Bài của nữ học viên trẻ tuổi người Việt

[MINH HUỆ 19-4-2017] Từ nhỏ, tôi là một đứa trẻ có tính cách tranh đấu. Có lẽ là do môi trường gia đình, là con út, tôi được chiều chuộng, cưng nhất nhà nên thường coi mình là nhất. Khi đi học, 5 năm đầu tôi thường là học sinh giỏi đứng hàng đầu trong lớp, lúc nào cũng được nêu gương là học sinh chăm ngoan học giỏi. Càng được khen, tôi càng cố gắng để cho xứng đáng với lời khen của người chung quanh.

Trong lớp, tôi luôn luôn có “đối thủ”, là người học ngang sức với mình, thậm chí nhỉnh hơn mình, và thường là người “đanh đá” hơn tôi, có “uy” hơn tôi (tôi cho là vậy). Chính vì vậy, tâm tranh đấu càng lớn khi tôi và đối thủ ở mọi cấp học luôn luôn có sự tranh giành vị trí thứ nhất. Thế là từ bé, đã có phân chia bè phái giữa tôi và đối thủ, hai người đều có người theo ủng hộ. Vì thế, tuổi thơ của tôi có nhiều kỷ niệm đẹp, nhưng cũng có không ít hồi ức không vui.

Tâm tranh đấu, tâm hiển thị, cái “tình” làm tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Thuở nhỏ tôi luôn gầy còm, ốm yếu, đầu óc căng lên như dây đàn. Từ lúc học lớp 8 tôi đã tự lên mục tiêu lớp 9 cho đến tận hết lớp 12. Để đạt mục tiêu ấy, tôi sống trong bất an, lo lắng, e rằng nếu không đạt được thì tôi sẽ rơi vào đau khổ cùng tột. Cuối cùng thì bằng trường kỳ nỗ lực, tôi cũng là đạt được mục đích của mình. Người tôi gầy, đầu óc lúc nào cũng ong ong, sống trong tâm trạng thấp thỏm chẳng có bình an.

Mặc dù có tâm tranh đấu, nhưng tôi là người bản tính nhân hậu, hay thương người, không bao giờ nghĩ cách làm hại ai đó, dù người đó đã từng làm hại tôi. Có chăng chỉ là trong lòng hậm hực, tức tối khôn nguôi. Môi trường quanh tôi chính là vậy, luôn có mâu thuẫn, bất bình, luôn có người ganh ghét mình. Tôi có hai người bạn, nhưng mà rồi họ ghét nhau, dẫn đến việc tôi buộc phải lựa chọn một trong hai. Và tôi không cách nào hóa giải được điều đó.

Bên cạnh đó, tôi còn có tâm không tốt là tâm hiển thị. Mặc dù giúp đỡ người khác một cách tình nguyện, hay tham gia các hoạt động tình nguyện như giúp người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn, hoặc hay động lòng trắc ẩn; nhưng mà tôi thường cảm thấy bị tổn thương khi giúp người khác mà họ không nhìn nhận lòng tốt của mình; khi giúp người khác thì tôi kỳ vọng rằng người ta biết ơn mình, mà dù không trả ơn thì ít ra cũng phải biết điều đó.

Lớn lên, lập gia đình, tôi thường hay cãi lại mẹ chồng mỗi khi thấy bà cư xử không đúng. Tôi thường có phản ứng lại khi người xung quanh nói không đúng về tôi. Nhiều lúc cảm thấy rằng rõ ràng tôi là đúng và có ý tốt, mà tại sao người ta lại nói không tốt về tôi, cho rằng tôi chỉ là người khôn khéo, v.v.

Đi làm ở cơ quan, cùng với sự trưởng thành, thì tâm tranh đấu, cầu danh lợi của tôi cũng dần dần phai nhạt, vì tôi phải dành thời gian và tâm sức cho gia đình, vả lại tôi cũng cho rằng mình không phù hợp với việc bợ đỡ, xin xỏ. Trong xã hội như thùng thuốc nhuộm này, nếu không biết cách vừa lòng cấp trên thì không sao lên cao được. Vì vướng bận gia đình, tôi cũng không thể toàn tâm toàn ý phấn đấu cho sự nghiệp công tác. Thực tế tôi không được đề bạt, lên chức, và điều đó tôi cũng không quá bận tâm, nhưng trong lòng cũng không khỏi có cảm giác buồn về điều đó.

Thế rồi tôi được cử đi học lên cao. Đó quả thực là một quãng thời gian tuyệt vời, giúp lòng tôi lắng lại, nhìn nhận lại bản thân, xem thật sự mình mong muốn gì, mục đích cuộc đời tôi là gì.

Tôi tham gia một khoá học do một người nước ngoài giỏi về Phật Học mở ra. Qua khóa học này tôi thấy rằng mình có duyên với Đạo Phật, tôi ngộ ra sâu sắc hơn về luật nhân-quả trong cuộc sống này. Nhưng dường như mọi thứ vẫn chưa dừng ở đó, vì tôi phát hiện rằng mặc dù mình đã học những gì cô ấy giảng dạy, tôi vẫn còn nhiều tâm “tham”. Tâm tham ấy tăng dần lên khi mà tôi xuất hiện ý nghĩ mình cố gắng gieo “nhân” thật nhiều, để rồi mai này gặt hái “quả” được nhiều. Ví như cho tiền, thì ấy là gieo hạt giống để chúng nảy mầm thành nhiều tiền trong tương lai. Đành rằng như vậy là tôi đã sống hướng tới cuộc sống Thiện hơn, làm nhiều điều tốt hơn, nhưng mà tâm tham cũng vẫn theo đó mà khởi lên. Tôi cũng thực hành ăn chay.

8 tháng trước đây, duyên với Đại Pháp đã đến với tôi. Tôi đọc lần đầu, đọc không ngừng nghỉ, và sau hơn một tuần tôi lờ mờ hiểu ra ý nghĩa của sinh mệnh, của cuộc đời mình, tôi hiểu ra thế nào mới đúng là làm người tốt, v.v.

Và cuộc đời tôi bắt đầu samg một trang mới khi tôi bắt đầu bước vào tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, khi mà làm người tốt theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn trở thành mục đích của cuộc đời mình. Tôi đã hiểu rằng làm người tốt thì cứ làm người tốt thôi, đâu phải để ý đến người khác phải thừa nhận hay đánh giá gì. Mình có Thiện tâm chân thật, và tự mình minh bạch là đủ rồi. Tâm hiển thị của tôi dần dần được gỡ bỏ, từng ngày từng ngày. Tôi cũng ngộ ra rằng, hành Thiện không phải chỉ là cho ai đó tiền, vả lại hôm nay những người xin ăn kia có người có thu nhập còn cao hơn mức thu nhập trung bình. Thiện ấy là lòng từ bi với tất cả chúng sinh, với những người còn sống trong mê, chưa thể ngộ. Lòng từ bi là không phải chỉ với những người mình yêu thương, mà còn đối với cả người đã từng đem lại đau khổ cho mình. Quả thực làm được như vậy là không dễ gì. Khi đối diện khảo nghiệm bất ngờ, bản thân không thật sự hoà trong Pháp, không hướng nội tìm nguyên nhân, thì rất khó bảo đảm được từ bi đối đãi với tình huống khó giải trước mặt.

Tâm tranh đấu của tôi đã được gỡ bỏ khá nhiều, nhất là từ khi tôi đọc lời giảng của Sư phụ:

“… chư vị đã là sinh mệnh hạnh phúc nhất trong vũ trụ, chư vị đã là học viên Đại Pháp rồi, cả chư Thần trên thiên thượng cũng hâm mộ chư vị”Giảng Pháp tại Pháp hội Úc châu [1999]

đã vậy thì tôi còn tranh đấu làm gì, khi tôi đã là người hạnh phúc nhất? Tại sao tôi phải tranh đấu với những người không hạnh phúc bằng mình? Những người còn sống trong mê, quay cuồng và đau khổ? Khi gỡ bỏ tâm tranh đấu, tôi thấy cuộc sống mình thăng hoa, đầu óc nhẹ nhõm hơn, cõi đời tươi đẹp hơn. Trước đây trong lòng khó chịu tôi vẫn tươi cười. Nhưng giờ đây nụ cười của tôi toả sáng hơn, bởi vì trong tâm tôi thật sự nhẹ nhõm hơn rất nhiều.

Tôi cố gắng để sống Chân hơn. Thật không dễ mà làm được cái này khi đâu đâu quanh ta chữ Chân thật là xa xỉ. Người ta vì lợi ích cá nhân mà biến báo, mà giả dối, tất cả chỉ vì lợi ích cho bản thân mình. Tôi ngộ ra một điều, chỉ cần sống vì người khác, không nghĩ gì đến lợi ích bản thân, thì sẽ sống Chân một cách rất tự nhiên, đúng theo ý “tùy kỳ tự nhiên” mà Sư phụ giảng. Lợi ích cá nhân ấy, nó không chỉ là về danh, về tiền tài, mà còn về “tình”, cái tình nơi người thường. Chẳng thể nào sống chân thật khi vẫn còn cái tâm mong nhận yêu quý từ người khác. Tôi cũng ngộ ra một điều rằng, nếu cái tình thiện cảm ấy mà đạt được bằng giả dối, nếu đánh đổi Chân để đạt được cái lợi ích ấy, thì lợi ích ấy chẳng thể lâu bền.

Về chữ Nhẫn, tôi cũng nhận ra rằng mình chưa Nhẫn với người thân của mình, nhất là trong lúc dạy con. Mỗi lúc cáu với con mình, tôi lại nhớ lời Sư phụ, cần dùng lý trí mà dạy con, không được cáu giận. Tôi nhận thức được mình chưa đủ từ bi, chưa đủ nhẫn, để lần sau có thể thay đổi. Hàng ngày tôi vẫn tự nhắc nhở mình cần tự sửa mình, cần nhẫn hơn với con và người thân, cũng như những người chung quanh.

Từ khi tu luyện, tôi được mọi người khen trẻ trung hơn, tươi vui hơn. Các mối quan hệ dần dần được cải thiện, môi trường làm việc hòa ái hơn. Mọi người tìm đến tôi như một nơi chia sẻ và cảm thông. Tôi cảm thấy dường như nụ cười của mình có sức truyền cảm hứng giúp họ. Tôi không sinh tâm hoan hỷ, mà thầm cảm ơn Sư phụ đã giúp tôi có được đường đi, ban cho tôi một trường năng lượng thiện lành có thể giúp môi trường quanh tôi trở nên tốt đẹp hơn. Tôi nguyện sẽ kiên định trên con đường tu luyện của mình, điều này quá trân quý. Kính trọng và biết ơn Sư phụ! Pháp Luân Đại Pháp hảo! Chân-Thiện-Nhẫn hảo!

Share