biến bà thành một người mới

Bà Tiền sinh ngày 8 tháng 6 năm 1965 tại thành phố Vũ Hán. Bà từng là nhân viên của một công ty trực thuộc Cục Lương thực của khu Giang Hạ, thành phố Vũ Hán. Trước khi tu luyện Pháp Luân Công, bà bị hen suyễn và một số bệnh khác. Bà cũng đánh mạt chược cả ngày, không lo chuyện nhà cửa. Gia đình bà luôn cãi nhau và mâu thuẫn triền miên.

Ngày 13 tháng 5 năm 1998, bà Tiền được giới thiệu Pháp Luân Đại Pháp, và đã trở thành một học viên. Bà đã khỏi các chứng bệnh và từ bỏ nhiều tật xấu. Bà cảm thấy cả tinh thần lẫn thể chất đều thăng hoa khi chiểu theo Pháp lý Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Đại Pháp.

Pháp Luân Đại Pháp đã biến đổi bà thành một người mới. Bà chủ động gánh vác việc nhà và gia đình trở nên hoà thuận. Chứng kiến sự thay đổi tích cực của bà, nhiều thành viên trong gia đình cũng bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Một người đã có thể đi lại được sau khi phải dùng nạng trong nhiều năm, còn những người khác từ bỏ cờ bạc và các tật xấu khác.

Cuộc bức hại

Sau tháng 7 năm 1999, Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo chính quyền cộng sản Trung Quốc, đã thành lập Phòng 610 và bắt đầu đàn áp hàng chục triệu học viên Pháp Luân Công vô tội.

Giống như nhiều học viên Pháp Luân Công khác, bà Tiền đã đến Bắc Kinh vào tháng 1 năm 2000 để thỉnh nguyện công lý cho Pháp Luân Công, vì bà tin rằng không có gì sai khi hướng bản thân làm người tốt theo Chân-Thiện-Nhẫn.

Hai công an của Đồn Công an Khu Giang Hạ đã đưa bà về lại quê nhà và bà bị bức hại kể từ đó.

Bà Tiền đã bị cầm tù và tra tấn hơn năm năm tại nhiều nơi khác nhau, bao gồm các trại tạm giam, trại lao động, nhà tù và trung tâm tẩy não.

Bà bị treo người lên trong nhiều ngày, bị “giám sát viên cá nhân” theo dõi cả ngày, bị ép đứng trong nhiều giờ liền mỗi ngày trong hơn sáu tháng, bị đánh đập, cấm ngủ, bức thực và lăng mạ.

Cha mẹ bà Tiền đã cố gắng giải cứu bà, viện dẫn Hiến pháp Trung Quốc để biện hộ cho bà, nhưng mọi nỗ lực của họ đều thất bại.

Hành vi phi pháp của công an Trung Quốc

Người của đồn công an địa phương và uỷ ban khu phố đã đến nhà bà Tiền nhiều lần viện cớ là kiểm tra hộ khẩu. Khi bà từ chối mở cửa, họ đã cố dùng nhiều lý do khác.

Một ngày, công an xuất hiện và bao vây nhà bà. Bà đã xé những miếng vải nhỏ và bện chúng thành một sợi dây để trốn thoát. Bà bị ngã và bị thương nhưng đã thoát được.

Sau đó, công an bắt đầu ẩn nấp gần nhà bà hàng đêm, đến tận 3 giờ sáng. Họ cũng đến cơ quan của chồng bà, hăm doạ rằng họ sẽ cắt nguồn thu nhập của ông nếu ông không giao nộp bà cho công an. Họ cũng tuyên bố rằng bà đã bỏ rơi gia đình vì đức tin.

Tuy nhiên, người nhà của bà đã chứng kiến những vụ bắt giữ liên tục, giam cầm, xét xử phi pháp, đánh đập cơ thể và những bằng chức tra tấn khác đối với bà. Tất cả những điều này cộng thêm áp lực to lớn từ ĐCSTQ đã khiến gia đình bà đau đớn và lo lắng quá mức trong nhiều năm.

Một tháng sau, bà Tiền trở về nhà vì lo lắng cho chồng mình, người đang bị bệnh tim. Chưa đầy hai tuần sau, công an lại đến bắt bà. Khi bà từ chối mở cửa, họ đã đưa một thợ sửa khoá đến để phá cửa. Họ cũng liên lạc với chồng bà tại nơi làm việc và đe doạ rằng nếu ông không về nhà ngay lập tức, họ sẽ nói ông chủ sa thải ông.

Cuối cùng, họ cũng vào được nhà và bắt bà Tiền đến đồn công an và thẩm vấn bà trong 24 tiếng. Bà đã bị giam 15 ngày trong một trại tạm giam, trước khi bị kết án phi pháp bốn năm tù.

Kháng án: Bản án ban đầu được giữ nguyên

Bà Tiền đã kháng án và quyết định kiện đồn công an cùng người của Phòng 610 vì đã bắt giữ và tra tấn bà phi pháp. Nhưng trại tạm giam đã từ chối đưa giấy bút cho bà, nói rằng bà có thể kháng án bằng miệng tại toà hoặc chấp nhận bản án.

Toà án Khu Giang Hạ đã tổ chức một phiên toà phi pháp xét xử bà Tiền vào ngày 27 tháng 5 năm 2015. Bà đã hô to “Pháp Luân Đại Pháp hảo” khi đang bước lên cầu thang.

Thiệp chúc Tết Nguyên đán có nội dung “Pháp Luân Đại Pháp hảo” được coi là bằng chứng kết án bà Tiền. Khi lời khai của chồng bà được trình bày, ông đã lập tức phủ nhận toàn bộ những gì mà công tố viên tuyên bố. Khi bà nói về những thụ ích mà bà có được nhờ tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, thẩm phán nói rằng những lời như thế không liên quan.

Sau đó, toà án trung cấp đã giữ nguyên bản án ban đầu. Khi bà Tiền muốn tiếp tục kháng án, bà được cho biết bà chỉ có thể dùng một luật sư do chính quyền địa phương chỉ định, và điều kiện tiên quyết là luật sư đó phải là thay bà nhận tội. Nói cách khác, bà Tiền phải thừa nhận rằng bà phạm tội tu luyện Pháp Luân Công là điều kiện tiên quyết để có thể thuê luật sư.

Tra tấn trong tù

Ngày 21 tháng 8 năm 2015, bà Tiền bị đưa đến Nhà tù nữ Vũ Hán, sau đó bà bị chuyển đến đội 2 của Khu 2. Khi bà từ chối học thuộc nội quy nhà tù, Lý Nhiễm, chỉ đạo viên của khu đã sai Chu Mỹ Lệ, một người nghiện ma túy, và tù nhân Viên Thành giám sát bà. Lính canh cũng ra lệnh cho hai người này tra tấn bà.

Lúc đầu, bà Tiền bị ép phải đứng từ sáng đến 10 giờ đêm trong nhiều ngày liên tiếp, sau đó là đứng đến nửa đêm. Khi bà vẫn từ chối học thuộc nội quy, hai người “giám sát” đã đánh đập và cấm bà ngủ.

Dù bà Tiền bị thương nhưng các lính canh vẫn làm ngơ và quản lý nhà tù đã ra lệnh cho những kẻ giám sát tiếp tục tra tấn bà. Chu đã kéo tóc và đấm đá bà. Khi bà la lên trong đau đớn, Chu đã bịt miệng bà bằng tất bẩn, và miệng bà bị chảy máu. Họ vẫn tiếp tục tra tấn bà.

Việc tra tấn tinh thần và thể chất thời gian dài đã khiến bà bị suy sụp thần kinh và trở nên hốc hác. Bà bị ép phải lao động chân tay nặng nhọc. Khi bà cho chỉ đạo viên Lý Nhiễm và trưởng khu Trượng An thấy những vết thương, Lý nói: “Tôi không thấy vết thương nào cả. Bà trông rất ổn mà.” Lý cũng nói: “Chúng tôi là cơ sở thực thi pháp luật. Nếu bà không tuân theo lệnh của chúng tôi, chúng tôi có quyền dùng bạo lực, và không chịu trách nhiệm với những gì xảy đến với bà.”

Phẫu thuật và tiếp tục bị ngược đãi

Sau hai năm bị giam, tử cung của bà Tiền bị tách ra nghiêm trọng đến nỗi bà phải làm phẫu thuật tại Bệnh viện Đường sắt Hán Dương. Gia đình không được vào thăm bà nhưng phải trả toàn bộ chi phí y tế của bà.

Cuộc phẫu thuật kéo dài sáu tiếng, và trước khi bà tỉnh lại vì hết thời hạn gây mê, bà lại bị còng tay và xích chân.

Các bác sỹ nói rằng bà đã mất rất nhiều máu khi phẫu thuật và cần phải có nhiều ngày để nghỉ ngơi và bồi dưỡng, nhưng nhà tù đã hối thúc bệnh viện cho bà xuất viện. Bà bị đưa lại nhà tù vào ngày thứ ba sau cuộc phẫu thuật.

Chồng bà phải trả toàn bộ chi phí y tế của bà, tổng cộng hơn 18.000 nhân dân tệ và 500 tệ phí vận chuyển. Tuy nhiên, nhà tù đã từ chối đưa ông hoá đơn, nói rằng họ cần phải giữ chúng để ghi sổ kế toán.

Cơ sở vật chất trong bệnh viện nhà tù không chỉ nghèo nàn mà nơi ở cũng rất dơ bẩn. Các bác sỹ thường kê đơn thuốc hay tiêm mà không khám cho bệnh nhân. Các học viên Pháp Luân Công cũng bị cưỡng chế lấy mẫu máu.

Khi kiểm tra vết thương của bà Tiền trên giường, giám đốc Trần liên tục hỏi rằng bà đã chịu “chuyển hoá” chưa.

“Nếu bà đồng ý, chúng tôi sẽ chăm sóc bà tốt, nếu không, tôi chắc chắn là hôm nay bà sẽ phải chịu đau đớn,” Trần nói. Khi nhân viên y tế thay quần áo cho bà, học chọc một miếng bông gòn vào vết thương của bà và xoắn nó, khiến máu chảy ra và bà đau đớn vô cùng.

Bệnh viện cũng nhiều lần cưỡng ép “kiểm tra” sức khoẻ bà Tiền. Khi bà từ chối, họ lấy nhiều ống máu của bà. Bác sỹ đã chữa trị một vài vết thương mà thậm chí còn không hỏi triệu chứng của bà.

Bức hại tài chính

Ngày 6 tháng 11 năm 2018, sau bốn năm tù giam, bà Tiền đã trở về nhà. Chồng bà vừa trải qua một cơn phẫu thuật tim và gia đình đang gặp khó khăn về tài chính.

Tệ hơn nữa, vào cuối tháng 2 năm 2019, Cục Anh sinh Xã hội đã gọi điện cho gia đình họ, yêu cầu bà trả lại tiền lương hưu cơ bản mà gia đình đã nhận trong khi bà đang bị giam, nếu không họ sẽ treo lương hưu của bà. Vừa mới bắt đầu hồi phục từ những khổ nạn trước đây, sự bức hại tài chính bất ngờ này lại khiến gia đình bà khốn đốn.

Bà Tiền đã đến nói chuyện với Cục An sinh Xã hội và được bảo rằng theo Điều 12 của Văn kiện 143 ban hành năm 2001, lương hưu cơ bản của người hưu trí sẽ bị đình chỉ nếu họ bị kết án hình sự hay bị cầm tù.

Họ cũng nói với bà Tiền rằng lý do mà họ không đình chỉ lương hưu của bà khi bà đang ở trong tù là vì họ không biết bà bị đi tù.

Bà Tiền đã giải thích với nhân viên rằng các học viên Pháp Luân Công không phải là tội phạm hình sự và án tù của bà hoàn toàn là do cuộc bức hại phi pháp.

Bà nói với nhân viên: “Tôi không vi phạm luật nào cả, và tôi chỉ cố gắng trở thành một người tốt và tuân theo các tiêu chuẩn ‘Chân-Thiện-Nhẫn’. Tôi đã bị tra tấn trong tù, và giờ tôi muốn lấy lại lương hưu của mình. Tôi sẽ sống sao đây? Tôi muốn khiếu nại vì bị đối xử bất công.”

Nhân viên nói rằng không ai nhận đơn khiếu nại của bà vì họ đang làm theo chỉ thị từ cấp trên. Họ cũng đưa cho bà xem một danh sách của hàng chục người, và tên của các học viên Pháp Luân Công đều bị đánh dấu.

Rõ ràng, bức hại tài chính đối với bà Tiền không phải là một trường hợp cá biệt, vì nó nhắm thẳng vào các học viên Pháp Luân Công. Được biết, Phòng 610 tuyên bố rằng nếu các học viên Pháp Luân Công từ chối “chuyển hoá”, lương và lương hưu của họ sẽ bị đình chỉ.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/5/20/387567.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/6/15/178086.html

Đăng ngày 26-06-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share