Bài viết của một học viên ở Canada

[MINH HUỆ 21-02-2013] Ngày 19 tháng 02 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ Canada, ông Stephen Harper, đã công bố việc thành lập Văn phòng Tự do Tôn giáo thuộc Bộ ngoại giao và Thương mại Quốc tế. Trong bài phát biểu của mình tại cuộc họp báo đánh dấu chính thức mở cửa văn phòng mới, Thủ tướng Chính phủ đã đề cập đến cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc là một trong những mối quan tâm của Chính phủ Canada.

Ông Stephen Harper, Thủ tướng chính phủ Canada, thông báo thành lập Văn phòng Tự do Tôn giáo

Chính phủ Canada thúc đẩy tự do tôn giáo

Văn phòng mới sẽ tập trung vào thúc đẩy tự do tôn giáo và tín ngưỡng trên khắp thế giới. Văn phòng sẽ giám sát sự lạm dụng, và sẽ ủng hộ cho tự do tôn giáo. Nó cũng sẽ cung cấp những phân tích và tạo ra các chương trình để bảo vệ các tôn giáo thiểu số bị đe dọa và phản đối hận thù tôn giáo. Văn phòng mới sẽ trở thành con đường chính cho Canada trong việc thúc đẩy tự do, dân chủ, nhân quyền, và các quy định của pháp luật, theo một tuyên bố từ chính phủ.

Hàng trăm đại diện từ các nhóm tôn giáo khác nhau đã tham dự buổi họp báo. Tại buổi họp báo, Thủ tướng Harper nói: “Trên thế giới, những vi phạm tự do tôn giáo là phổ biến và chúng đang gia tăng.” Ông nhấn mạnh rằng Chính phủ Canada thúc đẩy tự do tôn giáo và sự khoan dung, một trong những giá trị quan trọng nhất của dân tộc Canada.

Thủ tướng Chính phủ đặc biệt đề cập đến việc đàn áp các tôn giáo ở Trung Quốc. “Ở Trung Quốc, các tín đồ Cơ đốc giáo có đức tin nằm ngoài phạm vi được chính phủ chấp thuận, bị buộc phải hoạt động ngầm và các thủ lĩnh tinh thần của họ bị bắt và giam giữ trong khi người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, các Phật tử Tây tạng, và các học viên Pháp Luân Công là đối tượng bị đàn áp và đe dọa.”

“Thật kinh khủng, danh sách này vẫn còn tiếp tục”, ông nói: “Trước những bất công và tàn bạo này, Canada sẽ không im lặng.”

Khi một phóng viên hỏi Thủ tướng Chính phủ rằng Canada sẽ phát triển mối quan hệ với Trung Quốc như thế nào trong khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại Pháp Luân Công, Thủ tướng Harper đã nhấn mạnh ba ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Canada: nền dân chủ và những giá trị của người Canada; an toàn và hòa bình trong nước và quốc tế; và giao dịch, thương mại và thịnh vượng.

“Chúng tôi sẽ lên tiếng cho những nhóm người bị bức hại đó”

Cuộc bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ đang diễn ra một cách tàn bạo. Đầu tháng này, vào ngày 05 tháng 02 năm 2013, một phiên điều trần về nạn mổ cướp nội tạng các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đã được tổ chức bởi Tiểu ban Nhân quyền quốc tế thuộc Ủy ban Thường vụ về Ngoại giao và Phát triển Quốc tế của Quốc hội Canada. Luật sư nhân quyền quốc tế, ông David Matas và chính trị gia cấp cao, ông David Kilgour, đã tham dự và cung cấp bằng chứng về sự tàn bạo đang diễn ra.

Ông Jason Kenney, Bộ trưởng về Quốc tịch, Nhập cư và Đa văn hóa, đã nói với các phóng viên tại buổi họp báo, như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra, các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc, cũng như những tín đồ Cơ đốc giáo ngầm, các Phật tử Tây Tạng, và người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ là các nhóm cần được bảo vệ. Ông khẳng định: “Chúng tôi sẽ lên tiếng cho họ.”

Bà Limin Zhou, đại diện của Phật học hội Pháp Luân Đại Pháp Canada, đã được mời tham dự cuộc họp báo. Sau khi nghe công bố về sự ra mắt của Văn phòng Tự do Tôn giáo, bà nói: “Cuộc bức hại của ĐCSTQ, việc bắt giữ các học viên Pháp Luân Công và tội ác mổ cướp nội tạng sống của ĐCSTQ đang diễn ra. Chính phủ Canada và toàn xã hội rất lo ngại về những tội ác này. Hôm nay, Thủ tướng đã đề cập đến việc các học viên Pháp Luân Công đang bị bức hại. Tôi hy vọng rằng nó sẽ có một tác động tích cực trong việc ngăn chặn cuộc bức hại.”

Bà Xue Sheng, Chủ tịch Liên đoàn Vì một Trung Quốc dân chủ, cũng đã tham dự cuộc họp báo. Bà nói: “Ở Trung Quốc, cuộc bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ là một cuộc bức hại tín ngưỡng điển hình nhất. ĐCSTQ cũng bức hại những tín đồ Cơ đốc giáo ngầm, các Phật tử Tây Tạng và những nhóm người khác. Trong một quốc gia không có dân chủ, bất kỳ tư tưởng hay tín ngưỡng nào khác với chính quyền sẽ bị bức hại hoặc đàn áp.”

Bà Xue Sheng lưu ý rằng rất nhiều người, có thể từ hơn 100 nhóm tín ngưỡng, đã tham dự cuộc họp báo và đây là một sức mạnh to lớn. Tin tức về cuộc họp sẽ được lan truyền tới những khu vực không có dân chủ, bao gồm cả Trung Quốc. Bà nói: “Đây là một khích lệ lớn cho những người của các tôn giáo và tín ngưỡng, đồng thời là một cảnh báo cho các chính quyền đang bức hại tự do tôn giáo.”


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2013/2/21/加拿大成立宗教自由办公室总理关注法轮功人权-270273.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2013/2/24/138242.html

Đăng ngày 7-3-2013. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share