Bài viết của một đệ tử Đại Pháp tại Trung Quốc
[MINH HUỆ 19-02-2024] Tôi bắt đầu tu luyện Đại Pháp vào năm 1998, nhưng mãi đến thời gian gần đây, tôi mới bắt đầu thực tu và hiểu ra ý nghĩa của việc tu luyện.
Tu bỏ những thói hư tật xấu
Trước khi tu luyện Pháp Luân Công, tôi là một người có tính cách cực đoan và luôn tự cho mình là đúng. Các đồng nghiệp nói rằng tôi là người khó gần, còn người thân trong gia đình thì bảo tôi là người khó tính. Nói chung, trong mắt mọi người, tôi là người kém hòa đồng.
Tôi đã đọc rất nhiều sách văn học, từ cổ chí kim, cả bằng tiếng Trung và tiếng nước ngoài. Đặc biệt là, các tác phẩm văn học đương thời thịnh hành tại Đại lục bấy giờ chứa đầy những quan niệm và ý thức lệch lạc, bại hoại. Do vậy, suy nghĩ và hành động của tôi cũng bại hoại một cách không tự biết. Dần dà lời nói của tôi trở nên chua chát và ác ý, tôi còn tự cho rằng mình sâu sắc. Tư tưởng của tôi loạn bát nháo, không có thiện niệm, tôi lại tưởng rằng mình có tâm hồn phong phú.
Tôi nhớ rõ một sự việc đã gây ấn tượng sâu sắc trong tôi. Có một đồng nghiệp thích kể những câu chuyện cười tục tĩu, và tôi không ưa gì anh ấy. Một ngày nọ, anh ấy trêu chọc tôi trước mặt nhiều người và hỏi tôi thấy anh thế nào. Tôi nói thẳng với anh: “Anh còn khó chịu hơn cả ruồi. Ruồi chỉ xuất hiện vào một mùa nhất định, còn anh thì xuất hiện quanh năm!” Anh ấy đỏ mặt vì xấu hổ, những đồng nghiệp xung quanh ngạc nhiên sửng sốt, còn tôi thì bỏ đi không chút bận tâm. Giờ đây nghĩ lại tôi cảm thấy hối hận vô cùng vì đã nói như vậy. Tôi thực sự đã khiến người khác tổn thương, đồng thời còn tạo thêm bao nhiêu khẩu nghiệp cho chính mình!
Trong khi học Pháp tôi đọc được đoạn sau:
“Nếu chư vị là hậu thiên dưỡng thành lập dị, thì đó không phải là cá tính, đó là chấp trước của chư vị, là thứ hậu thiên hình thành. Nói như có người xác thực là có đặc điểm của bản thân mình, người này họ hành động nhanh, có người thì cứ chậm chạp, hoặc là giữa đôi bên có sự khác biệt về bản tính, đây là thứ vốn có của họ. Còn thứ hình thành hậu thiên, như làm chuyện gì đó biểu hiện ra tôi là thích như vậy, tôi là như vậy, tôi là hay làm như vậy, tôi là làm như vậy. Coi những chấp trước, những tật xấu này là cá tính và tính cách của mình, điều này thì không đúng, những thứ này đều phải trừ bỏ đi.” (“Giảng Pháp tại Pháp hội miền Tây Mỹ quốc [1999]”)
Ánh mắt tôi sững lại ở đoạn Pháp này, tôi cảm thấy Sư phụ đang điểm ngộ điều gì đó cho mình. Sau đó, tôi thật sự hướng nội và phát hiện ra “những tật xấu” là thứ khiến tôi bị hãm ở một tầng và không thể đề cao trong suốt một thời gian dài. Đó là một loại cố chấp của người thường, là biểu hiện tính cách của người thường. Nhưng đối với người tu luyện, nó hẳn là thứ xấu và tôi cần phải quyết tâm tu bỏ.
Biểu hiện nổi cộm nhất trong các tật xấu của tôi là: coi thường đồng tu. Khi tham gia học Pháp nhóm, tôi thường muốn chọn những đồng tu tinh tấn để học cùng. Tôi hay coi thường những người mà tôi nghĩ là có nhiều chấp trước, những người không thể buông bỏ chấp trước trong một thời gian dài, và những người có tâm hiển thị và tâm tranh đấu. Khi phối hợp với các đồng tu khác để giảng chân tướng, tôi hay coi thường những đồng tu có ít hiểu biết về văn hóa, những đồng tu có tâm sợ hãi lớn và thiếu trách nhiệm, hoặc những đồng tu tự mãn mà không sẵn lòng phó xuất. Tôi có quá nhiều lý do coi thường người khác đến mức tôi không hiểu nổi tu luyện là gì, hóa ra tôi chỉ toàn cảm thấy tự hài lòng về bản thân. Chỉ sau này tôi mới nhận ra rằng trong ngần ấy năm, các đồng tu khác đang tu luyện, còn tôi thì chỉ như một người thường.
Tôi còn có một tật xấu khác là tự cho mình là đúng. Kiểu tự cho mình là đúng này luôn khiến tôi nghĩ mình tinh tấn, không bị ảnh hưởng bởi những suy nghĩ người thường của các đồng tu. Tôi có tư tưởng độc lập và có chấp trước hiển thị mạnh mẽ. Vì vậy, hầu như khi giao lưu chia sẻ tôi không thể lắng nghe ý kiến của các đồng tu và không coi trọng nhận thức về Pháp của họ. Khi học Pháp nhóm, tôi chỉ có thể nghe thấy giọng đọc Pháp của chính mình. Khi phối hợp với những người khác để giảng chân tướng hoặc làm các hạng mục Đại Pháp khác, tôi toàn coi trọng ý tưởng của bản thân. Trong các buổi chia sẻ tâm đắc thể hội, tôi mở mắt nhưng để soi mói người khác; miệng đang nói nhưng lại chỉ trích người khác; tai tôi dường như bít kín lại và tôi không thể lắng nghe ý kiến của mọi người. Tôi luôn hướng ngoại, và nếu có hướng nội, thì chẳng qua chỉ là kiểu tự phê bình mang tính Văn hoá Đảng, mục đích thực sự là tìm cơ hội để chỉnh sửa người khác.
Sự tự cho mình là đúng cũng khiến tôi vô ý tự sắp xếp con đường tu luyện của mình. Tôi luôn đặt ra những mục tiêu nhỏ cho bản thân và sẽ hài lòng khi đạt được mục tiêu. Mỗi khi mục tiêu đạt được rồi, tôi lại chùn bước, trì trệ trong một thời gian, rồi mới điều chỉnh lại. Tôi cảm thấy mệt mỏi và không thể theo kịp tiến trình Chính Pháp của Sư phụ. Tôi đã không đi theo con đường tu luyện do Sư phụ an bài và bị cựu thế lực can nhiễu. Tôi không thể trở nên tinh tấn hay nói cách khác đã không buông bỏ tự ngã.
Thông qua học Pháp, cuối cùng tôi nhận ra rằng những thứ mà tôi đang cố chấp chẳng là gì cả. Chúng chẳng qua chỉ là những nhân tố do nghiệp tư tưởng gây ra và là những chấp trước bị cựu thế lực lợi dụng. Tôi tăng cường nỗ lực phát chính niệm thanh lý những nhân tố bại hoại đó và dành thêm thời gian mỗi ngày để phát chính niệm nhắm thẳng vào nó. Đồng thời, tôi không ngừng nhắc nhở bản thân phải vứt bỏ những tật xấu của mình. Sư phụ đã ban cho tôi cơ hội tu luyện, vì vậy tôi cần phải trân quý cơ duyên và trân trọng các bạn đồng tu. Tôi cần phải chân tu, buông bỏ cái nhìn hạn hẹp về nhân sinh, tu luyện tâm mình chiểu theo Chân-Thiện-Nhẫn.
Sư phụ giảng,
“Nhận thức ra được, bản thân đó cũng là đề cao. Có thể vứt bỏ chúng, hoặc khắc phục chúng, tiêu tán chúng, cuối cùng hoàn toàn loại bỏ chúng, quá trình đó chính là liên tục đề cao, cũng là chuyển biến căn bản của sinh mệnh.“ (“Giảng Pháp tại Pháp hội Atlanta năm 2003”)
Giờ đây, tôi đã cải biến quan niệm, hướng nội mà tìm, hướng nội mà tu, và trạng thái tu luyện của tôi đã có phần cải thiện. Trong nhóm học Pháp, có một đồng tu chỉ ra một vấn đề cho tôi, anh ấy dùng những lời lẽ tiêu cực nhắm vào tôi. Khi nói chuyện với các đồng tu khác, giọng tôi run lên và cảm thấy khó thở, nhưng tôi đã cố giữ im lặng. Sau này nghĩ lại tôi cảm thấy thực ra chẳng có chuyện gì.
Khi giảng chân tướng, tôi không còn đặt ra một con số ấn định nữa, mà chỉ cố gắng hết sức để giảng rõ ràng, không qua loa chiếu lệ. Mỗi lần giảng chân tướng cho ai đó, tôi sẽ thầm cảm ơn Sư phụ trong tâm vì lòng từ bi và sự cứu độ của Ngài thay cho họ. Có khi hơn hai giờ giảng chân tướng mà khuyên được hơn 20 người đồng ý làm tam thoái.
Sau khi cải biến quan niệm, tôi quay trở lại nhóm học Pháp mà tôi đã rời đi vì coi thường các đồng tu và né tránh mâu thuẫn. Tôi từng nghĩ nhóm tu luyện rất chậm và tôi sẽ bị ảnh hưởng nếu ở trong đó. Giờ đây, tôi nhận ra những đồng tu này thực sự tinh tấn và mỗi người trong số họ đều rất vị tha, cũng chính là điều mà tôi còn thiếu. Trong quá trình tu luyện, tôi thực sự nhận ra rằng chỉ sau khi buông bỏ tự ngã, tôi mới có thể gặt hái được thành quả.
Đề cao tâm tính và hòa vào chỉnh thể
Những năm trước, một số đồng tu đã đề cập với tôi về việc kêu gọi viết bài gửi Pháp hội và nói rằng tất cả chúng tôi nên tham gia. Họ muốn viết bài và nhờ tôi chỉnh sửa, nhưng tôi lại khiến họ nản lòng bởi mấy lời như “làm gì cũng kém, không có gì để viết, v.v..”
Năm nay, suy nghĩ của tôi đã thay đổi và tôi cảm thấy các đồng tu đã đúng. Pháp hội là sự kiện thù thắng và trang nghiêm nhất của các đệ tử Đại Pháp, có rất nhiều chúng sinh trong vũ trụ đang dõi theo. Nếu chúng ta, các đệ tử Đại Pháp, không chủ động tham gia vào Pháp hội của bản thân thì chúng sinh trong thiên quốc của chúng ta sẽ thất vọng biết bao! Do đó, tôi đã khích lệ các đồng tu viết bài và ngỏ ý rằng tôi sẽ cố gắng hết sức để chỉnh sửa giúp họ.
Trong quá trình giúp các đồng tu chỉnh sửa bài viết của họ, tôi đã gặp phải rất nhiều can nhiễu, biểu hiện ở không gian này là một cú ngã nghiêm trọng, khiến phần thắt lưng của tôi bị thương. Tôi đã cắn răng chịu đau, cặm cụi sửa sang các bài viết, trao đổi với đồng tu và sửa đi sửa lại hàng chục lần. Một số bài viết chỉ là các gạch đầu dòng, trong khi một số bài có rất nhiều điều để nói nhưng lại không có trọng tâm cụ thể, tôi bỏ bớt đi thì đồng tu lại trách móc tôi.
Trong quá trình này, tôi đã mở rộng dung lượng tâm mình và tích cực phối hợp với các đồng tu, tôi không còn coi thường đồng tu nữa, không cáu kỉnh, không oán giận họ đồng thời không bỏ lỡ cơ hội hướng nội và đề cao bản thân. Tôi đã thấy các đồng tu tu luyện khó khăn như thế nào. Một số đồng tu phải đối mặt với những khổ nạn lớn trong gia đình nhưng họ không hề dao động mà rất kiên định. Một số đồng tu đã đạt đến độ thân ở trong thế gian nhưng tâm ở ngoài thế gian, họ không giỏi trong việc biểu đạt bản thân, nhưng lại rất vững vàng trong tu luyện.
Để tiết kiệm thời gian và sức lực của các đồng tu, tôi nhanh chóng hoàn thành việc chỉnh sửa bài viết của họ và để các đồng tu có thể chọn thời gian thuận tiện để xem và sửa lại cùng tôi.
Trong quá trình đó, tôi cũng cảm thấy kỹ năng viết của mình còn thiếu sót, chủ yếu là do tôi tu luyện kém. Đôi khi các đồng tu muốn tôi giúp biểu đạt cảm xúc của họ một cách chuẩn xác hơn, nhưng tôi không thể làm được, một phần vì tôi không thể hiểu được cảnh giới tu luyện của họ, phần khác do sự can nhiễu của Văn hóa Đảng trong tôi.
Đây là những phương diện tôi cần đề cao và những chấp trước tôi cần loại bỏ. Đây thực sự là một cơ hội vô cùng quý giá để tôi đề cao trong tu luyện.
Nếu không có sự bảo hộ và gia trì của Sư tôn, làm sao tôi có thể vượt qua được mỗi từng khổ nạn và khảo nghiệm! Tôi cảm thấy rằng, mỗi khảo nghiệm và khổ nạn càng đưa tôi đến gần Sư phụ hơn và tôi càng đồng hóa với Pháp.
Mỗi đệ tử Đại Pháp đều đang bước đi trên con đường tu luyện của bản thân, đều đang hoàn thành thệ ước của mình. Làm sao người khác có thể hiểu thấu những gì họ đã trải qua? Tôi chỉ có thể muôn phần trân trọng cơ duyên được làm đồng tu của họ, và giúp nhau tinh tấn đề cao!
Con đường tu luyện của tôi còn bao xa? Tôi không biết được, tôi chỉ biết rằng Sư phụ đang ở phía trước và tôi sẽ kiên định tiến lên!
Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/2/19/472395.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/4/22/216678.html
Đăng ngày 28-05-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.