Bài viết của một học viên Pháp Luân Công tại Pháp

[MINH HUỆ 28-3-2016] Đài truyền hình France 5, một trong những kênh truyền hình chính của Pháp tập trung vào các chương trình thực tế, đã phơi bày tội ác thu hoạch nội tạng sống của các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc trong chương trình “Tạp chí sức khỏe” vào ngày 10 tháng 3 năm 2016.

Nhà thần kinh học và cố vấn khoa học cho Hiệp hội các bác sỹ chống cưỡng bức mổ cướp tạng (DAFOH), ông Alexis Genin, đã được mời tham gia phỏng vấn trong chương trình. Dưới đây là nội dung chương trình được dịch từ tiếng Pháp.

8b84d9644c67878dc3e8888c099fddb9.jpg

France 5, một trong những kênh truyền hình chính của Pháp, phỏng vấn ông Alexis Genin vào ngày 10 tháng 3 và thảo luận về việc thu hoạch tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống của chính quyền Trung Quốc tại quốc gia này.

Người dẫn chương trình 1: Xin chào! Ông là một nhà thần kinh học và cố vấn khoa học cho DAFOH, một tổ chức lên án việc thu hoạch nội tạng phi đạo đức. Xin ông cho biết, thu hoạch tạng phi đạo đức nghĩa là gì?

AG: Vâng, việc hiến tạng phải tuân thủ các nguyên tắc, tức là, phải là tự nguyện. Trong thực tế, ở nhiều quốc gia thương mại, nội tạng đã trở thành ngành kinh doanh thu lợi hấp dẫn và việc tuân thủ các quy định không được thực thi. Bởi vì người ta thường phải chi trả từ $50.000 đến $100.000 cho một lần ghép tạng.

Người dẫn chương trình 2: Tổ chức của ông đã điều tra những quốc gia nào?

AG: Trước đây, Ấn Độ đứng đầu về nạn buôn bán tạng một cách hệ thống. Sau khi luật của quốc gia này thay đổi vào những năm 80 và 90 của thế kỷ trước, du khách tới ghép tạng đã chuyển sang các nước khác. Ví dụ nữa là Brazil nơi nguồn tạng do các mạng lưới tội phạm thu thập và buôn bán. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã trở thành quốc gia đứng đầu danh sách ghép tạng trên toàn cầu.

Người dẫn chương trình 2: Trung Quốc có gì đặc biệt vậy?

AG: Mãi cho tới năm 2006 chúng tôi mới phát hiện ra thực trạng này. Thực ra, ghép tạng tại Trung Quốc tăng vọt trong những năm 2000, từ hàng trăm ca ghép vào cuối những năm 1990 tới hơn 20.000 ca một năm. Những con số này được lấy từ nguồn thống kê chính thức. Vậy, nguồn tạng lấy từ đâu?

Truyền thống Nho giáo của Trung Quốc phản đối việc hiến tạng bởi vì cơ thể cần phải được giữ nguyên vẹn nên Trung Quốc không có tình trạng hiến tạng tự phát, cũng không có chương trình khuyến khích tự nguyện hiến tạng nào.

Sau một thời gian dài lấp lửng, cuối cùng chính phủ Trung Quốc đã thừa nhận nguồn tạng đôi khi được lấy từ các tử tù. Nhưng điều này vẫn không giải thích được rõ ràng. Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, mỗi năm có khoảng 2.000 trường hợp tử hình, trong khi con số ca ghép tạng vượt quá 20.000. Vậy, tức là mỗi năm có thêm 18.000 ca ghép tạng nữa, hay 18.000 tử tù, chưa thể giải thích được nguồn gốc.

Người dẫn chương trình 2: Điều đó có nghĩa là buôn bán nội tạng có tồn tại. Đó có phải là do mạng lưới mafia giống như ở các quốc gia khác không, hay là do việc bức hại một nhóm người trong xã hội?

AG: Đây là câu hỏi quan trọng mà DAFOH đã đặt ra. DAFOH là Hiệp hội các bác sỹ chống cưỡng bức mổ cướp tạng. Chúng tôi bắt đầu điều tra Trung Quốc vào năm 2006 sau khi các có các bài báo đưa tin rằng việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ tù nhân trong các bệnh viện quân y. Dựa trên những cáo buộc này, DAFOH đã tiến hành ba cuộc điều tra cùng lúc. Một là để kiểm tra các ấn phẩm khoa học của Trung Quốc xem liệu có dấu vết của hoạt động buôn bán tạng không. Hai cuộc điều tra độc lập còn lại là để xác định nguồn gốc của số tạng này.

Các kết quả thật đáng kinh ngạc. Khi nhìn vào các bài viết khoa học được công bố của Trung Quốc trong những năm 2000, đã có hàng trăm ca ghép tạng không có bất kỳ thông tin về nguồn gốc tạng. Những phát hiện này của DAFOH khiến các tạp chí khoa học lớn phải truy xuất nguồn gốc đầy đủ của tạng vào năm 2011.

Nhưng đáng ngạc nhiên hơn là kết quả của hai cuộc điều tra độc lập, một do ông David Kilgour, cựu Quốc vụ khanh Canada tiến hành và cuộc điều tra còn lại là của ông Ethan Gutmann, một chuyên gia về các vấn đề của Trung Quốc.

Trong cuộc điều tra thứ nhất, David Kilgour đã tiến hành gọi tới hàng trăm bệnh viện ghép tạng ở Trung Quốc thông qua mạng lưới các nhà điều tra, để hỏi làm sao có thể có được tạng. Câu trả lời là: nếu có thể chi trả, chỉ cần từ hai tới ba tuần, sẽ có tạng để cung cấp. Cần lưu ý rằng ở Pháp, 18.000 người còn đang chờ tạng để được ghép, và thời gian chờ trung bình là ba năm. Nhưng ở Trung Quốc, nếu bạn có từ $50.000 đến $100.000, bạn sẽ có được tạng trong hai tuần. Khi các nhà điều tra hỏi về nguồn gốc tạng, họ được trả lời rõ ràng rằng đó là từ các tù nhân Trung Quốc, đặc biệt là từ các học viên của môn tu luyện thiền định Trung Quốc gọi là Pháp Luân Công. Đó là kết quả từ cuộc điều tra thứ nhất.

Trong cuộc điều tra thứ hai, Ethan Gutmann đã dùng cách tiếp cận khác. Ông đã phỏng vấn những người từng bị giam giữ ở Trung Quốc, trong đó có cả người theo Cơ đốc giáo, người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ và cả học viên Pháp Luân Công để kiểm định liệu họ có thấy dấu vết của việc thu hoạch tạng một cách hệ thống trong các trại lao động cưỡng bức không. Kết quả thật đáng sửng sốt: một nửa số người này đã từng bị kiểm tra sức khỏe toàn diện trong thời gian bị giam giữ. Thay vì kiểm tra tình trạng sức khỏe của họ, thì các xét nghiệm y khoa lại đánh giá liệu nội tạng của họ có tốt không, thị lực có tốt không, có thể tách giác mạc không, nhịp tim có tốt không, hay gan có tốt không.

Người dẫn chương trình 2: Điều này thật đáng lo ngại. Những học viên Pháp Luân Công này là ai? Dường như trong số họ có rất nhiều người bị bức hại tại Trung Quốc.

AG: Pháp Luân Công làm một môn tu luyện cổ xưa của Trung Quốc, cũng giống như mọi người tập thể dục buổi sáng bằng cách chạy bộ thôi. Ở Trung Quốc vốn có truyền thống về tu luyện, gồm cả Thái Cực quyền. Pháp Luân Công đột nhiên trở nên phổ biến tại Trung Quốc vào những năm 1990. Cuối những năm 1990, Chính Phủ Trung Quốc ước tính có khoàng 70 triệu người tu luyện Pháp Luân Công.

Người dẫn chương trình 2: Vậy nên môn tu luyện này có gì nguy hiểm cho Trung Quốc sao?

AG: Hoàn toàn không phải. Nhưng với chính quyền độc tài ở Trung Quốc, việc 70 triệu người theo một môn tu luyện mà không có sự can thiệp của chính phủ, được xem là ‘nguy hiểm tiềm tàng’. Đó là khởi đầu cho việc bức hại môn tu luyện này. Theo Ủy ban Nhân quyền của Liên Hợp Quốc, có khoảng 500.000-700.000 học viên Pháp Luân Công bị giam giữ trong các trại cưỡng bức chuyển hóa. Đây là con số khổng lồ… bởi nó có nghĩa là lúc nào cũng sẵn có một ngân hàng tạng của 700.000 người.

Người dẫn chương trình 2: Ông có mong Châu Âu gây áp lực đối với tình trạng này?

AG: Sau các kết quả điều tra này, Châu Âu đã có các động thái. Trở lại năm 2006, đây mới chỉ được xem như lời buộc tội, nhưng những kết quả điều tra đã chứng tỏ rằng đó là sự thật. Đứng sau đó không phải là tổ chức tội phạm mafia, mà là một mạng lưới được tổ chức ở cấp cao nhất trong chính phủ Trung Quốc, bởi vì nhiều ca ghép tạng là được thực hiện tại các bệnh viện quân y. Nghị viện Châu Âu đã nhanh chóng phản ứng và một nghị quyết đã được thông qua vào cuối năm 2013, nhằm lên án mạnh mẽ nạn thu hoạch tạng này. Điều này cho thấy đây thực sự là hoạt động buôn lậu tạng có tổ chức ở cấp cao nhất trong chính phủ, và các học viên Pháp Luân Công là nạn nhân chính.

Người dẫn chương trình 1: Xin cảm ơn ông. Quý vị có thể lên trang mạng www.dafoh.org và tìm thêm các thông tin về cuốn sách: Tạng nhà nước: Lạm dụng ghép tạng ở Trung Quốc.

AG: Tôi cũng xin bổ sung rằng, với bất kỳ ai muốn giúp lên tiếng chấm dứt tội ác này, trên trang web của DAFOH cũng có chương trình ký tên thỉnh nguyện. Hiện đã có hơn hai triệu người ký tên thỉnh nguyện. Xin cảm ơn.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/3/28/325942.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/3/30/156100.html

Đăng ngày 04-04-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share