Bài viết của phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 07-11-2024] Tháng 10 năm 2024 ghi nhận tổng cộng 435 trường hợp học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ hoặc sách nhiễu vì kiên định đức tin.

186 trường hợp bắt giữ bao gồm 26 trường hợp xảy ra trong nửa đầu năm 2024, 6 trường hợp vào tháng 7, 18 trường hợp tháng 8, 49 trường hợp tháng 9, 69 trường hợp tháng 10 và 18 trường hợp chưa rõ ngày cụ thể trong năm 2024.

249 vụ sách nhiễu bao gồm 11 trường hợp xảy ra trong nửa đầu năm 2024, 8 trường hợp vào tháng 7, 18 trường hợp tháng 8, 112 trường hợp tháng 9, 76 trường hợp tháng 10 và 24 vụ chưa rõ ngày cụ thể trong năm 2024.

Do sự kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt ở Trung Quốc, các vụ bức hại thường không thể luôn được báo cáo kịp thời, cũng như không phải tất cả đều có sẵn thông tin.

Trong số 435 học viên bị nhắm đến, có 67 trường hợp từ 60 tuổi trở lên tại thời điểm bị bắt giữ hoặc sách nhiễu, phân bố ở 19 tỉnh và 4 thành phố trực thuộc trung ương (Bắc Kinh, Trùng Khánh, Thượng Hải và Thiên Tân). Hắc Long Giang báo cáo nhiều trường hợp bắt giữ và sách nhiễu nhất (84), tiếp theo là 68 trường hợp ở Cát Lâm và 47 trường hợp ở Tứ Xuyên. 8 khu vực khác cũng có số trường hợp 2 chữ số (từ 10 đến 36). 12 khu vực còn lại có các trường hợp ghi nhận ở mức 1 chữ số (từ 1 đến 9).

Bắt giữ trước “Ngày nhạy cảm”

Sáu cư dân thành phố Lô Châu, tỉnh Tứ Xuyên, bị bắt trong vòng một tuần trước ngày 1 tháng 10 năm 2024 (Ngày Quốc khánh Trung Quốc). Chính quyền cộng sản thường tăng cường đàn áp các học viên vào những “ngày nhạy cảm” của nó.

Hai trong số sáu cư dân Lô Châu, bà La Lâm Dung, 73 tuổi, và em gái bà, bà La Lâm Minh, bị bắt ngày 19 tháng 9, sau khi họ gặp nhau tại một hội chợ địa phương và ngồi xuống trò chuyện. Cảnh sát cho biết họ đã theo dõi bà La Lâm Dung trong nhiều ngày và biết chính xác nơi bà ở.

Hai chị em họ bị lục soát và bị đưa đến Công an quận Giang Dương. Sau khi thẩm vấn riêng hai người, cảnh sát dùng chìa khóa tịch thu từ họ để lục soát nhà của họ. Thêm nữa, cảnh sát tịch thu sách Pháp Luân Công của bà La Lâm Minh mà không cho gia đình xác minh, hoặc cung cấp cho họ danh sách tài sản bị tịch thu. Bà được thả sau 10 ngày giam giữ.

Dù cảnh sát không tìm thấy tài liệu Pháp Luân Công tại nhà của bà La Lâm Nhung, nhưng họ vẫn từ chối thả bà. Gia đình bà không nhận được thông báo giam giữ, cũng không biết nơi bà đang bị giam. Họ hỏi các quan chức địa phương, nhưng bị chỉ đến Đồn Công an Nam Thành, sau đó lại được chuyển hướng đến Công an quận Giang Dương. Một cảnh sát ở đó cho biết bà La đã được chuyển đến Trại tạm giam địa phương. Gia đình đến trại tạm giam tìm kiếm, nhưng lính canh từ chối kiểm tra xem liệu trong danh sách có tên bà không.

14 học viên ở quận Diên Khánh của Bắc Kinh, trong đó có bà Dương Tú Lan và bà Ngô Phương Linh, bị bắt giữ ngày 23 tháng 9 năm 2024. Nhà của họ hầu hết đều bị lục soát. Hai người nhà của họ, vốn không tu luyện Pháp Luân Công, cũng bị cảnh sát bắt giữ.

Ba cảnh sát gõ cửa nhà bà Dương vào sáng ngày 23 tháng 9. Mang theo lệnh khám xét, họ đột kích nơi ở của bà, và vứt tất cả những vật dụng liên quan tới Pháp Luân Công xuống đất. Hai máy vi tính, một máy in, một khoản tiền mặt và một điện thoại di động bị tịch thu. Hai trong ba viên cảnh sát này sau đó đã quay lại và chụp hình các vật dụng.

Bà Ngô và ông Vương Kiến Dân bị người của Đồn Công an Hạ Đô bắt giữ, họ cáo buộc hai ông bà vượt tường lửa internet của ĐCSTQ để truy cập các trang web nước ngoài. Việc bắt giữ bà Ngô diễn ra chỉ sau 7 tháng bà mãn hạn án tù phi pháp 2 năm 8 tháng chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công. Bà cũng đang trong quá trình yêu cầu chính quyền khôi phục lương hưu đã bị đình chỉ phi pháp.

Cuộc sống bị xáo trộn vì cuộc bức hại

Cuộc bức hại học viên Pháp Luân Công không chỉ giới hạn ở việc bắt giữ, giam giữ hoặc tra tấn, mà còn gây gián đoạn đáng kể đến cuộc sống hàng ngày của họ. Trong các vụ sách nhiễu được báo cáo vào tháng 10 năm 2024, ông Tài Liên Bảo, một học viên Pháp Luân Công đang đi công tác, đã bị cảnh sát chặn lại tại sân bay, và một học viên khác, bà Dương Ái Cần, tố cáo rằng chứng minh thư và hộ khẩu của bà đã bị giữ lại trong nhiều năm, khiến bà không thể tìm được việc làm, hoặc thậm chí là mua điện thoại di động, do chính sách đăng ký tên thật của chế độ cộng sản đối với người dùng điện thoại di động.

Ông Tài, ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, đã đến Thượng Hải làm việc và lên chuyến bay trở về vào ngày 14 tháng 9 năm 2024. Ngay khi ông bước ra khỏi sảnh sân bay vào khoảng 10 giờ 30 phút tối, năm cảnh sát đã tiếp cận ông. Chỉ có một người mặc cảnh phục, và không ai xuất trình giấy tờ tùy thân hoặc giấy tờ hợp lệ. Họ tự nhận là người của thành phố Du Thụ, tỉnh Cát Lâm, sau đó bắt đầu hỏi số điện thoại di động, số căn cước và địa chỉ nhà của ông Tài.

Ông Tài chất vấn cảnh sát tại sao họ lại làm gián đoạn chuyến công tác của ông hoặc liệu ông có vi phạm luật nào không. Các cảnh sát ám chỉ rằng họ nghi ngờ ông có liên quan đến một tội nghiêm trọng. Họ đưa ông Tài đến phòng an ninh của sân bay, và buộc ông ký vào tờ giấy ghi thông tin cá nhân của ông. Vì trời đã khuya và ông không muốn người thân đi cùng ông phải lo lắng, ông Tài buộc phải viết vào giấy tờ, trái với ý muốn của ông, rằng ông chưa từng tu luyện Pháp Luân Công trước đây.

Khi trở về nhà, ông Tài nhớ lại rằng cách đây vài ngày ông nhận được một cuộc gọi từ cảnh sát ở Cát Lâm, cho biết chính phủ đã ban hành một chính sách mới về Pháp Luân Công, và họ muốn gặp ông để xóa ông khỏi danh sách đen. Một ngày sau cuộc gọi, ông Tài nhận được một lời mời kết bạn trên WeChat, một ứng dụng mạng xã hội phổ biến ở Trung Quốc. Ông chấp nhận, nghĩ rằng đó là một khách hàng từ nơi làm việc, nhưng sau đó mới biết đó là cảnh sát.

Khi bà Dương, ở thành phố Khai Phong, tỉnh Hà Nam, mãn hạn bản án 6,5 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công vào ngày 14 tháng 1 năm 2022, bà rất sốc khi nghe tin đồn công an địa phương đã cắt hộ khẩu của bà. Bà liên hệ với công an, nhưng còn ngạc nhiên hơn khi được thông báo rằng số chứng minh thư của bà có liên quan đến một người khác.

Theo “Luật căn cước công dân”: “Mã số căn cước công dân là mã số định danh cá nhân duy nhất, tồn tại suốt đời của mỗi công dân, do cơ quan Công an biên soạn theo tiêu chuẩn quốc gia”.

Bà Dương nghĩ sự nhầm lẫn này có thể là một sai lầm bất cẩn của công an, nhưng họ đã nói rõ rằng họ cố tình cấp số căn cước của bà cho một người khác, để đáp trả việc bà không từ bỏ Pháp Luân Công. Nhưng nếu không có căn cước hoặc hộ khẩu, bà Dương không thể mua điện thoại di động, mở tài khoản ngân hàng, mua vé tàu hoặc máy bay, đặt phòng khách sạn hoặc tìm việc làm.

Trong một trường hợp khác, cảnh sát đã bắt giữ một học viên Pháp Luân Công để hoàn thành chỉ tiêu bắt giữ nghi phạm. Ngày 19 tháng 4 năm 2024, ông Hoàng Học Quân, một cựu dược sỹ từ thành phố An Lục, tỉnh Hồ Bắc, bị bắt giữ khi đang làm việc tại Vũ Hán, thủ phủ của Hồ Bắc. Cảnh sát khẳng định rằng tên của ông nằm trong “danh sách truy nã” kể từ tháng 11 năm 2023. Họ đưa ông trở lại An Lục vào ngày hôm sau và giam ông tại một trung tâm tẩy não trong hơn 40 ngày.

Sau đó, ông Hoàng biết rằng cảnh sát được giao chỉ tiêu bắt giữ những nghi phạm trong danh sách truy nã, và họ đã điền tên ông vào danh sách để hoàn thành chỉ tiêu. Sau khi ông được thả vào ngày 8 tháng 7, giám đốc Phòng 610 đe dọa sẽ bắt giữ ông và đưa ông trở lại danh sách truy nã nếu ông không hợp tác với họ trong việc quay video từ bỏ và lên án Pháp Luân Công. Khi ông từ chối hợp tác, giám đốc này còn đe dọa sẽ bỏ tù ông Hoàng. Để tránh bị bức hại thêm, ông Hoàng buộc phải sống xa nhà kể từ khoảng tháng 10 năm 2024.

Người thân trong gia đình bị liên lụy

Ngoài các học viên, gia đình họ cũng thường là mục tiêu của cuộc bức hại.

Sau khi bà Từ Quốc Cần, ngoài 70 tuổi, cư dân thành phố Mẫu Đơn Giang, tỉnh Hắc Long Giang, bị buộc phải sống xa nhà vào cuối tháng 9 năm 2024 để tránh bị kết án vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công, cảnh sát đã bắt giữ con gái bà và buộc bà Từ phải tự thú.

Quá giận dữ trước hành vi hèn hạ của cảnh sát, chồng bà Từ bị xuất huyết não và qua đời. Sau khi bị đưa đến trại tạm giam địa phương, bà Từ không được phép tham dự đám tang của chồng.

Cô Trương Hiểu Giai, con gái của một học viên Pháp Luân Công tại thành phố Sán Đầu, tỉnh Quảng Đông, bị tạm giữ khi đi qua hải quan ở Hồng Kông sau khi bị phát hiện có tài liệu Pháp Luân Công trong hành lý. Cô bị trục xuất về đồn công an ở Sán Đầu.

Vào lúc 12 giờ 40 phút ngày 16 tháng 10 năm 2024, cô Trương Hiểu Giai (không tu luyện Pháp Luân Công) gọi về cho gia đình sau khi đáp chuyến tàu cao tốc từ Sán Đầu đến Hồng Kông. Sau đó, gia đình cô không thể liên lạc với cô. Khoảng 4 giờ chiều ngày hôm sau, họ được thông báo rằng cô Trương bị từ chối nhập cảnh Hồng Kông sau khi nhân viên hải quan phát hiện tài liệu Pháp Luân Công trong túi của cô. Cô bị đưa trở về Đồn Công an Kim Phổ ở quận Triều Dương, thành phố Sán Đầu, sau đó bị chuyển đến Đồn Công an Cổ Nhạo. Sau khi xác định danh tính, cảnh sát đưa cô đến trại tạm giam thành phố Sán Đầu. Không rõ cô có còn bị giam giữ hay không.

Kể từ khi chế độ Cộng sản Trung Quốc bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, mẹ của cô Trương, bà Khâu Tú Bình, cùng 6 cô con gái nhiều lần bị nhắm đến, dù họ có tu luyện Pháp Luân Công hay không.

Từ năm 2000 đến năm 2011, cảnh sát sách nhiễu gia đình họ hàng trăm lần. Gia đình gặp khó khăn hơn khi chồng bà Khâu qua đời vào năm 2005. Bà Khâu điều hành một doanh nghiệp nhỏ để nuôi sống bản thân và 6 cô con gái.

Ngày 3 tháng 8 năm 2011, Con gái lớn nhất của bà Khâu, cô Trương Hiểu Linh bị bắt lần nữa vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công. Em gái cô, cô Trương Tuyết Khê, khi đó 16 tuổi, cũng bị bắt khi đến thăm cô. Khi một người chị em khác của họ là cô Trương Lệ Linh, tới đồn công an yêu cầu thả họ, cô cũng bị bắt và bị giam giữ qua đêm tại đồn công an. Cô Trương Hiểu Linh sau đó bị kết án 2 năm, và cô Trương Tuyết Khê bị kết án 1 năm tại Trại Lao động Cưỡng bức Tra Đầu.

Cưỡng chế dùng thuốc không tự nguyện và thu thập mẫu máu bắt buộc

Một khía cạnh khác của cuộc bức hại là chính sách “hủy hoại thân thể” do Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo của chế độ cộng sản, kẻ đã ra lệnh bức hại, đưa ra. Chỉ thị này được ban hành cùng với hai chính sách khác: “bôi nhọ thanh danh” và “vắt kiệt tài chính”.

Trong số các trường hợp bức hại được báo cáo vào tháng 10 năm 2024, bà Lưu Binh Hoan, một phụ nữ khỏe mạnh về mặt tinh thần, bị tiêm thuốc an thần và các loại thuốc không rõ chủng loại khác tại 2 bệnh viện tâm thần khác nhau sau khi bị bắt vì tu luyện Pháp Luân Công. Một học viên khác, bà Liễu Quế Anh, bị cảnh sát ép lấy mẫu máu và tóc, có khả năng là đưa vào cơ sở dữ liệu cho ngành công nghiệp cưỡng bức thu hoạch và cấy ghép tạng, một hình thức diệt chủng mới đã diễn ra trong 25 năm qua.

Bà Lưu Binh Hoan bị bắt tại nơi thuê nhà ở huyện Dương Sơn, thành phố Thanh Viễn, tỉnh Quảng Đông vào đêm ngày 29 tháng 9 năm 2024. Bà bị đưa đến Bệnh viện Tâm thần Dương Sơn, bị trói và bị tiêm thuốc an thần nhiều lần.

Ngày hôm sau, cảnh sát đưa bà đến trại tạm giam Thanh Tân, nhưng bà bị từ chối do kết quả khám sức khỏe phát hiện bà có huyết áp tâm thu trên 200 mmHg (khi mức bình thường là 120 hoặc thấp hơn). Thay vì thả bà, cảnh sát đưa bà đến Bệnh viện Nhân dân Số 3 thành phố Thanh Nguyên (một bệnh viện tâm thần khác). Bà lại bị tiêm thuốc an thần, cùng với một số loại thuốc không rõ chủng loại. Kết quả bà bị mất trí nhớ tạm thời. Bà cũng trở nên choáng váng và lú lẫn.

Trưa ngày 26 tháng 4 năm 2024, khi bà Liễu Quế Anh vừa bước ra khỏi khu chung cư nơi bà sinh sống thì nghe thấy có ai đó gọi tên mình. Trong chớp mắt, bốn cảnh sát mặc thường phục vây quanh bà, rồi giật lấy túi xách và chìa khóa xe đạp điện của bà. Họ đẩy bà vào trong một chiếc ô tô không biển số và đưa thẳng bà tới Đồn Công an Đông Các để thẩm vấn. Bà được thả vào 22 giờ 30 phút cùng ngày.

Chồng bà Liễu nhận được một cuộc gọi của cảnh sát vào khoảng 10 giờ sáng ngày 13 tháng 5 năm 2024, lệnh cho ông bảo vợ mình tới Đồn Công an Đông Các ngay. Bà Liễu tới đồn công an này và ngay lập tức bị bắt giữ. Cảnh sát cho biết, họ sẽ giam giữ bà trong 10 ngày. Tới 1 giờ 30 phút chiều, một cảnh sát họ Trương và một nữ cảnh sát khác đưa bà Liễu tới Bệnh viện Bình Độ để kiểm tra sức khỏe. Huyết áp của bà đo được là 220 mmHg (trong khi mức bình thường là 120 hoặc thấp hơn) và nhịp tim đo được là 119 (trong khi người khỏe mạnh có nhịp tim mỗi phút là trong khoảng 60 và 100).

Do không đủ điều kiện sức khỏe, trại tạm giam địa phương từ chối tiếp nhận bà Liễu. Sau đó, cảnh sát họ Trương ép bà dùng một số thuốc không rõ chủng loại, rồi lại đưa bà tới bệnh viện kia để kiểm tra sức khỏe một lần nữa. Sau đó, ông ấy lại đưa bà tới trại tạm giam. Các lính canh nhận thấy bà Liễu run rẩy không kiểm soát được nên từ chối tiếp nhận bà. Thế nhưng cảnh sát họ Trương này đã lợi dụng quan hệ cá nhân của mình để đưa bà vào trại giam lúc 22 giờ 30 phút cùng ngày.

Bà Liễu được thả vào ngày 24 tháng 5 năm 2024. Chồng bà nhận được một cuộc gọi khác từ cảnh sát Trương vào ngày 9 tháng 9, tiếp tục yêu cầu vợ ông tới báo cáo với cảnh sát. Lần này bà Liễu không tuân theo. Khoảng 3 giờ chiều ngày 14 tháng 9, cảnh sát Trương dẫn theo hai nam cảnh sát khác tới nhà bà Liễu rồi ép lấy máu và vài sợi tóc của bà mà không đưa ra lý do. Bà Liễu lo sợ rằng mẫu máu và tóc của bà sẽ được sử dụng để kiểm tra xem bà có đủ điều kiện trở thành đối tượng hiến tạng không tự nguyện trong hoạt động cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống do nhà nước hậu thuẫn hay không.

Vắt kiệt tài chính

Như đã nêu ở trên, “Vắt kiệt tài chính” là một trong ba chính sách bức hại nhắm vào các học viên Pháp Luân Công. Trong hai trường hợp được liệt kê dưới đây, một cựu giám đốc ngân hàng nhiều lần bị buộc phải nộp tiền phạt vì không khai báo nơi ở của mình sau khi nghỉ việc, và một nữ doanh nhân khác bị đình chỉ lương hưu sau khi thụ án tù 6 năm.

Ngày 10 tháng 9 năm 2024, bà Phó Tuyết Băng, một cư dân 53 tuổi của thành phố Mai Châu, tỉnh Quảng Đông, bị bắt giữ ngay khi bước ra khỏi tòa nhà chung cư. Sau đó, bà bị đưa vào Trại tạm giam Thành Đông. Vào khoảng ngày 15 tháng 10, lệnh bắt giữ bà chính thức được ban hành. Hiện bà đang phải đối mặt với bản cáo trạng chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công

Đây không phải lần đầu bà Phó bị nhắm mục tiêu bức hại chỉ vì đức tin của mình. Trước đó, bà từng bị bắt giữ vào các năm 2005, 2008, 2010, 2012 và năm 2014. Nhà bà bị lục soát nhiều lần và tài sản của bà bị tịch thu.

Ngoài việc bị bắt giữ và bỏ tù, bà Phó cũng nhiều lần bị phạt tiền khi bà không gọi điện báo cáo với lãnh đạo chi nhánh thành phố Mai Châu của Ngân hàng Trung Quốc vào mỗi tối hay trong các ngày nghỉ (vì chính quyền muốn ngăn bà ra ngoài phát tặng tài liệu chân tướng Pháp Luân Công). Tính đến thời điểm bà bị sa thải vào ngày 6 tháng 8 năm 2008, bà đã đảm nhiệm vị trí quản lý tiền sảnh của ngân hàng này được 16 năm. Tuy vậy, bà không hề nhận được bất kỳ khoản trợ cấp thôi việc nào.

Sau khi bị bắt giữ vào năm 2014, bà bị kết án 7 năm tù. Bà phải chịu ngược đãi tàn bạo trong tù, và được trả tự do vào đầu tháng 6 năm 2020. Tuy nhiên, sau khi về nhà, bà liên tục bị cảnh sát sách nhiễu.

Bà Chúc Xuân Mai, ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, đã bị bắt vào hồi đầu năm nay chỉ vì nói chuyện với người dân về Pháp Luân Công. Bà bị giam tại trại tạm giam Số 1 Thành phố Vũ Hán, sau đó bị chuyển đến Bệnh viện An Khang khi tình trạng sức khỏe của bà trở nên xấu đi trong lúc giam cầm.

Đây không phải là lần đầu tiên bà Chúc, chủ sở hữu của hai cửa hàng giặt là, bị nhắm đến vì đức tin. Trước đó, bà từng bị bắt tại thành phố Thập Yển trong cùng tỉnh vào ngày 26 tháng 8 năm 2013 khi bà cố gắng cứu một học viên bị giam giữ. Bà phải chịu đựng sự tra tấn tàn bạo trong khi bị giam giữ, và bị ép dùng những loại thuốc không rõ chủng loại khiến bà bị đau ngực dữ dội, chảy máu mũi và đầu bà nổi đầy vết phồng rộp.

Khi bà Chúc cuối cùng được thả, bà yếu đến mức không còn khả năng lao động. Chồng bà cũng ly hôn với bà. Trong thời gian bà thụ án, gia đình bà đã vay 65.000 Nhân dân tệ để đóng vào tài khoản hưu trí của bà. Trước khi bà kịp trả lại số tiền đó, Phòng 610, Ủy ban Chính trị và Pháp luật, cùng phòng sự vụ huyện Thanh An đã yêu cầu Cục an sinh xã hội quận Tân Châu đình chỉ lương hưu của bà, lấy lý do bà từ chối từ bỏ Pháp Luân Công. Họ thậm chí còn yêu cầu bà trả lại số tiền lương hưu 40.000 Nhân dân tệ đã nhận trong thời gian ở tù.

Báo cáo liên quan:

Báo cáo tháng 9 năm 2024: 522 học viên Pháp Luân Công bị bắt hoặc sách nhiễu vì đức tin

Báo cáo tháng 7 và tháng 8 năm 2024: 1.219 học viên Pháp Luân Công bị bắt hoặc sách nhiễu vì kiên định đức tin

Báo cáo nửa đầu năm 2024: 2.714 học viên Pháp Luân Công bị bắt hoặc sách nhiễu vì kiên định đức tin

Báo cáo tháng 3 và tháng 4 năm 2024: 1.031 học viên Pháp Luân Công bị bắt hoặc sách nhiễu vì kiên định đức tin

Báo cáo tháng 1 và tháng 2 năm 2024: 310 học viên Pháp Luân Công bị bắt hoặc sách nhiễu vì kiên định đức tin

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/11/7/484738.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/11/14/221646.html

Đăng ngày 27-11-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share