Bài viết của Anh Tử, phóng viên báo Minh Huệ ở Ottawa, Canada
[MINH HUỆ 09-06-2013] Vào ngày 05 tháng 06 năm 2013, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (UNHRC) đã tổ chức phiên họp lần thứ 23 tại Geneva, Thụy Sỹ. Các đại biểu Canada tham dự đã một lần nữa bày tỏ sự quan ngại của họ về các cuộc đàn áp tôn giáo trên toàn thế giới, đặc biệt là cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc.
“Canada quan tâm sâu sắc về vấn đề gia tăng bức hại đối với các cộng đồng tôn giáo trên thế giới”, một đại biểu Canada phát biểu. “Việc mỗi cá nhân có thể thực hành tín ngưỡng của họ trong sự an toàn là điều tối quan trọng.” Pháp Luân Công là một trong tám cộng đồng tín ngưỡng trên thế giới bị bức hại vì đức tin của họ.
Đại sứ Trung Quốc nhún vai trước áp lực
Ngày 07 tháng 06, tờ báo Globe and Mail của Canada đã xuất bản một bài báo có tiêu đề “[Ủy ban] Giám sát Tự do Tôn giáo mới đối mặt với một cuộc chiến khó khăn”. Bài báo tiết lộ rằng Zhang Junsai, đại sứ Trung Quốc ở Canada, đã tỏ ra không hài lòng trước quyết định lưu ý tới các cuộc bức hại tôn giáo ở Trung Quốc vào hồi tháng Hai của Thủ tướng Stephen Harper khi thảo luận về việc thành lập Văn phòng Tự do Tôn giáo.
Ông Andrew Bennett, Đại sứ của Văn phòng Tự do Tôn giáo, đã nói trong một cuộc đàm thoại với Zhang rằng “ông sẽ kiên quyết lên tiếng về [tự do tôn giáo ở] Trung Quốc khi cần thiết”.
Tờ Globe and Mail cũng dẫn lại lời của ông Bennett: “Lúc đó, tôi đã nói với ông ấy [Zhang Junsai] rằng tôi sẽ gặp mặt những nhóm như các phật tử Tây Tạng, các học viên Pháp Luân Công, những người theo đạo Cơ Đốc. Tôi không nghĩ rằng ông ấy hài lòng về điều đó.” Ông Bennett đã gặp mặt các thành viên của Phật học hội Pháp Luân Đại Pháp Canada vào khoảng giữa tháng Năm và tìm hiểu chi tiết hơn về cuộc bức hại Pháp Luân Công của chế độ Trung Cộng.
Lên tiếng phản đối các cuộc bức hại tôn giáo
Thủ tướng Canada, ông Harper thông báo về việc thành lập Văn phòng Tự do Tôn giáo
Tại một cuộc họp báo được tổ chức vào ngày 19 tháng 02 năm 2013, ông Harper đã thông báo về việc thành lập Văn phòng Tự do Tôn giáo trực thuộc Ủy ban Đối ngoại và Thương mại Quốc tế. Trong phần mở đầu của bài phát biểu, ông đã đề cập đến cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc và cho biết đó là một trong những mối quan tâm của chính phủ Canada. “Ở Trung Quốc, người Cơ Đốc giáo, những người có đức tin vượt quá phạm vi ủng hộ của chính quyền, bị chèn ép, và lãnh tụ của họ bị bắt giữ, trong khi những người Hồi giáo Ngô Duy Nhĩ, các phật tử Tây Tạng, các học viên Pháp Luân Công là đối tượng bị đàn áp và đe dọa” Thủ tướng giải thích.
Ông nói thêm: “Thật kinh khủng vì danh sách này vẫn còn tiếp tục. Khi đối diện với những bất công và tội ác này, Canada sẽ không thể im lặng.”
Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Quốc tịch, Nhập Cư và Đa Văn hóa, ông Jason Kenney, cho biết các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc, cũng như những người Cơ Đốc giáo bị đàn áp, những phật tử Tây Tạng, người Hồi giáo Ngô Duy Nhĩ, là những nhóm người cần được bảo vệ. Ông khẳng định: “Chúng tôi sẽ lên tiếng vì họ.”
Canada tiếp tục lên án cuộc đàn áp Pháp Luân Công
Kể từ khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu vào năm 1999, chính phủ Canada đã liên tục nêu lên vấn đề về tự do tôn giáo ở Trung Quốc. Tại phiên họp lần thứ 22 của UNHRC được tổ chức vào ngày 05 tháng 03 năm 2012, Bộ trưởng Ngoại giao của Canada, ông John Baird, cho biết Canada lên án các hành động quá khích chống lại những người theo tôn giáo và những thành viên của các nhóm tín ngưỡng thiểu số ở các khu vực trên khắp thế giới, bao gồm các cuộc trấn áp bạo lực, phân biệt, đe dọa, hay tấn công các giáo đường.
Ngày 23 tháng 01 năm 2012, hai tuần trước chuyến công du của Thủ tướng Harper tới Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao của Canada, ông John Baird đã bày tỏ sự bất bình của mình trước những đối xử bất công của Đảng Cộng sản Trung Quốc với các nhóm tín ngưỡng và công khai lên án những người chịu trách nhiệm về cuộc đàn áp Pháp Luân Công.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2013/6/9/联合国人权会-加代表团关注法轮功-275130.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2013/6/12/140463.html
Đăng ngày 20-06-2013. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.