Bài viết của Vị Danh

[MINH HUỆ 26-09-2020] Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) giỏi thêu dệt và tung tin thất thiệt. Ở Trung Quốc, ĐCSTQ gọi thời đại trước khi nó cai trị là “Xã hội cũ”, một xã hội mà con người sống trong cảnh nghèo đói không có cơm ăn, áo mặc và chỗ ở. Bằng cách đó, nó tuyên bố rằng: nếu không có ĐCSTQ, người dân Trung Quốc vẫn sẽ sống trong nghèo đói.

Lời nói dối này đã đánh lừa nhiều người Trung Quốc đã mất khả năng tư duy độc lập dưới chế độ toàn trị của ĐCSTQ và bị tẩy não bởi tuyên truyền tôn vinh ĐCSTQ. Bởi vậy, họ làm ngơ trước những vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc, bao gồm cả cuộc bức hại Pháp Luân Công và các nhóm thiểu số khác. Tương tự, khi những thảm họa như virus corona xảy ra, mọi người tiếp tục tin vào tin tức của ĐCSTQ mà không nhận thức được mối nguy sắp xảy ra.

Tuy nhiên, nhìn lại lịch sử, những gì ĐCSTQ nói là hoàn toàn sai sự thật. Trong những thập kỷ trước khi ĐCSTQ lên nắm quyền, người dân có cuộc sống tương đối tốt và thịnh vượng, có quyền tự do tín ngưỡng hơn và ít bị kiểm duyệt hơn nhiều.

Coi trọng trí thức

Năm 1912, Trung Hoa Dân Quốc được thành lập khi Hiến pháp Lâm thời được xây dựng nhằm đảm bảo quyền tự do ngôn luận và tự do xuất bản. Khi đó, Trung Quốc có trên 150 tờ báo độc lập. Ngay cả trong những năm Viên Thế Khải tạm khôi phục hệ thống đế quốc của Trung Quốc từ năm 1915 đến năm 1916, vẫn có hơn 130 tờ báo. Mọi người công khai chỉ trích chính phủ đương thời, bao gồm cả chính Viên Thế Khải, mà không phải nhận hậu quả gì. Tuy nhiên, ở Trung Quốc ngày nay, ông trùm bất động sản Trung Quốc là Nhậm Chí Cường gần đây đã bị kết án 18 năm tù vì có những ngôn từ chống đối lãnh đạo tối cao của ĐCSTQ.

Cùng với môi trường cởi mở chính trị, trí thức, kể cả giáo viên, đều được kính trọng và trả lương cao. Chẳng hạn, vào năm 1937 (khi quân đội Nhật Bản xâm lược Trung Quốc), mức lương trung bình tháng của giáo sư đại học là 400-600 nhân dân tệ, giáo viên trung học cơ sở ở thành thị có mức lương 160-200 nhân dân tệ, và giáo viên tiểu học là 22-55 nhân dân tệ. Những mức lương này nếu quy đổi ra sức mua thì sẽ thế nào? Mức lương hàng tháng của một công nhân bình thường là khoảng 10-40 nhân dân tệ, mà một gia đình bốn người đã có thể có được một cuộc sống tử tế với mức lương 60 nhân dân tệ mỗi tháng.

Hơn nữa, thời điểm đó còn có quyền tự do ngôn luận và tự do xuất bản. Mặc dù có mâu thuẫn với ĐCSTQ, Quốc Dân Đảng (KMT) vẫn cho phép nó xuất bản báo chí và sách. Những ấn phẩm này không chỉ công khai chỉ trích Quốc Dân Đảng mà còn huy động sinh viên—thông qua các học thuyết của Mác và Bôn-sê-vích—để đối đầu với chính phủ. So với tình hình ở Trung Quốc hiện nay thì thế nào? Khi các bác sỹ chia sẻ thông tin về đợt bùng phát của virus corona qua mạng xã hội—vốn là đúng với trách nhiệm cứu người của họ—họ đã bị trừng phạt nặng nề. Điều tương tự cũng xảy ra với những phóng viên độc lập dám nói lên sự thật. Theo chủ trương của ĐCSTQ, từ Mao Trạch Đông đến các lãnh đạo hiện nay, bất kỳ sự phản kháng hay nhận định chống đối nào đều phải bị tiêu diệt ngay từ trong trứng nước.

Chất lượng sống

Từ năm 1912 đến năm 1949 khi ĐCSTQ giành được chính quyền, Trung Quốc phải đối mặt với hàng loạt cuộc khủng hoảng, từ xung đột giữa các lãnh chúa trong Chính phủ Bắc Dương (1912-1928) đến Nội chiến Trung Quốc giữa ĐCSTQ và Quốc Dân Đảng (1928-1949), chưa kể cuộc xâm lược của Nhật Bản (1937-1945). Mặc dù có 20-40 triệu người bị thương hoặc chết trong Chiến tranh Trung-Nhật, cộng với nạn đói ở tỉnh Hà Nam năm 1942, nhưng phần lớn mọi người không gặp khó khăn gì trong việc tìm kiếm thức ăn.

Theo tờ Lao động tháng (Laogong Yuekan) xuất bản vào tháng 7 năm 1934, mức lương trung bình hàng tháng của một công nhân ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, là khoảng 15 nhân dân tệ. Vào thời điểm đó, một nhân dân tệ có thể mua được 15 kg gạo hoặc 4 kg thịt lợn. Như vậy, dân thường đều có thể sống tương đối tốt.

Trong hoàn cảnh chiến tranh liên miên ở Trung Quốc, việc có mức sống tương đối tốt đã là một thành tích đáng kể, chủ yếu là do sự cởi mở của hệ thống chính trị. Tuy nhiên, để tấn công Quốc Dân Đảng và giành chính quyền, ĐCSTQ đã tạo ra vô số dối trá nhằm làm mất niềm tin vào thực tế đó và gây hiểu lầm cho người dân qua từng thế hệ.

Trần Bá Đạt, một quan chức cấp cao của ĐCSTQ và là thư ký của Mao Trạch Đông, tuyên bố rằng bốn gia tộc lớn của Quốc Dân Đảng (KMT) đã kiểm soát nền kinh tế Trung Quốc và tích lũy tài sản dưới danh nghĩa chiến đấu với người Nhật. Nhiều bằng chứng đã cho thấy những tuyên bố đó là vô căn cứ. Những tài liệu do tình báo Nhật công bố cho thấy ngay cả Tưởng Giới Thạch, lãnh đạo tối cao của Quốc Dân Đảng, cũng chỉ có 66 triệu nhân dân tệ (8 triệu USD).

Ngược lại, dưới chế độ toàn trị của ĐCSTQ, tham nhũng đã trở nên phổ biến ở tất cả các cấp chính quyền. Quách Bá Hàng và Từ Tài Hậu, hai quan chức quân sự cấp cao, được cho là đồng sở hữu một kho tiền trị giá 7,9 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1,2 tỷ USD), ngoài các tài sản khác. Ngay cả những quan chức cấp thấp hơn cũng đã tích lũy được khối tài sản khổng lồ. Một phó thị trưởng ở tỉnh Sơn Tây được cho là đã tích lũy được tổng cộng 640 triệu nhân dân tệ (tương đương 95 triệu USD), vượt quá tổng thu nhập hàng năm của 9 quận nghèo.

Ngay cả khi không có những ví dụ về nguồn thu “xám” này, thì chi phí đi lại và ăn uống của các quan chức chính phủ Trung Quốc đã lên tới 9.000 tỷ nhân dân tệ (1.300 tỷ USD) mỗi năm. Con số này vượt xa tổng ngân sách dành cho giáo dục và đủ để đưa tất cả những người Trung Quốc có thu nhập thấp thoát nghèo.

Tuyên truyền đấu tranh giai cấp

Để thiết lập và đảm bảo quyền thống trị của mình, ĐCSTQ luôn đề cao đấu tranh giai cấp và coi người giàu là kẻ vô đạo đức và là kẻ thù của quốc gia. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn xa rời sự thật.

Hai nhà sử học Tần Cối và Cao Vương Lăng, từ Đại học Thanh Hoa và Đại học Nhân dân Trung Quốc, đã nghiên cứu lại tuyên bố của ĐCSTQ về “những địa chủ giàu có sở hữu 70-80% đất đai”. Họ nhận thấy rằng con số này không hề cao hơn mức 40%, nghĩa là hơn 60% đất đai là thuộc sở hữu của nông dân bình thường.

Ở thành thị cũng vậy. Sau đây là một ví dụ từ cuộc điều tra Tầm Ô, một báo cáo của chính Mao Trạch Đông vào năm 1930. Một người học việc làm việc tại một doanh nghiệp nhỏ được ba năm và đã học các kỹ năng cơ bản, anh ta kiếm được 40-50 nhân dân tệ trong năm đầu tiên, 50-60 nhân dân tệ trong năm thứ hai. “Thỉnh thoảng, người chủ sẽ giao toàn bộ công việc kinh doanh cho anh ta [người học việc] quản lý… Sau đó, chỉ cần trả một phần lợi nhuận cho người chủ, thường khoảng từ 10-30%.” Mối quan hệ hài hòa như vậy giữa chủ doanh nghiệp và người lao động trái ngược hẳn với khái niệm “đấu tranh giai cấp” mà ĐCSTQ mô tả, rằng những người làm thuê phải đấu tranh để kiếm sống.

Giá trị của cuộc sống

Như đã mô tả ở trên, mặc dù ĐCSTQ tuyên bố sẽ giải phóng tất cả người dân, nhưng người Trung Quốc đã phát hiện rằng thực tế hoàn toàn ngược lại. Nhiều thập kỷ qua, kể từ khi ĐCSTQ lên cầm quyền, vô số người Trung Quốc đã mất đi tài sản, tự do, và thậm chí cả mạng sống. Sau phong trào Đại nhảy vọt năm 1958, chỉ tính riêng nạn đói do con người gây ra (1959-1961), đã có khoảng 45 triệu người chết, và chủ đề này bị coi là cấm kỵ đối với các học giả Trung Quốc đến tận ngày nay.

Những nguy hại mà ĐCSTQ đem đến phần lớn bắt nguồn từ việc ĐCSTQ không tôn trọng sự sống, thể hiện rõ trong việc ĐCSTQ phá hoại lịch sử hàng nghìn năm của Trung Quốc.

Ví dụ, tháng 10 năm 1927, trong trận chiến giữa các lãnh chúa ở Chu Châu, tỉnh Hà Bắc, thành phố gần như không còn chút lương thực nào. Dưới sự dàn xếp của Hội Chữ thập đỏ, cả hai bên đã tạm ngừng các giao chiến để phụ nữ và trẻ em có thể ra ngoài trước khi tiếp tục cuộc xung đột. Hai tháng sau, khi lương thực cạn kiệt, hai bên lại tiến hành giải quyết những bất đồng giữa họ mà không phải bắt bất kỳ thường dân nào làm con tin.

Hãy xem năm 1948, ĐCSTQ đã làm gì với thành phố Trường Xuân ở tỉnh Cát Lâm trong cuộc vây hãm Trường Xuân từ tháng 5 đến tháng 10 năm đó. Quân đội ĐCSTQ không cho thường dân ra khỏi thành phố để tìm thức ăn. Với số dân khoảng 500.000 người vào thời điểm đó, ước tính có 200.000 người đã chết đói.

Tuy nhiên, những chủ đề như vậy vẫn bị xem là cấm kỵ ở Trung Quốc. Điều mà các thế hệ trẻ sau này học được từ sách giáo khoa là quân đội ĐCSTQ đã giải phóng thành công thành phố Trường Xuân mà không phải giết bất kỳ ai hoặc bắn một viên đạn nào. Khi nhà văn quân đội Trương Thành Long chép lại sự kiện này trong Tuyết lạnh, Máu nóng, ghi lại cái chết của 150.000 thường dân, ông đã bị bắt giam và cuốn sách này đã bị cấm lưu hành.

Trong các triều đại của Trung Quốc, cho đến thời Trung Hoa Dân Quốc, các giá trị truyền thống vẫn được các cộng đồng địa phương duy trì. Ngay cả dưới sự cai trị của Quốc Dân Đảng, sự can thiệp của chính phủ vào các vấn đề địa phương vẫn bị hạn chế ở cấp quận. Tuy nhiên, ĐCSTQ đã len lỏi vào từng ngôi làng, từng con phố ở thành thị.

Uớc tính ngân sách của Trung Quốc nhằm “duy trì ổn định” là 1,37 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 200 tỷ USD) vào năm 2018. Với các công cụ kiểm duyệt hiện đại, đặc biệt là camera an ninh và ứng dụng Wechat, chính phủ nước này đã theo dõi mọi động thái của người dân. Sự cai trị độc tài này sẽ tồn tại trong bao lâu nữa? Hãy để thời gian trả lời.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/9/26/412306.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/10/25/187967.html

Đăng ngày 30-10-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share