Bài chia sẻ của một học viên Việt Nam
[MINH HUỆ 10-12-2015] Con xin kính chào Sư phụ!
Xin chào các bạn đồng tu!
1. May mắn đắc Pháp
Năm nay tôi 38 tuổi, đắc Pháp vào tháng 8 năm 2012. Một đồng nghiệp đã hồng Pháp cho tôi và cuốn sách đầu tiên mà tôi đọc là cuốn Pháp Luân Công. Tôi đọc xong cuốn sách trong hai ngày và ngay sau đó bắt đầu đọc cuốn Chuyển Pháp Luân. Tôi cảm thấy ngạc nhiên và thích thú trước cách lý giải về sự hình thành nên sinh mệnh, về đức và nghiệp, về ý nghĩa của đời người. Tôi đã có thể giải thích được những câu hỏi bấy lâu trong cuộc sống mà tôi không thể tìm thấy lời giải đáp ở đâu.
Sư phụ giảng:
“Chúng ta có khá nhiều người sau khi ra khỏi giảng đường, chư vị sẽ cảm thấy như một người khác, đảm bảo rằng thế giới quan của chư vị sẽ có chuyển biến, chư vị biết được tương lai chư vị sẽ làm người như thế nào, không còn mơ hồ nữa; đảm bảo là như vậy, do đó tâm tính của chúng ta sẽ lên theo [kịp].” (Bài giảng thứ tám, Chuyển Pháp Luân)
Tôi đã bước vào tu luyện kể từ đó.
Ngay từ những ngày đầu tu luyện, tôi đã thụ ích rất lớn từ môi trường của nhóm học Pháp. Cũng có vài khảo nghiệm nhỏ với tôi, song về cơ bản, trên cơ sở học Pháp và chia sẻ cùng đồng tu, khảo nghiệm cũng được vượt qua. Tôi đối chiếu với Pháp và hành xử theo nguyên lý của pháp môn. Tôi không kê khai giờ làm thêm khống để nhận tiền làm thêm, không đi muộn về sớm, không tranh giành lợi ích cá nhân mà bắt đầu quan tâm biết vì người khác trước, có thể nghe những lời khó nghe và không nói những gì không phù hợp. Tôi có thể nhẫn khi dạy bảo con cái và nhận ra rằng khoan dung trước những sai lầm của con trẻ là một phần để có được nhẫn. Tôi vốn rất say xe và hay ốm vặt nhưng sau khi tu luyện, tôi hoàn toàn không còn bị say xe hay ốm nữa. Những thay đổi cả về tâm lẫn thân khiến tôi lúc nào cũng thấy vui vẻ và đầy hứng khởi, cảm giác tự tại và bình hòa thật khó diễn tả.
Trong sáu tháng đầu tiên khi tu luyện, tôi luôn có cảm giác đang được bao bọc trong Phật quang ấm áp, học Pháp, luyện công, cảm nhận được sự đề cao tâm tính từng ngày. Khi học Pháp nhóm, tôi đã thấy các chữ trong cuốn Chuyển Pháp Luân có màu xanh lá mạ và lấp lánh như kim tuyến, có khi chữ nổi lên như dạng 3D, màu xanh thẫm nhưng trong suốt, rất đẹp. Tôi thường xuyên cảm nhận được các Pháp luân xoay chuyển ở nhiều vị trí trong cơ thể mình và cũng thường thấy Pháp Luân rơi như hoa tuyết trên thân thể mọi người khi học Pháp nhóm.
Tôi cũng thấy được trường luyện công màu đỏ bao phủ nơi nhóm chúng tôi luyện công giảng chân tướng. Khi luyện công cùng mọi người hay luyện một mình, tôi có thể ngửi thấy mùi hương thơm dịu mát, không phải của không gian con người này, và có lúc cảm giác như đứng giữa rừng hoa ngát hương mà luyện công vậy. Còn rất nhiều những trải nghiệm thú vị trong khi học Pháp, luyện công, và tôi hiểu rằng tất cả những điều đó là để khích lệ tôi tăng cường tín tâm của mình trong tu luyện.
Sư phụ giảng:
“Trong tu luyện cũng khiến phẩm chất đạo đức được đề cao; khi phân biệt được thật sự thiện và ác, tốt và xấu, đồng thời vượt khỏi tầng thứ nhân loại, thì mới nhìn thấy được, mới tiếp xúc được vũ trụ chân thực và các sinh mệnh tại các tầng thứ khác nhau các không gian khác nhau.” (Luận Ngữ, Chuyển Pháp Luân)
2. Đối mặt với khảo nghiệm trong gia đình
Khi tôi bắt đầu tu luyện, chồng tôi cũng như cả gia đình hai bên đều biết và không phản đối. Tôi thường tận dụng cơ hội để nói với mọi người về Pháp Luân Công cũng như xin chữ ký thỉnh nguyện trong bất cứ dịp nào, cả trong những chuyến đi cùng gia đình. Vài ba lần chồng tôi bắt gặp và tỏ thái độ rất tiêu cực. Nhưng tôi nghĩ rằng cần có thêm thời gian để chồng mình hiểu được việc mình làm. Để ngăn cản tôi tu luyện, chồng tôi đề nghị ông bà nội ngoại yêu cầu tôi không được tu luyện Pháp Luân Công, đề nghị cơ quan tôi can thiệp để tôi từ bỏ tu luyện. Bố chồng tôi đến Ban tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng cũng như làm việc với bên công an để theo dõi và ngăn cản tôi tu luyện. Đồng thời, bố mẹ chồng tôi cũng đưa ra yêu cầu nếu tôi không từ bỏ Pháp Luân Công thì phải ra khỏi nhà, cho suy nghĩ trong một tháng. Tuần nào cũng có buổi họp gia đình để gây áp lực với tôi.
Sau này trước sự kiên định không từ bỏ của tôi, bố mẹ chồng không còn đòi đuổi tôi ra khỏi nhà nữa, nhưng không cho ăn chung mâm, giao thêm việc ở nhà để tôi không còn thời gian ra ngoài giảng chân tướng… Bố mẹ đẻ cũng ra sức ngăn cản, bố tôi can thiệp cắt thuê bao di động của đồng tu, em gái tôi gọi điện chửi rủa và đe dọa đồng tu (bố chồng tôi làm ở một cơ quan của Đảng, còn bố đẻ tôi là một cựu quan chức quân đội). Đột ngột gặp nhiều áp lực, lúc đó đoạn Pháp mà Sư phụ giảng trong “Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân” đã hiện lên trong đầu tôi:
“Khi đạt đến vị trí sở tại nơi tâm tính của họ, công của họ cũng tăng lên đến đó, họ cần đề cao công của mình hơn nữa, thì [khi ấy] các mâu thuẫn kia cũng đột nhiên xuất hiện, chính là để họ liên tục đề cao tâm tính.”
Tôi hiểu rằng nhất định phải kiên định và cần suy nghĩ như một người tu luyện. Tôi cố gắng luyện công, học Pháp, phát chính niệm bất cứ lúc nào có thể, lấy chữ Nhẫn làm đầu. Đó là quãng thời gian khắc nghiệt nhưng quý giá. Từng bước từng bước, thông qua học Pháp, hướng nội và tự tu chính lại bản thân, tôi nhận ra những tâm chấp trước như tâm tranh đấu, tâm hiển thị, chấp trước vào danh và cả những quan niệm người thường không nằm trong Pháp của mình. Chồng tôi ba lần đưa đơn ly hôn đã ký sẵn, nhưng lần nào tôi cũng từ chối ký và nói: “Pháp luật cho phép xử ly hôn đơn phương, anh có thể nộp đơn nếu anh muốn. Với em, tờ giấy đó không có giá trị, Pháp Luân Công dạy em phải trân quý mối duyên vợ chồng.”
Cũng có những lúc bị ép buộc quá căng thẳng, bị treo chân lên không được luyện công, bị đánh, mắng chửi, dội nước khi ngồi luyện công đả tọa, tôi đã dao động, đặc biệt khi đọc kinh văn của Sư phụ có nói đến tình huống “Chí bất đồng, đạo bất hợp.” (Giảng Pháp ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới 2014) Liệu có phải thế là tôi có thể ly hôn? Nhưng đồng thời tôi cũng nhớ lời Sư phụ dạy:
“Trong luyện công chúng tôi yêu cầu mọi người: chư vị luyện công, ái nhân chư vị có thể không luyện công, [thì chỉ] vì luyện công mà hai vợ chồng ly hôn là không được.” (Bài giảng thứ sáu, Chuyển Pháp Luân)
Học Pháp nhiều hơn và trầm tĩnh suy nghĩ, tôi nhận ra rằng con đường mỗi chúng ta đi đều có an bài, sinh ra trong gia đình ấy, ra ngoài công tác xã hội sẽ làm việc đó, sống trong một cuộc sống gia đình như vậy. Mọi mối quan hệ xung quanh chúng ta chẳng phải môi trường tu luyện của chúng ta sao. Nếu chúng ta không chân chính bước đi trên con đường Sư phụ đã an bài để hoàn thành thệ ước cứu độ chúng sinh, thì chúng ta sẽ bước đi trên con đường mà cựu thế lực an bài.
Sư phụ giảng:
“Chư vị ngồi thoải mái ở đó, uống nước trà, xem ti-vi có thể tu lên, muốn cao bao nhiêu là cao bấy nhiêu, điều này tuyệt đối không thể được.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Sydney [1996])
Hướng nội cũng giúp tôi nhận thấy Văn hóa đảng trong tôi quá mạnh mẽ, nó thể hiện ra chính ở môi trường gia đình mình. Cũng chính trong thời gian này mà lần đầu tiên tôi đã nghe và đọc trọn Cửu Bình (trước đó tôi có đọc nhưng chưa bao giờ đọc được hết do nghiệp lực tư tưởng cản trở rất mạnh). Thậm chí, tôi còn ngửi thấy mùi khét rất khó tả khi nghe cửu bình, kéo dài như vậy trong khoảng 10 ngày. Trước đó, mũi tôi bị nghẹt và lúc nào cũng như bị cảm cúm nặng, dù không làm tôi khó chịu nhưng ảnh hưởng lớn đến việc chứng thực Pháp và giảng chân tướng. Tôi đã thấy rất dễ chịu khi ngửi thấy mùi khét này và sau 10 ngày đó hoàn toàn khỏi hẳn, như thể mũi tôi chưa từng bị nghẹt vậy.
Theo thể ngộ của tôi là tà linh đã bị tiêu diệt khi tôi nghe cửu bình. Lúc đó, điều tôi thực sự cảm nhận được về những người thân trong gia đình mình là những chúng sinh đang bị bắt cóc, và tôi cần phải giải cứu họ. Tôi quyết định xin ra ở riêng, mặc dù chồng tôi không đồng ý. Tôi thuê nhà và đưa hai cháu nhỏ đi cùng. Một tuần sau, bố chồng tôi nói: “Đến giờ bố vẫn không thể hiểu nổi, nhưng từ nay bố sẽ không can thiệp vào việc gì của con nữa. Con đưa các cháu về nhà đi.” Còn chồng tôi thì nói: “Từ giờ em muốn làm gì thì làm, anh không cản nữa.”
Có lẽ những gì tôi gặp phải trong khảo nghiệm tại gia đình cũng là những gì nhiều đệ tử Đại Pháp khác đã trải qua. Tuy nhiên, tôi đã phải mất tám tháng để vượt qua nó. Có nhiều nguyên do, trong đó có nguyên nhân là tôi đã giảng chân tướng quá cao cho chồng mình, mà ẩn sau đó là chấp trước về tình. Sư phụ đã giảng:
“Khi giảng thanh chân tướng ai mà nói cao quá thì đều đang khởi tác dụng phá hoại một cách không lý trí. Nếu không nghe theo lời nhắc nhở, chấp trước thái quá, thì có thể việc phá hoại mắc phải sẽ trở nên to lớn, sẽ bị ma lợi dụng.” (Giảng Pháp và giải Pháp tại Pháp hội ở trung tâm thành thị New York 2003)
3. Những thể ngộ trong quá trình chứng thực Pháp và giảng thanh chân tướng
Sư phụ đã giảng rất rõ về làm ba việc của đệ tử Đại Pháp:
“Trong lịch sử đều nói lớn về cứu độ chúng sinh, hỏi ai biết được hàm nghĩa chân chính của cứu độ chúng sinh là gì? Chỉ chư vị mới là thật sự đang cứu độ chúng sinh, chỉ chư vị mới xứng làm sự việc vĩ đại ấy, nhất định chớ để mất cơ hội này!” (Giảng Pháp Luân lưu tại Bắc Mỹ)
Nhóm học Pháp của chúng tôi quyết định tổ chức giảng chân tướng tại điểm học Pháp kết hợp biểu diễn luyện công. Điểm luyện công – giảng chân tướng của chúng tôi nằm ở vị trí một địa điểm du lịch trung tâm và nhóm chúng tôi đã phát huy tác dụng khá tốt trong giảng chân tướng tại đó.
Khi phối hợp chỉnh thế, có những ý kiến khác nhau. Một đồng tu trong nhóm rất cương quyết coi đây là điểm luyện công, trong khi chúng tôi nghĩ nên xác định là điểm giảng chân tướng. Thái độ của đồng tu rất quyết liệt, nhưng quan sát thì thấy nhiều lần vị ấy đến không luyện công, mà lại đứng ngoài giảng chân tướng. Tôi chợt nhận ra rằng đó chính là vấn đề của bản thân mình, áp đặt người khác và chạy theo hình thức. Gốc rễ sâu hơn là học Pháp chưa tốt, chưa minh bạch Pháp lý khiến bản thân một thời gian dài bị động theo những luồng ý kiến khác nhau. Thể ngộ của tôi là khi chúng ta có vấn đề trong tu luyện cá nhân, điều đó sẽ phản ánh ra trong phối hợp công việc. Làm các việc Đại Pháp không phải là tu luyện, nhưng phản ánh trạng thái tu luyện của chúng ta.
Có một thời gian tôi được nghe những lời phàn nàn về nhau của đồng tu. Tôi gặp mỗi người để tìm cách làm họ hiểu nhau hơn, còn nghĩ rằng tôi đang làm việc tốt, giúp họ đề cao. Nhưng tôi càng nỗ lực làm cầu nối, mọi việc càng tồi tệ hơn, họ không những không ngừng lại mà còn tìm tôi để nói nhiều hơn, thậm chí còn nói rằng có gián cách giữa các đồng tu. Tôi nhận ra mình đang cư xử như một người thường. Những gì đồng tu phàn nàn về nhau lẽ nào không có liên quan gì đến tôi? Đối với một người tu luyện, có gì xảy ra lại là ngẫu nhiên? Những gì tôi được nghe từ đồng tu thực ra lại đúng là những gì tôi cần tu bỏ.
Hơn nữa, Sư phụ cũng giảng:
“Tôi giảng cho mọi người: giữa người với người mà phát sinh mâu thuẫn, vị kia đá người ta một cước, vị này đấm người ta một quyền, thì có thể là trước đây người kia nợ vị ấy, nay hai người tính sổ [với nhau]. Nếu chư vị xử lý vào, thì giữa họ không kết được, phải đợi đến sau này làm lại.” (Bài giảng thứ chín,Chuyển Pháp Luân)
Quan trọng hơn cả với người tu luyện là có thể thủ đức. Tôi nhận ra mình cần đề cao tâm tính hơn nữa trên phương diện tu khẩu.
Trước khi phối hợp giảng chân tướng tại điểm du lịch này, có một thời gian tôi phối hợp cùng đồng tu đến các khu phố có nhiều khách du lịch để tìm người Trung Quốc phát tài liệu, khuyên tam thoái vào giờ nghỉ trưa. Thời gian tính cả đi và về chỉ có một tiếng rưỡi. Nhưng đó là quãng thời gian mà cả hai chúng tôi liên tục có được sự đề cao. Chúng tôi chú trọng việc học Pháp, luyện công mỗi ngày, ý thức rằng đó là điều kiện cần để có nền tảng căn bản tu luyện vững vàng khiến chúng tôi có được lực cứu người mạnh hơn. Trước khi đi, chúng tôi cũng phát chính niệm, hạ mọi tâm chấp trước, bảo trì một tâm thái thuần tịnh.
Một lần, đến giờ phải quay trở về, nhưng cuối phố xuất hiện hai người Trung Quốc. Họ đi tiến về phía trước, nếu chúng tôi đuổi kịp họ, chúng tôi sẽ bị trễ giờ làm. Tôi và đồng tu nhìn nhau, rồi cùng rảo bước nhanh hơn. Đúng lúc đó, thay vì tiếp tục đi, họ đột ngột quay lại và tiến thẳng về hướng chúng tôi. Họ đón nhận tài liệu và cảm ơn chúng tôi một cách chân thành. Dường như họ ở đó chỉ để chờ được nhận chân tướng vậy và chúng tôi cũng không bị muộn giờ làm. Chúng tôi nhận ra rằng miễn là mình thực sự đặt tâm vào việc cứu người, Sư phụ sẽ giúp chúng tôi có đủ thời gian để làm những việc cần làm và Ngài sẽ an bài để chúng tôi gặp được người hữu duyên. Chúng tôi trải nghiệm điều này không chỉ một lần, dường như thời gian luôn được kéo dài cho chúng tôi.
Cũng có những lần chúng tôi không phát được một quyển tài liệu nào mặc dù hôm đó lại gặp khá nhiều người Trung Quốc. Thậm chí, họ còn có thái độ tiêu cực với chúng tôi. Lúc đó, chúng tôi khích lệ lẫn nhau, không nên truy cầu kết quả là họ nhận tài liệu hay không. Chúng tôi chỉ đang làm việc cần làm và phải duy trì được tâm thái không truy cầu, vô chấp trước, hướng nội vô điều kiện để kịp thời tu chính bản thân. Chúng tôi nhớ lại phần Sư phụ giảng về vân du:
“Vân du rất khổ, bước đi ngoài xã hội, phải xin ăn, gặp các loại người, giễu cợt nó, nhục mạ nó, khinh nhờn nó, các sự tình đủ loại đều sẽ gặp phải. Nó coi bản thân là người luyện công, dàn xếp tốt quan hệ với người ta, giữ vững tâm tính, không ngừng đề cao tâm tính.” (Bài giảng thứ tám, Chuyển Pháp Luân)
Lần khác, một phụ nữ trung niên dáng học thức cầm quyển tài liệu hoa sen nhỏ, cau mày hỏi: “Pháp Luân Công à?” rồi đưa trả lại tôi. Lúc đó, tôi thấy thương cảm cho họ đã bị đầu độc quá nặng nề. Trong tôi dâng trào một cảm xúc khó tả, mà sau này tôi nghĩ đó chính là tâm từ bi. Tôi nhìn thẳng vào mắt bà, đáp lại bằng một câu trong một bài hát tiếng Trung một cách chân thành: “Văn minh Trung Hoa cổ xưa, 5.000 năm lịch sử trường kỳ.” Bà nhìn tôi trong giây lát, rồi đột nhiên mỉm cười, giơ tay nhận lại cuốn tài liệu và đáp “Hảo. Xin cảm ơn.” Tôi cảm nhận được rằng thiện niệm và từ tâm thực sự có thể giải thể tà ác.
Thuận theo tiến trình Chính Pháp, con người thế gian ngày càng thanh tỉnh. Mọi người không còn chờ chúng ta tới nói về chân tướng mà là chủ động đến để nhận chân tướng. Gần đây, khi đoàn khách du lịch Trung Quốc đi qua điểm giảng chân tướng của chúng tôi, họ thậm chí còn giơ tay ra chờ đón khi đồng tu tiến tới phát tài liệu. Nhiều người Việt Nam và du khách nước ngoài khác cũng rất sẵn lòng đón nghe chân tướng. Một nhóm du khách người Pháp sau khi nghe chân tướng đã đến học Pháp và luyện công cùng chúng tôi trong vài ngày du lịch ngắn ngủi của họ tại đây.
Tôi rất cảm ơn các đồng tu đã khích lệ tôi viết bài chia sẻ này bởi quá trình viết bài đã giúp tôi nhận thấy những thiếu sót mà mình cần phải tu chính, đặc biệt về tâm thái “Tu luyện như thuở ban đầu.” Tôi nhận ra đã một thời gian lâu mình không còn đến trước 15 phút để phát chính niệm tại điểm giảng chân tướng. Về hình thức có vẻ không nghiêm trọng nhưng ẩn sâu là tôi đã không còn đặt tâm trong các việc làm của mình như trước đây.
Có một chuyện xảy ra trong thời gian tôi hoàn thành phần cuối của bài chia sẻ này. Con trai tôi sốt li bì, nhiệt độ thường xuyên ở mức 39 – 40 độ C trong mấy ngày liên tiếp. Lúc tỉnh, cháu đột nhiên hát bài Pháp Luân Đại Pháp hảo, khuôn mặt rạng ngời. Tôi bất ngờ nhưng cũng không nghĩ ra chuyện gì. Đến hôm sau, khi tôi nhẩm hát bài Hồi quy lộ (Con đường trở về), cháu chạy đến bên tôi, nói một cách rất tha thiết: “Mẹ hát lại đi. Bài hát này làm con thấy rất cảm động.” Tôi chợt hiểu, mọi sinh mệnh nơi đây đều vì Pháp mà đến, đều có một phần biết khát khao con đường về. Chúng sinh đã đặt hết hy vọng vào đệ tử Đại Pháp chúng ta, đang đợi được cứu trong thời khắc quan trọng này.
Tôi xin kết thúc bài chia sẻ bằng lời giảng của Sư phụ trong Giảng Pháp tại Pháp hội San Francisco 2014:
“Những sinh mệnh tới thế [gian] này, không làm người, mà làm động vật, làm thực vật, cũng đều đang đợi đệ tử Đại Pháp cứu độ. Chư vị thực thi không tốt, thì không chỉ bản thân chư vị làm không tốt, những sinh mệnh mà chư vị phát nguyện cứu độ ấy, tương lai sẽ mất đi cơ hội. Trách nhiệm của chư vị là trọng đại, tương lai đang chờ chư vị, trong vũ trụ hằng bao nhiêu sinh mệnh vũ trụ đang chờ chư vị.”
Con xin cảm tạ Sư tôn, cảm ơn các bạn đồng tu.
Hợp thập!
Đăng ngày 10-12-2015;