Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 28-07-2020] Tiếp theo Phần 3

Phản đối và nhập viện

Để phản đối sự ngược đãi khủng khiếp, bà Lưu đã tuyệt thực 3/4 thời gian trong hai năm bà ở Mã Tam Gia. Ngoài việc bị kéo dài thời gian thụ án, bà Lưu đã phải nhập viện nhiều lần tại Bệnh viện Mã Tam Gia và hai lần được đưa đến Bệnh viện Đại học Y Thịnh Kinh Trung Quốc (số 2) trong tình trạng nguy kịch.

Nhà chức trách trại và lính canh đã lên kế hoạch cho một cuộc họp vào đầu năm 2001 và khuyến khích những người bị giam giữ nói ra các học viên Đại Pháp đã luyện công hoặc sở hữu các kinh sách Đại Pháp tại cuộc họp. Bà Lưu nói với các học viên khác sẽ không tham dự cuộc họp này và yêu cầu gặp đội trưởng Trương. Khi Trương không đáp ứng yêu cầu của bà, bà Lưu đã tuyệt thực để phản đối.

Sau hai tuần, bà Lưu trở nên yếu đến mức không thể đi lại được. Khi bất tỉnh lần thứ hai, bà được đưa đến bệnh viện Mã Tam Gia. Giám đốc bệnh viện, phó giám đốc, trưởng khoa Nội đã họp để thảo luận về tình trạng của bà Lưu. Vốn đã có các triệu chứng nghiêm trọng về tim mạch từ trước khi tuyệt thực, trưởng khoa Nội thừa nhận rằng bà sẽ chết trong vòng hai ngày nếu không được điều trị kịp thời.

Bà Lưu nói với các bác sĩ và y tá lý do bà tuyệt thực và nói với họ về sự tra tấn mà bà đã phải chịu chỉ vì giữ vững đức tin của mình. Bệnh viện đã gọi cho Trương Quân, trưởng Khu vực số 3. Trương đến thăm bà Lưu tại bệnh viện và nói dối bà rằng: “Chúng tôi đã từ bỏ việc ‘chuyển hóa’ bà và sẽ không tra tấn kéo căng bà nữa. Bà chỉ cần hợp tác với các bác sĩ để bệnh tình trở nên tốt hơn”.

Bà Lưu đã tin Trương. Bà bắt đầu ăn uống và dần hồi phục. Tuy nhiên, khi trở lại trại lao động, bà đã bị trả thù và bị tra tấn kéo căng một lần nữa. Bà Lưu nói với Trương “Không phải ông nói với tôi ở bệnh viện rằng ông sẽ không tra tấn kéo căng tôi nữa sao?” Trương trả lời: “Ai bảo bà tin những gì tôi đã nói?” Bà Lưu nói: “Đây có phải là những gì ông vẫn làm để tăng tỷ lệ ‘chuyển hóa’? Ông nghĩ rằng có thể thay đổi người khác bằng vũ lực?“

Gia đình không được phép thăm hỏi

Bà Lưu bị từ chối quyền thăm nom trong suốt hai năm ở Mã Tam Gia. Bà đã không gặp gia đình mình dù chỉ một lần. Bà cũng không được phép gọi điện hay viết thư. Sự liên lạc của bà với thế giới bên ngoài hoàn toàn bị cắt đứt.

Chồng của bà Lưu, ông Duẫn Bảo Quân đã đến Mã Tam Gia gần như mỗi tháng với hy vọng được gặp bà. Mặc dù hết lần này đến lần khác bị từ chối, ông vẫn tiếp tục xuất hiện chỉ để cho lính canh biết rằng gia đình bà Lưu đang rất quan tâm đến sức khỏe của bà.

Sau một thời gian, ông Duẫn bắt đầu đến các cấp chính quyền địa phương, Cơ quan Quản lý Khiếu nại và Kiến nghị, Viện Kiểm sát và Văn phòng Tư pháp để kiến ​​nghị và gửi đơn khiếu nại về tình trạng tồi tệ của trại lao động và sự ngược đãi vô nhân đạo. Tuy nhiên, dưới sự cai trị của ĐCSTQ, các tổ chức này không còn đại diện cho lợi ích của người dân nữa – họ đã trở thành công cụ của ĐCSTQ và bịt miệng mọi tiếng nói khác với Đảng.

Các nhân viên từ Phòng 610 Đại Liên đã kiểm tra Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia vào tháng 6 và tháng 7 năm 2011. Khi nói về thành tích của trại lao động trong việc chuyển hóa các học viên Pháp Luân Đại Pháp, bà Lưu được nhắc đến là một trong số ít những trường hợp ngoại lệ đã không chuyển hóa mặc dù trại lao động đã liên tục nỗ lực. Nền tảng giáo dục và ảnh hưởng của bà trong số các học viên bị giam giữ đã khiến bà nổi bật trong mắt các nhân viên này, những người đã lên kế hoạch để bà Lưu bị giam giữ lâu hơn.

Bị kết án tù sau hai năm lao động cưỡng bức

Bà Lưu đã không nhượng bộ trong suốt hai năm tại Mã Tam Gia, điều này khiến các nhân viên Phòng 610 Đại Liên lo lắng. Họ không muốn để bà ra đi dễ dàng như vậy và đã đưa ra một kế hoạch vi phạm trắng trợn nguyên tắc “bản án đã tuyên”.

Y Bân của Viện kiểm sát quận Trung Sơn đã đến thăm bà Lưu một vài lần vào tháng 7 và tháng 8 năm 2011 và nói với bà: “Vụ án của bà vẫn chưa kết thúc.” Bà Lưu bối rối: “Vậy thì hai năm lao động cưỡng bức này là cái gì?” Y Bân nói: “Đây chỉ là thời gian luyện tập tại trại tạm giam.”

Vài ngày trước khi thời hạn của bà kết thúc, các nhân viên Sở cảnh sát quận Trung Sơn và Đồn cảnh sát Đào Nguyên Nhai đã đón bà Lưu từ Mã Tam Gia và đưa bà đến trại tạm giam Diêu Gia. Bà bị giam ở Phòng giam số 8-16.

Sau hơn 700 ngày xa gia đình và đã phải chịu đựng quá nhiều, bà Lưu rất mong được đoàn tụ với gia đình. Chồng, con trai và cha mẹ bà rất nhớ bà và đã sẵn sàng và phấn chấn để đón bà trở lại cuộc sống của họ.

Tuy nhiên, vào ngày 21 tháng 9, ngày mà thời hạn lao động cưỡng bức hai năm của bà Lưu được cho là sẽ kết thúc, gia đình nhận được điện thoại từ văn phòng cộng đồng: “Lưu Vinh Hoa được cảnh sát đón từ Đồn cảnh sát Đào Nguyên Nhai vào ngày 19 và hiện bị giam giữ tại trại tạm giam Diêu Gia. Lệnh bắt giữ bà đã được ban hành và bà đang phải đối mặt với phiên tòa và có thể phải chịu án tù”. Gia đình bà Lưu không thể tin đây lại là sự thật.

Cha mẹ của bà Lưu, cả hai đều đã ngoài 70 tuổi, đã đi qua đi lại giữa Đồn cảnh sát Đào Nguyên Nhai, Sở cảnh sát quận Trung Sơn, Viện kiểm sát quận Trung Sơn, Tòa án quận Trung Sơn và Cơ quan quản lý đơn khiếu nại và kiến nghị quận Trung Sơn để yêu cầu trả tự do cho con gái họ, nhưng không có kết quả.

Cảnh sát trưởng Lý Lợi Thiên và Phó cảnh sát trưởng Lưu Nham Tùng của Đồn cảnh sát Đào Nguyên Nhai nói với hai vợ chồng rằng trường hợp của bà Lưu đã được trình lên sở cảnh sát và nói “hãy về nhà và đợi. Chúng tôi sẽ gặp ông bà tại tòa án.”

Cảnh sát trưởng Lý Lợi Thiên có thái độ thù ghét với hai vợ chồng và đe dọa rằng Viện kiểm sát và Tòa án sẽ tuyên án chung thân cho bà Lưu nếu họ còn tiếp tục xuất hiện. Lý đã cho dọn hết ghế trong hành lang nên hai vợ chồng già đành phải đứng đợi.

Mẹ của bà Lưu đã khóc và hỏi lính canh: “Các anh có treo khẩu hiệu ‘Phục vụ Nhân dân’ trên tường nhưng đồn trưởng của các anh đã yêu cầu tôi ra khỏi đây. Không phải chúng tôi là nhân dân sao? Nếu các anh không bắt con gái tôi, thì tôi cũng không tới đây làm gì cả. Tôi sẽ chẳng đi đâu hết. Tôi sẽ ở đây đợi con gái tôi trở về”.

Không còn kênh nào khác để khiếu nại, gia đình bà Lưu đã chuyển hướng sang công chúng. Họ đã viết thư ngỏ để có thể nhận được hỗ trợ và giúp đỡ, hy vọng rằng mọi người sẽ chú ý đến trường hợp của bà Lưu.

Thư ngỏ của cha bà Lưu

“Kể từ khi nhập học năm 8 tuổi, con gái tôi Lưu Vinh Hoa đã là học sinh xuất sắc nhất, từ tiểu học đến trung học cơ sở, đại học và cao học. Con tôi đã trở thành giáo viên tại Đại học Đại Dương Đại Liên sau khi tốt nghiệp và đã giảng dạy cho nhiều sinh viên ưu tú trong đó có đóng góp lớn cho đất nước. Các bài báo của con tôi đã được đăng trên các tạp chí uy tín trong lĩnh vực giáo dục. Con tôi chưa bao giờ làm bất cứ điều gì tổn thương đến ai và vợ chồng tôi rất tự hào và rất vui khi thấy con mình có đóng góp tích cực cho xã hội.

“Con gái tôi không phạm bất kỳ tội gì. Chỉ vì Giang Trạch Dân nói Pháp Luân Đại Pháp là bất hợp pháp không có nghĩa là nó thực sự đúng. Tôi nghĩ Giang đã phạm tội – ông ta đã vi phạm luật cao nhất của đất nước đó là Hiến pháp.

“Tôi đã gần 80 tuổi và đã chứng kiến ​​rất nhiều sự việc trong đời. Tôi đã sống qua các phong trào khác nhau do chính quyền Cộng sản phát động, bao gồm cả Đại cách mạng Văn hóa và Thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn. Mỗi vụ đều bắt đầu bằng một nhận xét của một trong những lãnh đạo cấp cao trong Đảng và những người đó từng gây ra rất nhiều đau khổ cho cuộc sống của người dân. Sau đó, Đảng luôn thừa nhận rằng họ đã phạm sai lầm.

“Con gái tôi đã làm gì sai? Tất cả những gì con tôi từng làm là tuân theo nguyên lý phổ quát Chân – Thiện – Nhẫn của Pháp Luân Công. Có gì sai khi cố gắng trở thành một người tốt? Nhờ tu luyện Đại Pháp, nhiều người đã lấy lại được sức khỏe của mình, từ đó tiết kiệm được hàng tấn chi phí y tế cho đất nước. Với một cơ thể khỏe mạnh, người tu luyện có thể hoàn thành tốt hơn trong công việc của họ. Điều đó có gì là không tốt?

“Nếu các chương trình truyền hình và báo chí không nói dối và phỉ báng Pháp Luân Đại Pháp, thì con gái tôi sẽ không phải nói cho mọi người biết sự thật về Đại Pháp. Hơn nữa, mọi người đều có quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, diễu hành và biểu tình. Con gái tôi có quyền tự do nào? Lực lượng thực thi pháp luật đang vi phạm pháp luật. Tôi sẽ tìm kiếm công lý cho con gái tôi. Con tôi không làm gì sai. Tu luyện Pháp Luân Đại Pháp không vi phạm pháp luật ”.

Con trai Thiên Kiêu 16 tuổi của bà Lưu đang cầu xin sự giúp đỡ

Con trai của bà Lưu, khi đó đang là một học sinh trung học 16 tuổi, cũng đã viết một lá thư cầu cứu để giải thoát cho mẹ mình.

“Thưa ông / bà,

“Ông/ Bà có khỏe không? Cháu đã thực sự vui mừng và chuẩn bị tinh thần cho ngày mẹ cháu được trả tự do. Thật là một cú sốc lớn khi cháu biết rằng mẹ cháu lại bị bắt giam. Như thể một vết sẹo cũ bị rách, trái tim cháu như rỉ máu. Mẹ cháu là một học viên Pháp Luân Đại Pháp và là một người tốt. Mẹ cháu là một người mẹ tuyệt vời với đầy lòng yêu thương và cháu rất tự hào về mẹ.

“Mười năm trước, mẹ cháu đã bị kết án một năm tại trại cải tạo vì đức tin của mình. Cháu đã mất đi sự chăm sóc dịu dàng của một người mẹ. Cháu nhớ mẹ lắm. Khi mẹ cháu trở về từ trại vào năm đó, người mẹ cao 1m60 của cháu chỉ còn nặng chưa đầy 36 kg. Cháu rất lo lắng cho mẹ và không biết mẹ cháu sẽ cầm cự ra sao.

“Cháu không hiểu. Mẹ cháu là mục tiêu của chính quyền chỉ vì đức tin của bà kể từ khi cháu mới được 6 tuổi. Là một người không có mẹ bên cạnh kể từ khi còn học tiểu học, ông/ bà có thể tưởng tượng được cháu mong được có mẹ đến mức nào không? Khi cháu nhìn thấy những đứa trẻ khác bên cạnh mẹ của chúng, trái tim cháu trở nên đau đớn.

“Mặc dù vẫn chưa thành niên nhưng cháu biết rõ rằng mọi công dân đều có quyền tự do tôn giáo, được tự do thực hành đức tin của mình. Cháu đã được học điều này ở trường — đó là tiêu đề của một chương trong cuốn sách chính trị của cháu. Mặc dù cháu chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay số lần cháu gặp mẹ trong suốt 10 năm qua, cháu biết rằng bà không làm tổn thương ai và cũng không vi phạm bất kỳ điều luật nào. Bất kể mẹ cháu tu luyện gì, mẹ cháu không phải là một người xấu.

“Gửi đến tất cả những người tử tế và chính trực ngoài kia, cháu tin rằng tất cả ông/bà đều có con cái và cha mẹ của mình. Chắc hẳn ông/bà cũng không muốn nhìn thấy các thành viên thân thiết trong gia đình của mình bị giam giữ và bị tra tấn khi biết rằng họ không phạm bất kỳ tội ác nào. Mong ông/ bà giúp đỡ, ủng hộ để mẹ con cháu sớm ngày được đoàn tụ”.

(Còn tiếp.)

Bài liên quan:

Học viên Pháp Luân Công, cô Lưu Vinh Hoa, một giáo viên ở thành phố Đại Liên, đã bị giam giữ bất hợp pháp ở trại giam Diêu Gia, thành phố Đại Liên (Ảnh)

Cô Lưu Vinh Hoa bị kết án hai năm lao động cưỡng bức (Ảnh)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/7/28/409455.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/11/25/188415.html

Đăng ngày 21-12-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

 

Share