Bài viết của phóng viên Báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 17-09-2020] Theo thông tin tổng hợp từ trang web Minh Huệ, trong tháng 8 năm 2020 đã ghi nhận 463 học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ và 721 học viên bị sách nhiễu vì kiên định đức tin của mình. Tại thời điểm viết bài, 292 học viên vẫn đang bị giam giữ trong các nhà giam.

Trong 1.184 học viên bị bắt giữ và sách nhiễu, có 211 học viên bị lục soát nhà. Có 18 học viên bị tống tiền với tổng số tiền là 154.812 Nhân dân tệ, trung bình 8.600 Nhân dân tệ một người. Sáu học viên bị tống tiền từ 10.000 đến 50.000 Nhân dân tệ mỗi người.

66 học viên từ 65 đến 86 tuổi, gồm có 42 vụ bắt giữ và 24 vụ sách nhiễu. 23 học viên ngoài 80 tuổi.

Học viên đến từ mọi tầng lớp trong xã hội, bao gồm kỹ sư, giáo viên và các nhân viên chính quyền.

Hà Bắc, Sơn Đông, Hắc Long Giang, Liêu Ninh và Tứ Xuyên là năm tỉnh thành có nhiều học viên bị nhắm đến nhất.

Trong đợt sách nhiễu mới đây ở Thượng Hải, cảnh sát cưỡng chế thu thập mẫu máu; chụp hình, lấy dấu vân tay và dấu bàn tay; ghi âm giọng nói, chữ viết tay và chiều cao của các học viên. Một số học viên nghi ngờ việc thu thập nhiều thông tin cá nhân như vậy là liên quan tới tội ác mổ cướp nội tạng cũng như để chính quyền xây dựng một mạng lưới giám sát toàn diện ở Trung Quốc.

Chiến dịch “Xóa sổ” toàn quốc

Những tháng gần đây, Ủy ban Chính trị và Pháp luật (UBCTPL), một cơ quan nằm ngoài vòng pháp luật có nhiệm vụ bức hại Pháp Luân Công đã bắt đầu chiến dịch “Xóa sổ” trên toàn quốc, đưa ra nỗ lực phối hợp để buộc tất cả các học viên trong danh sách đen của chính phủ phải từ bỏ Pháp Luân Công.

Ở huyện Hữu Nghị, tỉnh Hắc Long Giang có gần 20 học viên bị bắt giữ kể từ tháng 7 năm 2020. Tại nhà của mỗi học viên cảnh sát sẽ hỏi họ còn tu luyện Pháp Luân Công hay không. Khi học viên trả lời rằng họ vẫn luyện, thì cảnh sát sẽ yêu cầu nếu họ ký vào tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công và hứa không luyện, thì họ sẽ không đến sách nhiễu các học viên nữa.

Khi học viên từ chối hợp tác, một số cảnh sát sẽ đe dọa bắt giữ họ và đưa họ vào trung tâm tẩy não. Các cảnh sát khác đe dọa sẽ đình chỉ lương hưu của học viên và đuổi việc con của họ hoặc cấm con của họ được đi học.

Một cảnh sát nói với học viên: “Nếu anh không ký, anh sẽ biến mất nếu chúng tôi ra lệnh.”

Bà Dương Vấn Thục, một học viên ngoài 80 tuổi phải chuyển khỏi thị trấn và ông Lâm Trạch Hoa đang nằm liệt giường vì bị tra tấn tại Nhà tù Giai Mộc Tư tám năm cũng bị sách nhiễu.

Để cưỡng chế bà Lý Thục Cầm ký vào bản tuyên bố, Lữ Đông Lôi trưởng Đồn Công an Hữu Nghị đã buộc con bà Lý phải quay trở lại thị trấn để hợp tác với ông ta.

Ngày 25 tháng 8 năm 2020, ở thành phố Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây, UBCTPL địa phương đã chi trả chi phí để tổ chức phiên tẩy não trong một khách sạn. Học viên trong danh sách đen của cảnh sát cũng như một số thành viên gia đình bị đưa tới khách sạn để tham gia phiên tẩy não kín.

Để buộc học viên ký tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công, chính quyền thành phố Bắc Hải, tỉnh Quảng Tây yêu cầu mỗi học viên đưa một thành viên gia đình tới đồn công an của họ. Nếu học viên từ chối hợp tác, cảnh sát sẽ ra lệnh cho thành viên gia đình của họ ký vào tuyên bố. Cảnh sát cũng ra lệnh cho học viên phải ký vào bản tuyên bố trước ảnh của Nhà sáng lập Pháp Luân Công để làm họ càng cảm thấy có lỗi hơn về việc phản bội đức tin của mình hoặc để làm nhục họ.

Các vụ sách nhiễu khác cũng được báo cáo tại Thiên Tân, Sơn Đông, Sơn Tây, Nội Mông Cổ, thậm chí cả ở Thanh Hải, một tỉnh vùng cao và dân cư thưa thớt, các trường hợp ở đó thường không được báo cáo.

Sau đây là tóm tắt một số vụ bắt giữ và sách nhiễu. Bởi thông tin kiểm duyệt ở Trung Quốc, nên số lượng học viên Pháp Luân Công bị bức hại vì đức tin của mình không phải lúc nào cũng được báo cáo kịp thời, cũng như tất cả các thông tin đều sẵn có.

Bắt giữ và giam giữ vì đức tin của mình

Cụ bà 69 tuổi gặp vấn đề về sức khỏe khi bị giam giữ và đối mặt với truy tố

Ngày 16 tháng 8 năm 2020, bà Triệu Tâm, một cư dân 69 tuổi ở thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm bị bắt giữ vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công tại một khu chợ địa phương. Cảnh sát lục soát nhà và tịch thu tài liệu Pháp Luân Công của bà.

2020-9-9-zhao-xin_01.jpg

Bà Triệu Tâm

Bà Triệu đã bị đưa đến Trại tạm giam Cát Lâm vào đêm hôm đó và gia đình không được phép gửi bất kỳ quần áo nào cho bà. Vì bà mặc áo ngắn tay và quần dài khi bị bắt, nên bà phải mua thêm quần áo.

Trong vòng bảy ngày kể từ khi bà Triệu bị bắt, Phân cục Công an Quận Thuyền Danh đã đệ trình trường hợp của bà lên Viện Kiểm sát, nói rằng họ cần đẩy nhanh tiến độ do sự bùng phát của dịch virus corona.

Luật sư của bà Triệu Tâm đến thăm bà vào ngày 5 tháng 9 năm 2020 và được biết rằng bà đã bị chứng huyết áp cao nguy hiểm và thường xuyên cảm thấy chóng mặt. Bà cũng cho biết rằng mình bị chảy máu âm đạo bất thường.

Chồng của bà Triệu bị huyết áp cao và phải được chăm sóc ở cấp độ 3. Ông bị lên cơn co giật khi chứng kiến ​​việc khám xét nhà bất ngờ của công an. Với việc bà Triệu hiện đang bị giam giữ, chồng bà đang rất đau đớn khi phải vật lộn để tự chăm sóc bản thân. Gia đình bà đang kêu gọi Viện kiểm sát bãi bỏ vụ án và trả tự do cho bà.

Người phụ nữ Chiết Giang bị giam giữ bí mật

Khoảng 1 giờ chiều ngày 4 tháng 8 năm 2020, bà Vương Vấn Quân ở thành phố Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang bị bắt giữ tại nhà riêng. Ngày hôm sau, gia đình bà được thông báo rằng bà bị giam giữ hình sự. Ngày 6 tháng 8, họ được trả lời rằng bà Vương sẽ bị đưa tới một trung tâm tẩy não. Khi họ hỏi cảnh sát trung tâm tẩy não ở đâu, một cảnh sát nói rằng đó là điều bí mật.

Trong một tuần sau khi bà Vương bị bắt giữ, gia đình bà thường xuyên tới đồn công an địa phương, cục công an và văn phòng ủy ban khu phố, nhưng không tìm thấy bà. Một cảnh sát tiết lộ rằng bà đang bị giam giữ trong Ủy ban Chính trị Pháp luật khu Thượng Ngu. Nơi bà đang bị giam giữ vẫn đang điều tra.

Cặp vợ chồng Cát Lâm bị bắt giữ hai lần trong bốn tháng, đang đối mặt với truy tố

Ngày 6 tháng 8 năm 2020, một cặp vợ chồng ở thành phố Du Thụ, tỉnh Cát Lâm đã bị bắt giữ tại nhà và hiện đang phải đối mặt với việc bị truy tố.

Trong bốn tháng qua, đây là lần thứ hai ông Lưu Đại Bằng và vợ là bà Lý Xuân Hoàn bị bắt giữ. Họ đã bị bắt một lần vào đầu tháng 4 năm 2020, sau khi bị báo chính quyền vì phân phát tài liệu thông tin Pháp Luân Công. Bởi trại tạm giam địa phương từ chối tiếp nhận họ vì dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán đang bùng phát, nên hai ngày sau, họ đã được về nhà và bị cấm rời khỏi thành phố Du Thụ.

Có thông tin rằng công an đã chuyển hồ sơ vụ án của họ sang Viện kiểm sát ngay sau vụ bắt giữ gần đây nhất. Tại thời điểm viết báo cáo này, ông Lưu vẫn đang bị giam, còn bà Lý đã được thả sau khi bị phát hiện mắc viêm gan B.

Công an tiết lộ với bà Lý rằng lần này họ bắt giữ bà nhằm mục đích khép lại vụ án từ 18 năm trước.

Ngày 20 tháng 9 năm 2002, ông Lưu và chị gái ông là bà Lưu Song Huệ đã bị bắt vì tu luyện Pháp Luân Công. Ông bị kết án 11 năm tù, còn chị gái ông bị kết án 8 năm. Bà Lý cũng bị công an nhắm đến, nhưng đã thoát khỏi vụ bắt giữ. Chồng bà đã được trả tự do vào ngày 29 tháng 4 năm 2011.

Năm 2003, bà Lý bị bắt và bị tra tấn trong lúc thẩm vấn. Tại trại tạm giam Số 3 Thành phố Cát Lâm, bà đã tuyệt thực để phản đối cuộc bức hại và đã bị bức thực. Bà cũng suýt mất mạng vì bị bức thực và chỉ khi đó bà mới được trả tự do.

Người phụ nữ Liêu Ninh bị bắt giữ tại sân bay trước khi đi thăm con trai của bà

Ngày 24 tháng 8 năm 2020, bà Tào Nguyệt Linh, một cư dân ở thành phố Phủ Thuận, tỉnh Liêu Ninh bị bắt giữ tại sân bay. Chuyến bay của bà dự kiến vào lúc 2 giờ 30 phút chiều để tới thăm hai con trai sinh đôi của bà ở Thượng Hải.

Cảnh sát đưa bà Tào về và lục soát nơi ở của bà. Họ cũng tịch thu nhiều sách và tài liệu Pháp Luân Công của bà.

Cảnh sát còn cố gắng bắt giữ mẹ của bà Tào là bà Chen Yan nhưng cha của bà Tào đã ngăn cản họ. Bà Chen mới được trả tự do ba tháng trước, sau khi thụ án ba năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công.

Bà Tào đang bị giam giữ tại một cơ sở chưa được xác định ở huyện Tân Thấn.

Cưỡng chế lấy mẫu máu và sinh trắc học

Đầu tháng 8 năm 2020, cảnh sát ở quận mới Phổ Đông, Thượng Hải đã thu thập mẫu máu và sinh trắc học của các học viên.

Một cảnh sát tiết lộ rằng họ đã nhận lệnh từ cấp trên hai tháng trước. Một số học viên bị buộc phải báo cáo với cảnh sát sau khi bị gia đình gây áp lực. Đối với những học viên từ chối báo cáo cho đồn công an địa phương, cảnh sát sẽ tới tận nhà hoặc đưa họ tới đồn công an để thu thập mẫu máu và các thông tin khác.

Ngày 2 tháng 8 năm 2020, trong khi đang thu thập mẫu máu của bà Thẩm Phương, 70 tuổi, một cảnh sát đã nói đây là một “chính sách của quốc gia”, và một người khác nói: “Chúng tôi không làm theo luật pháp, mà chúng tôi sẽ tiêu diệt tất cả [học viên Pháp Luân Công] các bà!”

Một cư dân khác ở Thượng Hải là bà Vương Chí Lượng, 72 tuổi bị lấy mẫu máu vào ngày 7 tháng 8 năm 2020. Khoảng 10 giờ sáng ngày 7 tháng 8, một phụ nữ tự nhận là nhân viên ủy ban khu dân cư đã gõ cửa nhà bà Vương. Đầu tiên, cô ấy hỏi bà Vương có cần phải khám sức khỏe không. Sau khi bà Vương nói không cần, cô ấy yêu cầu xem sổ hộ khẩu của bà và nói rằng họ đang tiến hành một cuộc điều tra dân số.

Bà Vương đã mở cửa và cho người phụ nữ này vào, nhưng có bốn cảnh sát lập tức xông vào. Con gái bà rất khiếp sợ và tự nhốt mình trong phòng.

Sau khi tới Đồn Công an Cao Hành, cảnh sát chụp hình bà cả chính diện và hai bên. Cảnh sát còn ghi lại thông tin chiều cao, cân nặng, dấu vân tay và dấu lòng bàn tay của bà, và lấy mẫu máu của bà.

Sự việc này khiến bà Vương và gia đình bà tổn thương nghiêm trọng. Hàng xóm chứng kiến cảnh sát đưa bà đi cũng trở nên sợ bà. Mỗi khi nhìn thấy bà ở hành lang, họ thường quay đi và tránh nói chuyện với bà.

Bức hại người cao niên

Hai người phụ nữ bị thẩm vấn trong đó một người đã 80 tuổi

Ngày 21 tháng 8 năm 2020, bà Dương Quang Mỹ và bà La Anh ở thành phố Miên Dương, tỉnh Tứ Quyên tới thị trấn Quan Đế ở lân cận để phân phát tài liệu và giảng chân tướng Pháp Luân Công, nhưng họ lại bị tố cáo với cảnh sát. Ngay sau đó cảnh sát tới và tống hai người phụ nữ lên xe cảnh sát bất chấp tuổi cao của bà Dương.

Cảnh sát đưa họ tới Đồn Công an Quan Đế, lục soát túi sách và tịch thu tài liệu Pháp Luân Công của hai học viên, sau đó cảnh sát báo cáo họ với Phòng An ninh Nội địa ở khu Phù Thành, thành phố Miên Dương.

Sau đó, cảnh sát đưa hai học viên tới Đồn Công an Thạch Đường ở khu Phù Thành và thẩm vấn họ ở hai phòng khác nhau. Cả hai học viên bị khống chế trên ghế thẩm vấn bằng kim loại. Bà La chống cự khi cảnh sát cố gắng đeo cùm lên người bà. Họ dẫm lên chân của bà và cưỡng chế còng hai cùm chân lên hai cổ chân của bà.

Cảnh sát quay video thẩm vấn, nhưng hai học viên từ chối hợp tác. Sau khi nhận được thông báo thả người của Phòng An ninh Nội địa, cảnh sát đã đưa hai học viên trở lại Đồn Công an Quan Đế và trả tự do cho họ vào lúc 10 giờ tối.

Người đàn ông ngoài 70 tuổi bị biệt giam

Ông Tư Tương Triêu, một cư dân thành phố Tế Ninh, tỉnh Sơn Đông ngoài 70 tuổi đã bị biệt giam kể từ sau khi bị bắt vào ngày 11 tháng 8 năm 2020.

Đây không phải là lần đầu ông Tư bị bức hại vì kiên định đức tin của mình. Ông Tư từng bị kết án một năm ba tháng lao động cưỡng bức sau khi bị bắt vì phân phát tài liệu thông tin Pháp Luân Công vào năm 2010.

Ông đã bị bắt thêm hai lần vào ngày 6 tháng 12 năm 2011 và năm 2016, cũng vì phân phát tài liệu thông tin Pháp Luân Công.

Ngày 17 tháng 10 năm 2016, ông Tư bị bắt vì phân phát lịch có chứa thông tin về Pháp Luân Công và bị giam trong Trại tạm giam Huyện Kim Hương 12 ngày. Công an lục soát nhà ông khi không có ai ở nhà. Các tài liệu Pháp Luân Công, một máy nghe nhạc và 2.000 Nhân dân tệ tiền mặt của ông bị tịch thu.

Năm 2017, ông Tư lại bị sách nhiễu vì đệ đơn kiện Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, kẻ đã phát động bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999.

Tháng 12 năm 2019, ông lại bị bắt sau khi bị tố cáo với chính quyền vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công. Công an đã tạm giữ xe máy điện và tát vào mặt ông ba lần.

Người phụ nữ 80 tuổi bị sách nhiễu

Ngày 5 tháng 8 năm 2020, bà Lý Kì Điển, một cư dân khoảng 80 tuổi ở thành phố Thái An, tỉnh Sơn Đông bị lục soát nhà và tịch thu sách Pháp Luân Công. Mặc dù chồng bà đang nằm liệt giường và tàn tật, cảnh sát vẫn đưa bà Lý tới đồn công an để thẩm vấn bà. Khoảng 5 giờ chiều bà được trả tự do.

Trước khi rời khỏi đồn công an, bà Lý yêu cầu cảnh sát trả lại sách Chuyển Pháp Luân, cuốn sách chính của Pháp Luân Công nhưng họ từ chối. Cảnh sát còn từ chối yêu cầu cung cấp danh sách đồ vật họ tịch thu của bà.

Ngày 21 tháng 8 năm 2020, bà Đinh Gia Nghi, 86 tuổi ở thành phố Mậu Danh, tỉnh Quảng Đông phát hiện ba cảnh sát mặc thường phục ở bên ngoài căn hộ đang theo dõi mình.

Hai ngày sau những cảnh sát khác tới khu dân cư của bà và hỏi nhân viên an ninh về bà và con gái của bà. Bởi bà Đinh sống một mình, ba người con chỉ tới thăm bà vào dịp cuối tuần. Sự giám sát khiến bà khốn khổ và các con bà lo lắng khi họ tới thăm bà.

Bị đe dọa tại nơi làm việc

Một kỹ sư bị từ chối thăng chức và bị cử đi dọn dẹp vệ sinh vì kiên định đức tin của mình

Bà Mã Vịnh Nhạn làm việc tại nhà máy điện của Tập đoàn Kim Xương. Ngày 2 tháng 8 năm 2020, người của Đồn Công an Quế Lâm Lộ đã xông vào nhà bà và bắt giữ bà. Nơi ở của bà bị lục soát. Bà Mã bị thẩm vấn hai ngày sau đó bị giam 15 ngày.

Nhiều ngày sau khi được thả, một công an của Đồn Công an Quế Lâm Lộ và nhiều nhân viên an ninh ở công ty bà đã nhiều lần ép người kỹ sư 52 tuổi này ký vào các tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Vì bà từ chối từ bỏ đức tin, bà chỉ được làm những công việc vệ sinh trong nhà máy điện và bị giám sát liên tục kể từ đó.

Trước khi vụ bắt giữ diễn ra, bà Mã bị sách nhiễu cảnh sát địa phương và nhân viên an ninh tại nơi bà làm việc sách nhiễu và đe dọa sa thải nhiều lần trong tháng 7 năm 2020.

Bởi kiên định đức tin của mình trong hơn 20 năm qua nên bà Mã đã bị bắt nhiều lần và bị giam tổng cộng 288 ngày. Bắt đầu từ năm 2002, ban quản lý nhà máy điện đã ngừng việc xét thăng chức cho bà. Hơn 20 năm qua, bà chỉ kiếm được tiền giống như nhân viên mới. Bà được trả thưởng thấp nhất trong toàn bộ phận và không được nghỉ phép. Tất cả số tiền bà bị mất vì cuộc bức hại ước tính khoảng 180.000 Nhân dân tệ.

Giáo viên tiểu học bị hiệu trưởng đe dọa

Tháng 8 năm 2020, cô Lưu Hợp Ninh, một giáo viên 39 tuổi ở huyện Ninh Tấn, tỉnh Hà Bắc bị một số đặc vụ chính quyền và phòng giáo dục địa phương sách nhiễu. Các quan chức đe dọa đưa bà tới trung tâm tẩy não địa phương nếu bà từ chối ký vào tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công.

Ngày 5 tháng 8 năm 2020, Trầm Minh, Giám đốc Phòng 610 Huyện Ninh Tấn, một cơ quan ngoài vòng pháp luật được thành lập để bức hại Pháp Luân Công đã nói với bà Lưu: “Chừng nào Đảng Cộng sản còn tồn tại, thì vấn đề Pháp Luân Công sẽ không được khắc phục. Cô vẫn đang luyện Pháp Luân Công phải không? Cô không cần phải nói với tôi bất cứ thứ gì khác. Tôi đang hỏi cô: ‘cô vẫn đang luyện Pháp Luân Công phải không?’”

Ngày hôm sau hiệu trưởng nói với cô Lưu rằng: “Sở giáo dục địa phương đã có một cuộc họp về cô ngày hôm qua. Chính quyền thành phố đã ra lệnh rằng cô phải đến trung tâm tẩy não. Chúng tôi cũng phải gửi một người của trường tới đó với cô. Cả hai người sẽ không thể quay lại cho đến khi cô từ bỏ Pháp Luân Công.”

Sau đó, hiệu trưởng đưa bà tới Ủy ban Chính trị Pháp luật và cưỡng chế bà ký vào tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công.

Bài liên quan:

1.410 học viên Pháp Luân Công bị chính quyền nhắm đến vì đức tin của họ trong tháng 7 năm 2020

5.313 học viên Pháp Luân Công bị nhắm đến vì đức tin của họ vào nửa đầu năm 2020

938 học viên Pháp Luân Công bị chính quyền nhắm đến vì đức tin của họ trong tháng 5 năm 2020

1.178 học viên Pháp Luân Công bị chính quyền nhắm đến vì đức tin của họ trong tháng 4 năm 2020

747 học viên Pháp Luân Công bị nhắm đến vì đức tin của họ trong tháng 3 năm 2020

Cuộc bức hại Pháp Luân Công vẫn tiếp diễn bất chấp đại dịch virus corona

194 học viên Pháp Luân Công bị chính quyền nhắm đến vì đức tin của họ trong tháng 1 năm 2020


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/9/17/411862.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/9/20/186864.html

Đăng ngày 10-10-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share