Bài viết của Hạ Xuân Thanh, phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 11-7-2015] Trong làn sóng 60.000 đơn kiện hình sự cựu Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân vì bức hại Pháp Luân Công, hơn 20 học viên ở Melbourne, Australia cũng đã đệ đơn kiện ông ta.

Họ đang thúc giục Tòa án Nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Trung Quốc đưa Giang ra công lý vì chiến dịch diệt chủng của ông ta đối với Pháp Luân Công ở Trung Quốc.

Các đơn kiện cáo buộc Giang tội bỏ tù bất hợp pháp, tước quyền tự do tín ngưỡng của công dân mà Hiến pháp bảo đảm, lạm dụng quyền lực và nhiều tội danh khác. Giang khởi xướng cuộc bức hại Pháp Luân Công vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, và thành lập Phòng 610, cấp cho nó quyền lực cao hơn cả hệ thống công an và tư pháp nhằm thực thi chỉ thị của ông ta.

Hơn 3.800 học viên Pháp Luân Công được xác nhận là đã bị tra tấn đến chết trong 16 năm qua. Con số tử vong thật sự có thể cao hơn bởi vì những thông tin như vậy được kiểm duyệt chặt chẽ ở Trung Quốc.

8b24ad85d60976d982dc896fdc23ee21.jpg

Các học viên ở Melbourne, những người nộp đơn kiện cựu độc tài Giang Trạch Dân

Đầu năm nay, một cải cách pháp lý đã được thực thi ở Trung Quốc, yêu cầu phải thụ lý tất cả các đơn kiện hình sự. Từ cuối tháng 5 đến ngày 9 tháng 7 năm 2015, các bản sao của 48.261 đơn kiện từ 60.156 học viên Pháp Luân Công và các thành viên gia đình họ đã được gửi tới trang Minh Huệ Net. Không phải tất cả các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đều gửi được thông tin này ra nước ngoài vì internet bị kiểm duyệt nghiêm ngặt, do đó, con số thống kê trên có thể cao hơn nhiều.

Các học viên bên ngoài Trung Quốc cũng đã và đang đệ đơn kiện Giang. Dưới đây là một vài thông tin vắn tắt của những người nộp đơn kiện ở Melbourne, những người đã bị bức hại ở Trung Quốc.

Ông Triệu đến từ Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông đã bị nhà cầm quyền Trung Quốc giam giữ và tra tấn vì đến Bắc Kinh thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công vào ngày 20 tháng 7 năm 1999 và vào tháng 10 năm 1999. Ông đã bị ông chủ sa thải khi đang bị giam giữ vào tháng 10. Năm 2004, ông bị giam giữ bất hợp pháp ở Quảng Châu hai tháng.

Bà An đến từ Thẩm Dương, năm 2004 đã bị giam giữ ở Trại tạm giam Tô Gia Đồn một tháng. Bà bị bức thực trong khi tuyệt thực để phản đối việc giam giữ bất hợp pháp. Bà trở nên gầy hốc hác và rất yếu. Công an đã đưa bà đến bệnh viện và bỏ mặc bà cho gia đình để trốn tránh trách nhiệm.

Bà Trương đến từ Vũ Hán, từ tháng 11 năm 1999 đến tháng 6 năm 2003, đã bị giam giữ 17 lần, từ một ngày đến gần 2 năm. Bà bị giam giữ trong một trại cưỡng bức lao động từ ngày 18 tháng 9 năm 2001 đến tháng 6 năm 2003. Bà bị bắt phải làm việc nặng nhọc trong trại.

Ông Lưu đến từ Thượng Hải bị giam giữ trong trại cưỡng bức lao động số Một và số Ba Thượng Hải từ tháng 3 năm 2001 đến tháng 7 năm 2002. Trước đó ông cũng bị bắt giữ vài lần.

Bà Lưu bị công an đánh vài lần và bị thương nghiêm trọng vì thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công tại Quảng trường Thiên An Môn vào tháng 11 năm 2000 cùng với các học viên khác. trại tạm giam đã từ chối nhận bà vì bà ở trong tình trạng nguy hiểm sau khi bị đánh đập. Công an đưa bà quay lại đồn công an và nhốt bà trong cũi sắt một tuần trước khi thả. Sau đó bà còn bị bắt giữ thêm ba lần nữa.

Bà Giang là một phóng viên của một công ty truyền thông độc lập ở Australia. Sau khi không qua được hải quan ở Trung Quốc, bà phát hiện ra mình bị đưa vào danh sách đen của Trung Quốc. Bố của bà là một học giả danh tiếng ở Thượng Hải, Trung Quốc. Bà bay về Thượng Hải hai lần để thăm bố khi bố bà đang trong cơn nguy kịch, nhưng đã bị từ chối nhập cảnh. Bà bị hải quan Trung Quốc bắt phải quay về Melbourne.

Ngày càng có nhiều học viên Pháp Luân Công ở Melbourne lên kế hoạch nộp đơn kiện hình sự cựu độc tài Giang Trạch Dân.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2015/7/11/312263.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/7/15/151554.html

Đăng ngày 06-08-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share