[MINH HUỆ 23-08-2015] Làn sóng khởi kiện hình sự đối với Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, kẻ đã phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công, đã khiến một số cảnh sát ở Trung Quốc, những người đã từng tham gia vào cuộc bức hại phải suy nghĩ, cân nhắc cẩn thận về những hành động của mình khi tiếp xúc với các học viên Pháp Luân Công. Thay vì tùy tiện làm theo những chính sách bức hại đã được thiết lập, nhiều cảnh sát bây giờ đang suy xét lại lương tâm của mình và suy nghĩ cho bản thân. Dưới đây là ba trường hợp đã xảy ra ở tỉnh Hà Bắc, Sơn Đông và Hắc Long Giang.
Cảnh sát trả lại số tiền bị cưỡng đoạt
Trong một động thái bất thường, một sĩ quan cảnh sát ở huyện Diêm Sơn, tỉnh Hà Bắc đã trả lại số tiền 4.000 tệ cưỡng đoạt từ gia đình hai học viên Pháp Luân Công vào ngày 11 tháng 08 năm 2015.
Sau khi hai học viên là bà Lưu Ái Hoa và bà Lưu Quế Phương bị cảnh sát bắt vào ngày 26 tháng 02 năm 2015 vì nói chuyện với mọi người về cuộc bức hại, họ đã được thả với điều kiện gia đình mỗi người phải nộp 2.000 tệ gọi là tiền “cọc” để đảm bảo rằng họ không ra ngoài giảng chân tướng phơi bày cuộc bức hại nữa trong tháng 2.
Tuy nhiên khi đến cuối tháng, cảnh sát từ chối trả lại tiền và nói rằng số tiền đó chỉ được trả lại với điều kiện là các học viên phải tự mình đến đồn cảnh sát để họ lấy dấu vân tay.
Sau đó, bà Lưu Ái Hoa cùng với hai học viên khác đã tới đồn cảnh sát Mạnh Điếm. Đỗ Chí Cường, viên sĩ quan cảnh sát đã bắt giữ họ lúc đó không có mặt. Ba học viên đã nói chuyện với những cảnh sát khác về làn sóng khởi kiện gần đây để đưa Giang Trạch Dân ra trước công lý. Họ cũng nhận ra một cảnh sát đã từng tham gia bức hại các học viên Pháp Luân Công cũng có mặt tại đó và yêu cầu anh ta trả lại những tài sản cá nhân đã bị tịch thu bất hợp pháp.
Người cảnh sát đáp: “Tôi chỉ là một lính quèn, một con tốt trên bàn cờ thôi. Tôi không lấy gì và cũng không biết gì cả.” Nhưng giọng nói của anh ta đã nói lên rằng anh ta đang sợ hãi.
Sau đó ba học viên đã yêu cầu bộ phận tiếp dân chuyển đến Đỗ Chí Cường lời nhắn rằng họ đã tới đồn cảnh sát để yêu cầu ông ta trả lại tiền.
Buổi chiều hôm đó, không đợi hai học viên phải quay trở lại đồn cảnh sát. Đỗ Chí Cường đã tự mình tới nhà các học viên và trả lại họ số tiền 4.000 tệ.
Cảnh sát không còn dám công khai đe dọa học viên nữa
Gần đây hơn, các cơ quan chính quyền địa phương và nhân viên cảnh sát đã thôi không còn sách nhiễu và đe dọa các học viên như họ đã từng làm trước đây nữa.
Vào đầu tháng 8, có hai người lạ mặt tới gặp học viên Trần Tùng Khuê ở thành phố Giao Châu, tỉnh Sơn Đông. Họ hỏi ông Trần rằng: “Có phải ông đã đệ đơn hình sự khởi kiện Giang Trạch Dân đúng không?”
“Vâng, chính là tôi,” ông Trần, 72 tuổi, điềm tĩnh đáp.
Một người đàn ông nói: “Ông không được ra khỏi nhà. Hãy ở trong nhà mà xem Tivi.”
Con trai ông Trần bước ra ngoài phòng khách và hỏi: “Các ông từ đâu tới?”
Người đàn ông nói rằng một trong số họ là người từ chính quyền và còn người kia từ đồn cảnh sát tới.
Khi trả lời chất vấn của con ông Trần, một người đàn ông nói tên ông ta là Triệu Huy và người kia tên là Thạch Thụ Lâm. Họ chuẩn bị rời đi sau khi đã nói ra tên của mình. “Nhưng ông nhớ không được rời khỏi nhà đó nhé,” họ cảnh báo lần nữa.
“Dựa vào quyền gì mà các anh ra lệnh cho người dân không được rời khỏi nhà của mình?” con trai ông Trần chất vấn.
Hai người đàn ông không trả lời và ra xe lái đi một cách vội vã.
Cảnh sát thả học viên nộp đơn kiện Giang Trạch Dân
Vào ngày 20 tháng 8 năm 2015, hai cảnh sát mặc thường phục tới tìm bà Vương Tuệ Quân tại nhà riêng con trai bà. Họ ra lệnh cho bà phải tới đồn cảnh sát để trả lời vài câu hỏi và cho phép con trai bà đi theo.
Hai cảnh sát hỏi có phải bà là người đã đệ đơn kiện Giang Trạch Dân không, sau đó yêu cầu bà cho biết bà đã in và gửi đơn kiện hình sự đó ở đâu, và ai đã giúp bà khởi kiện.
Bà Vương đáp: “Vâng, chính tôi là người đã kiện Giang Trạch Dân. Bởi vì ông ta đã bức hại tôi. Ông ta không còn là chủ tịch nước nữa. Còn với các câu hỏi của các anh, tôi sẽ không trả lời, bởi vì biết thêm những thông tin này thì không tốt cho các anh.”
Bà cũng nói thêm rằng rất nhiều các quan chức đảng cấp cao đã phải nhận quả báo vì đã bức hại Pháp Luân Công. Câu thành ngữ phương Đông “Nhân nào Quả ấy” luôn luôn đúng mặc dù tham nhũng luôn là “tội” chính mà các cơ quan chức năng định ra cho những kẻ này, những người này đều là những thủ phạm chính trong cuộc bức hại Pháp Luân Công.
Bà Vương đã nói chuyện với những cảnh sát trong hơn một giờ đồng hồ và kể cho họ nghe những câu chuyện riêng của mình, bao gồm cả việc bà đã hồi phục khỏi nhiều căn bệnh như thế nào sau khi bà tu luyện Pháp Luân Công.
Cảnh sát đã yêu cầu bà Vương điểm chỉ và ký vào vài lá đơn, nhưng bà đã kiên quyết từ chối.
Cuối cùng cảnh sát đã phải đồng ý thả bà Vương vô điều kiện.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2015/8/23/314568.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/8/24/152216.html
Đăng ngày 16-10-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.