Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 16-05-2023]

Họ và tên: Lưu Tân Dĩnh (刘新颖)
Giới tính: Nữ
Tuổi: 54
Thành phố: Đại Liên
Tỉnh: Liêu Ninh
Nghề nghiệp: Y tá
Ngày mất: Ngày 22 tháng 4 năm 2023
Ngày xảy ra vụ bắt giữ cuối cùng: Ngày 21 tháng 3 năm 2014
Nơi giam giữ cuối cùng: Nhà tù Nữ tỉnh Liêu Ninh

Chồng của bà Lưu Tân Dĩnh đã bị liệt nửa người sau khi bị tra tấn ở trong trại lao động vì tu luyện Pháp Luân Công. Ông phải nằm liệt giường trong suốt 13 năm và qua đời vào ngày 19 tháng 2 năm 2014, khi mới 45 tuổi. Một tháng sau sự ra đi của chồng, bà Lưu bị chính quyền bắt giữ và kết án 5,5 năm tù, cũng vì tu luyện Pháp Luân Công.

Cuối cùng, khi bà Lưu được trở về nhà, bà vẫn không có được một cuộc sống yên ổn vì cảnh sát không ngừng theo dõi và sách nhiễu bà. Nhiều năm vất vả chăm sóc chồng và nuôi nấng con gái, cùng như áp lực tinh thần ngày càng gia tăng từ cuộc bức hại, đã khiến sức khỏe của bà Lưu bị tổn hại nghiêm trọng. Ngày 22 tháng 4 năm 2023, cư dân thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh này đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 54.

2014-3-23-minghui-quhui-family--ss.jpg

Hai vợ chồng bà Lưu Tân Dĩnh và ông Khúc Huy

Cái chết của người chồng

Bà Lưu từng làm y tá tại Bệnh viện Phụ sản Đại Liên. Chồng bà, ông Khúc Huy, là một nhân viên vận chuyển hàng hóa ở cảng biển. Bà Lưu và ông Khúc lần lượt tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1995 và 1996.

Ngay sau khi cuộc bức hại xảy ra vào tháng 7 năm 1999, hai vợ chồng lên kế hoạch đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công. Chưa kịp đi, họ đã bị bắt tại Sân bay Đại Liên và bị đưa đến trại tạm giam thành phố Đại Liên. Vì hai vợ chồng bị giam giữ, nên cô con gái 10 tháng tuổi của họ buộc phải cai sữa mẹ.

Tháng 1 năm 2000, hai vợ chồng họ đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công, nhưng bị bắt tại Quảng trường Thiên An Môn. Tại Bắc Kinh, ông Khúc bị cảnh sát đánh đập vô cùng tàn nhẫn. Sau khi bị đưa trở lại Đại Liên, ông bị tống tiền 9.700 nhân dân tệ và bị đuổi việc. Ông và bà Lưu bị cưỡng bức lao động với thời hạn lần lượt là 1 năm và 3 năm.

Vì ông Khúc không từ bỏ Pháp Luân Công, lính canh tại Trại Lao động Cưỡng bức Đại Liên liên tục tra tấn ông. Ngày 19 tháng 3 năm 2001, ông bị đánh đập đến bất tỉnh. Khi tỉnh lại, ông nghe thấy bác sỹ Hàn Quỳnh của trại lao động nói với lính canh: “Anh ta không sao hết, vẫn đánh tiếp được“.

Lính canh Kiều Uy vừa nói với những người khác vừa đánh đập anh Khúc: “Tôi chưa từng cảm thấy cao hứng như vậy (khi đánh ai đó) trong nhiều năm rồi.”

Sự tra tấn khiến ông Khúc bị gãy đốt sống cổ và liệt nửa người. Các vết thương trên bộ phận sinh dục của ông (do bị sốc điện) bị nhiễm trùng. Thân thể ông bị sưng tấy và sốt cao.

Trại lao động phủ nhận việc đánh đập và đổ lỗi cho ông Khúc tự làm mình bị thương. Người thân không được phép vào thăm, nhưng trại lao động vẫn bắt gia đình thanh toán chi phí y tế cho ông.

Do không được nhận sự chăm sóc phù hợp, ông Khúc trở nên suy nhược. Nhịp tim của ông lên tới 160 nhịp mỗi phút. Phổi của ông bị suy giảm chức năng khiến ông rất khó thở. Thận của ông cũng bị hỏng, và một ống thông tiểu được nhét vào trong. Đồng thời, ông bị tiêu chảy nặng và phải truyền dịch để duy trì sự sống. Cơ thể ông đầy những vết lở loét, vết lớn nhất ở vùng mông rộng gần 10 cm. Các đốt sống của ông lòi ra ngoài và bốc mùi hôi thối. Chỉ khi đó ông mới được thả ra.

Trước sự phản ứng quyết liệt của gia đình ông Khúc, chính quyền mới thả bà Lưu để bà có thể về chăm sóc cho ông. Mặc dù sức khỏe của ông ổn định trở lại nhờ sự chăm sóc tận tình của vợ, nhưng sự sách nhiễu liên tục của cảnh sát vẫn khiến hai vợ chồng sống trong sợ hãi. Khi bà Lưu đưa con gái ra ngoài đi dạo, bà thường rất hoảng sợ khi biết mình bị cảnh sát bám theo.

Ngày 19 tháng 2 năm 2004, khi bà Lưu trở lại trại lao động để lấy tài liệu vụ án của mình, người nhà của một tù nhân khác hỏi bà về Pháp Luân Công nên bà giải thích Pháp Luân Công là một môn tu luyện rất tốt. Vì vậy, lính canh Uyển Linh Nguyệt bắt giữ và buộc tội bà “gây rối trật tự xã hội”. Bà Lưu bị đưa đến đồn công an, bị đánh đập và thẩm vấn, sau đó được thả vào cuối buổi chiều. Ông Khúc bị bỏ đói một ngày, người ngập trong mồ hôi và nước tiểu. Bên cạnh đó, con gái của họ vẫn đang ở trường mẫu giáo chờ mẹ đón.

Ngày 6 tháng 7 năm 2012, bà Lưu lại bị bắt cùng với 70 học viên khác vì cảnh sát nghi ngờ họ lắp đặt chảo vệ tinh để người dân địa phương xem các chương trình truyền hình không bị kiểm duyệt từ các phương tiện truyền thông nước ngoài.

Sau khi chịu đựng những đau khổ không thể tưởng tượng được trong 13 năm, ông Khúc qua đời vào ngày 19 tháng 2 năm 2014, ở tuổi 45. Trong tang lễ của ông vào ngày 21 tháng 2, cảnh sát mặc thường phục quay video những người đến tham dự.

Bà Lưu kể lại: “Tôi đã hy vọng gia đình mình sẽ được đoàn tụ và tôi cũng hiểu con gái mình cần có cha. Bất kể người khác nói gì, và bất kể anh Huy rơi vào hoàn cảnh nào đi nữa, tôi hy vọng anh ấy lại có thể có cuộc sống tốt đẹp, và tôi sẵn sàng đánh đổi mọi thứ cho điều đó.”

“Vì anh Huy bị đầu độc bằng thuốc trong khi giam cầm, nên anh ấy không thể uống bất kỳ loại thuốc nào khác. Tôi chăm sóc anh ấy cả ngày lẫn đêm, và ngủ rất ít. Tôi đọc sách Pháp Luân Công cho anh ấy nghe hàng ngày. Mỗi lần cận kề cái chết thì tình trạng của anh ấy bỗng dưng chuyển biến tốt hơn. Ngay cả những nhân viên bệnh viện đến nhà thăm chúng tôi cũng rất ngạc nhiên.”

“Tôi dọn phân và dùng túi nhựa để hứng nước tiểu cho anh ấy suốt 13 năm qua. Anh ấy không thể tự ăn, ngồi dậy hoặc trở mình. Anh ấy không thể sống sót nếu không được giúp đỡ. Tôi trở nên mạnh mẽ và kiên cường trước tất cả những khó khăn này nhờ sự chỉ dẫn của Pháp Luân Công.”

Bản án 5,5 năm tù của bà Lưu

Ngày 21 tháng 3 năm 2014, chỉ 1 tháng sau khi ông Khúc qua đời, cảnh sát bắt giữ bà Lưu khi bà xuống dưới tòa nhà để đi ra ngoài. Cảnh sát cáo buộc bà lái xe chở các luật sư nhân quyền từ Bắc Kinh đến Đại Liên để bào chữa cho các học viên địa phương vào 1 năm trước.

Vì trại tạm giam địa phương từ chối nhận bà Lưu do sức khỏe yếu, cảnh sát thả bà và quản thúc tại nhà. Ngày 22 tháng 9 năm 2014, bà lại bị bắt vào một bệnh viện quân đội, và bị Tòa án quận Trung Sơn xét xử sau đó một tuần. Cha và con gái của bà không được phép tham dự phiên tòa. Vì quá yếu để có thể tự đi lại, bà bị cảnh sát khiêng từ bệnh viện và kéo vào phòng xử án trong tình trạng bị còng tay và xích chân.

Bất chấp tình trạng của bà Lưu, thẩm phán vẫn kết án bà 5,5 năm tù. Bà kháng cáo, nhưng Tòa án Trung cấp thành phố Đại Liên quyết định giữ nguyên bản án ban đầu của bà.

Khi người cha già của bà chất vấn công an tại sao họ bức hại con gái ông đến mức độ như thế, giám đốc công an trả lời: “Không phải chúng tôi muốn nhắm vào con gái ông, mà đó là lệnh từ cấp trên, bởi vì cô ta đã thuê luật sư để bào chữa cho các học viên khác và viết các bài phơi bày việc bức hại Khúc Huy và các học viên khác. Cấp trên đã để mắt đến cô ta nhiều lần. Chúng tôi không có quyền hành gì ở đây”.

Ngày 24 tháng 3 năm 2015, khi bị chuyển đến Nhà tù Nữ tỉnh Liêu Ninh, bà Lưu bị đưa thẳng đến bệnh viện nhà tù. Hai ngày sau, cha bà được thông báo đến thăm bà. Ông và cháu gái của mình đi suốt đêm đến nhà tù. Lính canh cho phép họ gặp nhau trong nửa tiếng với điều kiện không được đề cập tới Pháp Luân Công.

Ba người họ bật khóc khi nhìn thấy nhau. Bà Lưu xanh xao, gầy guộc và huyết áp cao ở mức nguy hiểm. Bà mong muốn ông cụ chăm sóc cho bản thân tốt và con gái tập trung học hành và trở thành một người tốt.

Sau cuộc gặp mặt, cha của bà Lưu chất vấn lính canh tại sao vẫn giam con gái ông trong khi tình trạng sức khỏe như vậy. Nhưng lính canh nói họ còn giam giữ những người có huyết áp cao hơn cả bà ấy. Người cha nộp đơn yêu cầu được bảo lãnh y tế cho con gái, nhưng nhà tù không chấp thuận. Bà bị giam cho đến khi mãn hạn vào tháng 3 năm 2020.

Liên tục bị sách nhiễu trước khi qua đời

Cảnh sát tiếp tục sách nhiễu bà Lưu sau khi bà trở về nhà. Vì bà kiên định vầo Pháp Luân Công nên cảnh sát chuyển hướng sang cha bà, khiến ông phải chịu áp lực khủng khiếp. Cảnh sát thường hỏi liệu bà có định ra nước ngoài định cư hay không. Ngay cả khi bà nói bà không có ý định này, cảnh sát vẫn theo dõi sát sao cuộc sống hàng ngày của bà. Họ luôn bám theo bà khi bà đi thăm con gái ở địa phương khác.

Áp lực tinh thần đã tàn phá sức khỏe của bà Lưu và bà đã từ trần vào ngày 22 tháng 4 năm 2023. Thậm chí 1 tháng trước khi bà qua đời, cảnh sát địa phương vẫn gọi điện yêu cầu được nói chuyện với bà.

* * * * * * *

Dưới đây là bức thư mà bà Lưu viết cho con gái vào ngày 20 tháng 9 năm 2015, trong khi bà đang bị giam giữ.

Tâm Tâm:

Con gái bé bỏng thương yêu nhất của mẹ! Cảm ơn con đã đến với gia đình chúng ta giống như một thiên thần nhỏ, cảm ơn con đã đồng hành cùng cha mẹ trong suốt những năm qua và cảm ơn con vì tất cả niềm vui mà con mang đến cho cha mẹ! Con luôn là niềm hy vọng và là tương lai của cha mẹ. Nhân dịp sinh nhật lần thứ 17 của con, mẹ gửi đến con những lời chúc tốt đẹp nhất từ phương xa. Mẹ mong rằng cuộc sống con gái của mẹ tràn ngập sự ấm áp và hạnh phúc. Me hy vọng con được bình an trong quãng thời gian tạm xa mẹ. Mẹ hy vọng sau khoảng thời gian xa cách này, cuộc sống của mẹ và con sẽ mãi có được hạnh phúc và vui vẻ, giống như phượng hoàng tái sinh từ đống tro tàn.

Mẹ muốn nói với con rất nhiều điều, nhưng mẹ không biết nên bắt đầu từ đâu. Mẹ tự hỏi con sống thế nào trong những năm qua, khi không có mẹ ở bên. Ai nấu ăn cho con mỗi khi con đói? Ai mua quần áo cho con mỗi khi con lạnh? Và ai tâm sự với con mỗi khi con buồn bã? Nhìn lại tất cả những khoảnh khắc được đoàn tụ trong quá khứ, dù có khó khăn, vất vả, nhưng đó là những quãng thời gian tươi đẹp.

Trong 13 năm, con đã chứng kiến ​​những đau đớn tột cùng của cha con sau khi ông bị tra tấn đến bại liệt. Con còn nhỏ nên có nhiều thắc mắc. Con từng hỏi mẹ: “Bố của những bạn khác của con có thể đứng. Tại sao bố con phải nằm hả mẹ?“ Câu hỏi của con khiến mẹ quyết tâm phải đòi công lý cho cha con vì mẹ không muốn tâm hồn trong sáng của con bị xã hội tối tăm này làm vẩn đục.

Mẹ luôn cho rằng việc giáo dục là rất quan trọng. Mẹ mong rằng khi trưởng thành, con có thể trở thành một người tốt – có ích cho người khác và có ích cho xã hội.

Con không thể vì những đau khổ mà cha con phải chịu đựng mà thay đổi cách thức làm người của con. Bởi vì con người sinh ra đều phải gánh vác trách nhiệm của mình. Đây không phải là điều có thể thay đổi hay thoái thác được.

Hãy nghĩ về gia đình của chúng ta. Cha con bị liệt và nằm một chỗ. Tứ chi của ông đã tàn phế. Ông ấy không thể ngồi hoặc đi lại và không thể tự ăn uống. Mẹ đã phải đựng nước tiểu của ông trong một túi nhựa. Vì mẹ lúc nào cũng phải ở bên cạnh chăm sóc cha con nên mẹ không thể ra ngoài làm việc. Không có nguồn thu nhập nào, chúng ta phải dựa vào chu cấp của người thân hoặc bạn bè. Tuy chúng ta không tạo ra được giá trị vật chất nào cho xã hội nhưng gia đình chúng ta lại có thể mang lại niềm hy vọng và tình yêu thương cho mọi người. Khi mọi người ủng hộ hoặc bày tỏ sự cảm thông và thấu hiểu đối với chúng ta, họ đang lan tỏa lòng tốt và sự yêu thương.

Để một xã hội hoặc một quốc gia thịnh vượng, sự dồi dào về vật chất hoặc tiền bạc là chưa đủ. Nó cần một nền tảng vững chắc dựa trên đạo đức và lòng nhân ái của con người. Về mặt này, chúng ta đang đóng góp một vai trò tích cực cho xã hội.

Quan niệm truyền thống cho rằng gia đình là nền tảng của xã hội. Sự ổn định của mỗi gia đình đảm bảo sự ổn định của xã hội. Nhưng giờ đây, gia đình chúng ta phải ly tán. Ngày cha con lâm chung, gia đình mà mẹ đã dành bao nhiêu thời gian và công sức để vun đắp cũng tan vỡ theo.

Trong mắt người khác, họ có thể nghĩ rằng cha con là người vô dụng hoặc thậm chí là gánh nặng. Nhưng trong mắt của mẹ, ông là báu vật của gia đình chúng ta. Tổ ấm chúng ta không thể trọn vẹn nếu thiếu mất cha con. Cha con là một phần tất yếu trong cuộc sống của mẹ. Và phần cuộc sống này của mẹ đã mất đi khi cha con qua đời. Cảm ơn con đã ở bên và an ủi mẹ trong quãng thời gian đó, đặc biệt vào thời điểm cha con qua đời và mẹ khóc lóc thảm thiết khi nắm chặt tay ông. Con đã an ủi mẹ: “Mẹ ơi đừng khóc. Mẹ đã cố gắng hết sức rồi!”

Chỉ một tháng sau khi cha con qua đời, mẹ lại bị bắt và bị kết án năm năm rưỡi tù giam, để lại con đơn độc trong ngôi nhà này. Giờ cha con ở trên thiên đường, mẹ ở trong tù và con phải lang thang và vật lộn để sinh tồn. Gia đình chúng ta giờ đây thực sự tan vỡ.

Trái tim mẹ rỉ máu mỗi khi nghĩ đến điều này. Mẹ không thể bảo vệ con được, không thể chạm vào con hoặc ôm lấy con. Lúc đầu, mẹ cảm thấy tuyệt vọng và bất lực. Mẹ đau khổ đến nỗi tinh thần và sức khỏe ngày càng suy sụp.

Đoạn thời gian này bản thân mẹ gắng gượng được là bởi dựa vào một sợi dây còn sót lại – sợi dây của hy vọng, tín niệm và tinh thần trách nhiệm. Mẹ không muốn con trở thành một đứa trẻ mồ côi, hay ông của con mất đi con gái sau khi đã mất đi người bạn đời của mình là bà của con. Mẹ không thể để gia đình và bạn bè, những người thân thương của mẹ, lại mất đi mẹ. Mẹ không muốn bản thân mẹ trở thành tấm bi kịch tiếp theo, hay để cho những thủ phạm bức hại lại phạm thêm tội ác khi bức hại mẹ đến chết. Với niềm tin mạnh mẽ đó, mẹ phải kiên cường sống tiếp.

Tâm Tâm, con gái yêu của mẹ, chúng ta đã sống cùng nhau và nương tựa vào nhau trong suốt nhiều năm qua. Con tự hào về mẹ và mẹ cũng tự hào về con. Mẹ biết sự xa cách này đã làm tổn thương con rất nhiều. Đây không phải là điều con nên chịu đựng ở độ tuổi của mình. Đừng thống hận những người làm tổn thương mẹ nhé. Trên thực tế, họ mới là những người thật sự đáng thương. Họ đang tự hại bản thân mình vì sự thiếu hiểu biết. Tương lai, họ sẽ bị đưa ra trước công lý. Mẹ mong con luôn có một trái tim trong sáng không tì vết như pha lê. Mẹ cũng hy vọng con luôn có thể phân biệt được tốt và xấu, không bị ảnh hưởng bởi lợi ích cá nhân hay quyền lực. Mẹ hy vọng dù bất kể điều gì xảy ra, con có thể đối diện với mọi thứ với một tâm thái tươi vui và tích cực.

Bây giờ con đang học năm cuối trung học và con sẽ tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học vào năm tới. Mẹ hy vọng con có thể nghiêm túc và học tập chăm chỉ. Ông của con nói với mẹ rằng con muốn ở một mình và tự cô lập bản thân. Mẹ đã rơi nước mắt khi nghe điều đó. Mẹ lo lắng liệu con có an toàn khi sống một mình không.

Mùa hè này khi con vào thăm mẹ, mẹ cảm thấy rất vui khi được trông thấy con với nét đoan trang và điềm tĩnh. Con bảo rằng: “Mẹ ơi, tất cả những gì mẹ dạy cho con đã giúp con xử lý tốt mọi việc. Đừng lo lắng cho con mẹ nhé.” Khi nghe điều đó, mẹ thực sự cảm thấy con gái mẹ đã lớn rồi.

Bức thư này là một món quà sinh nhật đặc biệt của mẹ. Mẹ hy vọng con nhận được nó trước Tết Trung thu. Mẹ cảm thấy thời điểm mẹ con chúng ta được đoàn tụ sẽ không còn xa nữa. Khi đó, mẹ sẽ mua cho con một chiếc bánh sinh nhật và món quà mà con yêu thích. Con hãy bình an đợi mẹ trở về.

Cảm ơn tất cả những người đã giúp đỡ con trong khi mẹ vắng nhà. Cầu mong hạnh phúc và may mắn luôn đến với những người tốt bụng này!

Mẹ yêu con

Ngày 20 tháng 9 năm 2015

Bài liên quan:

Một gia đình hạnh phúc rơi vào cảnh chia ly

Bé gái bị sách nhiễu và bị thẩm vấn vì đệ đơn kiện Giang Trạch Dân

Bài liên quan bằng tiếng Hán:

一位狱中母亲的牵挂


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/5/16/460856.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/5/22/209477.html

Đăng ngày 18-06-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share