Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 05-04-2023]

Họ và tên: Lưu Thủy Sinh (刘水生)
Giới tính: Nam
Tuổi: 73
Thành phố: Vũ Hán
Tỉnh: Hồ Bắc
Nghề nghiệp: Nghỉ hưu, nguyên công nhân Nhà máy Thiết bị An ninh 812
Ngày mất: Đầu năm 2023
Ngày xảy ra vụ bắt giữ cuối cùng: Ngày 10 tháng 3 năm 2003
Nơi giam giữ cuối cùng: Trung tâm Tẩy não Tỉnh Hồ Bắc

Họ và tên: Hồ Minh Tú (胡明秀)
Giới tính: Nữ
Tuổi: 71
Thành phố: Vũ Hán
Tỉnh: Hồ Bắc
Nghề nghiệp: Nghỉ hưu, nguyên nhân viên dược phẩm
Ngày mất: Đầu năm 2023
Ngày xảy ra vụ bắt giữ cuối cùng: Ngày 26 tháng 05 năm 2008
Nơi giam giữ cuối cùng: Trung tâm Tẩy não Nhị Đạo Bằng

Kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, hai vợ chồng học viên ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc nhiều lần bị nhắm đến vì kiên định đức tin. Họ bị bắt tổng cộng hơn 10 lần và bị giam trong các trại tạm giam lẫn trung tâm tẩy não. Người chồng phải ngồi tù 8 năm, và sau đó lương hưu của ông bị đình chỉ. Hai vợ chồng lần lượt qua đời vào đầu năm 2023, bỏ lại đứa con trai bị thiểu năng trí tuệ và không thể tự chăm sóc bản thân.

Sự bức hại mà người chồng đã trải qua

Trước khi ông Lưu Thủy Sinh tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 4 năm 1996, ông phải nằm liệt giường trong nhiều năm do thoát vị đĩa đệm thắt lưng, viêm xương khớp và viêm khớp dạng thấp nặng. Chỉ sau 6 tháng tu luyện, ông đã có thể đi lại.

Thế nhưng sau khi cuộc bức hại xảy ra, ông bị bắt 4 lần và bị giam trong các trung tâm tẩy não chỉ bởi kiên định đức tin vào pháp môn đã giúp ông phục hồi sức khỏe. Nhà của ông bị lục soát 3 lần và ông phải thụ án 8 năm tù oan sai.

Ông Lưu bị bắt lần đầu tiên vào tháng 10 năm 2000 vì đi tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công. Ông bị đưa trở lại Vũ Hán và bị giam ở trong Trung tâm Tẩy não Nhị Đạo Bằng 2 tuần.

2011-3-11-wuhan-1.jpg

Trung tâm Tẩy não Nhị Đạo Bằng

Đầu năm 2001, một toán cảnh sát cùng nhân viên ủy ban khu dân cư và nhân viên Phòng 610 đã bắt ông Lưu tại nhà và đưa ông đến Đồn Công an Đường Gia Đôn. Ông bị giam ở trong Trung tâm Tẩy não Nhị Đạo Bằng 2 tháng.

Năm 2002, ông Lưu lại bị bắt đến Trung tâm Tẩy não Nhị Đạo Bằng.

Một đêm trong tháng 7 năm 2002, một toán cảnh sát đến sách nhiễu ông. Họ đột nhập vào nhà ông và nổi giận khi phát hiện ông không có ở nhà. Để tránh bị sách nhiễu thêm nữa, ông Lưu buộc phải rời xa nhà sống lang bạt.

Ngày 10 tháng 3 năm 2003, ông Lưu bị bắt cùng với 3 học viên Pháp Luân Công khác. Tháng 12 năm 2003, Tòa án Quận Đông Tây Hồ kết án ông 8 năm tù vì in tài liệu thông tin Pháp Luân Công tại nơi trọ. Ban đầu, ông bị giam trong Nhà tù Cầm Đoạn Khẩu, sau đó bị chuyển đến Nhà tù Phan Gia Đài vào ngày 20 tháng 3 năm 2007.

Ở trong Nhà tù Phan Gia Đài, ông Lưu bị buộc phải nhổ cỏ, chuyển gạch, dọn rác công nghiệp và may vá. Vào ban đêm, ông bị ép xem các bản tin tuyên truyền của các phương tiện truyền thông nhà nước. Camera giám sát được lắp đặt ở khắp mọi nơi trong nhà tù, sinh hoạt hàng ngày của các học viên đều bị theo dõi.

Tối ngày 9 tháng 3 năm 2011, một ngày trước ngày ông Lưu được trả tự do theo dự kiến, giám đốc Trung tâm Tẩy não Nhị Đạo Bằng là Khuất Thân đã đưa đến trung tâm tẩy não này. Vì vẫn kiên định tu luyện Pháp Luân Công sau 20 ngày ở đó nên ông Lưu ông bị chuyển đến Trung tâm Tẩy não Tỉnh Hồ Bắc vào ngày 29 tháng 3.

Do bị đánh đập và hạ thuốc độc trong nhà tù cũng như trung tâm tẩy não, tóc của ông Lưu đã bạc trắng khi ông trở về nhà. Răng của ông cũng lung lay và ông gặp khó khăn khi đi lại cũng như làm bất cứ việc gì.

Tháng 3 năm 2010, khi ông vẫn còn ở trong tù, công ty cũ của ông (Nhà máy Thiết bị An ninh 812) đã giải quyết chế độ hưu trí của ông. Theo đó, ông nhận được khoản lương hưu 3.500 Nhân dân tệ mỗi tháng. Nhưng đến tháng 7 năm 2019, Cục Bảo hiểm Xã hội Quận Giang Hán, cơ quan chịu trách nhiệm chi trả lương hưu đã đột ngột đình chỉ lương hưu của ông sau một đợt cải cách gần đây.

Cục Bảo hiểm Xã hội đã tuyên bố ông Lưu không được hưởng lương hưu vì ông từng bị kết án, mặc dù Luật Lao động Trung Quốc không quy định như vậy. Họ cũng yêu cầu ông Lưu hoàn trả hơn 300.000 Nhân dân tệ ông đã lĩnh từ 10 năm trước. Không rõ liệu ông có làm theo hay không.

Sự bức hại mà người vợ đã trải qua

Bà Hồ Minh Tú từng làm việc cho Công ty Dược phẩm Nhân Phúc Vũ Hán. Sau khi chứng kiến ​​sự hồi phục kỳ diệu của chồng mình nhờ tu luyện Pháp Luân Công, bà cũng bước vào tu luyện. Bà từng phải chịu gánh nặng to lớn khi chăm sóc chồng và con trai bị thiểu năng trí tuệ trong khi vẫn làm việc toàn thời gian, nhưng việc tu luyện Pháp Luân Công giúp bà trở thành một người lạc quan.

Tháng 10 năm 1999, bà Hồ bị bắt khi đi tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công. Sau khi bị đưa trở lại Vũ Hán, bà bị nhốt trong một chiếc lồng sắt cùng với vài học viên khác. Họ phải ngồi trên nền đất trong 1 ngày mà không được cung cấp đồ ăn hay nước uống. Trong 15 ngày tiếp theo, bà phải viết báo cáo tư tưởng suốt cả ngày ở trong đồn công an và bị đưa đến một phòng khám cộng đồng vào buổi tối.

Vào lúc 2 giờ sáng một ngày của tháng 3 năm 2000, cảnh sát tới gõ cửa nhà bà và lừa bà đi cùng họ đến đồn công an. Cảnh sát tùy tiện tống giam bà 1 tháng mà không đưa ra bất kỳ lý do gì, sau đó thêm 2 tháng ở trong Trung tâm Tẩy não Nhị Đạo Bằng.

Đầu năm 2001, cả bà Hồ và ông Lưu đều bị bắt tới Trung tâm Tẩy não Nhị Đạo Bằng. Các sách Pháp Luân Công, băng ghi âm bài giảng và ảnh của nhà sáng lập Pháp Luân Công bị tịch thu. Mẹ của bà Hồ bị chấn thương tâm lý bởi những vụ bắt bớ và giam giữ của con gái cùng con rể. Bà cụ đổ bệnh và qua đời vào tháng 8 năm đó.

Sau khi ông Lưu buộc phải sống xa nhà vào tháng 7 năm 2002, bà Hồ xin nghỉ hưu sớm để chăm sóc con trai.

Ngày 2 tháng 4 năm 2003, 1 tháng sau vụ bắt giữ cuối cùng của ông Lưu, bà Hồ cũng bị bắt tại nhà. Các sách Pháp Luân Công của bà bị tịch thu. Bà bị giam 23 ngày trong Trung tâm Tẩy não Nhị Đạo Bằng, bị cấm ngủ và cưỡng chế nghe các chương trình phát thanh phỉ báng Pháp Luân Công. Lính canh cũng ép bà nguyền rủa mọi người và cung cấp thông tin về các học viên khác.

Khi cả ông Lưu và bà Hồ đều bị giam giữ, con trai của họ bị đưa đến bệnh viện.

Sau khi ông Lưu bị kết án, bà Hồ thường đến nhà tù, nhưng không bao giờ được vào thăm chồng chỉ bởi bà cũng tu luyện Pháp Luân Công.

Khi bà Hồ đi cùng em trai ông Lưu đến nhà tù vào mùa hè năm 2005, lính canh cũng cấm ông ấy gặp ông Lưu. Bà Hồ nói lý với lính canh nên họ đã mượn cớ đó để buộc tội bà gây rối và báo cảnh sát bắt giữ bà. Bà bị giữ tại đồn công an trong 5 tiếng.

Tối ngày 26 tháng 5 năm 2008, bà Hồ lại bị bắt. Nhân viên ủy ban khu dân cư đe dọa bà không được đi ra ngoài để truyền bá Pháp Luân Công vì Thế vận hội Bắc Kinh sẽ được tổ chức sau 3 tháng nữa. Bà bị đưa đến Trung tâm Tẩy não Nhị Đạo Bằng và bị giam ở đó đến ngày 7 tháng 6. Trong thời gian này, con trai bà bị gửi đến viện phúc lợi.

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/4/5/458481.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/4/14/208065.html

Đăng ngày 25-05-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share