Bài viết của một đệ tử Pháp Luân Đại Pháp ở tỉnh Hắc Long Giang

[MINH HUỆ 18-11-2012]

“Thời còn đi học, tôi học tiếng Nga. Con gái của tôi nói rằng tôi là người mù tiếng Anh. Tôi thậm chí còn không biết 26 chữ cái trong bảng chữ cái. Tôi cũng không nhớ được nhiều chữ phiên âm trong tiếng Trung. Đánh máy là thách thức lớn nhất đối với tôi.

“Cuối năm ngoái, các học viên địa phương bắt đầu khuyến khích các học viên chưa từng viết bài chia sẻ viết lại những trải nghiệm của họ về cuộc bức hại. Các học viên đã từng viết bài được khuyến khích cung cấp thông tin mới nhất. Mặc dù tôi đã 65 tuổi và mới chỉ học hết lớp bảy, tôi đã cầm bút lên và học cách viết. Cho đến nay tôi đã có trên 20 bài viết được đăng trên trang web Minh Huệ.”

–Tác giả

Kể từ khi công bố ấn phẩm “Vạch trần tà ác đang diễn ra cho người dân địa phương” vào năm 2003, ngày càng nhiều học viên ở Trung Quốc nhận ra rằng vạch trần cuộc bức hại và vạch trần tà ác là điều cần phải làm và phải làm cho tốt. Tuy nhiên, nhiều học viên vẫn chưa viết về những trải nghiệm của họ khi bị bức hại vì nhiều lý do khác nhau.

Vạn sự khởi đầu nan

Tôi là một nữ học viên 65 tuổi và mới chỉ học hết lớp bảy. Trước đây tôi chưa từng viết bài chia sẻ. Khi tôi đi làm, công việc của tôi không yêu cầu phải viết lách. Vào một ngày đầu năm nay, có một đồng tu hỏi tôi: “Tại sao cô chưa viết bất kỳ bài chia sẻ nào để vạch trần cuộc bức hại?” Tôi trả lời: “Tôi cũng không biết tại sao nữa. Tôi chưa từng viết bất cứ thứ gì trước đây.” Cô ấy nói: “Tôi sẽ đưa cô đến một nơi mà cô có thể học [cách viết].” Khi chúng tôi đến đó, tôi thấy có một nhóm đồng tu trẻ là những người trí thức. Ở đó chỉ có mình tôi tóc đã bạc. Tôi cảm thấy không được thoải mái và muốn đi về. Nhưng người học viên kia liên tục nói với tôi là tôi có thể làm được. Tôi nói với cô ấy: “Dạy cho tôi sẽ chỉ như nước đổ lá khoai thôi.”

Một học viên đã dạy cho chúng tôi những quy tắc cơ bản để viết một bài chia sẻ, và tất cả chúng tôi đã viết bài vạch trần cuộc bức hại. Sau đó, tôi được đưa 02 tạp chí Minh Huệ để đọc và học tập cách viết của họ. Một bài trong số đó là “Làm thế nào để viết phóng sự vạch trần cuộc bức hại” và một bài khác là “Viết bản tin tốt hơn để cứu được nhiều người hơn”. Tôi trở về nhà đọc cả hai bài trên một cách cẩn thận và thấy tràn đầy cảm hứng. Tôi nhớ đến một bài viết trên Minh huệ có tựa đề “Từ cuốc xẻng đến con chuột máy tính”. Nó đã giúp cho rất nhiều học viên học cách sử dụng máy tính. Khi đó tôi cũng học cách sử dụng máy tính, và con gái của tôi không còn gọi tôi là mù máy tính nữa. Học bất cứ thứ gì cũng là cả một quá trình.

Trong một thời gian dài, tôi tin rằng chỉ có những học viên có học vấn cao mới viết bài cho Minh Huệ. Tôi đã đọc rất nhiều bài viết trên Minh Huệ, nhưng chưa bao giờ nghĩ đến việc tự viết bất cứ thứ gì. Tôi hướng nội để xem điều gì đã cản trở mình. Tuổi già và học vấn kém chỉ là lý do để bào chữa. Đằng sau những bào chữa đó là sự ích kỷ và mong muốn đạt được, những quan niệm người thường xấu xa nhất mà tôi cần loại bỏ. Bên cạnh đó, vạch trần cuộc bức hại có thể giúp ngăn chặn tà ác và cứu người. Đó là những gì Sư phụ muốn. Đó là một công việc thiêng liêng.

Khi ngộ được điều này, tôi bắt đầu với câu chuyện của chính mình. Tôi biết rõ những gì tôi đã phải chịu đựng. Tôi liệt kê một danh sách dài và đưa nó cho một đồng tu và nhờ cô ấy xem lại giúp tôi. Cô ấy cẩn thận sửa bản nháp của tôi, ghi chú rõ nơi nào cần đặt câu mở đầu, nơi nào cần tách các đoạn văn và sử dụng phụ đề, nơi nào cần thêm các chi tiết, nơi nào nên bỏ qua các chi tiết, và bổ sung thêm cả các thiệt hại về kinh tế và tinh thần mà các thành viên trong gia đình của tôi phải gánh chịu. Tôi mang bản thảo của mình về, sửa đổi, bổ sung thêm thông tin và viết lại nó cho mạch lạc, và sau đó đưa nó cho một học viên khác đánh máy và gửi đi. Một vài ngày sau, nó được đăng trên Minh Huệ. Tôi cảm thấy được khích lệ rất nhiều. Các học viên quanh tôi cũng vậy. Tôi biết rằng đây là kết quả của việc phối hợp chỉnh thể.

Đệ tử Đại Pháp không sợ khó khăn

Các học viên lớn tuổi ở Trung Quốc thường có học vấn thấp, rất nhiều người vẫn chưa chia sẻ trải nghiệm của họ về cuộc bức hại. Sau khi học được một số kỹ năng viết cơ bản, tôi bắt đầu giúp các học viên trong vùng của mình viết hoặc đóng góp các bài viết để vạch trần cuộc bức hại.

Bài viết của tôi thường dài khoảng 05 tới 06 trang. Sau khi có một vài chỉnh sửa nhỏ, nó trở nên lộn xộn và cần được viết lại. Sau đó, tôi lại có nhiều thay đổi hơn và cần viết lại nó. Thường thì tôi phải viết đi viết lại đến 3, 4 lần trước khi gửi. Vì tôi sợ chữ viết và những chỉnh sửa của mình khó đọc, nên tôi luôn viết lại nó một cách gọn gàng trước khi đưa nó cho người đánh máy. Nhưng ai có thể đánh máy giúp tôi? Tôi thấy rằng các bạn đồng tu của mình đều rất bận rộn. Tôi không thể chất thêm gánh nặng công việc lên họ, vì vậy tôi đã nhờ gia đình mình giúp đỡ. Tôi nhờ họ lưu bài viết vào USB và sau đó tôi đưa nó cho các đồng tu để nhờ họ kiểm tra và gửi cho Minh Huệ. Tuy nhiên, con gái tôi đi làm rất bận và cháu còn phải giúp con trai mình làm bài tập về nhà. Thường thì cháu phải mất vài ngày để đánh máy một bài viết. Cả cháu gái và cháu trai của tôi cũng giúp tôi đánh máy các bài viết. Mặc dù điều đó giúp giảm bớt gánh nặng cho các bạn đồng tu, nhưng tôi không thể mãi dựa vào gia đình mình như vậy.

Sau đó không lâu, con gái của tôi nói với tôi về một chương trình phần mềm dành cho máy tính bảng có thể nhận dạng được chữ viết tay. Cháu đã mua phần mềm và máy tính bảng cho tôi. Tôi không hề biết có thứ như vậy! Vấn đề lớn nhất của tôi đã được giải quyết. Một vấn đề khác nữa của tôi là không nhớ cách viết các ký tự Trung Quốc cũng đã được giải quyết với một ứng dụng từ điển. Bằng cách này, tôi có thể tự chuyển các bài mà mình viết vào USB và đưa chúng cho các bạn đồng tu kiểm tra và gửi chúng cho Minh Huệ.

Sau khi một số bài viết của tôi được đăng trên Minh Huệ, một vài đồng tu đã đưa cho tôi một số địa chỉ hoặc một vài số điện thoại và yêu cầu tôi “phỏng vấn” các đồng tu mà tôi không hề quen biết. Tôi được yêu cầu giúp họ biên tập lại các bài viết vạch trần bức hại. Một số đồng tu này sống khá xa nơi tôi ở, và tôi phải đi xe buýt đến gặp họ. Đôi khi tôi phải đi lại nhiều lần khi phát hiện ra những chi tiết không rõ ràng hoặc các thông tin không chính xác. Khi viết xong một bài viết, tôi thường mang nó đến cho đồng tu đó và đọc lại cho họ nghe, sau đó chỉnh sửa lại cho đến khi các thông tin đều chính xác. Cuối cùng, tôi gửi bài viết cho các đồng tu khác để họ kiểm tra lần nữa và gửi bài cho Minh Huệ.

Khi tôi nghe nói rằng có một học viên đã rời khỏi nhà để tránh bị bức hại gần đây đã quay trở về, hoặc một học viên lớn tuổi từ một vùng nông thôn đang ghé thăm, tôi sẽ đến gặp người đó, trao đổi thể ngộ về Pháp, và giúp người đó viết bài để vạch trần cuộc bức hại. Miễn là người đó không bận tâm về kỹ năng viết còn non nớt của tôi, tôi rất vui lòng giúp đỡ. Tôi cảm thất rất vinh hạnh khi được giúp các bạn đồng tu.

Mỗi tuần, tôi dành năm ngày rưỡi để học Pháp nhóm. Gia đình tôi có bốn người, và tất cả những người còn lại đều đi làm hoặc đi học. Tôi quán xuyến mọi việc nhà, bao gồm: đi chợ, nấu nướng, và giặt giũ. Trong ngày, tôi thường phải đi phỏng vấn ở rất xa. Buổi tối khi các cháu đã đi ngủ, tôi ngồi viết trong màn đêm tĩnh mịch, thường là rất muộn vào ban đêm. Do không được học hành nhiều, nên việc viết lách đối với tôi cũng không hề đơn giản chút nào. Tôi không hề phóng đại khi nói rằng tôi phải vật lộn để tìm từng từ thích hợp cho bài viết. Khi phỏng vấn mọi người và biên tập lại các bài viết, tôi đã khóc rất nhiều cho những gì mà các bạn đồng tu của mình phải chịu đựng. Tôi cũng tự hào về chính niệm chính hành của họ. Một số đồng tu gần đây đã không tinh tấn trong tu luyện của họ, vì vậy khi họ nhớ lại việc họ đã đi đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công như thế nào trong những ngày đầu của cuộc bức hại, họ đã khóc. Họ đã tìm thấy quyết tâm tu luyện trở lại. Tôi cũng được tịnh hoá bản thể và nâng cao tầng thứ tu luyện của mình trong quá trình này. Khi Minh Huệ đăng các bài viết của tôi, tôi nhờ các bạn đồng tu in chúng ra, và sau đó, tôi  mang các bài viết này tới cho các đồng tu và chia vui cùng họ.

Trông tôi không có vẻ gì là bị già đi khi phải thức khuya. Trái lại, rất nhiều học viên đã ngạc nhiên khi thấy tóc của tôi chuyển sang màu đen và trông tôi trẻ hơn. Tôi chỉ bỏ ra chút nỗ lực này. Sư phụ đã khuyến khích tôi rất nhiều. Không lời nào có thể bày tỏ được lòng biết ơn của tôi đối với Ngài. Tôi chỉ có thể tu luyện tinh tấn để báo đáp hồng ân của Sư phụ.

Tiến lên phía trước trên con đường thành Thần

Cho đến nay, tôi đã giúp hơn 20 học viên viết bài chia sẻ hoặc biên tập lại các bài viết vạch trần cuộc bức hại. Các bài viết của họ đều đã được đăng trên Minh Huệ Net. Tôi đã từng lo rằng với kỹ năng viết non nớt của mình, tôi không thể mô tả chính xác việc các bạn đồng tu đã bị bức hại như thế nào cũng như các hành động và chính niệm của họ. Tôi đã xin ý kiến của những người viết tốt. May mắn thay, có các học viên có kỹ năng viết tốt đã xem lại các bài viết của tôi, và Ban biên tập Minh Huệ cũng kiểm tra chúng, nên không xuất hiện sai sót.

Quá trình viết cũng là quá trình nâng cao tâm tính của tôi. Trong quá trình này, tôi đã loại bỏ được tâm sợ đau khổ, sợ khó khăn, sợ gây rắc rối cho các học viên khác. Tôi cũng học được rất nhiều từ những góp ý của các bạn đồng tu và các chỉnh sửa của Ban biên tập Minh Huệ. Tôi học được cách tóm tắt ý của bài viết trong một vài câu để đặt lên đầu trong phần giới thiệu. Tôi cũng học được cách đặt các thông tin quan trọng nhất ở phần đầu của bài viết và các thông tin ít quan trọng hơn ở phần sau, và tôi không chỉ học được cách viết ra một danh sách dài những ý tưởng mà còn học được cách viết chúng thành câu hoàn chỉnh. Ví dụ như: trong một bài viết tôi đã viết: “Với chiều cao 1,64m, cô ấy chỉ nặng trên 40 kg một chút và gầy như một que củi”. Biên tập viên đã xoá cụm từ “gầy như một que củi”. Cân nặng của cô ấy đã giải thích cho điều đó, vì thế việc thêm cụm từ “gầy như một que củi” cũng giống như việc gắn thêm cho con rắn một đôi chân. Nó cũng cho thấy rằng bài viết của chúng ta không cần những từ hoa mỹ.

Bây giờ tôi có một chiếc máy in mini và có thể in các bài viết đã được chỉnh sửa của mình cũng như những tài liệu giảng chân tướng khác. Tôi cũng học được cách tự gửi bài cho Minh Huệ Net, vì vậy trên cơ bản tôi đã có thể hoạt động độc lập.

Hơn nữa, tôi cố gắng tự tay viết một bài viết mà không nói về cuộc bức hại. Một học viên, người đã quay trở lại con đường tu luyện, đã làm rất tốt việc giảng thanh chân tướng và khuyên mọi người thoái ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của nó. Tôi thấy đề tài này rất hữu ích, vì vậy tôi đã phỏng vấn học viên này và viết một bài viết có tựa đề “Sư phụ, con đã trở về”. Ban biên tập Minh Huệ đã chỉnh lại tựa đề là “Sư phụ, con đã thật sự trở về”, như thế nó chính xác hơn và trở nên xúc động hơn. Có rất nhiều chỉnh sửa, và thậm chí có một số từ được thay đổi, nhưng kết quả tốt hơn rất nhiều.

Cuối cùng, tôi hy vọng rằng ví dụ của mình sẽ là nguồn cảm hứng cho nhiều học viên để họ cầm cây bút Thần lên và học cách viết, và không chỉ dựa dẫm vào các học viên [là những người] trí thức. Chúng ta hãy viết xuống những trải nghiệm của mình cũng như những trải nghiệm của các học viên xung quanh chúng ta và gửi chúng cho Minh Huệ Net. Bằng cách ấy, chúng ta có thể trợ Sư Chính Pháp và cứu độ chúng sinh. Việc đó cũng hỗ trợ cho trang web của chính chúng ta và giúp chúng ta duy trì môi trường tu luyện này để mọi người có thể so sánh việc học và tu luyện với nhau và cùng nhau tinh tấn. Nó cũng giúp chúng ta khai sáng con đường chứng thực Pháp của chính mình. Nhân đây, tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành tới tất cả các học viên đã giúp đỡ mình.

Xin vui lòng chỉ ra bất cứ điều gì không phù hợp. Hợp thập.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2012/11/18/明慧法会–拿起神笔-学写文章-265192.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2013/1/16/137130.html

Đăng ngày 2-3-2013. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share