Bài viết của Tống Thiện

[MINH HUỆ 08-10-2020] Tại Hội nghị Lư Sơn năm 1959, Mao Trạch Đông đã phát biểu như sau: “Giả như chúng ta làm 10 việc, có 9 việc là xấu, mà đều bị đăng lên báo thì chúng ta nhất định sẽ diệt vong.” Do đó, các phương tiện truyền thông Trung Quốc thuộc sở nhà nước và do nhà nước kiểm soát đã kiểm duyệt tin “xấu” và chỉ đưa tin “tốt” để tôn vinh Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Hơn 40 năm đã trôi qua, ĐCSTQ vẫn đang kiểm duyệt thông tin và truyền bá thông tin sai lệch nhằm “duy trì ổn định.” Việc bưng bít đợt bùng phát virus corona là ví dụ gần đây nhất về kiểu vận hành của bộ máy tuyên truyền của nó. Tính đến giữa tháng 10, hơn 40 triệu người ở gần 200 quốc gia đã bị nhiễm bệnh và hơn 1,1 triệu người đã mất đi sinh mạng vì virus corona.

Như mọi khi, ĐCSTQ đã không học được bài học nào khi cả thế giới mất lòng tin vào chính quyền Trung Quốc vì sự bưng bít đó, nó còn tiếp tục chiến dịch kiểm duyệt và tung tin thất thiệt. Đặc biệt là bên trong Trung Quốc, ĐCSTQ đã chặn những thông tin như Hoa Kỳ ban hành chính sách cấm nhập cảnh hay cấp thị thực cho thành viên của ĐCSTQ. Hầu như không có bất kỳ cuộc thảo luận nào về chính sách này trên WeChat, một ứng dụng đa chức năng gồm nhắn tin, mạng xã hội và thanh toán di động với hơn 1 tỷ người dùng hàng tháng. Đó là do mọi người biết rằng nếu họ dám đối đầu với sự kiểm duyệt thì tài khoản của họ có thể bị vô hiệu hóa, có nghĩa là họ không thể thực hiện thanh toán điện tử, gọi điện, hay thậm chí là sử dụng phương tiện công cộng khi hiển thị xếp hạng sức khỏe của họ trên ứng dụng.

Nhiều chính sách gần đây đã được các cơ quan chính phủ Trung Quốc ban hành để kiểm soát việc đăng tải trên mạng xã hội. Ví dụ, có những chỉ thị như cấm bàn luận về chính sách của ĐCSTQ, cấm thảo luận về mệnh lệnh của chính quyền trung ương, không truy cập các trang web “phản động” và không tùy tiện chấp nhận các cuộc phỏng vấn từ các hãng truyền thông báo chí, đặc biệt là truyền thông nước ngoài.

Hộp đen tuyên truyền của ĐCSTQ đen tối đến mức nào? Sau đây, chúng ta sẽ xem xét một số ví dụ để có cái nhìn sơ lược về bộ máy tuyên truyền này.

Ứng dụng bắt buộc để học tập tư tưởng Tập Cận Bình

Không chỉ cấm bàn luận trên các ứng dụng truyền thông xã hội như WeChat, ĐCSTQ còn cưỡng chế cài các công cụ trực tiếp truyền bá hệ tư tưởng cộng sản. Xuexi Qiangguo, một ứng dụng của Trung Quốc do Alibaba phát triển, là một ứng dụng bắt buộc để học tập tư tưởng của Tập Cận Bình. Các quan chức chính phủ, cán bộ, nhân viên các doanh nghiệp nhà nước, và giáo viên các trường công lập phải tải phần mềm này về và học hàng ngày. Những người không đạt đủ điểm học tập hàng ngày sẽ có thể bị phạt hoặc nguy cơ sa thải.

Cư dân mạng thường gọi ứng dụng này là “tường trong tường.” Ở Trung Quốc, đã có một “Vạn Lý Tường lửa”, về cơ bản là một Bức tường Berlin ảo để ngăn cách Trung Quốc với phương Tây. Yêu cầu mới này cũng giống như một bức tường trong một bức tường, làm cho không gian internet ở Trung Quốc vốn đã thiếu thực tế lại bị nhồi nhét thêm các học thuyết của ĐCSTQ – nhằm cưỡng chế tuyên truyền hay tẩy não công dân Trung Quốc.

Tình trạng này cũng tương tự như ở Đức Quốc xã. Một bài viết ở Bảo tàng Tưởng niệm Nạn nhân Thời Đức Quốc xã của Hoa Kỳ giải thích, “Khi phá bỏ được chế độ dân chủ và biến nước Đức thành chế độ độc tài độc đảng, Đức Quốc xã đã tổ chức một chiến dịch tuyên truyền ồ ạt để giành được lòng trung thành và sự hợp tác của người Đức. Bộ Tuyên truyền của Đức Quốc xã, do Tiến sỹ Joseph Goebbels điều hành, đã kiểm soát mọi hình thức truyền thông ở Đức như: báo, tạp chí, sách, các cuộc tụ họp ở nơi công cộng, và các cuộc mít-tinh, nghệ thuật, âm nhạc, phim ảnh và đài phát thanh. Những quan điểm gây tổn hại đến niềm tin vào Đức Quốc xã hay hay chính quyền này dưới bất kỳ hình thức nào đều bị kiểm duyệt hoặc loại bỏ khỏi mọi phương tiện truyền thông.”

Sự đen tối của Hộp đen Tuyên truyền

Như đã đề cập bên trên, một khi Mao tiếp năng lượng cho bộ máy nhà nước để lèo lái dư luận thì ngay cả các quan chức cấp cao trong ĐCSTQ cũng không được tha. Bành Đức Hoài, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc (1954-1959) và là một trong những vị tướng tài ba nhất, đã bị hạ bệ vì nói ra sự thật của Cuộc Đại Nhảy Vọt khiến hàng triệu người mất đi sinh mạng; Lưu Thiếu Kỳ, người kế nhiệm Mao và là nhà lãnh đạo cao thứ hai, cũng gặp số phận tương tự khi đối đầu với Mao.

Ngoài các quan chức hàng đầu và các trí thức bị ĐCSTQ bịt miệng, đông đảo thường dân cũng trở thành nạn nhân trong vô số thảm họa do chính quyền này gây ra.

Vào tháng 8 năm 1975, Đập Bản Kiều ở Trú Mã Điếm, tỉnh Hà Nam cùng 61 con đập khác bị sập, đã lấy đi sinh mạng của 240.000 người. ĐCSTQ đã phong tỏa tin tức, mãi đến năm 1989 mới tiết lộ phần nào. Vì nguyên nhân chính của vụ sập hàng loạt đập này là do chất lượng xây dựng kém trong thời Đại Nhảy Vọt, kênh Discovery có trụ sở tại Hoa Kỳ đã coi thảm họa 75.8 (chỉ tháng 8 năm 1975) là thảm họa nghiêm trọng nhất trong tất cả các thảm họa do con người tạo ra, nghiêm trọng hơn cả thảm họa Chernobyl.

Tuy nhiên, dưới sự kiểm duyệt thông tin của ĐCSTQ, không mấy người Trung Quốc biết đến thảm họa 75.8. Một cảnh sát địa phương ở tỉnh Hà Nam cho biết, “Thảm họa 75.8 ư? Mấy ai thuộc thế hệ trẻ biết đâu.”

Mất mạng trong những tai họa do con người gây ra đã là tàn bạo; che đậy và phong tỏa thông tin còn đáng ghê tởm hơn.

Một trong những câu chuyện vinh quang nhất về Quân đội ĐCSTQ trong sách giáo khoa Trung Quốc là giải phóng thành phố Trường Xuân ở tỉnh Cát Lâm vào năm 1948 mà không phải giết ai hay nổ phát súng nào. Tuy nhiên, thực tế là ĐCSTQ đã bao vây thành phố này hơn 4 tháng. Khi cấm thường dân đến nơi khác xin ăn, chính quyền này đã khiến 150.000 đến 200.000 người chết vì đói.

Vài năm trước, khi nhà văn Đài Loan Long Ưng Đài tới thăm Trường Xuân và hỏi về vụ việc năm 1948, nhiều thanh niên còn chưa từng nghe nói đến nó. Trương Chánh Long, một nhà văn quân đội, cũng đến thăm những người già trong vùng để hỏi han chi tiết. Một ông già trả lời, “Tất cả những gì ông hỏi, tôi đều biết tất cả, nhưng tôi không thể nói một lời nào về nó.“

Ông Trương kể lại, “Nhìn ông già, cảm giác của tôi như thể, tôi đã dành rất nhiều nỗ lực để tìm kiếm hộp đen từ một chiếc máy bay bị rơi — tôi đã tìm thấy nó, nhưng tôi không thể mở nó được.” Cuối cùng, ông đã hoàn thành cuốn sách của mình và công bố nó, nhưng ông đã bị ĐCSTQ giam giữ và cấm lưu hành cuốn sách.

Ngay cả Nạn Đói Lớn ở Trung Quốc gây ra cái chết cho 45 triệu người cũng bị ĐCSTQ coi là điều cấm kỵ trong văn học và học thuật. Hồi đó, các quan chức đầu não của Bộ Lương thực đã thu thập số liệu thống kê về số người chết trong thảm họa, nhưng khi đó, Thủ tướng Chu Ân Lai đã ra lệnh tiêu hủy toàn bộ tài liệu liên quan.

Nói dối thời hiện đại

Người ta có thể thắc mắc vì sao cứ nói mãi đến lịch sử như thế. Trong khi nhiều sự việc đã xảy ra cách đây hàng thập kỷ và Trung Quốc hiện nay đã khác, thực tế là ngày nay, bộ máy tuyên truyền tạo ra những lời dối trá đó vẫn đang hoạt động, ngày này qua ngày khác vẫn tạo ra ngày càng nhiều câu chuyện tán dương ĐCSTQ trên khắp thế giới.

Ngày 23 tháng 9 năm 2020, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, đã đăng một video trên Facebook, trong đó tuyên bố bà Soumya Swaminathan, trưởng nhóm các nhà khoa học tại WHO, thông báo vắc-xin trị virus corona của Trung Quốc có hiệu quả. Các báo cáo của bên thứ ba đã xác minh rằng, bà Swaminathan chưa từng đưa ra những nhận định đó và CCTV đã sử dụng video qua chỉnh sửa để đưa tin. Tuy nhiên, CCTV vẫn không gỡ video đã đăng và tin tức sai sự thật cũng được tuyên truyền thông qua các mạng tin tức khác của ĐCSTQ như CGTN.

Ngay cả các hành động quân sự cũng là do ĐCSTQ thêu dệt nên. Ngày 19 tháng 9, quân đội Trung Quốc đã công bố các video mô phỏng các máy bay thả bom của Trung Quốc nhắm vào các căn cứ của Không quân Hoa Kỳ trên đảo Guam. Các cảnh quay bị phát hiện đã được lấy và chỉnh sửa từ ba bộ phim của Hollywood: Bại binh phục hận (Transformers: Revenge of the Fallen), Đá tảng (The Rock) và Chiến dịch sói sa mạc (The Hurt Locker). Tương tự, những bức ảnh do truyền thông ĐCSTQ đăng tải về các cuộc tập trận gần Đài Loan bị phát hiện là ảnh lưu trữ của Bộ Quốc phòng Đài Loan.

Tất cả những điều bịa đặt này đều nhằm mục đích đánh lừa người dân ở Trung Quốc và trên toàn thế giới, mà đôi khi dường như không có giới hạn nào. Trong lễ khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh 2008, mặc dù cô bé 9 tuổi Lâm Diệu Khả đã hát trên sân khấu, nhưng giọng hát bị phát hiện là của cô bé 7 tuổi Dương Bái Nghi đang hát ở hậu trường. Giải thích về vấn đề này, Đạo diễn Âm nhạc Trần Kỳ Cương cho biết, “Đó là lệnh của Bộ Chính trị Trung Quốc.”

Các hãng thông tấn của ĐCSTQ cũng trắng trợn biên tạo dối trá. Ngày 18 tháng 2 năm 2019, tờ People’s Daily, ấn bản tiếng Anh của tờ Nhân Dân Nhật báo đã công bố một bài báo có tiêu đề “Chúng ta cần học cách lắng nghe Trung Quốc” (We Need to Learn to Listen to China). Bài báo ca ngợi Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc và được tuyên bố là cựu Thủ tướng New Zealand Jenny Shipley viết. Hai ngày sau, trên trang web, tên tác giả của bài báo này đã lặng lẽ được đổi thành “một phóng viên của tờ People’s Daily”.

Trong những lời nói dối ấy, một trong những điều kinh hoàng nhất là vụ Tự thiêu dàn dựng trên Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 23 tháng 1 năm 2001 nhằm bôi nhọ Pháp Luân Công, một môn thiền định dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Kể từ tháng 7 năm 1999, chính quyền Trung Quốc đã phát động một cuộc bức hại tàn bạo đối với môn tu luyện này. Để gieo rắc thù hận đối đối với gần 100 triệu công dân Trung Quốc vô tội tu luyện Pháp Luân Công, ĐCSTQ đã phát đi phát lại đoạn phim này và đưa vào sách giáo khoa, văn học, và đủ loại hình tuyên truyền khác.

Liên Hợp Quốc, Tổ chức Phóng viên Không Biên giới, Tổ chức Ân xá Quốc tế, The Washington Post, và các hãng thông tấn khác đều đã phát hiện ra những sơ hở trong đọan video của ĐCSTQ về vụ việc này. Năm 2003, Lửa giả, một bộ phim tài liệu phân tích đoạn phim của CCTV, đã nhận được giải thưởng danh dự tại Liên hoan phim Quốc tế Columbus lần thứ 51.

Các biện pháp trừng phạt ĐCSTQ

Quan điểm của thế giới về ĐCSTQ đã thay đổi lớn trong mấy tháng qua. Đặc biệt là do hậu quả của đại dịch virus corona, cộng đồng quốc tế đã hiểu rõ hơn về việc chính quyền này đã lừa dối người dân Trung Quốc—cũng như thế giới—như thế nào khi bưng bít thông tin và đưa tin thất thiệt.

Khu Flushing ở New York là nơi tập trung đông người Hoa. Khi các sự kiện được tổ chức ở đó phơi bày những vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ đối với các học viên Pháp Luân Công hoặc người Duy Ngô Nhĩ, Lãnh sự quán Trung Quốc luôn huy động người hay trả tiền cho những người quấy rối các học viên.

Khi chính phủ Hoa Kỳ thông báo rằng họ dự định hủy bỏ các Viện Khổng Tử phục vụ ĐCSTQ, quy People’s Daily và các hãng thông tấn khác vào nhóm gián điệp nước ngoài, đồng thời áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức hàng đầu của ĐCSTQ vì tội ác của họ đối với người Duy Ngô Nhĩ và cư dân Hồng Kông, thì hầu như không còn thấy những con tốt từ Lãnh sự quán Trung Quốc đó nữa.

Ngày 2 tháng 10, Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ (USCIS) đã cập nhật Sổ tay Chính sách để từ chối cấp thị thực hoặc đơn xin thường trú cho các thành viên của đảng cộng sản và các đảng độc tài khác.

Năm 2012, Dongxiang, một tạp chí có trụ sở tại Hồng Kông, phát hiện 90% ủy viên của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ có người thân định cư ở nước ngoài. Các biện pháp mới từ USCIS và việc thực hiện Đạo luật Magnitsky Toàn cầu sẽ giúp mở khóa hộp đen tuyên truyền của ĐCSTQ, đưa nó ra ánh sáng và đưa chúng ta sang một chương mới trong lịch sử.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/10/8/413542.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/10/21/187911.html

Đăng ngày 24-10-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share