Bài viết của phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 13-03-2024] Theo báo cáo tháng 1 và tháng 2 năm 2024, tổng cộng 310 học viên Pháp Luân Công đã bị bắt giữ hoặc sách nhiễu vì kiên định đức tin. 192 trường hợp bắt giữ bao gồm 143 trường hợp xảy ra vào tháng 1 năm 2024 và 44 trường hợp vào tháng 2 năm 2024. Trong số 118 trường hợp sách nhiễu, có 83 trường hợp vào tháng 1 năm 2024 và 35 trường hợp vào tháng 2 năm 2024.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại từ năm 1999. Vô số học viên bị sách nhiễu, bắt giữ, kết án hoặc tra tấn vì kiên định đức tin trong suốt 25 năm của cuộc bức hại. Do sự kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt ở Trung Quốc, các vụ bức hại thường không thể luôn luôn được báo cáo kịp thời, cũng như không phải tất cả đều có sẵn thông tin.

Các trường hợp mới được ghi nhận này phân bố ở 21 tỉnh và 4 thành phố trực thuộc Trung ương (Bắc Kinh, Trùng Khánh, Thượng Hải và Thiên Tân). Cát Lâm là tỉnh đứng đầu, với tổng cộng 48 vụ bắt giữ và sách nhiễu, tiếp theo là Sơn Đông với 41 vụ và Liêu Ninh 40 vụ; 5 khu vực có số vụ ghi nhận ở mức 2 con số (từ 12 đến 35); 17 khu vực khác có số trường hợp ghi nhận ở mức 1 con số (từ 1 đến 9).

Trong số 310 học viên bị nhắm đến, có 56 trường hợp có độ tuổi từ 60 trở lên tại thời điểm bị bắt giữ hoặc sách nhiễu, trong đó có 20 trường hợp ngoài 60, 27 trường hợp ngoài 70 và 9 trường hợp ngoài 80. Một cụ bà 84 tuổi bị giam giữ vào đầu tháng 1 năm 2024 để chấp hành bản án 4 năm tù được tạm hoãn hồi năm 2021. Một phụ nữ 65 tuổi nằm liệt giường hơn 4 năm bị cảnh sát khiêng ra khỏi giường. Một cụ bà 72 tuổi bị mất bàn chân phải do bị tiêm thuốc độc trong trại giam đã bị sách nhiễu và lại phải đối mặt với việc truy tố.

Ba phụ nữ ở độ tuổi 80 bị nhắm mục tiêu

Ngày 6 tháng 1 năm 2024, bà Triệu Hồng Chi, 84 tuổi, cư dân thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, bị bắt giữ tại nhà khi đang nấu bữa tối. Hai ngày sau, con trai của bà xác nhận rằng mẹ anh đã bị cảnh sát từ Đồn công an Nam Hồ bắt đi. Anh ấy yêu cầu được gặp bà, nhưng cảnh sát từ chối.

Tối ngày 10 tháng 1, con trai bà Triệu nhận được cuộc gọi từ viện kiểm sát địa phương, thông báo mẹ anh đã bị chuyển vào nhà tù để chấp hành bản án 4 năm tù được ban hành năm 2021, nhưng vì đại dịch nên bà không bị yêu cầu chấp hành vào thời điểm đó.

Một phụ nữ 84 tuổi khác, bà Quách Mỹ Anh ở Bắc Kinh, bị hơn 10 cảnh sát bắt giữ tại nhà vào ngày 17 tháng 1 năm 2024. Cảnh sát cho hay bà đã bị camera giám sát ghi hình trong khi phân phát tài liệu Pháp Luân Công. Họ đột kích vào nhà bà mà không có lệnh khám xét. Vì bà không vượt qua việc kiểm tra sức khỏe đầu vào của Trại tạm giam địa phương, nên cảnh sát cho phép bà chấp hành lệnh tạm giam năm ngày tại nhà.

Bà Vương Quế Hà, 80 tuổi, ở thành phố Cẩm Châu, tỉnh Liêu Ninh, vốn đang được tại ngoại, đã bị ban hành lệnh bắt giữ chính thức và bắt giam trở lại vào ngày 5 tháng 2 năm 2024. Hiện bà phải đối mặt với cáo trạng trong khi đang bị giam giữ tại trại tạm giam Nữ thành phố Cẩm Châu.

Sức khỏe yếu cũng không tha

Bà Lý Thụ Liên, 65 tuổi, cư dân thành phố Diên An, tỉnh Thiểm Tây, nằm liệt giường từ đầu năm 2020. Bà bị cảnh sát khiêng ra khỏi giường vào ngày 3 tháng 1 năm 2024. Không rõ hiện bà đang bị giam giữ ở đâu, hay liệu cảnh sát có ý định truy tố hay không.

Trước đó, bà Lý đã bị bắt vào ngày 15 tháng 12 năm 2019. Bà rơi vào tình trạng nguy kịch sau ba tháng bị tra tấn tại trại tạm giam Du Lâm. Khi được đưa về nhà, người bà chỉ còn da bọc xương. Bà đại tiểu tiện không tự chủ, bị lở loét trên lưng và mông. Trí nhớ của bà giảm sút đáng kể, và bà không thể nhớ được những sự việc đã xảy ra một hoặc hai ngày trước. Khi gia đình đưa bà đến bệnh viện, bác sỹ từ chối điều trị cho bà vì tình trạng nghiêm trọng của bà.

Bà Lý không phải là người duy nhất trong gia đình bị bức hại vì tu luyện Pháp Luân Công. Cả bà, một cựu giảng viên trường dạy nghề, và chồng bà, ông Tào Hóa Sơn, một cựu giáo viên trung học, đã nhiều lần bị bắt và bỏ tù trong hơn hai thập kỷ qua. Vụ bắt giữ gần nhất của chồng bà xảy ra chỉ sau vụ bắt giữ bà một ngày, khi ông đang sống phiêu dạt để tránh cảnh sát. Tháng 6 năm 2020, người thân xác nhận rằng ông đã bị kết án bí mật tại Nhà tù Vị Nam, nhưng không rõ thời hạn án tù của ông.

Khi bà Lý và chồng đều bị giam giữ vào năm 2007, con gái của họ đã bị nơi làm việc sa thải vì có chung đức tin vào Pháp Luân Công. Cô mắc bệnh hiểm nghèo, nhưng không đủ tiền chi trả cho việc điều trị. Cô qua đời vào một thời điểm chưa xác định.

Nhắm mục tiêu nhiều lần

Trường hợp của bà Tống Hội Lan là một ví dụ về sự bức hại liên tục các học viên Pháp Luân Công. Bà Tống, một cư dân 72 tuổi ở thành phố Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang, đã bị tiêm những loại thuốc không rõ chủng loại trong khi bị giam giữ tại trại tạm giam huyện Thang Nguyên vào tháng 2 năm 2011. Kết quả là bàn chân phải của bà bị hoại tử mô nghiêm trọng. Nó chuyển sang màu đen, và rụng ra vào ngày 25 tháng 5 năm 2011.

Ngày 29 tháng 9 năm 2021, bà Tống lại bị bắt sau khi bị tố giác vì phân phát lịch có thông tin Pháp Luân Công tại một công viên địa phương. Mặc dù cảnh sát hứa với con gái bà sẽ không truy tố bà Tống thêm nữa khi trả tự do cho bà vào ngày 25 tháng 10 năm đó, nhưng họ đã lừa con gái bà ký vào mẫu đơn “bảo lãnh tại ngoại chờ xét xử” vào ngày 8 tháng 4 năm 2023, để làm tiền đề cho việc khởi tố bà Tống. Ngày 6 tháng 2 năm 2024, hai cảnh sát đến nhà bà Tống, yêu cầu bà đến Tòa án quận Hướng Dương để ký vào mẫu đơn “bảo lãnh tại ngoại” mới. Bà từ chối đi, và cảnh sát đã quay lại sách nhiễu nhiều lần.

Cuộc sống bình thường bị phá hoại

Ông Vu Thiên Kiếm, ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, phải đối mặt với sự giám sát không ngừng nghỉ của cảnh sát kể từ khi ông được thả sau một thời gian ngắn bị tạm giam cách đây 5 năm.

Ông Vu bị bắt vào tháng 6 năm 2018 vì nói chuyện với người dân về Pháp Luân Công. Sau khi ông bị đưa đến Trung tâm Tẩy não Cam Tỉnh Tử, chính quyền đã tìm một số “chuyên gia” để nói chuyện với ông, cố gắng buộc ông từ bỏ Pháp Luân Công. Ông vẫn kiên định đức tin của mình. Khi ông được thả ra sáu ngày sau đó, cảnh sát đã thuê một địa điểm gần căn hộ của ông để giám sát ông. Ông phát hiện mình bị theo dõi mỗi khi ra ngoài. Hàng xóm của ông cũng được cảnh sát mua chuộc để theo dõi ông. Hàng năm, vào ngày 13 tháng 5, ngày kỷ niệm Pháp Luân Công được hồng truyền, hàng xóm của ông đều mở cửa để trông chừng ông Vu.

Khi ông Vu đến thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, để làm việc vào năm 2022, chính quyền Đại Liên đã thông báo cho cảnh sát Quảng Châu sách nhiễu ông. Người quản lý tại nơi làm việc của ông cũng bị sách nhiễu, dẫn đến việc ông Vu bị sa thải. Việc theo dõi và sách nhiễu vẫn tiếp diễn khi ông Vu trở về Đại Liên.

Cũng phải đối mặt với sự sách nhiễu liên tục của cảnh sát, vào khoảng tháng 1 năm 2024, bà Chung Phương Quỳnh, 59 tuổi, ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, buộc phải sống xa nhà để tránh bị bức hại thêm. Vụ sách nhiễu bà Chung bắt đầu từ ngày 26 tháng 9 năm 2022, khi bà đang tạm trú tại nhà em trai mình ở thành phố Giản Dương, tỉnh Tứ Xuyên. Một số cảnh sát đã sách nhiễu bà gần như mỗi ngày trong khoảng thời gian từ ngày 14 đến 22 tháng 10 năm 2022. Sự sách nhiễu vẫn tiếp diễn tiếp trong năm 2023, bao gồm một vụ vào ngày 26 tháng 4 và một loạt sự kiện khác vào tháng 6, khiến bà rốt cuộc phải trốn chạy. Trước vụ bức hại gần nhất, bà Chung đã bị giam giữ nhiều lần và bị kết án hai lần với tổng thời hạn là 11 năm.

Sau đây là ba trường hợp bắt giữ công khai khác.

Nữ học viên Thiểm Tây bị giam giữ chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công, chị gái và em trai bà bị bắt vì yêu cầu trả tự do cho bà

Bà Dương Xảo Lệ, cư dân thành phố Đồng Xuyên, tỉnh Thiểm Tây, bị tạm giam sau vụ bắt giữ ngày 9 tháng 1 năm 2024. Bà hiện đang phải đối mặt với cáo trạng, sau khi Viện Kiểm sát quận Ấn Đài ban hành lệnh bắt chính thức với bà.

Trong khi bắt giữ bà Dương, cảnh sát đẩy bà ngã xuống và đánh đập bà. Sau khi bà bị đưa vào trại tạm giam địa phương, hai lính canh dùng gậy đánh bà tại điểm mù của camera giám sát, vì bà không đọc thuộc lòng nội quy của trại tạm giam.

Sáng ngày 19 tháng 2 năm 2024, luật sư của bà Dương đến trại tạm giam để gặp bà. Cuộc gặp kết thúc trong khoảng 10 phút, sau khi một lính canh phát hiện trong hồ sơ vụ án của bà Dương có ghi bà “không được phép gặp luật sư”.

Vì chồng bà Dương làm việc xa nhà, nên bà là người duy nhất chăm sóc cho hai con đang trong độ tuổi đến trường, cùng người cha già 90 tuổi của họ. Sau khi bà bị bắt, hai đứa trẻ cùng ông cụ già vô cùng khó khăn khi phải tự lo liệu.

Đứng trước hoàn cảnh gia đình bà Dương như vậy, em trai bà Dương, ông Dương Tây Kinh, cùng hai chị gái là bà Dương Mỹ Lệ và Dương Mỹ Nga quyết định tìm cách để bà được tự do. Ngày 18 tháng 2 năm 2024, ba chị em đến đồn công an để đòi thả bà, nhưng chỉ có em trai bà được phép vào trong. Khi ông Dương chuyển cho cảnh sát một tài liệu chỉ rõ rằng không có luật nào ở Trung Quốc hình sự hóa Pháp Luân Công thì cảnh sát buộc tội ông truyền bá Pháp Luân Công, và đánh gục ông. Họ ấn mặt ông xuống đất đến mức da mặt ông bị rách.

Sau khi ông Dương ra khỏi trụ sở cảnh sát, ông nói với hai chị gái mình chuyện đã xảy ra. Bà Dương Mỹ Lệ tiến vào bên trong, nhưng thấy cửa đóng chặt. Bà gõ cửa và một cảnh sát đi ra và vu cáo hai chị em bà gây nhiễu loạn cơ quan công an và cố ý gây rối. Sau đó, hai chị em bà bị tạm giữ hành chính 15 ngày.

Người phụ nữ Bắc Kinh 60 tuổi bị bắt giữ hai lần trong vòng chưa đầy hai năm

Bà Trương Bảo Linh, một cư dân Bắc Kinh 60 tuổi, đã bị bắt hai lần, từ giữa năm 2022 đến đầu năm 2024 vì tu luyện Pháp Luân Công. Bà bị bắt lần đầu tiên vào ngày 19 tháng 6 năm 2022, sau khi bị tố giác vì phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công. Bà bị tạm giữ 36 giờ trước khi được bảo lãnh tại ngoại.

Ngày 5 tháng 6 năm 2023, Viện kiểm sát quận Phong Đài gọi điện cho bà Trương và lệnh cho bà phải trình báo với họ sau hai ngày. Bà không đi vì đang thăm viếng người anh trai lâm bệnh ở quê nhà.

Ngày 23 tháng 2 năm 2024, cảnh sát bắt giữ bà Trương, với lý do bà đã vi phạm điều khoản bảo lãnh khi đến thăm anh trai mình. Bà bị bỏ đói vào tối hôm đó. Cảnh sát đưa bà đến bệnh viện để khám sức khỏe, và được phát hiện huyết áp cao đến mức nguy hiểm là 214/115 mmHg (mức bình thường là 120/80 mmHg hoặc thấp hơn).

Bất chấp tình trạng của bà, cảnh sát vẫn đưa bà đến trại tạm giam quận Phong Đài, nơi đo huyết áp của bà thậm chí còn cao hơn. Sau khi trại tạm giam từ chối tiếp nhận, cảnh sát chạy đến các phòng ban khác nhau trong trại tạm giam, cố gắng thuyết phục họ tiếp nhận bà Trương. trại tạm giam khăng khăng không tiếp nhận bà. Bà được tại ngoại vào lúc 2 giờ 30 phút sáng ngày 24 tháng 2.

Cựu kỹ sư tàu hỏa bị bắt vì nói chuyện với người dân về Pháp Luân Công

Ngày 8 tháng 2 năm 2024, ông Tạ Minh Quang, cựu kỹ sư tàu hỏa ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, bị bắt tại Thành phố Lợi Xuyên cùng tỉnh. Ông bị bắt sau khi bị tố giác nói chuyện với người dân về Pháp Luân Công trong một thời gian ngắn dừng chân ở Lợi Xuyên. Cảnh sát đã lừa ông mở cửa bằng cách giả làm nhân viên quản lý tài sản. Họ lục soát nơi ở tạm thời của ông ở Lợi Xuyên, và lấy đi nhiều vật phẩm liên quan đến Pháp Luân Công.

Ngày 9 tháng 2, một ngày trước Tết Cổ truyền, cảnh sát Lợi Xuyên gọi điện cho vợ ông Tạ, cho biết họ sẽ thả ông sau 15 ngày. Nhưng vào ngày 23 tháng 2, một ngày trước khi trả tự do theo dự kiến, cảnh sát đã lệnh cho vợ ông ký vào giấy tạm giam, nói rằng ông Tạ đã bị tạm giam hình sự, và sẽ sớm bị chuyển đến trại tạm giam thành phố Lợi Xuyên. Không rõ liệu ông có được thả vào thời điểm viết bài hay không.

Báo cáo liên quan:

Báo cáo năm 2023: 6.514 học viên Pháp Luân Công bị bắt hoặc sách nhiễu vì kiên định đức tin

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/3/13/474166.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/3/19/216261.html

Đăng ngày 30-03-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share