Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại Trung Quốc
[MINH HUỆ 06-04-2023] Tháng 3 năm 2023 ghi nhận tổng cộng 116 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì kiên định đức tin.
Trong số các trường hợp mới được xác nhận này, 11 trường hợp bị kết án trong khoảng thời gian từ năm 2016 và năm 2020, 8 trường hợp trong năm 2021, 40 trường hợp trong năm 2022 và 64 trường hợp trong năm 2023.
Năm 2023 ghi nhận sự gia tăng các vụ kết án theo từng tháng, từ 6 trường hợp trong tháng 1, đến 13 trường hợp trong tháng 2, 43 trường hợp tháng 3, và 2 trường hợp không xác định được thời gian tuyên án. Vì sự kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt của chính quyền cộng sản Trung Quốc (nhằm che giấu cuộc bức hại để tránh sự theo dõi từ quốc tế), các trường hợp bị bức hại vẫn luôn không thể được báo cáo kịp thời.
Các học viên bị kết án phân bố ở 16 tỉnh và 4 thành phố trực thuộc trung ương (Bắc Kinh, Trùng Khánh, Thượng Hải và Thiên Tân). So với tháng trước, Sơn Đông vẫn là tỉnh có số vụ kết án được báo cáo nhiều nhất với 19 trường hợp. Liêu Ninh xếp thứ hai với 18 trường hợp; Các tỉnh Cát Lâm, Tứ Xuyên, Hắc Long Giang và Hà Bắc đều có trên 10 trường hợp; 14 khu vực còn lại ghi nhận từ 1 đến 9 trường hợp.
Thời hạn bản án của các học viên dao động từ 6 tháng đến 10 năm tù. Đặc biệt, một học viên bị kết án 10 năm tù và còn bị phạt 100.000 Nhân dân tệ.
Các học viên bị kết án đến từ mọi tầng lớp xã hội, bao gồm nghệ sỹ, kỹ sư, giáo viên, nhân viên ngân hàng, giám đốc cục thuế và dược sỹ. Trong số 34 học viên đã có thông tin về tuổi tác, độ tuổi của họ thuộc khoảng từ 32 đến 83 (tại thời điểm bị kết án), trong đó 9 người ngoài 60, 14 người ngoài 70 và 4 người ngoài 80 tuổi. Một người phụ nữ 66 tuổi đã bị kết án 7 năm tù, một người phụ nữ 76 tuổi bị kết án 5 năm tù và một người phụ nữ 78 tuổi (mẹ của một cư dân Canada) bị kết án 4 năm tù.
Nhiều học viên bị kết án vì gửi thư, nói chuyện với người dân trên đường hoặc gọi điện thoại,… để nâng cao nhận thức về cuộc bức hại. Một cặp vợ chồng bị kết án lần lượt là 9 năm 8 tháng và 10 năm tù vì gọi điện cho người dân để chia sẻ về những lợi ích sức khỏe của Pháp Luân Công. Một người mẹ bị chính quyền cộng sản Trung Quốc buộc tội “cấu kết với thế lực phản Hoa ở nước ngoài” chỉ vì ra nước ngoài thăm con gái.
Một nữ học viên 53 tuổi vừa mới bắt đầu tu luyện vào năm 2020 đã bị kết án 1,5 năm tù vì dán áp phích Pháp Luân Công. Trước đó, bà từng bị mất ngủ trầm trọng do quá đau buồn trước cái chết của chồng mình (cũng bị bức hại vì có chung đức tin với bà). Pháp Luân Công đã cho bà dũng khí để vượt qua những khó khăn đó, nhưng giờ đây chính bà lại bị chính quyền bức hại.
Việc bắt giữ một nữ học viên tại bữa tiệc sinh nhật lần thứ 89 của mẹ học viên ấy khiến cụ bà vô cùng đau buồn và không có người chăm sóc. Bà cụ đã qua đời 1 năm sau đó, ngay trước khi con gái bà bị kết án 3 năm.
Một người mẹ 61 tuổi đã bị lĩnh án 4 năm tù, việc này đã giáng một đòn nặng nề lên người con gái 39 tuổi vẫn đang còn đau buồn trước cái chết của cha mình (cũng qua đời vì bị bức hại khi tu luyện Pháp Luân Công). Nỗi đau tinh thần quá lớn khiến người con gái suy sụp và qua đời không lâu sau đó, để lại đứa con trai nhỏ mới 6 tuổi.
Dưới đây là tóm tắt một số trường hợp học viên bị kết án. Danh sách đầy đủ các học viên bị kết án có thể tải xuống tại đây (PDF) (tiếng Anh và Trung).
Nhiều học viên lớn tuổi bị nhắm mục tiêu
Ngày 15 tháng 10 năm 2022, bà Tùng Lan Anh (78 tuổi), một cư dân thành phố Uy Hải, tỉnh Sơn Đông, đã bị bắt vì luyện các bài công pháp của Pháp Luân Đại Pháp tại một quảng trường địa phương. Cảnh sát còng tay bà và kéo còng tay để lôi bà đi khiến bà bị cao huyết áp dai dẳng (200/150 mmHg). Ngày 18 tháng 11, bà được tại ngoại sau khi bị cưỡng chế nộp 10.000 Nhân dân tệ tiền bảo lãnh.
Ngày 1 tháng 2 năm 2023, bà Tùng bị bắt trở lại Trại tạm giam Văn Đăng. Ngày 16 tháng 2, bà bị Tòa án Thành phố Vinh Thành xét xử và kết án tù. Công tố viên buộc tội bà “lợi dụng tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật“ và liệt kê những bức hại của chính quyền đối với bà chỉ vì tu luyện Pháp Luân Đại Pháp làm bằng chứng truy tố bà.
Ngày 1 tháng 3 năm 2023, con gái của bà Tùng là cô Tùng Tân Diệu đã phát biểu trong một cuộc biểu tình trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở Montreal, Canada rằng: “ĐCSTQ bức hại tàn bạo các học viên Pháp Luân Đại Pháp, những người tuân theo Chân-Thiện-Nhẫn. Việc tu luyện Pháp Luân Đại Pháp không vi phạm pháp luật ở Trung Quốc và việc tin vào Chân-Thiện-Nhẫn để trở thành người tốt hơn là không có tội. Tôi kêu gọi trả tự do cho mẹ tôi ngay lập tức.”
Cô Tùng Tân Diệu phát biểu tại một cuộc mit-tinh
Cụ bà 83 tuổi bị kết án 1 năm tù vì kiên định tu luyện Pháp Luân Công
Một cụ bà 83 tuổi ở thành phố Mậu Danh, tỉnh Quảng Đông, bị kết án 1 năm tù và phạt tiền 3.000 Nhân dân tệ vào ngày 28 tháng 2 năm 2023 vì tu luyện Pháp Luân Công
Bản án của bà Lý Thuận Hoa bắt nguồn từ việc bà bị hơn 10 cảnh sát bắt giữ vào ngày 23 tháng 10 năm 2020. Cảnh sát thẩm vấn bà và yêu cầu bà ký vào một bản tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Bà Lý từ chối và bị đưa đến Trại tạm giam Số 1 Thành phố Mậu Danh. Trong cuộc kiểm tra sức khỏe vào ngày hôm sau, bà bị huyết áp cao và có vấn đề nghiêm trọng về tim.
Mặc dù cảnh sát đã thả bà Lý, song vẫn không từ bỏ việc truy tố bà. Ngày 22 tháng 10 năm 2021, công tố viên Đặng Lễ Tiến thuộc Viện Kiểm sát Quận Mậu Nam đã truy tố bà với tội danh “lợi dụng tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật và quy định” (một cái cớ quy chuẩn được chính quyền cộng sản sử dụng để vu khống và kết án các học viên Pháp Luân Công).
Bà Lý bị Tòa án Quận Mậu Nam xét xử vào ngày 27 tháng 12 năm 2021. Thẩm phán hoãn phiên tòa của bà vào ngày 15 tháng 2 năm 2022, sau đó xét xử lại vào ngày 22 tháng 5 cùng năm.
Bà Lý bị Tòa án Quận Mậu Nam xét xử và tuyên án sáng ngày 28 tháng 2 năm 2023. Vì bà Lý không trở về nhà sau phiên tòa và cảnh sát cũng không thông báo về tình trạng của bà cho gia đình nên con trai bà lo lắng cho mẹ và báo cáo việc bà mất tích ngày sau phiên tòa. Ngày hôm sau, cảnh sát liên lạc với gia đình và yêu cầu họ chờ thông tin.
Nhờ sự giúp đỡ của luật sư, cuối cùng gia đình đã biết về bản án của bà Lý và việc bà bị chuyển đến Trại tạm giam Số 1 Thành phố Mậu Danh ngay sau phiên tòa.
Một bác sỹ về hưu 80 tuổi bị bỏ tù để chấp hành bản án oan sai 2 năm vì tu luyện Pháp Luân Công
Ngày 17 tháng 3 năm 2023, một cụ bà 80 tuổi bị kết án 2 năm tù cùng khoản tiền phạt 3.000 Nhân dân tệ. Bà bị chuyển đến trại tạm giam Thành phố Nam Sung, tỉnh Tứ Xuyên ngay sau khi bị tuyên án.
Việc kết án bà Lưu Tuấn Hoa, một cựu bác sỹ của bệnh viện trực thuộc Đại học Dầu khí Tây Nam ở thành phố Nam Sung, tỉnh Tứ Xuyên, là một phần trong nỗ lực trả đũa của cảnh sát vì bà không từ bỏ Pháp Luân Công.
Ngày 23 tháng 4 năm 2021, 2 cảnh sát và trưởng phòng bảo vệ của trường đại học đã đến nhà bà Lưu và yêu cầu bà ký tên vào cam kết từ bỏ Pháp Luân Công. Bà từ chối tuân theo và họ đã bỏ đi.
Ngày 21 tháng 5 năm 2021, họ lại đến sách nhiễu bà Lưu nhưng bà không có ở nhà. Ngay khi rời đi thì họ nhìn thấy bà Lưu đi trên đường và liền lái xe cảnh sát tiến đến gần bà rồi chụp ảnh bà.
Ngày 23 tháng 7 năm 2021, cảnh sát lắp đặt một camera giám sát chiếu thẳng vào cửa trước căn hộ của bà Lưu. Chồng bà chụp ảnh chiếc camera và gỡ nó xuống ngay trong ngày hôm đó. Ông đã đệ đơn lên Tòa án Quận Thuận Khánh để khiếu nại hành vi xâm phạm quyền riêng tư này của cảnh sát.
Để trả đũa, cảnh sát đã chuyển hồ sơ vụ án của bà Lưu tới Viện Kiểm sát Quận Thuận Khánh, sau đó cơ quan này truy tố bà và chuyển vụ án của bà sang Tòa án Quận Thuận Khánh.
Bà Lưu bị xét xử lần đầu vào ngày 19 tháng 4 năm 2022 và được tại ngoại sau phiên tòa. Chưa đầy 2 tháng sau, vào ngày 10 tháng 6, cảnh sát và nhân viên bảo vệ của trường đại học lại sách nhiễu bà. Họ lừa chồng bà ra mở cửa bằng cách nói dối rằng họ đến tiêm vắc xin COVID. Họ lấy đi cuốn sách Pháp Luân Công chép tay của bà Lưu, bắt bà đến đồn công an và thả bà sau vài tiếng giam giữ.
Ngày 15 tháng 2 năm 2023, tòa án mở phiên tòa thứ 2 và sau đó kết án bà vào ngày 17 tháng 3.
Một cư dân 71 tuổi ở thành phố Hoài An, tỉnh Giang Tô bị kết án 1 năm tù và phạt tiền 1.000 Nhân dân tệ vào ngày 29 tháng 1 năm 2023. Ngày 23 tháng 3 năm 2023, khi chấp hành viên tòa án đến nhà bà Phùng để bắt bà đến nhà tù, họ phải khiêng bà vào trong xe hơi vì bà quá yếu và hai chân sưng phù đến nỗi không thể tự đi được.
Sau khi khám sức khoẻ toàn diện, toà án đồng ý để bà thụ án ở bên ngoài nhà tù. Gia đình bà bị cưỡng chế nộp 3.000 Nhân dân tệ phí khám sức khoẻ. Không rõ hiện bà Phùng được đưa về nhà hay chưa.
Bà Phùng Huệ Trân bị bắt vào ngày 29 tháng 3 năm 2022 vì phân phát tài liệu chân tướng Pháp Luân Công. Cảnh sát lục soát nhà bà mà không xuất trình thẻ cảnh sát hay lệnh khám xét. Nhà để xe của bà cũng bị lục soát. Cảnh sát không cung cấp danh sách đồ vật bị tịch thu và cũng không cho bà xem xét và kiểm đếm lại các đồ vật đó.
Sau đó, bà Phùng được bảo lãnh tại ngoại. Viện Kiểm sát Huyện Liên Thuỷ đã truy tố bà vào tháng 5 năm 2022. Bà bị Toà án Huyện Liên Thuỷ xét xử vào tháng 9 năm 2022. Luật sư của bà Phùng đã biện hộ vô tội cho bà trong phiên toà. Ông chỉ ra rằng công tố viên không có cơ sở pháp lý khi cáo buộc bà tội “lợi dụng tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật”, vì không có luật nào tại Trung Quốc hình sự hóa Pháp Luân Công.
Thẩm phán chủ toạ Lý Dương đe doạ và cố gắng ngăn cản luật sư lên tiếng. Công tố viên Dương Hải Kiều cũng quát tháo bà Phùng cùng luật sư của bà, cáo buộc bà phân phát tài liệu quảng bá tà giáo. Dương cũng yêu cầu bà tiết lộ nơi lấy tài liệu, đe doạ kết án bà thật nặng nếu bà không hợp tác.
Bà Phùng tự biện hộ vô hội cho mình. Bà nói Pháp Luân Công không nằm trong danh sách các tổ chức tà giáo do Bộ Công an xác định. Cả thẩm phán và công tố viên đều phớt lờ lập luận của bà.
Cảnh sát cáo buộc bà Phùng phân phát 101 tờ tài liệu Pháp Luân Công trong khi bà chưa từng làm như vậy. Tuy nhiên, trong bản án công bố vào ngày 29 tháng 1 năm 2023, thẩm phán đã trích dẫn ra bằng chứng ngụy tạo này của cảnh sát.
Trong thời gian tại ngoại, bà Phùng vẫn liên tục bị cảnh sát sách nhiễu. Áp lực tinh thần to lớn đã ảnh hưởng đến sức khoẻ của bà khiến bà phải nhập viện 6 lần. Tại thời điểm nhận phán quyết, bà vẫn chưa được xuất viện. Dù gia đình thông báo về tình trạng sức khoẻ của bà với toà án, nhưng đồn trưởng Đồn Công an Viên Tập Hương là Đàm Văn Đông vẫn tiếp tục sách nhiễu bà.
Từng bị bỏ tù 5 năm và bị treo lương hưu, một cụ bà 76 tuổi lại bị kết án 5 năm tù
Một cư dân 76 tuổi ở thành phố Cẩm Châu, tỉnh Liêu Ninh, bị kết án 5 năm tù vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công vào ngày 24 tháng 2 năm 2023. Bà đã kháng cáo bản án.
Bà Ngụy Tú Anh
Bà Ngụy Tú Anh bị bắt ngày 25 tháng 5 năm 2021 sau khi bị cảnh sát theo dõi. Bà được bảo lãnh tại ngoại vì kết quả kiểm tra sức khỏe không đảm bảo. Hai cảnh sát sách nhiễu bà vào tháng 5 năm 2022 trước khi chuyển hồ sơ vụ án của bà sang Viện Kiểm sát Thành phố Lăng Hải.
Thẩm phán Hứa Băng của Tòa án Thành phố Lăng Hải cùng với 4 nhân viên ủy ban cư trú đến nhà bà Ngụy ngày 19 tháng 7 năm 2022 để giao cho bà bản cáo trạng. Bản cáo trạng đó có ghi những thông tin bịa đặt rằng bà Ngụy bị bắt vào ngày 27 tháng 4 năm 2022 vì phát tài liệu quảng bá Pháp Luân Công và bị tạm giam hành chính 10 ngày.
Ngày 13 tháng 12, công tố viên Lý Phong của Viện Kiểm sát Thành phố Lăng Hải gọi điện cho con rể bà Ngụy, nói rằng 3 ngày nữa họ sẽ đến nhà để tổ chức phiên xử tại nhà. Phiên xét xử bị hủy bỏ sau khi hai viên chức của tòa xét nghiệm dương tính với COVID.
Chánh án Hoàng Diễm Xuân, công tố viên Lý Đông Vũ và Lý Phong, cùng 10 người khác đã đến nhà bà Ngụy vào sáng ngày 10 tháng 2 năm 2023. Họ nói là đến để “xác minh một số thông tin về vụ án của bà và tiến hành các thủ tục”. Tuy nhiên, họ chỉ đọc một số tài liệu đã chuẩn bị sẵn rồi rời đi mà không cho bà Ngụy đọc những tài liệu đó hay yêu cầu bà ký tên vào bất cứ thứ gì.
Ngày 24 tháng 2, thẩm phán công bố bà Ngụy bị kết án 5 năm tù và bị phạt 10.000 Nhân dân tệ.
Trước lần sách nhiễu mới nhất này, bà Ngụy từng bị bắt nhiều lần và bị kết án 7 năm tù vì kiên định đức tin sau khi cuộc bức hại Pháp Luân Công xảy ra. Bị sốc trước sự sỉ nhục của cảnh sát khi bị giam giữ vào năm 2009, con gái của bà Ngụy (khi đó mới 20 tuổi) đã suy sụp tinh thần và kể từ đó đến nay cô luôn cần người khác chăm sóc.
Hai năm sau khi bà Ngụy được ra tù vào năm 2014, khi đang ở bên bờ vực của cái chết, bà phải đối mặt với những khó khăn to lớn khi chính quyền tùy tiện treo lương hưu của bà.
Bi kịch gia đình
Hai cư dân Liêu Ninh bị kết án 1,5 năm tù vì dán áp phích có dòng chữ “Chân Thiện Nhẫn hảo”
Hai cư dân ở thành phố Phủ Thuận, tỉnh Liêu Ninh đã bị kết án 1,5 năm tù và phạt tiền 5.000 Nhân dân tệ vào ngày 21 tháng 3 năm 2023 vì dán áp phích “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân Thiện Nhẫn hảo”.
Ông Vương Tú Quốc (một họa sỹ 56 tuổi) và bà Tôn Tinh (53 tuổi, một người mới tu luyện Pháp Luân Công vào năm 2020) đã bị bắt vào ngày 29 tháng 5 năm 2022 trong khi đang dán áp phích Pháp Luân Công và phân phát tài liệu nói về lợi ích sức khỏe của pháp môn.
Gia đình của hai học viên thường xuyên tới đồn công an địa phương để yêu cầu trả tự do cho họ, nhưng bị gây khó dễ phải chạy tới lui mà không có kết quả. Ngày 4 tháng 7 năm 2022, cảnh sát Vương Kinh liên lạc với hai gia đình, yêu cầu họ tới nhận thông báo về việc bắt giữ chính thức hai học viên. Người cha 79 tuổi của ông Vương và con trai của bà Tôn đi tới đồn công an, nhưng cả hai đều từ chối ký vào thông báo đó.
Cha ông Vương và con trai bà Tôn đến Viện Kiểm sát Quận Thuận Thành để yêu cầu cơ quan này bác vụ án của hai học viên, nhưng vô ích. Khoảng đến giữa tháng 7, họ thuê luật sư đại diện cho người thân của mình. Khi luật sư tới gặp các học viên để tìm hiểu về tình trạng vụ án, nhà chức trách nói với luật sư đây là lần duy nhất họ được phép tới gặp thân chủ của mình.
Tòa án Quận Thuận Thành đã tổ chức phiên tòa xét xử hai học viên vào ngày 25 tháng 11 năm 2022. Hai học viên tham dự phiên tòa thông qua cuộc gọi video trực tuyến ở trong trại tạm giam, còn luật sư của họ bào chữa vô tội cho họ trước tòa. Con trai bà Tôn cũng đọc bản bào chữa khẳng định rằng bà vô tội.
Thẩm phán tuyên án hai học viên vào ngày 21 tháng 3 năm 2023.
Bức hại trong quá khứ của ông Vương, người mẹ qua đời trong đau khổ
Trước kia ông Vương từng bị bắt giữ vào ngày 25 tháng 4 năm 2009 và bị kết án 7,5 năm tù. Ông bị đưa tới nhà tù dành cho tù nhân mới Thẩm Dương vào ngày 18 tháng 11 năm 2009, và 20 ngày sau, ông bị chuyển tới Nhà tù Khang Gia Sơn.
Khi được trả tự do, ông không còn nhà nữa. Hiện chưa rõ tại sao mà ông lại mất nhà. Ông chuyển tới sống cùng cha mẹ và tìm được việc làm tại một phòng tranh gần đó.
Vụ bắt giữ gần đây nhất của ông Vương hồi tháng 5 năm 2022 đã giáng một đòn nặng lên người mẹ già 78 tuổi của ông. Bà cụ đã đổ bệnh và phải nhập viện. Hai tháng sau, bà cụ qua đời vào ngày 25 tháng 7 năm 2022 mà không được gặp con trai mình lần cuối.
Chồng bị tra tấn đến chết, bà Tôn sống sót nhờ Pháp Luân Công
Chồng bà Tôn là ông Hồ Quốc Hạm có một khối u ở dạ dày khi ông mới 28 tuổi, và lúc đó con trai của họ khoảng 2 tuổi. Bởi tình trạng bệnh tật của ông Hồ, bà Tôn rất áp lực để gồng gánh cả gia đình.
Năm 1998, ông Hồ biết đến Pháp Luân Công, và chỉ một tuần sau khi bắt đầu học luyện, khối u dạ dày của ông biến mất. Bởi ông kiên trì tu luyện, sức khỏe tổng thể của ông đã được cải thiện. Ông cùng bà Tôn mở một cửa tiệm làm bánh mỳ và kinh doanh rất phát đạt.
Vì tham dự buổi giao lưu chia sẻ thể hội tu luyện của các học viên Pháp Luân Công, ông Hồ bị bắt giữ vào tháng 12 năm 2000, và bị kết án 10 năm tù vào ngày 6 tháng 9 năm 2001. Tại thời điểm được trả tự do vào ngày 16 tháng 12 năm 2010, ông gặp khó khăn trong việc tự chăm sóc bản thân, giữ thăng bằng khi đi lại và nói không rõ ràng.
Sau khi hồi phục nhờ tu luyện Pháp Luân Công, ông tiếp tục nỗ lực nâng cao nhận thức về cuộc bức hại, nhưng lại bị bắt giữ một lần nữa vào ngày 7 tháng 7 năm 2015 trong khi đang dán áp phích Pháp Luân Công. Tòa án Quận Đông Châu lại kết án ông 4 năm tù vào ngày 12 tháng 11 năm 2015. Ông bị đưa tới Nhà tù Bản Khê vào ngày 4 tháng 5 năm 2016. Sau đó, ông bị bức hại đến mức nói ngọng, bị suy giảm khả năng vận động, đặc biệt là nửa người bên phải. Tuy nhiên, nhà tù vẫn cưỡng bức ông lao động khổ sai nhiều giờ mỗi ngày mà không được trả công.
Khi bà Tôn tới thăm ông vào ngày 23 tháng 5 năm 2016, bà rất sốc khi thấy chồng mình sụt gần một nửa cân nặng, từ 90kg xuống còn chưa đầy 50kg. Ông nói với bà rằng tù nhân ở trong trại tạm giam Nam Câu tra tấn ông và không cho phép ông ăn và ngủ. Ông còn dùng bàn tay đặt lên cổ và nói rằng tù nhân còn bóp cổ ông. Sự tra tấn vẫn tiếp diễn sau khi ông bị đưa vào tù.
Ba ngày sau chuyến thăm của vợ ông, một số tù nhân lột trần ông Hồ và dội nước lạnh lên người ông. Đến tối cùng ngày, ông không được phép ngủ và bị ép phải ngồi trên một chiếc ghế nhỏ. Ông bị bất tỉnh và ngã ra khỏi ghế. Một tù nhân đá vào đầu và mắng mỏ ông: “Ông đừng có giả vờ ngất!” Ông Hồ không cử động, và tù nhân đó gọi lính canh trực ca đến rồi vội vã đưa ông tới bệnh viện. Bác sỹ phát hiện ông bị xuất huyết não nặng.
Nhà tù thông báo với bà Tôn về tình trạng của ông Hồ vào sáng sớm ngày hôm sau. Bà Tôn vội tới bệnh viện và đồng ý để bác sỹ phẫu thuật cắt mở hộp sọ cho ông. Ông đã không thể tỉnh lại sau ca phẫu thuật. Thế nhưng ngay cả khi ông đang hôn mê, lính canh vẫn cùm chân ông vào giường bệnh.
Sau khi sống trong tình trạng thực vật 2 năm, ông Hồ trút hơi thở cuối cùng vào ngày 15 tháng 5 năm 2018.
Ông Hồ Quốc Hạm đang hôn mê
Chân ông Hồ bị cùm vào giường
Tại thời điểm ông Hồ qua đời, con trai của ông đã vào đại học. Vào sáng ông Hồ qua đời, bà Tôn vẫn phải làm việc để hỗ trợ cho việc học đại học của con trai. Cuối cùng, khi con trai bà tốt nghiệp và tìm được việc làm để có thể tự lo cho bản thân, bà Tôn bắt đầu gặp các vấn đề thể chất và tinh thần nghiêm trọng.
Ba tháng trong năm 2020, bà Tôn không thể ngủ được, và trạng thái tinh thần của bà vô cùng bất ổn. Con trai bà phải nghỉ việc và đưa bà tới nhiều bệnh viện khác nhau để điều trị. Một bác sỹ nói với anh rằng chứng khó ngủ của bà có thể là mãn tính.
Con trai bà Tôn kể lại: “Hàng ngày mẹ tôi nói với tôi rằng bà không muốn sống nữa. Mẹ bảo tôi đánh ngất bà để bà có thể ngủ một chút. Tôi là đứa con duy nhất của bà, thế nhưng tôi đã không thể chăm sóc cho mẹ khi phải làm việc toàn thời gian. Đó thực sự là quãng thời gian khó khăn cho cả hai chúng tôi”.
Không còn hy vọng nào khác, bà Tôn quyết định tu luyện Pháp Luân Công vào năm 2020. Không lâu sau đó, bà có thể tận hưởng giấc ngủ bình thường, và con trai bà cũng bắt đầu làm việc trở lại. Trước vụ bắt giữ và kết án lần này, bà từng bị bắt giữ vào ngày 27 tháng 2 năm 2022 và bị giam giữ 10 ngày.
Gần đây một cư dân 61 tuổi ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang bị kết án 4 năm tù vì đức tin vào Pháp Luân Công. Trước đó, chồng bà qua đời do bị bức hại, cũng vì kiên định đức tin giống như bà. Con gái bà cũng sớm qua đời trong bi phẫn vì áp lực tinh thần to lớn từ cuộc bức hại.
Ngày 5 tháng 3 năm 2022, bà Tiêu Hiểu Hoa bị bắt giữ vì truyền rộng thông tin về Pháp Luân Công, và bị giam tại trại tạm giam Mộc Lan. Ngày 12 tháng 7 năm 2022, Tòa án Quận Đạo Ngoại kết án bà 2 năm tù.
Để tìm kiếm công lý cho bà Tiêu, con gái bà là cô Kim Hâm đã viết thư cho cảnh sát phụ trách vụ án của bà. Cảnh sát đó là một đồng nghiệp cũ của người chồng quá cố của bà Tiêu. Ông ta đã dùng bức thư này để chống lại bà Tiêu, khiến thẩm phán tăng thêm 2 năm vào án tù của bà.
Vẫn còn chưa hết đau buồn vì cái chết của người cha do cuộc bức hại với đức tin của ông vào Pháp Luân Công, cô Kim lại thêm suy sụp tinh thần vì án tù kéo dài của mẹ mình. Người mẹ 39 tuổi của bé trai 6 tuổi này sớm qua đời vì quá bi phẫn.
Cha của cô Kim là ông Kim Thành Sơn từng làm việc ở Công an Quận Hô Lan ở Cáp Nhĩ Tân. Ông từng bị tai nạn xe hơi vào năm 1996 và bị nứt đốt sống ngực dẫn đến bị liệt. Ngay khi mất hết hy vọng thì ông được giới thiệu Pháp Luân Công, và đã được thụ ích to lớn cả về thể chất và tinh thần sau khi bước vào tu luyện. Chứng kiến sự cải biến của chồng, bà Tiêu cũng bước vào tu luyện.
Sau khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999, bà Tiêu đã 4 lần bị bắt và 2 lần bị kết án tù. Ông Kim cũng 1 lần bị kết án 5 năm tù.
Ngày 22 tháng 12 năm 2006, hai vợ chồng lại bị cảnh sát bắt giữ. Ông Kim bị biệt giam nghiêm ngặt trong trại tạm giam địa phương. Vì không có ai chăm sóc nên ông không đi đại tiện trong 9 ngày và vô cùng đau đớn. Các vết lở loét ở vùng hông, mông và lưng của ông cũng bắt đầu chảy máu và mủ vàng. Cảnh sát phải đưa bà Tiêu đến đó để dùng tay móc phân ra cho ông.
Ngày 27 tháng 2 năm 2007, Tòa án Quận Hô Lan tổ chức một phiên tòa bí mật xét xử vụ án của hai vợ chồng ở trong trại tạm giam. Theo đó, ông Kim bị kết án 5 năm tù và bà Tiêu bị kết án 3 năm tù.
Ngày 24 tháng 4 năm 2007, ông Kim bị đưa đến Nhà tù Hô Lan. Ông phải chịu đựng những thống khổ ngoài sức tưởng tượng, và đã có lúc ở bên bờ vực của cái chết. Sau khi bà Tiêu được thả vào tháng 6 năm 2009, bà đã nộp đơn xin tại ngoại điều trị y tế cho chồng và liên tục đến nhà tù để yêu cầu thả ông.
Mặc dù nhà tù cho ông được tạm tha y tế, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn lại bắt ông trở lại vào ngày 5 tháng 5 năm 2010. Bốn tháng sau, nhà tù lại cho ông tạm tha y tế sau những nỗ lực bền bỉ giải cứu ông của bà Tiêu và con gái.
Việc ngồi tù đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của ông Kim. Ông không thể hồi phục, và qua đời vài năm sau đó.
Ngày 21 tháng 2 năm 2023, một cư dân ở tỉnh thành phố Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh bị đưa tới Nhà tù Nữ Tỉnh Liêu Ninh để chấp hành bản án oan sai 3 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công
Ngày 3 tháng 9 năm 2021, bà Phan Tinh bị bắt trong khi đang tổ chức tiệc sinh nhật 89 tuổi cho mẹ bà. Mặc dù ngày 17 tháng 9, công tố viên từ chối vụ án của bà vì “không đủ bằng chứng cho thấy bà Phan là người nguy hiểm đối với xã hội”, thế nhưng một năm sau, cảnh sát lại chuyển hồ sơ vụ án của bà tới viện kiểm sát một lần nữa.
Ngày 19 tháng 9 năm 2022, bà Phan bị bắt giam trở lại, và bị Tòa án Quận Chấn An xét xử vào ngày 19 tháng 10. Thẩm phán cố gắng ép bà từ bỏ Pháp Luân Công với lời hứa tuyên một bản án nhẹ, nhưng bà từ chối. Cảnh sát giam bà trong trại tạm giam Thành phố Đan Đông và từ chối để bà tại ngoại về nhà chăm sóc mẹ già.
Bởi anh trai bà Phan cùng vợ không có khả năng chăm sóc cho mẹ nên họ phải đưa bà vào viện dưỡng lão. Do thiếu sự chăm sóc, người của bà cụ bị lở loét và bà cụ còn bị nhiễm COVID 19. Bà cụ nhanh chóng được đưa tới bệnh viện để cấp cứu vào ngày 24 tháng 12 năm 2022, nhưng sau đó qua đời vào ngày 31 tháng 12.
Thẩm phán kết án bà Phan 3 năm tù và phạt tiền 5.000 Nhân dân tệ. Bà đã kháng cáo, nhưng tòa án cấp cao hơn đã đưa ra phán quyết giữ y án đối với bà.
Trước khi bà Phan bị đưa tới nhà tù vào ngày 21 tháng 2 năm 2023, gia đình được phép tới thăm bà ở trong trại tạm giam. Họ cho hay bà rất gầy gò sau khi tuyệt thực để phản đối cuộc bức hại kể từ cuối tháng 12. Trong chuyến thăm đó, bà được hai tù nhân khiêng ra ngoài và có một ống dẫn thức ăn vẫn đang cắm ở trong mũi của bà.
Hiện bà Phan đang bị giam ở trong khu 12 của nhà tù, nơi được thiết kế là khu cải huấn và tra tấn tàn bạo các học viên Pháp Luân Công nhằm cưỡng chế họ từ bỏ đức tin.
Sau khi mất chồng và thụ án 3 năm tù, cựu dược sỹ lại bị kết án tù vì kiên định đức tin
5 năm sau cái chết của người chồng, bà Hoàng Tiểu Phân bị bắt giữ và kết án 3 năm tù vào năm 2017. Sau khi được trả tự do 2 năm, cựu dược sỹ ở thành phố Sâm Châu, tỉnh Hồ Nam này bị bắt giữ lần nữa và bị kết án 2,5 năm tù giam.
Bà Hoàng Tiểu Phân và người chồng Trần Nghĩa Nguyên quá cố của bà
Ngày 20 tháng 7 năm 2022, bà Hoàng (71 tuổi) bị bắt giữ. Bà bị giam giữ trong trại tạm giam Thành phố Sâm Châu 1 tháng, và sau đó được bảo lãnh tại ngoại. Ngày 12 tháng 3 năm 2023, một người họ hàng của bà Hoàng tiết lộ rằng khoảng 10 ngày trước bà đã bị kết án 2,5 năm tù. Hiện chưa rõ liệu bà Hoàng có bị chuyển tới nhà tù hay chưa.
Chồng bà Hoàng, ông Trần Nghĩa Nguyên, từng bị kết án 8 năm tù sau khi bị bắt vào ngày 20 tháng 4 năm 2003. Ông bị cưỡng chế lao động khổ sai ít nhất là 14 tiếng một ngày mà không được trả công và còn bị tiêm thuốc không rõ chủng loại khi ở trong tù. Chỉ 1 năm sau khi được trả tự do, ông qua đời vào tháng 3 năm 2012.
Bị nhắm mục tiêu vì lên tiếng cho Pháp Luân Công
Một phụ nữ ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, bị kết án 3 năm tù vào ngày 17 tháng 3 năm 2023, chỉ vì gửi thư cho tân cục trưởng, kêu gọi ông ta không được bức hại Pháp Luân Công.
Bà Đoàn Quế Tú bị bắt vào ngày 29 tháng 11 năm 2021 khi bà đi ra ngoài. Bảy cảnh sát bắt và áp giải bà về nhà. Cảnh sát tuyên bố họ bắt bà Đoàn vì bà đã viết thư cho Quách Hiểu Huy trưởng phòng, kêu gọi ông ta không tham gia vào việc bức hại, đồng thời khuyên ông ta hãy bảo vệ các học viên nếu có thể. Bức thư và đoạn video giám sát ghi lại quá trình bà Đoàn gửi thư đã bị cảnh sát coi là bằng chứng buộc tội bà.
Chồng bà Đoàn, ông Mã Lập Chí, qua đời năm 2001, nên bà phải một mình nuôi con gái. Con gái bà hiện đã tốt nghiệp đại học và bắt đầu đi làm. Khi bà Đoàn chuẩn bị có một cuộc sống thoải mái hơn thì lại bị bắt và bị kết án chỉ vì đức tin của mình.
Giảng viên đại học bị kết án 2 năm tù vì nói với các học sinh trung học về Pháp Luân Công
Gần đây một giảng viên đại học bị kết án 2 năm tù sau khi bị hai học sinh trung học cơ sở tố giác vì nói với họ về Pháp Luân Công. Chính quyền đã cấm gia đình cô Trần Bình được thăm cô, và đe dọa sẽ bắt giữ cả luật sư nếu họ thuê luật sư cho cô.
Ngày 26 tháng 7 năm 2020, cô Trần, một giảng viên của Đại học Sư phạm Tây Hoa thuộc thành phố Nam Sung, tỉnh Tứ Xuyên, đã bị bắt giữ sau khi bị hai học sinh trình báo. Đã có hơn 10 cảnh sát thẩm vấn cô trong suốt 38 giờ đồng hồ bị giam giữ. Cô bị bỏ đói và bị tra tấn bằng áo bó. Cô được thả vào tối hôm sau và bị quản thúc tại gia.
Sau 6 tháng, cảnh sát chuyển vụ án của cô Trần tới Viện Kiểm sát Quận Thuận Khánh. Cô đã viết thư cho những viên chức phụ trách vụ án của mình, khuyên họ không tham gia vào cuộc bức hại, nhưng họ vẫn cố gây áp lực ép cô nhận tội. Công tố viên truy tố cô Trần vào khoảng cuối năm 2021 và chuyển vụ án của cô tới Tòa án Quận Thuận Khánh.
Ngày 21 tháng 4 năm 2022, cô Trần bị Tòa án Quận Thuận Khánh xét xử. Hầu hết bằng chứng mà cảnh sát đệ trình đều là ngụy tạo, bao gồm cả chữ ký giả mạo của các nhân chứng.
Mặc dù tòa án tuyên bố đây là một “phiên tòa công khai” nhưng anh chị và chị dâu của cô Trần lại bị cấm tham dự, chỉ có chồng và cha mẹ cô được phép vào phòng xử án. Căn phòng chật kín cảnh sát, nhân viên ủy ban dân cư và nhân viên an ninh đến từ trường đại học nơi cô Trần công tác. Cảnh sát được bố trí dày đặc ở bên ngoài tòa án để ngăn các học viên địa phương đến “tụ tập”.
Ngày 17 tháng 3 năm 2023, một nhân viên ủy ban dân cư đã gọi điện cho cô Trần và yêu cầu cô tới văn phòng của họ. Khi cô tới tòa án, viên chức tòa đã kết án tù cô, và cô đã bị giam giữ kể từ đó.
Cáo buộc phi pháp
Khi cảnh sát thất bại trong việc thu thập bằng chứng chống lại một học viên Pháp Luân Công kiên định đức tin, họ mưu hại bà bằng cách gán cho bà tội danh “cấu kết với thế lực phản Hoa ở nước ngoài” khi phát hiện bà từng xuất ngoại để đi thăm các con đang sinh sống ở bên ngoài Trung Quốc.
Mới đây bà Trần Hoa (64 tuổi) ở thành phố Triều Dương, tỉnh Liêu Ninh, bị Tòa án Huyện Khách Tả kết án 1 năm tù.
Ngày 1 tháng 6 năm 2022, khi bà Trần cùng với chồng là ông Hác Chí Cường (65 tuổi, một cựu chủ tịch của Công ty Thép Thành phố Lăng Nguyên) đang đi ra ngoài để làm tóc thì cảnh sát đột nhập vào nhà bà và tịch thu các sách Pháp Luân Công, ảnh của nhà sáng lập Pháp Luân Công, máy tính và điện thoại di động của bà.
Mặc dù không tu luyện Pháp Luân Công, nhưng ông Hác vẫn bị bắt cùng với vợ khi họ đang trên đường trở về nhà. Ban đầu, cảnh sát nhốt họ trong một khách sạn theo diện “quản thúc tại khu vực cư trú”, sau đó chuyển họ đến trại tạm giam Huyện Khách Tả để tạm giam hình sự. Tiếp đó bà Trần bị đưa đến trại tạm giam Nữ Thành phố Triều Dương.
Khi hai vợ chồng chất vấn cảnh sát lý do của vụ bắt giữ, cảnh sát nói: “Các vị không biết mình đã làm gì sao?” Một cảnh sát khác nói: “Chúng tôi đã theo dõi các vị hơn 10 ngày rồi mà các vị không biết à?“
Viện Kiểm sát Huyện Khách Tả phê chuẩn vụ bắt giữ hai vợ chồng vào đầu tháng 7 năm 2022. Không thể tìm ra lý do nào để buộc tội hai học viên, chính ủy Trương Phong của Công an Huyện Khách Tả ra lệnh cho thuộc cấp đi tới nơi ở trước kia của hai vợ chồng ở thành phố Lăng Nguyên để thu thập thêm thông tin có thể dùng để buộc tội họ. Khi phát hiện họ thỉnh thoảng ra nước ngoài để thăm con cái, Trương vin vào đó để biên tạo cho họ tội danh “cấu kết với thế lực phản Hoa ở nước ngoài”.
Với những nỗ lực kiên trì giải cứu của người thân, ông Hác sau đó đã được trả tự do, còn bà Trần vẫn bị giam giữ và bị kết án phi pháp 1 năm tù.
Án tù nặng
Hai vợ chồng bị kết án tù nặng vì gọi điện nói về lợi ích sức khỏe của Pháp Luân Công
Một đôi vợ chồng ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang bị kết án tù nặng và bị phạt tiền vào khoảng tháng 12 năm 2022 vì tu luyện Pháp Luân Công
Ông Chu Minh Đích, nguyên là phó cục trưởng của Cục Thuế Quận Tùng Bắc, và vợ ông, bà Thái Tú Anh, một cựu cán bộ của Ban Tuyên truyền Thành ủy Hắc Hà, bị bắt lần lượt vào ngày 7 và ngày 8 tháng 4 năm 2020, trong khi gọi điện thoại để nói với công chúng về lợi ích sức khỏe của Pháp Luân Công và việc chính quyền cộng sản Trung Quốc che giấu về đại dịch corona virus.
Sau khi bị giam trong khách sạn để tẩy não 1 tháng, ông Chu và bà Thái được bảo lãnh tại ngoại vào giữa tháng 5. Đội trưởng của Đội An ninh Nội địa Tỉnh Hắc Long Giang Cố Tùng Hải vẫn tiếp tục sách nhiễu và đe dọa họ.
Đầu tháng 7 năm 2022, ông Chu gọi điện cho cảnh sát trưởng Loan và tiếp tục yêu cầu trả lại tài sản mà cảnh sát tịch thu của ông. Vài ngày sau, vào ngày 5 tháng 7, cảnh sát Hoàng gọi điện cho ông và yêu cầu ông cùng vợ đi tới đồn công an để nhận lại tài sản tịch thu. Hôm sau, hai vợ chồng ông liền đi tới đó, nhưng lại bị cảnh sát bắt giam. Vụ bắt giữ của họ đã nhanh chóng được phê chuẩn.
Tòa án Thành phố Đại Khánh tổ chức phiên tòa xét xử hai vợ chồng ông vào cuối tháng 12 năm 2022. Ông Chu bị kết án 9 năm 8 tháng tù cùng 60.000 Nhân dân tệ tiền phạt. Bà Thái bị kết án 10 năm tù cùng 70.000 Nhân dân tệ tiền phạt. Cả hai đều đã kháng cáo.
Người phụ nữ Hắc Long Giang bị kết án 8 năm tù vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công
Ngày 17 tháng 2 năm 2023, bốn thành viên của một đại gia đình ở thành phố Thất Đài Hà, tỉnh Hắc Long Giang bị xét xử phi pháp sau 7 tháng bị giam giữ vì đức tin vào Pháp Luân Công.
Ngày 11 tháng 7 năm 2022, bà Quách (46 tuổi), cùng với chồng bà, ông Trương Quảng Tài, con gái, cô Trương Kim Phượng và mẹ của ông Trương là cụ bà Viên Mỹ Nga, bị bắt tại nơi ở chung của họ. Cảnh sát lục soát nhà của họ từ 8 giờ sáng đến 6 giờ chiều, tịch thu các sách và máy in Pháp Luân Công và chiếc xe tải của cô Trương.
Ngày 17 tháng 2 năm 2023, gia đình bốn người đã bị Tòa án Quận Gia Tử xét xử. Gần đây Minghui.org xác nhận được rằng bà Quách bị kết án 8 năm tù. Bà đã kháng cáo lên Tòa án Trung cấp Thành phố Thất Đài Hà. Không rõ liệu chồng, con gái và mẹ chồng của bà có bị kết án hay không.
Bài liên quan:
Báo cáo tháng 2 năm 2023: 110 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì kiên định đức tin
Báo cáo tháng 1 năm 2023: 117 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì kiên định đức tin
Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/4/6/458509.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/4/14/208068.html
Đăng ngày 25-05-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.