Bài viết của Trịnh Húc Quân, một học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đại lục

[MINH HUỆ 19-07-2012] Sau khi đọc bài về việc học viên Vương Hải Huy bị tra tấn ở Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia (“Chi tiết về bức hại của ông Vương Hải Huy tại Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia”, Phần 1 và 2, đăng trên trang web Minh Huệ tiếng Hán), tôi đã đau buồn trong vài ngày bởi những trải nghiệm của học viên đó đã khiến tôi nhớ lại những bức hại mà tôi đã trải qua. Dù miêu tả ở các bài báo đó chỉ là một phần nhỏ trong những gì xảy ra ở các trại này, nhưng quy mô những hành vi đồi bại của họ thì thật khủng khiếp, và cuộc bức hại vẫn còn tiếp diễn. Sau khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu vào năm 1999, các  trại lao động cưỡng bức đã đóng vai trò lớn trong cuộc bức hại này. Hệ thống các trại lao động ngay lập tức đã nhận được khoản tài trợ khổng lồ từ chính phủ sau khi Giang Trạch Dân bắt đầu cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Hàng chục nghìn học viên đang bị bức hại ở các trại lao động trong cả nước. Tôi đã bị tra tấn và ngược đãi ở Trại lao động cưỡng bức Đoàn Hà ở Bắc Kinh và tại Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia trong bốn năm rưỡi.

Tội ác xảy ra ở Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia

Các trại lao động cưỡng bức đã lập ra những “phòng quản lý” đặc biệt, là nơi tiến hành những thủ đoạn tra tấn khủng khiếp nhất. Để che đậy hành vi của họ, những phòng quản lý đặc biệt ở Đội số 03 thuộc Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia nằm trong một căn phòng trước đây là nhà kho và ở một phòng đối diện với nhà kho. Cửa sổ ở mỗi phòng đều được dán giấy phản chiếu, để không ai có thể nhìn vào trong. Lúc đồ dùng được lấy ra khỏi nhà kho hàng ngày, lính canh sẽ trùm kín học viên lại, để các tù nhân khác không biết việc họ bị ngược đãi như thế nào. Sau khi đọc trường hợp của ông Vương Hải Huy, tôi biết những học viên khác đã trải qua điều gì. Ông Vương và tôi đã bị giam trong một nhóm, trước khi ông ấy bị đưa đến “phòng quản lý đặc biệt”. Ông Vương đã gây ấn tượng cho tôi vì ông là một người rất khiêm tốn và ít nói. Khi lần đầu ông đến trại, một lần ông đã khóc và nói rằng ông bị ép ký vào tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Ông cảm thấy ông đã làm Sư phụ Lý thất vọng.

Một ngày nọ, ông Vương đã lấy một miếng giẻ đến chỗ tấm bảng để xóa một số chữ ký của học viên Pháp Luân Công, những người bị ép phải từ bỏ Pháp Luân Công. Tù nhân Trần Tuyết đã ngăn ông lại. Sau đó ông Vương bị viên đội trưởng đưa đến phòng quản lý đặc biệt rồi bị ngược đãi trong thời gian dài, cho đến khi ông được thả. Tại thời điểm đó, đã có hơn 100 tên của học viên ở trên tấm bảng đó. Đó là nỗi ô nhục của học viên Pháp Luân Công tại Đội số 03. Đằng sau mỗi chữ ký là máu và nước mắt của họ. Giám thị đã lấy được những chữ ký này bằng cách tra tấn học viên bằng giường kéo căng, dùi cui có điện thế cao, đánh đập và những cách thức tàn bạo khác.

Bức hại các học viên nữ ở Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia cũng được báo cáo rộng rãi, nhiều trường hợp ngược đãi đã bị phơi bày. Cũng bởi đội giam các học viên nữ được thành lập khá sớm, đa phần các học viên nữ đều bị đưa đến từ tỉnh Liêu Ninh. Có rất nhiều học viên nữ ở bên trong, và mức độ họ bị bức hại đã làm kinh hoàng cả thế giới. Sau này đội giam các học viên nam cũng được thành lập. Các học viên nam bị giam cầm tại nhiều trại lao động cưỡng bức trong toàn tỉnh. Đội số 03 của Mã Tam Gia là dành cho các học viên nam, được thành lập vào cuối tháng 09 năm 2008. Vào ngày 20 tháng 10 năm 2008, tôi bị chuyển từ Đội số 06 đến Đội số 03. Trại lao động đã mua nhiều dùi cui điện có hiệu điện thế 800.000 volt và dựng hàng rào kẽm gai ở trên tường sau khi lập đội quản lý đặc biệt ở Đội số 03.

Từ khi đội quản lý đặc biệt được thành lập, gần 100 học viên Pháp Luân Công từ các trại lao động cưỡng bức ở Cẩm Châu, Phủ Thuận, An Sơn ở tỉnh Liêu Ninh đã bị chuyển đến đây. Họ đều bị người ở Phòng 610 tống giam để bảo đảm “an ninh Thế Vận Hội”. Mỉa mai thay, Phòng 610 quận Xương Bình tại Bắc Kinh đã nói với tôi trong lúc tôi bị giam tại một trại tẩy não rằng “Pháp Luân Công làm mất uy tín của Thế Vận Hội Bắc Kinh và muốn biến những chiếc vòng của Thế Vận Hội thành những cái còng.” Tôi đáp lại: “Chúng tôi muốn nói những gì các ông đang làm thực sự biến năm cái vòng thành những cái còng.” Theo công an ở Phòng chỉ huy lao động cưỡng bức Bắc Kinh, chỉ tiêu bắt giữ cho “an ninh Thế Vận Hội” là 250.000 học viên.

Mô phỏng lại cảnh tra tấn: Sốc dùi cui điện

Để khuyến khích giám thị ở Đội quản lý đặc biệt, Phòng tư pháp cũng đặc biệt đặt chỉ tiêu hai cái chết cho Đội số 03. Điều đó có nghĩa là giám thị có thể tra tấn hai học viên đến chết mà không phải chịu trách nhiệm. Theo một đội trưởng (một phạm nhân hình sự), Vu Giang, đội trưởng đội quản lý đặc biệt, đã nói với họ trong một cuộc họp rằng họ chỉ được đánh các học viên Pháp Luân Công. Giám thị liên tục khuyến khích các đội trưởng đánh học viên. Họ được thông báo rằng nếu có gì xảy ra (ví dụ một học viên bị chết hoặc bị chấn thương), cấp trên sẽ chịu trách nhiệm và đội trưởng không phải chịu trách nhiệm. Giám thị tra tấn học viên một cách chậm rãi. Bạn có thể vẫn sống nhưng nó còn tồi tệ hơn chết. Tôi đã bị các giám thị dùng dùi cui điện đánh hai lần tại Đội số 03. Có bảy hay tám giám thị đã tham gia đánh tôi. Họ còng tay tôi và sau đó dẫm lên người tôi. Bốn hay năm giám thị đã chọc dùi cui có điện thế cao vào đầu, cổ và những bộ phận khác trên người tôi (ngoài vùng kín). Mỗi đợt tra tấn này kéo dài nửa tiếng. Học viên Tôn Thư Thầm cũng bị đánh cùng tôi. Ông ấy còn bị đánh nhiều lần hơn tôi, và thời gian họ đánh ông ấy cũng kéo dài hơn. Lần cuối khi họ đánh chúng tôi, lúc đó ông bị đánh đến mức tâm thần bất định. Lần đầu tiên khi học viên Lý Hải Long bị đưa đến Đội số 03, ông đã bị tra tấn bằng giường kéo căng trong năm tiếng. Điều này khiến ông sau đó không đi lại được, nhưng ông vẫn bị giam tại đội quản lý đặc biệt. Giám thị còn khuyến khích tù nhân Dương Anh Kế tiếp tục tra tấn ông, khiến cho tinh thần của ông Lý bị rối loạn. Lúc đó ông Lý khoảng 30 tuổi. Các học viên Thôi Đức Quân, Tôn Nghị, Thái Siêu, và Lâm Vĩnh Húc đã nhiều lần bị bất tỉnh do đòn tra tấn trên giường kéo căng.

Mô phỏng lại cảnh tra tấn: Giường kéo căng

Khi đội quản lý đặc biệt mới được thành lập, những phương pháp tra tấn được áp dụng thường là tra tấn bằng dùi cui điện thế cao, đánh đập, bắt đứng trong thời gian dài, và ngồi trên ghế nhỏ trong thời gian dài, nhưng không có giường kéo căng. Khi một nhóm học viên ở Phủ Thuận bị đưa đến Mã Tam Gia, họ đã hô lớn “Pháp Luân Đại Pháp hảo!” khi họ đến. Giám thị đã dùng dùi cui điện chích vào mặt các học viên, khiến cho khuôn mặt của hai học viên Triệu Liên Khải và La Độn bị bỏng. Những vết sẹo này vẫn hiện hữu khi học viên được thả. Nhằm che giấu sự tàn bạo của giám thị, họ đã quyết định dùng giường kéo căng, có thể khiến cho nạn nhân bị tàn phế hoặc tử vong mà không xuất hiện chấn thương rõ ràng. Sau đó, bất cứ học viên nào mới đến, ai cự tuyệt ký tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công cũng bị tra tấn trên giường kéo căng.

Lúc đầu, Đội số 03 đã mời “giáo viên” ở trại nữ Mã Tam Gia đến dạy các lớp hướng dẫn gây tai tiếng cho Pháp Luân Công. Nhưng giám thị ở trại nam cho rằng những chỉ dẫn của giáo viên là không khả thi, vì thế họ đã không mời giáo viên nữa. Tại trại, giám thị chủ yếu dùng vũ lực bắt các học viên nam từ bỏ niềm tin của họ. Nếu bạn từ chối ký vào tuyên bố, họ sẽ dùng đòn tra tấn, như đánh đập bằng dùi cui điện, giường kéo căng, và đánh cho đến khi bạn không chịu nổi và phải từ bỏ. Vu Giang, đội trưởng đội quản lý đặc biệt, có lần đã nói rằng không học viên Pháp Luân Công nào ở Đội số 03 sẵn lòng từ bỏ niềm tin của họ. Tất cả các đòn tra tấn chỉ là cơ hội cho những kẻ bức hại nhận được phần thưởng từ cấp trên. Miễn là học viên ký vào tuyên bố, giám thị sẽ báo cáo lên cấp trên rằng người đó đã từ bỏ tín ngưỡng và giám thị sẽ nhận được tiền thưởng hơn 1.000 nhân dân tệ.

Giám thị ở trại lao động đều biết các học viên là những người tối, nhưng họ nói rằng Đảng Cộng sản cho họ tiền, vì thế họ đàn áp Pháp Luân Công cho Đảng. Họ tin rằng ĐCSTQ còn tồn tại ít nhất năm năm nữa. Vài giám thị còn nói rằng họ sẽ tập Pháp Luân Công nếu ai đó cho họ 1.000 nhân dân tệ một năm. Viên chức Tô Cự Phong nói: “Ở xã hội này thì không có ai làm không công cho ai bao giờ. Chỉ có học viên Pháp Luân Công là hy sinh cho sự thật và tín ngưỡng của họ.”

Ngày 04 tháng 06 năm 2008, tôi bị đưa từ Trại lao động cưỡng bức Đoàn Hà đến Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia. Trong vài tháng đầu, họ bắt chúng tôi lao động nặng nhọc 14 tiếng một ngày, bảy ngày một tuần để hoàn thành chỉ tiêu. Đội trưởng Lưu Chấn Kiệt nói: “Làm việc nặng nhọc là lao động”. Thức ăn ở Mã Tam Gia thật tồi tệ. Đồ ăn chủ yếu là ngô, là loại thường dùng làm thức ăn cho động vật. Còn rau là canh rau, vì thế nên nhiều tù nhân bị bệnh dạ dày, nhưng họ lại phải tự trả tiền thuốc, bao gồm  viện phí. Các tù nhân bình thường nói rằng hai năm làm việc ở trại lao động đã lấy đi của họ nhiều thứ, đến mức nhiều người không thể có một cuộc sống bình thường sau khi rời khỏi trại, và nhiều tù nhân mãn hạn giam cầm vẫn tiếp tục phạm tội. Kết quả là, nhiều người bị đưa đến trại lao động cưỡng bức lần thứ hai. Thậm chí ở đây còn có những người bị đưa trở lại trại chín lần.

Tôi đã có lần hỏi người quản lý Phòng lao động cưỡng bức khi bà ta đến Đội số 03: “Chẳng phải là có những điều khoản quy định “giáo dục, thử thách, cứu giúp” tù nhân, và thậm chí còn xác định những quyền của tù nhân sao? Tại sao các tù nhân lại bị đối xử tệ bạc như vậy?” Người quản lý nói: “Nếu ông đối xử với tù nhân tốt, thì anh ta sẽ lại phạm tội sau khi ra ngoài. Nếu ông nghiêm khắc trừng phạt người đó, thì anh ta sẽ không dám phạm tội bởi vì kết cục của anh ta là quay lại trại lao động.” Bà ta được thuyết phục rằng bạo lực có thể thay đổi cách suy nghĩ của con người. Tôi đã bị sốc. Lính canh ở Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia thường hay đánh tù nhân. Họ thích tát vào mặt tù nhân. Bạn thường nghe thấy âm thanh đó tại phân xưởng. Đội trưởng Tần Lợi có lần nói với tôi: “Phải mất nhiều thời gian để lý luận với một tù nhân. Tôi thường tát anh ta để tiết kiệm thời gian, và nó mang lại hiệu quả. Anh ta sẽ thay đổi và ghi nhớ điều đó.” Hầu hết giám thị đều thích đánh người. Tất nhiên, họ biết điều đó là phi pháp. Lý Mãnh, một giám thị ở Đội số 03 là người thích đánh người nhất. Một lần anh ta đã đánh đội trưởng phạm nhân, Trương Bác (một phạm nhân thông thường), khiến cho mắt kính của ông ấy rơi xuống, mặt ông ấy sưng tấy với miệng thì chảy máu. Giám thị thường đánh các phạm nhân để tống tiền họ. Các học viên Pháp Luân Công thường bị đánh bởi nhiều lý do. Giám thị cũng xúi giục các phạm nhân thường đánh học viên. Có lần một đội trưởng phạm nhân đã trả tiền cho Vu Giang để giảm án cho anh ta. Vu Giang nói với anh ta rằng thế vẫn chưa đủ, anh ta cần phối hợp với việc tra tấn học viên.

Giám thị ở trại lao động luôn sẵn sàng đánh học viên. Có lần một giám thị đã đánh đập tàn nhẫn học viên Tôn Nghị ở phân xưởng. Ông Tôn hô lên: “Giám thị đang đánh tôi! Giám thị đang đánh tôi!” Giám thị vẫn tiếp tục và nói “Hét nữa đi, Không ai ở bên ngoài bức tường cao này có thể nghe thấy đâu.” Không chỉ vậy, miễn là đội trưởng đồng ý, đội trưởng phạm nhân cũng có thể đánh các phạm nhân thông thường. Có lần ở căng tin Đội số 02, đội trưởng phạm nhân Hình Quân liên tục đánh tù nhân Đường Minh Tinh ngã xuống đất. Ông ta không dừng đến khi ông Đường gần chết, mặt ông Đường chảy đầy máu. Có khoảng 20 phạm nhân thuộc ba đội đứng ở đó, nhưng không có ai bước ra ngăn lại. Hàng trăm tù nhân đã chứng kiến điều đó. Đội trưởng phạm nhân đánh những người khác thường là vì tiền. Bất cứ tù nhân nào đưa 1.000 nhân dân tệ cho quản giáo thì đều có thể trở thành một đội trưởng phạm nhân trong một năm hoặc hơn. Công việc quản lý tù nhân hàng ngày thường được điều phối bởi đội trưởng phạm nhân. Vì thế người này luôn đòi hỏi quyền lợi từ các tù nhân khác. Một đội trưởng phạm nhân ép các tù nhân đưa tiền nhiều hơn số tiền 1.000 nhân dân tệ ông ta đưa cho nhóm trưởng. Lần đầu tiên khi tôi đến trại lao động, tôi liên tục tố giác với quản giáo rằng đội trưởng phạm nhân đang đánh các tù nhân và hy vọng ông ta sẽ chấm dứt bạo lực để bảo vệ lẽ phải và quyền lợi của tù nhân. Nhưng vị quản giáo nói: “Nếu tôi hạn chế đội trưởng phạm nhân, anh ta sẽ không được tiếng là cứng rắn và không thể quản lý các tù nhân khác. Chúng tôi không có đủ giám thị ở trại lao động cưỡng bức này. Tù nhân phải được quản lý bởi đội trưởng phạm nhân. Vì thế quản giáo cũng phải bảo vệ danh tiếng của đội trưởng phạm nhân.”

Các quản giáo kiếm tiền thông qua việc giảm án hay bán chức đội trưởng phạm nhân. Thời hạn giảm án thường là một năm. Tôi nhớ vào năm 2009, chỉ có một số ít tù nhân ở Đội số 03 muốn giảm án. Quản giáo Vu Giang thường tự tìm tù nhân để nói chuyện. Một số đội trưởng phạm nhân không có tiền, vì thế họ không có khả năng làm án giam của họ giảm xuống. Vu Giang thường mắng mỏ các đội trưởng phạm nhân vì nhiều lý do khác nhau. Một đội trưởng phạm nhân đã nói đùa rằng Vu Giang thường mắng mỏ mọi người trong khi ngủ mơ. Có thông tin rằng một quản giáo có thể kiếm ít nhất 200.000 nhân dân tệ một năm từ những tù nhân của “ông ta”

(Còn tiếp)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2012/7/19/中共劳教制度的罪恶(上)-260403.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2012/8/12/134906.html

Đăng ngày: 24-09-2012. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share