[MINH HUỆ 27-7-2015] Có tổng cộng 394 học viên Pháp Luân Công ở thành phố Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc đã đệ đơn khiếu nại Giang Trạch Dân trong khoảng thời gian từ ngày 10 tháng 7 và đến ngày 27 tháng 7 năm 2015, theo các báo cáo do Minh Huệ Net tổng hợp.
Các học viên đã kiện cựu độc tài Trung Quốc vì đã phát động cuộc đàn áp tàn bạo lên Pháp Luân Công , và bắt Giang phải chịu trách nhiệm về những đau khổ to lớn mà các học viên đã phải gánh chịu trong chiến dịch của ông ta. Những đơn khiếu nại được gửi đến Toà án Nhân dân Tối cao và Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao.
Nhiều học viên đã kể lại việc Pháp Luân Công đã mang lại cho họ sức khoẻ và cho họ một cái nhìn mới về cuộc sống. Ước mơ của họ là muốn sống một cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc hơn. Tuy nhiên, điều đó đã tan vỡ khi Giang Trạch Dân phát động chiến dịch xóa bỏ môn tu luyện trên toàn quốc vào năm 1999.
Chỉ vì không từ bỏ đức tin của mình, các học viên đã bị bắt giữ, giam cầm, tra tấn, nhà họ bị lục soát, còn tài sản cá nhân thì bị chính quyền tịch thu. Thêm vào đó, một số người thân của học viên còn bị liên luỵ, và một số còn phải trả những khoản tiền phạt lớn.
Các học viên nộp đơn khiếu nại ở Hàm Đan đến từ nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội bao gồm nhân viên văn phòng, viên chức nghỉ hưu, giáo viên, công an, công chức, bác sỹ y khoa và công nhân. Dưới đây là một số trường hợp tiêu biểu.
Ông Trần Chí Cường: Bị đưa đi lao động cưỡng bức, tra tấn
Ông Trần Chí Cường (陈志强), 67 tuổi, hai lần bị bắt và bị kết án lao động cưỡng bức vào năm 2002 và năm 2012.
Ông bị công an tra tấn trong lúc bị giam giữ. Một công an đã dùng gậy gỗ đánh vào đầu ông, khiến ông bị bầm tím ở quanh mắt. Ông cũng bị giữ cố định trên ghế sắt, còng tay và cùm chân trong 18 giờ mà không được cung cấp thức ăn hay nước uống.
Tại trại lao động cưỡng bức Hàm Đan, các tù nhân được ra lệnh chỉ để ông ăn trong 10 phút, và họ sẽ lấy đi phần ăn của ông ngay sau khi hết thời gian.
Bà Từ Kế Tân: Tẩy não cường độ cao
Bà Từ Kế Tân (徐继新), 60 tuổi, là bác sỹ y khoa, bị bắt vào tháng 10 năm 2000 chỉ vì đến Bắc Kinh kháng nghị ôn hòa cho quyền được tu luyện Pháp Luân Công. Bệnh viện đã đình chỉ công việc của bà khi bà được tự do, và chỉ cho phép bà đi làm trở lại sau một năm rưỡi.
Bà bị bắt tại bệnh viện vào năm 2005, và bà còn bị ép phải tẩy não cường độ cao, lính canh cũng cấm bà ngủ.
Gia đình bà đã phải trả một gia tài để bà được tự do. Ngoài ra, chồng bà Từ đã vô cùng căng thẳng và sợ hãi. Dưới áp lực của chính quyền địa phương, có lần chồng bà đã đánh bà đến mức ngất xỉu.
Bà Vương Phi Trân và ông Vương Thanh Đường: Bị công an tịch thu 30.000 nhân dân tệ
Bà Vương Phi Trân (王丕珍) và ông Vương Thanh Đường (王清堂) đều khoảng 70 tuổi. Họ đã bị công an bắt giữ nhiều lần.
Có lần bà Vương bị giam trong sáu ngày và không được cung cấp nước và thức ăn.
Công an đã hai lần lục soát nhà của vợ chồng bà và tịch thu các tài sản cá nhân. Đặc biệt, trong một lần đột kích vào tháng 10 năm 2001, công an đã tịch thu của họ máy in trị giá 13.000 nhân dân tệ, và hơn 30.000 nhân dân tệ tiền mặt và tiền gửi ngân hàng.
Bà Duẫn Kiến Ổn: Bị bắt vì đi kháng nghị ôn hòa
Bà Duẫn Kiến Ổn (尹建稳), 61 tuổi, bị bắt lần đầu vào ngày 25 tháng 12 năm 2000 vì đi kháng nghị ôn hòa cho Pháp Luân Công ở quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh.
Bà bị bắt đến Phòng liên lạc Hàm Đan ở Bắc Kinh, ở đó bà đã bị lột hết quần áo để khám xét. Bà còn bị còng tay vào ống lò sưởi trong hai ngày một đêm.
Bà bị bắt lại vào tháng 7 năm 2008 và bị đưa đến Trại lao động cưỡng bức tỉnh Hà Bắc, nơi bà bị đánh, bị cưỡng ép lao động nặng nhọc mà không được trả công, và phải ngồi trên “ghế nhỏ” (được dùng như một dụng cụ tra tấn).
Ông Lý Ngọc Tân: Bị tra tấn trong Trại lao động cưỡng bức
Ông Lý Ngọc Tân (李玉新) từng là nhân viên Tập đoàn sắt thép Hàm Đan.
Ông bị sách nhiễu, giám sát, và tra tấn ở trại lao động cưỡng bức trong 18 tháng kể từ năm 2009.
Bối cảnh
Năm 1999, Giang Trạch Dân, khi đó là lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã bỏ ngoài tai ý kiến của các ủy viên thường vụ Bộ Chính trị khác và thi hành cuộc đàn áp tàn bạo đối với Pháp Luân Công.
Cuộc đàn áp đã dẫn đến cái chết của nhiều học viên Pháp Luân Công trong 16 năm qua. Nhiều người bị tra tấn bởi niềm tin của họ và thậm chí bị giết để cướp nội tạng. Giang Trạch Dân phải chịu trách nhiệm trực tiếp về việc phát động và duy trì cuộc đàn áp tàn bạo này.
Dưới sự chỉ đạo cá nhân của Giang Trạch Dân, ĐCSTQ đã thành lập một cơ quan an ninh ngoài vòng pháp luật, Phòng 610, vào ngày 10 tháng 6 năm 1999. Tổ chức này vượt trên các lực lượng công an và tòa án trong việc thi hành chỉ đạo của Giang Trạch Dân đối với Pháp Luân Công theo chính sách: bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể.
Luật pháp Trung Quốc cho phép công dân là nguyên đơn trong các vụ kiện hình sự, và hiện tại nhiều học viên đang thực hiện quyền này để đệ đơn kiện hình sự truy tố nhà cựu độc tài.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2015/7/27/邯郸又有55位法轮功学员控告元凶江泽民-313130.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/8/9/151985.html
Đăng ngày 01-09-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.