Bài viết của đệ tử Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 25-12-2023] Trong nhiều năm qua, người điều phối địa phương của chúng tôi đã nhờ tôi đến nhà hỗ trợ cho tổng cộng năm học viên Pháp Luân Đại Pháp đang vượt quan bệnh nghiệp. Tôi đã giúp họ học Pháp, phát chính niệm và quy chính trạng thái tu luyện. Thậm chí tôi còn ở lại với họ trong một thời gian dài, cơ bản là cho đến khi họ có thể tự đối mặt với ma nạn. Trong khi giúp đỡ họ, trạng thái tu luyện và tâm tính của tôi đã được đề cao. Tôi muốn chia sẻ một số trải nghiệm của bản thân.

Bà Linh xuất hiện giả tướng nghiệp bệnh, bà bị u vú và chảy mủ. Người điều phối bảo tôi thứ Ba và thứ Tư hàng tuần đến nhà bà để học Pháp, luyện công và phát chính niệm trong một giờ với bà ấy. Ngoài tôi, còn có các học viên khác cũng đến giúp bà ấy. Sau khi ở đó một tháng, bà ấy nói với tôi: “Sao hiện giờ không thấy những học viên khác đến đây nữa? Liệu có phải tôi đã làm ảnh hưởng gì đến họ chăng?”

Tôi hiểu cảm xúc của bà, vì hầu hết các học viên đang trải qua nghiệp bệnh đều mong muốn được ở bên các học viên khác. Thông qua việc chia sẻ và giúp họ gia trì chính niệm, họ đã có thể tìm ra chấp trước và vượt qua ma nạn.

Tôi an ủi bà: “Chị đừng lo lắng. Nhiều học viên bận rộn với các công việc khác. Một số người phải làm công việc điều phối, một số người bận viết bài chia sẻ cho hội giao lưu tâm đắc thể hội, và một số người cũng đang giúp đỡ các học viên khác đang trải qua tình huống tương tự như chị. Chị đừng lo lắng về họ. Hễ buổi tối tôi có thời gian, nhất định tôi lại đến.” Trong vài tháng tiếp theo, miễn là không có việc gì quan trọng khác xảy ra, tôi luôn đến nhà bà để học Pháp cùng bà. Sau khi phát chính niệm xong, tôi sẽ bắt chuyến xe buýt cuối cùng về nhà.

Một hôm, bà Linh dường như xuất hiện tình trạng tiêu nghiệp mãnh liệt. Một vài học viên biết tình trạng của bà đã giúp bà phát chính niệm cả đêm. Ngày hôm sau, đồng tu điều phối bảo tôi ở lại nhà bà Linh vài ngày. Cô ấy nói rằng một số học viên lâu năm cũng đang trải qua nghiệp bệnh ở các mức độ khác nhau. Ví dụ, mẹ chồng cô, bà Văn cũng cảm thấy khó chịu vì thời tiết, sáng sớm bà đã gọi cho cô để chia sẻ về các triệu chứng của bà.

Điều khiến tôi thấy lạ là bà Văn đã từng trải qua một quan nghiệp bệnh và điều này làm tôi nhớ lại khoảng thời gian trước đây khi tôi tới học Pháp tại nhà bà. Trước đó, bà ấy dường như có một số triệu chứng bệnh, một học viên khác và tôi đã đến nhà bà khoảng một tháng để phát chính niệm. Tuy nhiên, bà trở nên sợ hãi, nói rằng khu vực nơi bà sống cài đặt nhiều camera. Vì vậy, bà đã không cho các học viên tập trung tại nhà bà để phát chính niệm và luyện công nữa. Sau đó, bà phát hiện ra rằng cái gọi là camera ấy thực ra là một cột điện mới được lắp đặt.

Trong đại dịch, tôi đã đến gặp bà Văn để chia sẻ với bà thể ngộ của bản thân dựa trên Pháp. Tuy nhiên, tôi lại có thái độ tiêu cực với bà ấy vì bà đã đến bệnh viện để trị bệnh và không để tâm đến những lời tôi chia sẻ. Sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, khi đến nhà bà ấy để phát chính niệm, tôi đã thiếu từ bi và cũng không đặt tâm giúp bà. Tôi luôn cảm thấy rằng bà thiếu tín tâm vào Đại Pháp nên việc phát chính niệm có lẽ không giúp ích gì cho bà ấy. Sau khi bà không cho các học viên đến nhà luyện công chung vì sợ hãi, tôi lại càng coi thường bà ấy hơn.

Quan niệm này tuy không tốt, nhưng vẫn luôn ẩn nấp trong tư tưởng tôi. Do đó, khi người điều phối nói với tôi về tình trạng gần đây của bà Văn, sự phẫn nộ, bất mãn và coi thường của tôi lại trỗi dậy. Đột nhiên, hai chiếc răng cửa của tôi bắt đầu đau. Tôi lập tức nhận ra rằng chính sự oán hận của mình đối với bà Văn đã gây ra cơn đau này. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn dùng cách của người thường để giải quyết vấn đề. Tôi lấy một cái kìm rồi soi gương và bắt đầu nhổ răng nhưng tôi không tài nào nhổ ra được và thậm chí còn đau hơn. Tôi quăng cái kìm đi và bắt đầu hướng nội. Những gì tôi nhìn vào toàn là những mặt tiêu cực của bà Văn, và tôi nhận ra mình đã bỏ qua nhiều điểm tích cực của bà ấy.

Mặc dù bà Văn đã ngoài 80 tuổi, nhưng mỗi tuần, bà đều đi bộ ra ngoài giảng chân tướng cùng các học viên khác. Bà ấy thường đi ra ngoài từ 2 giờ chiều đến 5 giờ chiều, và đi hơn ba km. Nhưng bà ấy không bao giờ phàn nàn về việc mệt mỏi hay bất kỳ khó khăn nào bà phải chịu đựng. Mỗi lần chúng tôi đến nhà bà để học Pháp chung hoặc luyện công chung, bà đều chuẩn bị sẵn thảm ngồi, nước và giấy lau cho chúng tôi.

Nghĩ đến đây, sự oán hận của tôi biến mất. Tôi nhận ra rằng mình nên bắt đầu suy nghĩ vấn đề từ góc độ của bà ấy, và giúp bà gia cường chính niệm. Làm sao tôi có thể oán hận bà ấy được? Tôi cảm thấy mình đã coi thường bà ấy. Sau khi phát chính niệm và luyện công xong, cơn đau răng của tôi đã hoàn toàn biến mất.

Tôi đến nhà bà Linh để hỏi xem bà có cần có người bên cạnh không. Tôi mang theo một chiếc chăn bông, cốc và chiếc đài có các bài giảng Pháp trong đó. Con gái bà cũng đã về nhà trong thời gian nghỉ học. Nhà bà có hai phòng ngủ. Nếu tôi ở lại đây, chắc chắn bà ấy sẽ bảo tôi ngủ trên chiếc giường lớn. Nhưng sau khi tôi rời đi, bà ấy sẽ phải dọn dẹp nhà cửa dù đang trải qua nghiệp bệnh. Tôi đã hỏi ý kiến của bà: “Tôi đã mang hành lý của mình đến. Nếu chị muốn tôi ở lại, tôi sẽ ở lại. Nhưng nếu chị cảm thấy sẽ tốt hơn khi con gái chị ở đây, thì sau khi học Pháp xong tôi sẽ về nhà.”

Bà ấy nói rằng bà cảm thấy tốt hơn khi có con gái ở bên cạnh, vì vậy tôi đã về nhà. Nếu là trước đây, tôi sẽ không hỏi qua ý kiến của bà ấy và cũng sẽ không mang chăn đến để ở lại. Lần này, tôi đã suy nghĩ thấu đáo hơn là do kinh nghiệm mà tôi có được khi ở lại với bà Tài.

Trước đây có lúc bà Tài không tinh tấn và có tâm sợ hãi lớn. Bà ấy bảo tôi ở lại chỗ bà ấy để học Pháp và phát chính niệm. Ban đầu, mọi thứ rất hòa ái, nhưng sau đó, hành động của bà ấy bắt đầu khiến tôi khó chịu. Mỗi tối, trước khi đi ngủ, bà ấy luôn chuẩn bị nước nóng để tôi rửa chân. Mặc dù tôi cũng làm theo, nhưng trong tâm cảm thấy không thoải mái. Chân tôi rất sạch sẽ và không cần ngày nào cũng phải rửa.

Một lần khi tôi ngồi đả tọa, tôi nhận ra bà Tài bảo tôi rửa chân không phải vì mùi chân của tôi, mà là do vấn đề của chính bà ấy. Để tránh có mùi trong nhà, bà đã hình thành thói quen rửa chân mỗi ngày. Lúc đó, tôi không nghĩ đến điều này, và có chút khó chịu. Mãi đến sau này tôi mới hiểu rằng mỗi học viên đều có thói quen riêng của mình. Vì tôi đã đến ở chỗ của bà ấy, tôi nên theo thói quen và sinh hoạt của họ.

Chính trải nghiệm này đã giúp tôi thay đổi hành xử của mình và giúp tôi biết suy nghĩ vấn đề từ góc độ của người khác. Tôi thực sự có thể cảm nhận được chính niệm của bà Tài ngày càng mạnh mẽ hơn. Và kết quả là, tinh thần của bà ấy ngày càng tốt lên.

Tôi không có mối quan hệ thân thiết với bất kỳ học viên nào mà tôi đã giúp đỡ. Lý do tôi có thể đến nhà họ để giúp đỡ bất cứ khi nào họ cần tôi là vì trong cuộc sống hàng ngày, công việc của tôi là chăm sóc và hỗ trợ cho người khác. Tôi chăm sóc một người bị liệt và phải nằm liệt giường. Mỗi sáng, tôi đến nhà họ lúc 7h30 sáng, giúp người bệnh lật người, đi vệ sinh, nấu ăn, sau đó cho ông ấy ăn. Vào lúc 9 giờ sáng, tôi cần giúp ông luyện công.

Vì phải nằm liệt giường nên cơ thể ông khá cứng. Do vậy, mỗi khi lật người ông, tôi phải rất chật vật. Sau khi chúng tôi luyện công xong, tôi hoàn toàn kiệt sức. Cứ mỗi giờ một lần tôi lại phải lật người cho ông, rồi ngoài ba bữa một ngày tôi còn phải đảm bảo cho ông uống nước ấm và ăn thêm một ít trái cây. Vì ông không tự chủ được việc đi vệ sinh, nên hàng ngày tôi phải giặt quần áo cho ông. Phải đợi đến 7h30 tối khi vợ ông về, tôi mới có thể về nhà được. Khi đó nếu đồng tu điều phối sắp xếp cho tôi ở nhà của các học viên đang vượt quan nghiệp bệnh, thì tôi không thể về nhà và nghỉ ngơi trong thời gian đó mà thay vào đó phải đến chỗ của họ.

Một đêm cách đây ba năm, tôi phát hiện ra rằng cô Đông đang trải qua nghiệp bệnh và cần được giúp đỡ khẩn cấp. Đồng tu điều phối sắp xếp cho tôi ở lại chỗ cô Đông. Ngày hôm đó, chỗ chúng tôi tuyết rơi nhiều nhất trong thành phố. Tôi đã phải chuyển phương tiện giao thông công cộng hai lần, bất chấp gió và tuyết, tôi phải đi bộ khá lâu mới đến được nhà cô Đông.

Tuyết rơi cả đêm. Sáng hôm sau, tôi đi bộ qua lớp tuyết dày khoảng 33 cm để đến nhà họ. Vài ngày sau, mặt đường lại đóng băng. Những cột băng dày khoảng 30cm hình thành trên mái hiên thấp gần các tòa nhà. Nhiều người đã phải đi đường vòng để tránh bị các cột băng này rơi vào, nhưng đó lại là con đường duy nhất để tôi đến nhà cô Đông. Một tháng sau trận tuyết rơi dày đó, hàng ngày tôi vẫn phải đi bộ rất cẩn thận trên con đường đóng băng này. Gió rét khiến mặt và tay tôi đỏ lên và lạnh cứng. Đôi khi tôi có suy nghĩ rằng, vì trời quá lạnh và đường xa, tôi nên nghỉ ngơi trong hai ngày. Nhưng, khi nghĩ đến người học viên đang gặp nghiệp bệnh vẫn đang xuất huyết, tôi lại cắn răng và kiên trì đến đó.

Sau khi đến nhà cô ấy, chúng tôi đã phát chính niệm cùng nhau trong một giờ. Hơn 3 giờ sáng, chúng tôi thức dậy để luyện công và hoàn thành một mạch cả năm bài công pháp. Việc này kéo dài trong một tháng và chúng tôi không bỏ lỡ một ngày nào. Nhờ Sư phụ Lý (nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp) gia trì, một tháng sau, cô đã hồi phục hoàn toàn và bắt đầu ra ngoài giảng chân tướng. Ngay trước hôm tôi rời khỏi nhà, mẹ cô đã đặt một giỏ trứng vào tay tôi. Bà rơi nước mắt và nói: “Cảm ơn cháu! Suốt cả tháng qua, cháu đã đến nhà để giúp con bác, cháu đã không bỏ lỡ một ngày bất kể thời tiết có thế nào. Ngay cả người nhà bác cũng không thể làm được như vậy”.

Tôi rất cảm động trước sự hồi phục nhanh chóng của cô Đông, sự tin tưởng của các học viên và lời nói của mẹ cô. Trong xã hội ngày nay, ai có thể giúp đỡ người khác một cách vô tư mà không vì mục đích gì chứ? Điều này ở trong người thường là rất hiếm, nhưng trong các học viên lại rất phổ biến. Chỉ có tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, mới có thể dung luyện ra những người có tâm vị tha như vậy.

Về điểm này, tôi đã nhớ đến một việc đã xảy ra cách đây không lâu. Ngoài việc đến nhà của các học viên đang trải qua nghiệp bệnh, tôi dành thời gian rảnh rỗi để tham gia giảng chân tướng và phát tài liệu về Đại Pháp.

Một đêm, khi một học viên khác và tôi đang phát tài liệu, đột nhiên trời nổi gió lớn kèm theo tiếng sấm sét. Tôi hỏi một học viên khác liệu chúng tôi có nên tìm một chỗ trú cho đến khi thời tiết tốt hơn một chút không. Cô ấy trả lời: “Không cần đâu. Chúng ta sẽ đến đó sớm thôi.” Thật kỳ diệu, nhờ Sư phụ bảo hộ, khi chúng tôi đến khu dân cư mà chúng tôi định sẽ phát tài liệu ở đó thì trời bắt đầu đổ mưa. Khi chúng tôi phát tài liệu xong, mưa vẫn chưa tạnh, và đã quá 9 giờ tối.

Tôi lo lắng rằng chúng tôi có thể bị lỡ chuyến xe buýt cuối cùng. Trong mưa, bất ngờ xuất hiện một người đi xe đạp điện. Vì người lái xe mặc áo mưa nên tôi không thể biết đó là ai. Chỉ khi người đó xuống xe, chúng tôi mới nhận ra rằng đó là học viên điều phối. Cô ấy lấy ra một chiếc áo mưa, một cái ô và đưa chúng cho chúng tôi. Tôi chân thành cảm ơn cô ấy, sau đó đi bắt xe buýt. Lúc đó, đường bị ngập và nước cao đến bắp chân, nhưng tâm tôi cảm thấy rất ấm áp.

Tôi đã nghĩ mình bị lỡ chuyến xe buýt cuối cùng, nhưng khi tôi đến trạm xe buýt, một chiếc xe buýt đã ở đó chờ tôi. Tôi là hành khách duy nhất, và xe buýt đi một mạch không dừng đến thẳng trạm dừng của tôi. Trong điều kiện khắc nghiệt như vậy, ngay cả tài xế taxi cũng sẽ từ chối nhận khách, nhưng Sư phụ từ bi đã cho một chiếc xe bus đến để đưa tôi về nhà. Tôi không thể nào bày tỏ hết được lòng biết ơn của mình. Tôi tâm niệm vững chắc rằng: Bất kể thời tiết như thế nào, tôi sẽ không ngừng trợ Sư phụ cứu độ chúng sinh.

Việc giúp đỡ các học viên trải qua nghiệp bệnh đã mang lại thụ ích to lớn cho tôi. Trong suốt quá trình đó, tôi đã cố gắng buông bỏ tự ngã, ma luyện sức chịu đựng của mình, từ lý tính nhận thức Pháp và đồng hóa với Pháp. Hiện giờ, bất kể khi nào ngồi trên xe buýt, tôi đều nhẩm Pháp, tôi nhẩm bài “Vì sao có nhân loại”, “Tại sao cần phải cứu độ chúng sinh” và một số bài trong Tinh Tấn Yếu Chỉ như “Hòa tan trong Pháp”, “Nói về Pháp”, “Cảnh tỉnh” và những kinh văn khác của Sư phụ.

Những lời giảng trong các kinh văn mới của Sư phụ đã loại bỏ các quan niệm hậu thiên và những suy nghĩ bất hảo trong tâm trí tôi. Ngay khi những suy nghĩ bất hảo khó phát giác vừa xuất hiện, tôi có thể nhìn thấu chúng và loại bỏ chúng. Dần dần, tôi đã biết tu khẩu và lấy lại được cảm giác tu luyện như thuở ban đầu. Thân thể và tâm trí của tôi hòa tan vào trong Pháp.

Con xin cảm tạ Sư phụ từ bi đã bảo hộ và điểm hóa cho con trong suốt chặng đường. Tôi thật may mắn khi là một học viên Đại Pháp được hòa tan trong Pháp, và tôi sẽ không từ bỏ sứ mệnh của mình. Tôi hy vọng các học viên có thể tinh tấn tiến về phía trước, tu luyện như thuở ban đầu và không cô phụ sự từ bi của Sư phụ cũng như sự kỳ vọng của chúng sinh.

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/12/25/468109.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/4/3/216446.html

Đăng ngày 29-05-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share