Bài viết của đệ tử Đại Pháp tại Hà Bắc, Trung Quốc
[MINH HUỆ 30-04-2023] Chính Pháp đã đến tối hậu, mỗi ngày các đồng tu đều đang làm ba việc để không cô phụ sự từ bi khổ độ của Sư tôn, không muốn bản thân phải lưu lại hối tiếc và không muốn có lỗi với chúng sinh trong thiên quốc của mình. Tôi cũng kiên trì phát tư liệu, kiên trì học Pháp, kiên trì luyện công, nhưng sao cứ thấy khổ cực và mệt mỏi như vậy, đặc biệt là luyện công vào sáng sớm.
Tôi là nhân viên văn phòng, việc dậy sớm luyện công mỗi ngày đã trở thành một vấn đề mà tôi dù đã hạ quyết tâm và lực độ để kiên trì mà vẫn chưa làm được tốt. Tôi thường đặt báo thức lúc 3 giờ 15 phút sáng, sau đó là 3 giờ 45, rồi đến 4 giờ 45. Khi tâm tính đề cao, tôi có thể thức dậy vào lúc 3 giờ 15, nhưng chỉ được vài ngày rồi lại trượt xuống 4 giờ 45, cứ lặp đi lặp lại như thế, để kiên trì thật vất vả, thật khổ tâm. Tôi cảm thấy có chỗ nào đó không đúng nhưng sao việc kiên trì lại khổ cực như vậy chứ.
Một buổi tối sau khi học Pháp xong, tôi nghĩ sáng mai mấy giờ mình sẽ dậy luyện công đây? Tôi khích lệ bản thân sẽ kiên trì dậy lúc 3 giờ 15. Rồi bỗng nhiên tôi nghĩ đến hai chữ “kiên trì”, “kiên trì” chẳng phải là cách làm của người thường sao? Đối với những việc không tình nguyện, không nguyện ý làm mới cần kiên trì chứ! Người thường liệu có nói mỗi ngày kiên trì ăn cơm, kiên trì uống nước, kiên trì ngủ không? Những việc đó đã trở thành thói quen tự nhiên hàng ngày của con người rồi. Vậy đối với người tu luyện thì việc học Pháp, luyện công chẳng phải cũng là việc cần làm như vậy mỗi ngày sao? Chẳng phải cũng nên làm một cách bình thường, tự nhiên giống như việc con người ăn cơm, uống nước mỗi ngày sao? Có gì là không tình nguyện như thế không? Vậy là tôi ước thúc chủ nguyên thần của mình làm vậy, minh bạch được Pháp lý này liền cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm. Lúc này, tôi vô cùng cảm tạ Sư tôn đã điểm ngộ cho đệ tử. Chính Sư phụ đã giúp đệ tử chuyển nhân niệm thành Thần niệm. Kể từ đó, việc học Pháp và làm các việc giảng chân tướng cũng trở nên dễ dàng hơn.
Tôi từng đọc bài chia sẻ của một đồng tu, vì để dậy sớm luyện công, đồng tu đã đặt nhiều đồng hồ báo thức, nhưng chuông báo thức nào reo lên thì lại tắt chuông đó đi, rốt cuộc vẫn không dậy được. Còn có một đồng tu vì để dậy sớm nên đã không ngủ trên giường, mà đặt một tấm đệm cạnh giường và ngủ ở mép giường, cũng đều rất cực khổ. Kỳ thực đó chẳng phải vẫn là dùng biện pháp của người thường mà đối đãi với việc của Thần sao? Chúng ta chuyển biến quan niệm một chút thì liền thực hiện được một cách dễ dàng.
Mỗi ngày cần làm tốt ba việc, điều đó có lẽ cũng cần tự nhiên giống như việc hít thở không khí vậy. Vậy là, tôi liền đặt báo thức lúc 3 giờ 15 và sáng hôm nay khi chuông báo thức vừa vang lên, tôi đã bật dậy được một cách tự nhiên và suy nghĩ muốn ngủ thêm một phút nữa đã không mảy may xuất hiện. Người luyện công thì cần luyện công và năm bài công pháp cần thực hiện “nhất bộ đáo vị” (hoàn thành một mạch cả năm bài công pháp).
Đã 10 ngày kể từ khi tôi bắt đầu viết bài chia sẻ này và trong thời gian này, ngày nào tôi cũng dậy vào lúc 3 giờ 15. Ban ngày, cũng có lúc tôi buồn ngủ nhưng tôi nghĩ nó không liên quan gì đến việc luyện công, vậy nên hầu như tôi không cảm thấy buồn ngủ nữa, mà tràn đầy năng lượng.
Sư phụ giảng:
“ … tu luyện chính là sự nghỉ ngơi tốt nhất. Loại nghỉ ngơi mà có thể đạt đến [trạng thái] mà chư vị ngủ cũng không đạt được, không có ai nói rằng tôi luyện công mệt quá, hôm nay không làm được gì cả. Chỉ có thể nói tôi luyện công đến mức khắp người nhẹ nhõm, một đêm không ngủ tôi cũng không cảm thấy buồn ngủ, khắp người có [sức] lực.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Bắc Mỹ lần đầu [1998])
Thế là chính niệm của tôi đã được tăng cường, tôi đã vượt qua được quan này.
Sau khi được Sư phụ khải thị Pháp lý này, buổi tối, tôi có một giấc mơ, tôi mơ thấy đồng nghiệp đưa cho tôi hai cây bút, tôi ngộ được rằng Sư phụ đã điểm ngộ cho tôi cần viết câu chuyện của mình ra, điều đó sẽ có chút trợ giúp đối với những đồng tu cũng có trạng thái giống như tôi, để cộng đồng cùng đề cao.
Đây chỉ là chút cảm ngộ ở tầng thứ hiện tại của bản thân, có điều gì thiếu sót, mong các đồng tu từ bi chỉ chính.
(Phụ trách biên tập: Lý Minh)
Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của trang web Minh Huệ (Minghui.org). Khi sử dụng lại vì mục đích phi lợi nhuận, vui lòng ghi rõ nguồn ở đầu bài đăng hoặc tác phẩm (Theo bài viết của trang Minh Huệ…), sau đó dẫn đường link bài gốc của Minh Huệ. Trường hợp sử dụng với mục đích thương mại, vui lòng liên hệ với Ban Biên tập về thủ tục ủy quyền.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/4/30/459365.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/7/12/210280.html
Đăng ngày 18-07-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.