Bài viết của một phóng viên Minh Huệ tại Washington
[MINH HUỆ 17-8-2017] Ngày 15 tháng 8 năm 2017, Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế thường niên năm 2016 của Hoa Kỳ đã được công bố trong một cuộc họp báo tại Washington. Trung Quốc nằm trong số 10 “Quốc gia cần quan tâm đặc biệt” vì tình trạng bức hại tôn giáo nghiêm trọng. Đặc biệt, Ngoại trưởng Tillerson đã đề cập tới cuộc bức hại Pháp Luân Công, lưu ý rằng trong năm 2016, “hàng chục học viên Pháp Luân Công đã chết trong khi bị giam giữ”.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tại cuộc họp báo
Ông Tllerson thu hút sự chú ý đến cuộc bức hại Pháp Luân Công tại Trung Quốc
Trong bài phát biểu, ông Tillerson khẳng định “tự do tín ngưỡng là giá trị cốt lõi của Hoa Kỳ theo Hiến Pháp Sửa đổi Lần thứ nhất, cũng như là nhân quyền phổ quát”. Tuy nhiên, gần 80% người dân trên thế giới không được hưởng quyền tự do đó một cách trọn vẹn.
“Chúng ta đều biết nơi nào không bảo vệ tự do tôn giáo thì nơi đó càng có nguy cơ phát sinh sự bất ổn, xâm phạm nhân quyền và chủ nghĩa bạo lực cực đoan”. Ông cho biết chính quyền Trump cam kết giải quyết tình trạng này và Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục lên tiếng ủng hộ người có tín ngưỡng.
Ngoại trưởng Tillerson lưu ý rằng: “Chính quyền Trung Quốc tra tấn, giam giữ và bỏ tù hàng nghìn người tập Pháp Luân Công vì tín ngưỡng của họ. Hàng chục người tập Pháp Luân Công đã chết trong các trại giam. Các chính sách đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và Phật giáo Tây Tạng cũng gia tăng”.
Trong lời nói đầu của bản báo cáo, Tổng thống Trump có viết: “Ngay từ đầu, nước Mỹ là nơi luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng. Đáng buồn là rất nhiều nơi trên thế giới không được hưởng sự tự do này“. Ông hy vọng rằng “những người tốt thuộc mọi tôn giáo như tín đồ Cơ đốc giáo, người Hồi giáo, người Do Thái và người theo Đạo Hindu đều có thể theo đuổi ước nguyện và tín ngưỡng của mình”.
Tự do tôn giáo bị chà đạp tại Trung Quốc
Trung Quốc bị đưa vào danh sách “Quốc gia cần đặc biệt quan tâm” (CPC) vì vi phạm tự do tôn giáo đặc biệt nghiêm trọng kể từ năm 1999. Tháng 10 năm 2016, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ một lần nữa liệt Trung Quốc vào danh sách các nước cần đặc biệt quan tâm, cùng với Su-đan, Triều Tiên, Myanmar và 9 quốc gia khác.
Báo cáo cho thấy những người có tín ngưỡng ở Trung Quốc hiện nay vẫn đang bị giam giữ, bắt bớ và tra tấn. “Pháp Luân Công đưa tin hàng chục học viên đã chết trong các trại giam. Có báo cáo rằng, mục sư của một nhà thờ chưa được đăng ký cùng vợ ông đã bị chôn sống khi họ phản đối việc phá dỡ nhà thờ. Người vợ đã chết còn vị mục sư may mắn trốn thoát được. Có nhiều báo cáo về sự mất tích của các linh mục Công giáo, và cái chết của một nhà hoạt động nhân quyền cho người Duy Ngô Nhĩ và những trường hợp khác mà chính quyền gán cho cái nhãn ‘tự sát’”.
Nhiều người đã chết trong cuộc bức hại Pháp Luân Công
Theo Báo cáo này, “Pháp Luân Công cho biết, trong một năm qua đã có 80 học viên đã chết trong khi bị giam giữ hoặc sau thời gian bị cầm tù”. Báo cáo dẫn lại số liệu của Tổ chức Đối thoại: “có ít nhất 3.403 học viên Pháp Luân Công đã bị bỏ tù và 330 học viên bị bắt vào trại tạm giam” do các hoạt động tín ngưỡng.
Một số trường hợp bị bức hại nghiêm trọng cũng được nêu cụ thể trong báo cáo. Chẳng hạn, ngày 13 tháng 3 năm 2016, một học viên Pháp Luân Công, bà Diêm Quốc Diễm, đã qua đời không lâu sau khi được thả từ trại tạm giam, bà được cho là đã bị ngược đãi trong khi bị giam giữ.
Một trường hợp khác, ngày 27 tháng 3, anh Tôn Minh Cường đã chết vì bị nhiều thương tích. Vào ngày 9 tháng 10 năm 2015 trong khi nói chuyện với các sinh viên về cuộc bức hại Pháp Luân Công anh đã bị nhân viên an ninh bên ngoài Viện Quân sự tỉnh Sơn Đông đả thương nghiêm trọng, khiến anh bị một lỗ thủng trong hộp sọ.
Chính quyền Trung Quốc ép buộc các học viên Pháp Luân Công từ bỏ đức tin của mình bằng mọi cách.
Báo cáo nêu rõ: “Một số quan chức yêu cầu các gia đình ký vào bản cam kết không tới những nhà thờ chưa đăng ký với chính quyền và không tham gia các hoạt động ‘tà giáo’ liên quan đến Pháp Luân Công, coi đây là điều kiện tiên quyết để xét đơn xin học cho con cái họ”.
“Các nhà chức trách đã chỉ thị cho các cộng đồng dân cư báo cáo các học viên Pháp Luân Công lên chính quyền, đồng thời thưởng tiền cho những ai báo cáo chính xác các trường hợp Pháp Luân Công”.
Theo các kênh truyền thông phi chính phủ và quốc tế, những vụ bắt giữ các học viên Pháp Luân Công tiếp tục gia tăng quanh những “ngày nhạy cảm”, như các cuộc họp thường niên của Ban Chấp hành Trung ương Đảng hay Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc. Ước tính có “hàng ngàn người có liên quan ở quốc gia này bị quản chế hành chính trong thời gian tới 3 năm”.
Theo dõi các trường hợp đặc biệt
Trường hợp học viên Vương Trị Văn và luật sư nhân quyền Cao Trí Thịnh tiếp tục được đề cập trong báo cáo năm thứ ba liên tiếp.
“Các nhà chức trách tiếp tục quản thúc học viên Vương Trị Văn chặt chẽ sau khi anh mãn hạn tù vào tháng 10 năm 2014. Sau 15 năm tù giam vì các hoạt động liên quan đến ’tà giáo’, các nhà chức trách tiếp tục ngăn không cho anh xuất ngoại để toàn tụ với gia đình, tháng 8 vừa qua anh Vương cho biết cơ quan chức năng đã hủy hộ chiếu và cấm anh xuất ngoại cho tới năm 2018. Anh Vương được cho biết là sức khỏe kém và không được chăm sóc y tế đầy đủ”.
“Vào tháng 6, luật sư nhân quyền Cao Trí Thịnh, người bảo vệ các nhóm tôn giáo như người Cơ đốc giáo và các học viên Pháp Luân Công, đã phát hành cuốn hồi ký được xuất bản tại Đài Loan, trong đó mô tả chi tiết những hình thức ngược đãi mà ông đã trải qua trong 6 năm bị chính quyền sách nhiễu, kể cả việc bị bắt cóc nhiều lần. Tiếp đó là 5 năm bị giam giữ và những ngược đãi về thể xác trong tù, như bị đánh vào mặt bằng dùi cui điện. Ông Cao cùng gia đình cho biết sau khi ông được thả ra vào năm 2014, các cơ quan chính quyền tiếp tục kiểm soát ông qua các lần đột nhập vào nhà ông và không cho ông ra nước ngoài chữa bệnh”.
Cuộc bức hại Pháp Luân Công của Trung Quốc đã vượt ra khỏi biên giới
Cuộc bức hại tự do tôn giáo đã lan sang Hồng Kông, Ma Cao và các quốc gia khác.
Tại một Hội nghị của Pháp Luân Công tổ chức tại Hồng Kông hồi tháng 1 năm 2016, “một vụ đe dọa đánh bom nặc danh đã làm gián đoạn cuộc gặp mặt của khoảng 1.000 học viên Pháp Luân Công”. Các học viên Pháp Luân Công nghi ngờ hội viên của Hội Thanh Quan Hồng Kông, một tổ chức liên đới của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đứng sau vụ đánh bom giả này.
Báo cáo cũng đề cập đến những hành động khiêu khích của các tổ chức liên đới của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với Pháp Luân Công tại Đài Loan, Việt Nam, Thái Lan và Hàn Quốc.
Các nhà chức trách thừa nhận cuộc bức hại Pháp Luân Công không có cơ sở pháp lý
“Theo báo cáo của Minh Huệ, năm vừa qua đã có hàng loạt vụ án, trong đó các công tố viên, tòa án và sở cảnh sát từ chối đưa ra các cáo buộc đối với các học viên Pháp Luân Công bị bắt.”
Ngày 23 tháng 12 năm 2016, một công tố viên ở Trùng Khánh giám sát trường hợp học viên Pháp Luân Công Trương Quân vì tội “sử dụng tà giáo phá hoại việc thực thi luật pháp”, cho biết “Chúng tôi không thấy bất cứ luật lệ hay quy chế nào và không có bất kỳ bằng chứng nào có thể chứng minh rằng Pháp Luân Công là một ‘dị giáo’”.
Theo Luật Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 1998, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có nhiệm vụ công bố báo cáo thường niên về Tự do Tôn giáo Quốc tế. Báo cáo không nhắm vào một quốc gia cụ thể nào mà trình bày số liệu cụ thể để phục vụ Quốc hội và Chính quyền trong việc quản lý viện trợ nước ngoài, các nguồn lực ngoại giao và đơn xin tị nạn.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/8/16/352581.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/8/17/165060.html
Đăng ngày: 21-8-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản