Bài viết của Tổ chức Luật Nhân quyền

[MINH HUỆ 1-5-2015]

A. Vai trò của Giang Trạch Dân trong cuộc đàn áp

Cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân đã tự ý khởi xướng, lên kế hoạch, và khống chế cuộc đàn áp theo hình thức “đấu tranh” đối với Pháp Luân Công. Ông đã phát động cuộc đàn áp không theo phương thức thi hành luật pháp dựa trên khuôn khổ hay trình tự của bộ luật hình sự, mà theo phương thức của một chiến dịch chính trị ngoài vòng pháp luật, sử dụng chủ yếu nhân lực cùng các nguồn lực khác của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chứ không phải của quốc gia.

Giang Trạch Dân là người có chức vụ cao nhất trong chính quyền Trung Quốc trong thời gian đầu của cuộc đàn áp tàn bạo đối với Pháp Luân Công. Giang Trạch Dân nắm giữ hai vai trò chính liên quan đến vụ việc này: thứ nhất, ông giữ chức Tổng Bí thư ĐCSTQ từ năm 1989 đến 2002; thứ hai, ông là Chủ tịch nước từ năm 1989 đến năm 2003. Ông cũng từng là Chủ tịch Quân ủy Trung ương từ năm 1989 đến năm 2005, một chức vị giúp ông củng cố quyền lực ở Trung Quốc đồng thời có khả năng gây tác động một cách phi chính thức tới những người lãnh đạo kế nhiệm.

Khi còn là Tổng Bí thư ĐCSTQ, Giang Trạch Dân là lãnh đạo cao nhất trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương bao gồm bảy thành viên. Ủy ban này có quyền kiểm soát Bộ Chính trị Trung ương, Bộ Chính trị Trung ương lại có quyền kiểm soát Ủy ban Trung ương đảng, và đến lượt cơ quan này lại có quyền kiểm soát tất cả các tổ chức của ĐCSTQ tại các địa phương. Dưới chế độ độc tài, độc đảng cai trị ở Trung Quốc, tất cả các tổ chức của ĐCSTQ đều có quyền hành cao hơn các cơ quan quản lý tương ứng của chính phủ, đặc biệt là trong hệ thống an ninh.

Vào tháng 6 năm 1999, Giang Trạch Dân đã ra lệnh thành lập một đơn vị nằm ngoài vòng pháp luật, gọi là: “Nhóm Lãnh đạo xử lý các vấn đề Pháp Luân Công”, và cơ quan hoạt động của nó, gọi là “Phòng 610”, để thực hiện các chính sách đàn áp. Sau khi được thành lập, “Phòng 610” là nơi ban hành các mệnh lệnh và là công cụ mà thông qua đó Giang Trạch Dân có thể trực tiếp giám sát cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Vào tháng 12 năm 2013, với thông báo của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật của ĐCSTQ về cuộc điều tra kỷ luật chính thức đối với ông Lý Đông Sinh, nguyên Phó Giám đốc “Nhóm Lãnh đạo xử lý các vấn đề Pháp Luân Công” và nguyên giám đốc Phòng 610, thì sự tồn tại của nhóm này và của Phòng 610 đã được xác nhận.

Kể từ tháng 7 năm 1999, Giang Trạch Dân đã lên kế hoạch, chỉ đạo, giám sát và thực hiện các cuộc đàn áp tàn bạo đối với Pháp Luân Công. Các lá thư và bài phát biểu của ông trước các lãnh đạo hàng đầu của ĐCSTQ đã được chuyển đổi thành các tài liệu lưu hành trong nội bộ Uỷ ban Trung ương Đảng. Nội dung của những tài liệu này ra lệnh chuẩn bị và hướng dẫn tiến hành cuộc đàn áp. Ông đã thiết lập một hệ thống chỉ huy cuộc đàn áp, đặc biệt với sự thiết lập “Nhóm Lãnh đạo xử lý các vấn đề Pháp Luân Công” và “Phòng 610”, hai tổ chức nội bộ của ĐCSTQ có thẩm quyền chỉ đạo các cán bộ đảng (và các cán bộ nhà nước) cấp dưới thực hiện việc bức hại các học viên Pháp Luân Công .

Giang Trạch Dân đã rời khỏi chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản và chức Chủ tịch nước lần lượt vào các năm 2002 và 2003. Tuy nhiên, ông vẫn đảm nhiệm chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương của ĐCSTQ và của Nhà nước đến tháng 11 năm 2004 và tháng 3 năm 2005. Vì vậy, ông vẫn có thể gây ảnh hưởng lên người kế nhiệm là ông Hồ Cẩm Đào nhằm ngăn cản việc kết thúc cuộc đàn áp này. Ngay cả sau khi nghỉ hưu hoàn toàn vào năm 2005, Giang Trạch Dân vẫn tiếp tục giám sát việc đàn áp nhờ vào một sự thay đổi lớn trong nhân sự cấp cao của Ban thường vụ ĐCSTQ. Giang Trạch Dân đã thay đổi quy tắc lãnh đạo bằng cách mở rộng Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị của ĐCSTQ từ bảy thành viên trước đó lên thành chín thành viên, với hai thành viên mới được thêm vào: La Cán (người đứng đầu Ủy ban Chính trị và Pháp luật (PLAC) phụ trách các lực lượng an ninh) và Lý Trường Xuân (phụ trách tuyên truyền). Sau khi chính thức nghỉ hưu, Giang Trạch Dân vẫn tiếp tục phối hợp với La Cán, Lý Trường Xuân, và các đồng minh thân cận khác như Chu Vĩnh Khang, để giám sát cuộc đàn áp.

1. Sự chuẩn bị của Giang Trạch Dân và sự mở màn của cuộc đàn áp

Ngày 25 tháng 4 năm 1999, hàng nghìn học viên Pháp Luân Công đã tập hợp một cách ôn hòa và hợp pháp trước Văn phòng Kháng ​​cáo Trung ương để thỉnh nguyện và yêu cầu sự đảm bảo công khai cho quyền hợp pháp của họ trong việc thực hành Pháp Luân Công (sau một vài sự cố trong đó các học viên Pháp Luân Công bị các nhân viên an ninh địa phương đối xử thô bạo). Ban đầu, nhà chức trách cam kết với các học viên Pháp Luân Công tham gia thỉnh nguyện rằng họ sẽ không can thiệp quyền tự do tín ngưỡng của các học viên. Nhưng chỉ ba tháng sau, vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, cuộc đàn áp ngoài vòng pháp luật của ĐCSTQ đã được phát động.

Trong khoảng thời gian ba tháng này, Giang Trạch Dân đã xây dựng một hệ thống chỉ huy ngoài vòng pháp luật phục vụ cho cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Ít nhất bốn lần ông đã phát biểu hoặc gửi thư, sử dụng ảnh hưởng cá nhân và các tổ chức trong nội bộ ĐCSTQ để vận động việc sử dụng phương thức “đấu tranh” tàn bạo đối với Pháp Luân Công cũng như tìm kiếm sự đồng thuận trong ĐCSTQ cho quyết định này. (Lưu ý: Phần II của bài viết này sẽ đề cập đến lịch sử và bản chất phi pháp (vượt khỏi quyền hạn) của các cuộc vận động đấu tranh chính trị ở Trung Quốc.)

Ít nhất ba trong số các bài phát biểu của Giang Trạch Dân trong nội bộ ĐCSTQ đã trở thành các văn bản hướng dẫn nội bộ chính thức lưu hành trong giới lãnh đạo trung ương ĐCSTQ, nhằm ra lệnh cho các tổ chức đảng ở các cấp dưới thực thi việc đàn áp. Sau đây là một vài trong số các mệnh lệnh của Giang Trạch Dân được phổ biến rộng rãi nhất để mở màn cuộc bức hại.

a. TÀI LIỆU I (Lá thư ngày 25 tháng 4 năm 1999)

Ngày 27 tháng 4 năm 1999, Văn phòng Trung ương ĐCSTQ đã ban hành “Thông báo về việc in và ban hành ‘Thư của đồng chí Giang Trạch Dân tới Thành viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị và các đồng chí khác có liên quan.’” Thông báo này yêu cầu những quan chức hàng đầu của ĐCSTQ nghiên cứu một lá thư Giang Trạch Dân viết vào đêm ngày 25 tháng 4 năm 1999. Nó cũng ra lệnh cho các lãnh đạo ĐCSTQ thực hiện những chỉ thị viết trong thư và báo cáo tiến độ của họ với Ủy ban Trung ương Đảng. Dựa theo thông báo này, chính Giang Trạch Dân đã tự mình quyết định tiến hành cuộc đàn áp tàn ác để đáp lại cuộc thỉnh nguyện ôn hòa của các học viên Pháp Luân Công. Bức thư và thông báo của Giang Trạch Dân cho thấy ông đã áp đặt quan điểm của mình lên bộ máy lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ. (Thông báo đã ra lệnh các lãnh đạo ĐCSTQ nghiên cứu và thực hiện theo lá thư, chứ không phải là yêu cầu cho ý kiến ​​và lời khuyên.)

Trong thư của mình, Giang Trạch Dân đã phát đi một số thông điệp quan trọng tới các lãnh đạo ĐCSTQ:

– “Sự việc này (cuộc thỉnh nguyện hòa bình diễn ra vào ngày 25 tháng 4) liệu có liên quan đến các lực lượng hải ngoại và các nước phương Tây? Đằng sau phải chăng là có chỉ huy và có kế hoạch?” Cách sử dụng những ngôn từ hiếu chiến và công kích với các đệ tử Pháp Luân Công báo hiệu một cuộc đàn áp tàn bạo, thậm chí trong khi chưa có bất kỳ một cuộc điều tra nào về cuộc kháng nghị hòa bình được tiến hành.

– “Lẽ nào lý luận Chủ nghĩa Marx của người cộng sản chúng ta, Thuyết duy vật, Thuyết vô thần mà chúng ta vẫn tin cũng không chiến thắng nổi những thứ mà ‘Pháp Luân Công’ đang truyền bá sao? Nếu thật sự như vậy, chẳng phải sẽ là trò cười sao?”

– “Sự việc này cho thấy công tác tư tưởng, chính trị, và công tác quần chúng của chúng ta ở một số bộ phận đã yếu kém đến mức độ nào. Chúng ta phải nhấn mạnh vào việc giáo dục thế giới quan, triết học, và các giá trị đúng đắn cho các cán bộ và quảng đại quần chúng. . . Cán bộ lãnh đạo ở tất cả các cấp của chúng ta, đặc biệt là ở cấp cao, nên sáng suốt ngay từ bây giờ!” Những lời này của Giang Trạch Dân nói lên rằng các lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ vẫn không muốn tuân thủ các chiến dịch đàn áp, nó hoàn toàn là ý kiến cá nhân của Giang Trạch Dân. Vì vậy đối với Giang Trạch Dân, cần phải “giáo dục cán bộ và quảng đại quần chúng” và phải đảm bảo rằng các cán bộ cấp cao phải “sáng suốt” đối với yêu cầu của Giang Trạch Dân trong việc phối hợp đàn áp.

b. Bức thư vào ngày 29 tháng 4 năm 1999 (tài liệu này tạm thời không có sẵn)

Thật không may, chúng tôi không có bản sao của bức thư này. Chúng tôi chỉ biết rằng đây là bức thư thứ hai do Giang Trạch Dân gửi đến 25 thành viên Bộ Chính trị ĐCSTQ. Nội dung của nó nhấn mạnh vào việc ĐCSTQ cần xử trí ra sao trước sự việc mà trong thư mô tả là “vụ tụ tập của các học viên Pháp Luân Công vào ngày 1, 2, và 3 tháng 5”. Mặc dù vậy, từ trước đến nay chưa hề có báo cáo từ bất kỳ nguồn nào trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc hoặc phương Tây về sự kiện “tụ tập” này, nên dường như Giang Trạch Dân chỉ đang dùng việc này như một cái cớ để xúc tiến kế hoạch đàn áp.

c. TÀI LIỆU II: Bản ghi chép vào ngày 8 tháng 5 năm 1999

Đây là văn bản thứ hai: “Thông báo của Văn phòng Trung ương Đảng về việc in và ban hành ‘Chỉ thị của đồng chí Giang Trạch Dân tới các thành viên Bộ Chính trị, các văn phòng Bí thư Trung ương đảng và Quân ủy Trung ương” (Công văn #19 [1999] của Văn phòng Trung ương ĐCSTQ). Văn bản này được chính thức ban hành vào ngày 23 tháng 5 năm 1999 dựa trên chỉ thị của Giang Trạch Dân về vấn đề Pháp Luân Công đã được ban hành vào ngày 8 tháng 5, và đã được phổ biến trong một cuộc họp các tổ chức đảng cấp tỉnh diễn ra vào khoảng 28 tháng 5 năm 1999. Cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa có được văn bản chính thức. Nội dung của nó hướng dẫn việc bí mật chuẩn bị cho cuộc đàn áp Pháp Luân Công (ví dụ, trong cuộc đàn áp này, hình phạt hà khắc nào sẽ được áp dụng với những người tu luyện Pháp Luân Công, những tài nguyên nào của ĐCSTQ sẽ được sử dụng, và ai sẽ chịu trách nhiệm chỉ đạo việc thực hiện các chỉ thị của ĐCSTQ). Sự tồn tại của văn bản này và việc coi nó như một bằng chứng là có cơ sở bởi vì nó đã được trích dẫn và tham chiếu bởi một tài liệu chính thức của Đảng ủy tỉnh Hà Bắc: (Công văn chính thức số [1999] # 21 của tỉnh Hà Bắc “Nghiêm túc quán triệt và thực hiện chỉ thị trong văn kiện [1999] # 19 của Văn phòng Trung ương Đảng”). Từ Tân Mục, một người từng làm việc trong chính quyền tỉnh Hà Bắc, đã công bố về tài liệu này. Cũng chính vì vậy, Từ Tân Mục và người phối hợp với ông trong vụ việc là Đoàn Vinh Tín, đã lần lượt bị kết án bốn năm và tám năm tù. Phương tiện truyền thông của ĐCSTQ đã đưa tin về phiên xét xử này.

d. TÀI LIỆU III: Bài phát biểu vào ngày 7 tháng 6 năm 1999

Văn bản thứ ba cũng được ban hành bởi Văn phòng Trung ương Đảng. Văn bản này yêu cầu các lãnh đạo ĐCSTQ “học tập và quán triệt “Chỉ đạo của đồng chí Giang Trạch Dân tại Bộ Chính trị Trung ương về việc thắt chặt xử lý và giải quyết vấn đề Pháp Luân Công” . Tài liệu này được ban hành vào ngày 7 tháng 6 năm 1999. Trong bài phát biểu của mình vào ngày 7 tháng 6, Giang Trạch Dân đã trực tiếp chỉ thị thành lập “Phòng 610” ba ngày sau đó tức là vào ngày 10 (đó cũng là nguồn gốc của tên gọi “Phòng 610”). Trong bài phát biểu, Giang Trạch Dân nói: “các vấn đề Pháp Luân Công liên quan đến bối cảnh chính trị và xã hội sâu sắc và bối cảnh quốc tế phức tạp. Đây là sự việc nghiêm trọng nhất kể từ cuộc khủng hoảng chính trị vào năm 1989. Chúng ta phải đối xử với nó một cách nghiêm túc, nghiên cứu kỹ lưỡng, và thực thi các biện pháp đối phó hiệu quả.” Những lời phát biểu của Giang Trạch Dân đã đánh đồng các học viên Pháp Luân Công với những người biểu tình ở Thiên An Môn vào năm 1989; những người biểu tình ôn hòa này đã bị ĐCSTQ tàn sát. Đây là một mệnh lệnh khác của Giang Trạch Dân để thúc đẩy ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công.

Trong bài phát biểu này, Giang Trạch Dân còn công bố rằng “Trung ương (ĐCSTQ) đã đồng ý cho đồng chí Lý Lam Thanh phụ trách, thành lập một tổ đi đầu xử lý các vấn đề về Pháp Luân Công. Đồng chí Lý Lam Thanh là trưởng ban, các đồng chí Đinh Quan Căn, La Cán là phó ban, những thành viên khác sẽ là những người đứng đầu các bộ phận liên quan, cùng nhau thống nhất nghiên cứu các bước cụ thể về phương pháp và hành động để giải quyết vấn đề Pháp Luân Công. Ủy ban Trung ương [ĐCSTQ] , và tất cả tổ chức đảng cấp quốc gia, tỉnh, khu tự trị, và thành phố cần phải phối hợp chặt chẽ.” Nhóm Lãnh đạo được đề cập ở trên sau này được gọi là “Nhóm Lãnh đạo xử lý các vấn đề Pháp Luân Công”. Văn phòng điều hành của nó được gọi là “Văn phòng xử lý các vấn đề Pháp Luân Công”, còn được gọi là “Phòng 610.”

Bài phát biểu này cho thấy hai thực tế quan trọng. Đầu tiên việc thành lập “Phòng 610” là quyết định cá nhân của Giang Trạch Dân. Thông thường, “Trung ương” dùng để đề cập đến Ủy ban Trung ương ĐCSTQ hoặc Bộ Chính trị; đây chính là cơ cấu lãnh đạo của ĐCSTQ, chứ không phải của Chính phủ Trung Quốc. Nhưng “Trung ương” trong lời của Giang Trạch Dân không thể là Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, vì Ủy ban Trung ương cần phải đợi Bộ Chính trị họp và thảo luận rồi mới mở cuộc họp. Vì vậy, “Trung ương” chỉ có thể được hiểu là Bộ Chính trị. Tuy nhiên bài phát biểu này của Giang Trạch Dân được đưa ra tại một cuộc họp Bộ Chính trị và việc thành lập “Nhóm Lãnh đạo xử lý các vấn đề Pháp Luân Công” được ông đề cập đến không phải là một đề xuất của ông với Bộ Chính trị, mà là để thông báo về một quyết định đã có sẵn. Nếu giả thiết rằng Bộ Chính trị đã từng mở cuộc họp trước cuộc họp lần này để thảo luận về chủ đề trên thì cũng không hợp lý vì như vậy Giang Trạch Dân đã không cần phải lặp lại với Bộ Chính trị về quyết định trong lần họp trước. Nếu đã không có cuộc họp nào khác của Bộ Chính trị, thì đó nhất định là ý kiến riêng của Giang Trạch Dân.

Giang Trạch Dân còn yêu cầu “Ủy ban Trung ương [ĐCSTQ] , và tất cả tổ chức đảng cấp quốc gia, tỉnh, khu tự trị, và thành phố phải phối hợp chặt chẽ,” điều này đã trao cho Nhóm Lãnh đạo xử lý các vấn đề Pháp Luân Công quyền hạn vượt khỏi hệ thống hành chính hiện có và hệ thống nhà nước của ĐCSTQ. Theo đó, Ủy ban Trung ương ĐCSTQ và tất cả các phòng ban các cấp chính quyền phải phục tùng các chỉ thị và mệnh lệnh của Nhóm Lãnh đạo, còn Nhóm Lãnh đạo này chỉ cần chịu trách nhiệm với cá nhân Giang Trạch Dân.

Trong bài phát biểu còn nhắc đến việc Nhóm Lãnh đạo cần “thu thập trong số các học viên Pháp Luân Công ở tất cả các khu vực những trường hợp bất thường bao gồm bị mắc bệnh tâm thần phân liệt, tự sát, và từ chối uống thuốc dẫn đến bệnh nặng hơn hoặc tử vong.” Những “tình huống tai nạn“ này thậm chí được nêu ra trước khi có bất kỳ cuộc điều tra nào. Ngoài ra, ông còn nói: “Sau khi thành lập Nhóm Lãnh đạo xử lý các vấn đề Pháp Luân Công, cần ngay lập tức tổ chức các nguồn lực để điều tra cơ cấu tổ chức của Pháp Luân Công trên toàn quốc, xây dựng các chiến lược và chiến thuật, và chuẩn bị kỹ lưỡng cho nhiệm vụ gây chia rẽ và đánh sập [Pháp Luân Công]. Chúng ta sẽ không bắt đầu cuộc chiến mà không có sự chuẩn bị.” Từ đó có thể thấy rằng tại thời điểm Giang Trạch Dân nói những lời này chưa hề có cuộc điều tra chính thức nào. Cái gọi là “1.400 trường hợp tử vong do chứng rối loạn tâm thần, tự sát, và từ chối dùng thuốc” được sử dụng để vu khống Pháp Luân Công sau này đều phù hợp với những gì mà Giang Trạch Dân đã chỉ đạo cho “Phòng 610”, qua đó dẫn ra sự thật rằng tất cả những cái được coi là “bằng chứng” đều được “Phòng 610” ngụy tạo theo chủ ý của Giang Trạch Dân. Các báo cáo của các quan chức ĐCSTQ tại các địa phương yêu cầu các thành viên ĐCSTQ nghiên cứu và học tập bài phát biểu này đã chứng thực cho sự tồn tại của nó.

Đáng chú ý hơn, vào ngày 14 tháng 6 năm 1999, tức bốn ngày sau khi Giang Trạch Dân thành lập “Phòng 610”, các phương tiện truyền thông chủ chốt của Trung Quốc đã đưa tin về “Những điểm chính trong cuộc thảo luận giữa Văn phòng Kháng cáo Trung ương và Hội đồng Nhà nước với những học viên Pháp Luân Công” (những điểm chính trong cuộc đàm thoại của hai văn phòng). Theo báo cáo này, hai cơ quan trên đã bác bỏ những “tin đồn” về bất kỳ cuộc đàn áp nào đối với Pháp Luân Công, và nêu lên những điểm chính trong cuộc nói chuyện vào ngày 25 tháng 4 năm 1999 giữa họ và đại diện của các học viên Pháp Luân Công. Những trọng điểm này bao gồm: “Chính quyền tất cả các cấp chưa bao giờ cấm các môn khí công thông thường cũng như các bài tập rèn luyện thân thể khác; người dân có quyền tin hay không tin vào một môn khí công nào đó; có những quan điểm bất đồng là điều bình thường, cũng có thể thông qua các kênh thông tin khác nhau để phản ánh.” Các động thái của Giang Trạch Dân trong khoảng thời gian này, đặc biệt là bài phát biểu của ông vào ngày 7 tháng 6, cho thấy ông không chỉ phớt lờ các tuyên bố chính thức của ĐCSTQ và của phát ngôn viên chính phủ, mà mệnh lệnh của ông đã phủ định hoàn toàn những tuyên bố này: những văn kiện bí mật của Giang Trạch Dân đã thay thế hoàn toàn các chính sách của ĐCSTQ và chính quyền Trung Quốc.

e. TÀI LIỆU IV: Ra lệnh phát động cuộc đàn áp vào ngày 19 tháng 7 năm 1999

Mặc dù các phương tiện truyền thông của ĐCSTQ công bố cuộc đàn áp chính thức bắt đầu vào ngày 22 tháng 7 năm 1999, dựa theo hai thông báo của Bộ Nội vụ và Bộ Công an, việc bắt bớ và giam giữ tùy tiện các học viên Pháp Luân Công địa phương bắt đầu từ hai ngày trước đó, tức ngày 20 tháng 7 năm 1999. Vào ngày 19 tháng 7, một ngày trước cuộc vây bắt quy mô lớn, Giang Trạch Dân đã có bài phát biểu tại cuộc họp những người đứng đầu các Đảng ủy cấp tỉnh để thông báo những chỉ thị cuối cùng để khởi động cuộc đàn áp. Cuộc họp này sau đó đã được xác nhận trong các hồ sơ nội bộ của Bộ Ngoại giao Mỹ được Wikileaks công bố.

2. Giang Trạch Dân đã tự ý tiến hành xây dựng các nguồn lực nhằm hỗ trợ cho cuộc đàn áp Pháp Luân Công, bôi nhọ các học viên của môn tu luyện này, và mở rộng việc bức hại ra bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc.

1) Vào tháng 9 năm 1999, tại hội nghị APEC ở New Zealand, Giang Trạch Dân đã làm một việc kỳ quặc và chưa từng có tiền lệ trong một cuộc họp như vậy. Ông ta đã đưa cho các nhà lãnh đạo của tất cả các nước, trong đó có cả Tổng thống Clinton, một cuốn sách mà nội dung của nó chứa toàn những tuyên truyền hãm hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ, bao gồm cả những mô tả rằng học viên Pháp Luân Công là những kẻ nguy hiểm, mất trí và cần phải bị ngăn chặn.

2) Ngày 25 tháng 10 năm 1999, trước chuyến thăm chính thức của Giang Trạch Dân tới Pháp, ông ta đã nhận lời phỏng vấn với tờ báo Pháp Le Figaro. Giang Trạch Dân đã công kích Pháp Luân Công và gọi môn tu luyện này là “tà giáo”, trước đó chưa hề có bất kỳ tài liệu hoặc kênh truyền thông nào của ĐCSTQ sử dụng thuật ngữ này. Sự việc này một lần nữa cho thấy chính Giang Trạch Dân đã tự mình quyết định phát động cuộc đàn áp và cũng chính ông đang tiếp tục đẩy nó leo thang. Ba ngày sau, cơ quan ngôn luận chính thức của ĐCSTQ, tờ Nhân dân Nhật báo, đã xuất bản các bài báo của những bình luận viên có tiếng để hưởng ứng tuyên bố của Giang Trạch Dân: “Pháp Luân Công là tà giáo.” Năm ngày sau cuộc phỏng vấn của Giang Trạch Dân, Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc vội vã thông qua “Quyết định cấm các Tổ chức Dị giáo [cũng sử dụng cùng cụm từ như ‘tà giáo’.]”

3) Vào tháng 9 năm 2000, khi được đài truyền hình CBS phỏng vấn, Giang Trạch Dân đã nói như sau: “Sau khi xem xét cẩn thận, chúng tôi kết luận rằng Pháp Luân Công là một tà giáo.”

4) Vào ngày 21 tháng 3 năm 2003, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc ban hành Thông báo số 8 năm 2003 về cơ cấu tổ chức Phòng 610, trong đó nêu rõ: “Văn phòng Phòng chống và Xử lý tà giáo thuộc Hồi đồng Nhà nước và văn phòng của Nhóm Lãnh đạo xử lý các vấn đề Pháp Luân Công thuộc Trung ương ĐCSTQ thực chất chỉ là một tổ chức với hai tên gọi. Tổ chức này trực thuộc Ủy ban Trung ương ĐCSTQ.” Thông báo này nói lên rằng mặc dù Hội đồng Nhà nước đã thành lập một tổ chức tương tự như “Phòng 610” nhưng nó lại không có quyền điều hành tổ chức này. Ngoài ra, trong cơ sở dữ liệu của trang web “People.com.cn,” cơ quan ngôn luận chính thức của ĐCSTQ, cả hai tên “Nhóm Lãnh đạo xử lý các vấn đề Pháp Luân Công” và “Văn phòng Phòng chống và Xử lý tà giáo” đều không phải là tên gọi chính thức được liệt kê trong danh mục các tổ chức trực thuộc Ủy ban Trung ương ĐCSTQ. Vì vậy, đây xác thực là một tổ chức bí mật, tương tự như “Nhóm Lãnh đạo thuộc Ủy ban Trung ương ĐCSTQ trong thời Đại Cách mạng Văn hóa” chỉ phục tùng mệnh lệnh của Mao Trạch Đông trong năm 1960 và có quyền hành rộng lớn ngoài vòng pháp luật.

3. Những người nhận chỉ đạo trực tiếp và gián tiếp từ Giang Trạch Dân

Trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công, có hai nhóm quan chức nhận mệnh lệnh từ Giang Trạch Dân. Nhóm thứ nhất nghe trực tiếp hoặc nhận thư từ và phát biểu của Giang Trạch Dân. Nhóm thứ hai gồm các quan chức và cán bộ cấp dưới sẽ nhận được chỉ đạo cho cuộc đàn áp thông qua các tài liệu nội bộ của ĐCSTQ ban bố thư từ và bài phát biểu của Giang Trạch Dân, sau đó ra lệnh cho các cán bộ nghiên cứu và thực hiện chúng.

a. Những người nhận mệnh lệnh trực tiếp

Tài liệu I: Các thành viên trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị và một số nhân vật khác. Những nhân vật này là những người đang đảm đương các chức vụ ở các cấp khác nhau trong bộ máy của ĐCSTQ và của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến việc thực thi những chỉ thị của Giang, chẳng hạn như người đứng đầu PLAC, người đứng đầu Ban Tuyên giáo của ĐCSTQ, hoặc người phụ trách các vấn đề tôn giáo vào thời điểm đó, trong trường hợp họ không phải là thành viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị ở cấp của họ.

Tài liệu II: Các thành viên của Bộ Chính trị (bao gồm cả các thành viên trong Uỷ ban Thường vụ), Ban Thư ký của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, các thành viên của Quân ủy Trung ương.

Tài liệu III: Cuộc họp Bộ Chính trị (bao gồm các thành viên Bộ Chính trị và thành viên trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị)

Tài liệu IV: Lãnh đạo Đảng ủy cấp tỉnh (khu tự trị và đô thị trực thuộc Trung ương).

b. Những người nhận mệnh lệnh gián tiếp

Tài liệu I: Tài liệu này được ban hành bởi Văn phòng Ủy ban Trung ương ĐCSTQ. Đã có 720 bản được phát hành. Điều này nói lên rằng tất cả các thành viên Ủy ban Trung ương Đảng, Bộ trưởng, các quan chức cấp tỉnh và người đứng đầu Ủy ban Trung ương Đảng các cấp nếu không thuộc nhóm nhận lệnh trực tiếp thì sẽ nhận lệnh gián tiếp.

Tài liệu II: Giống như tài liệu I, tài liệu này cũng được ban hành bởi Văn phòng Ủy ban Trung ương ĐCSTQ. Không rõ có bao nhiêu bản đã được in, nhưng chúng đã được phân phát tới các Đảng ủy cấp tỉnh. Bởi vì đây là cách làm việc điển hình của một hệ thống phân cấp nên nó sẽ được thảo luận chi tiết ở bên dưới.

Tài liệu III: Nội dung của nó khá giống với tài liệu I và cũng được ban hành bởi Văn phòng Ủy ban Trung ương ĐCSTQ. Đối tượng mà nó hướng đến cũng tương tự như tài liệu I.

Tài liệu IV: Bài phát biểu này của Giang Trạch Dân là mệnh lệnh cuối cùng phát động cuộc đàn áp, nó dựa theo các tài liệu trước đó và không được ban hành như một tài liệu chính thức trong Đảng. Chúng tôi không biết liệu nó có người nhận gián tiếp hay không.

Danh sách mở rộng những người nhận mệnh lệnh từ Giang Trạch Dân: các tổ chức đảng ở tất cả các tỉnh trên toàn Trung Quốc đã dựa trên các tài liệu nội bộ mà họ nhận được mà biên soạn ra tài liệu của riêng họ, rồi phân phát chúng tới các đơn vị cấp thành phố. Bằng cách thức tương tự, mệnh lệnh của Giang Trạch Dân sẽ được phổ biến tới cấp quận, huyện, hoặc thậm chí thấp hơn nữa. Xem phân tích dưới đây.

Trong khoảng thời gian này, Lưu Cán, Giả Khánh Lâm và Ngô Quan Chính, cả ba đều là thành viên của Bộ Chính trị, vì vậy, họ vừa là người nhận trực tiếp vừa là người nhận gián tiếp tất cả bốn tài liệu trên. Bạc Hy Lai là thị trưởng thành phố Đại Liên và Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Đại Liên. Ông cũng là một người nhận lệnh từ Giang Trạch Dân.

4. Phân tích ví dụ: Hệ thống chỉ huy một thành phố trong việc bức hại hoạt động như thế nào

Tài liệu II ở trên là một ví dụ tiêu biểu cho cách thức mà hệ thống chỉ huy này hoạt động.

a. Bối cảnh

Căn cứ theo hai lá thư do Giang Trạch Dân gửi vào ngày 25 và ngày 29 tháng 4, quân đội đã bắt đầu chuẩn bị cho cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Ngày 5 tháng 5, Trương Vạn Niên, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, đọc được một bài viết của một vị tướng đã về hưu đồng thời là cựu Giám đốc Bệnh viện Đa khoa của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), ông Lý Kỳ Hoa. Ông Lý Kỳ Hoa là một học viên Pháp Luân Công. Ông đã viết một số bức thư lưu truyền trong các quan chức cấp cao của ĐCSTQ và Nhà nước để trình bày quan điểm tích cực của ông về Pháp Luân Công. Trương Vạn Niên đã thêm vào bài viết này những lời bình luận chỉ trích của ông rồi gửi nó đến tay Giang Trạch Dân.

b. Bản ghi nhớ của Giang Trạch Dân

Dựa vào báo cáo của Trương Vạn Niên, Giang Trạch Dân đã viết một biên bản ghi nhớ gửi tới các thành viên Bộ Chính trị, Văn phòng Bí thư và Quân ủy Trung ương thuộc Ủy ban Trung ương Đảng vào ngày 8 tháng 5 năm 1999. Mặc dù bản ghi nhớ này không được công bố, nhưng sự tồn tại cũng như phần nào nội dung của nó có thể được nhìn thấy trong các tài liệu chính thức của các Đảng ủy cấp tỉnh và trên web chính thức của tờ Nhân dân Nhật báo.

c. Bản ghi nhớ của Giang Trạch Dân đã trở thành một tài liệu chính thức trong Ủy ban Trung ương ĐCSTQ

Đầu tiên, ĐCSTQ buộc ông Lý Kỳ Hoa phải viết thư “tự phê bình” (thừa nhận những sai lầm mang tính chính trị của bản thân và cầu xin sự tha thứ của ĐCSTQ); bức thư này đã được Giang Trạch Dân phê duyệt. Sau đó, Văn phòng Trung ương ĐCSTQ đã ban hành một Thông Báo về Bản ghi nhớ của Giang Trạch Dân tới các tổ chức Đảng ở tất cả các cấp.

Cho đến nay, chúng tôi không có được bản sao của thông báo này, nhưng nó đã được đề cập đến trong ít nhất một tài liệu của tổ chức Đảng cấp tỉnh và trong một cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy ĐCSTQ.

d. Văn bản của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ được gửi tới các Đảng ủy cấp tỉnh, từ đó nó sẽ được biên soạn lại rồi mới được chuyển tới các tổ chức Đảng cấp thấp hơn.

Vào ngày 28 tháng 5 năm 1999, các thành viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy ĐCSTQ đã tiến hành nghiên cứu “Văn bản [1999] # 19 của Văn phòng Ủy ban Trung ương ĐCSTQ”, có nghĩa là tại thời điểm đó, tài liệu này đã được chuyển tới Ban Thường vụ ĐCSTQ cấp tỉnh.

Ngày 3 tháng 6 năm 1999, Văn phòng Đảng ủy tỉnh Hà Bắc đã ban hành Thông báo riêng của văn phòng này, theo đó đã ban hành Thông báo của Văn phòng Ủy ban Trung ương ĐCSTQ.

Học viên Pháp Luân Công Từ Tân Mục, người từng là nhân viên của chính quyền tỉnh Hà Bắc, đã tiết lộ nội dung của tài liệu này. Ông cùng một học viên khác tham gia vào vụ việc đã lần lượt bị kết án bốn năm và tám năm tù.

e. Các văn bản từ cấp tỉnh được ban hành xuống cấp thành phố, và dựa vào đó, Đảng ủy cấp thành phố ban hành các văn bản của riêng họ.

Ngày 11 tháng 6 năm 1999, Đảng ủy thành phố Lang Phường (một thành phố thuộc địa bàn tỉnh Hà Bắc) đã ban hành Thông báo dựa trên Công văn tỉnh ủy Hà Bắc [1999] # 21.

Những chỉ thị đàn áp Pháp Luân Công của Giang Trạch Dân đã thông qua các tổ chức ĐCSTQ (không phải các cơ quan nhà nước) mà được chuyển tới cấp thành phố. Cuộc đàn áp này luôn được thực hiện theo cách như vậy. Sau khi tổ chức ngoài vòng pháp luật “Nhóm Lãnh đạo xử lý các vấn đề Pháp Luân Công” và “Phòng 610” được thành lập, nhân viên của hai tổ chức này ở tất cả các cấp đã giám sát và thực thi các chính sách đàn áp ở cấp độ tương ứng. Đặc biệt, “Phòng 610” chuyển các mệnh lệnh mà nó nhận được từ cấp trên tới các nhân viên an ninh để thực hiện “chuyển hóa” (chuyển đổi tư tưởng thông qua tra tấn), “đấu tranh” (các hình thức đàn áp bạo lực), và những hình thức tra tấn, tẩy não, và ngược đãi khác đối với các học viên Pháp Luân Công.

Các chỉ thị đàn áp những người tu luyện Pháp Luân Công tại Trung Quốc được truyền đi qua một số kênh, như đã đề cập ở trên. Dưới đây là bản tóm tắt hoạt động của hệ thống chỉ thị này tại Trung Quốc:

· Ủy ban Trung ương Đảng và Bí thư ĐCSTQ, tức Giang Trạch Dân, ban hành mệnh lệnh cho:

· Nhóm Lãnh đạo xử lý các vấn đề Pháp Luân Công thuộc Ủy ban Trung ương Đảng ban hành mệnh lệnh cho:

· “Phòng 610” trung ương có thể trực tiếp hoặc thông qua Ủy ban Trung ương Đảng để ban hành mệnh lệnh cho:

· Ủy ban Thường vụ ĐCSTQ và Ban Bí thư ĐCSTQ cấp tỉnh và thành phố ban hành mệnh lệnh cho:

· Nhóm Lãnh đạo xử lý các vấn đề Pháp Luân Công trực thuộc Đảng ủy cấp tỉnh và thành phố ban hành mệnh lệnh cho:

· “Phòng 610” cấp tỉnh và thành phố ban hành mệnh lệnh cho:

· Quan chức của trại lao động và trại tạm giam ban hành mệnh lệnh cho:

· Nhân viên an ninh tra tấn và tẩy não các học viên Pháp Luân Công.

Như vậy, giống như những gì sẽ được chỉ ra trong phần tiếp theo của bài viết này, mặc dù Giang Trạch Dân không trực tiếp tham gia “chuyển hóa”, “đấu tranh”, hoặc các hình thức bức hại khác, ông ấy chịu trách nhiệm đưa ra các chỉ thị dẫn đến những tổn hại thực tế.

Phần tiếp theo: Giang Trạch Dân và cuộc vận động đấu tranh đối với Pháp Luân Công


Bản tiếng Hán:

https://www.minghui.org/mh/articles/2015/5/1/308267.html
https://www.minghui.org/mh/articles/2015/5/2/308314.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/5/1/149952.html

Đăng ngày 04-09-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share