Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Hoa Kỳ
[MINH HUỆ 08-02-2025] Một số người được biết đến nhờ hành vi chính trực và việc làm tốt của họ, tuy nhiên, họ có thể không tự biết mà truy cầu sự báo đáp hoặc tán dương. Có những người lại âm thầm và kiên trì làm việc tốt, và chỉ những ai nhận được lợi ích thì mới biết. Nhóm người sau được cho là có “Âm đức”–một phẩm chất hiếm có được đánh giá cao trong văn hoá truyền thống Trung Quốc.
Âm đức quý giá vì nó tiết lộ bản chất thật của một người và khiến xã hội tốt đẹp hơn. Mặc dù người có âm đức âm thầm hành thiện, không cầu danh cầu lợi, trời cao chắc chắn sẽ ban phúc cho người ấy, như có sức khoẻ, sự thịnh vượng và sự bảo hộ.
Một bài học từ lịch sử
Vào thời nhà Thanh ở Trung Quốc, có một người đàn ông sinh sống tại Châu Bình (nay thuộc tỉnh Sơn Đông) nổi danh vì sự rộng lượng và thường giúp đỡ người khác. Cách làng của ông chừng 10 dặm (5km) có một cây liễu cổ thụ lớn ở bên đường, tỏa bóng mát cho người qua đường nghỉ chân.
Một ngày hè nóng bức, khi đang từ nơi khác trở về nhà, Tô trông thấy cây liễu và ngồi nghỉ ngơi một lát và thầm cảm ơn cây liễu vì bóng mát. Lát sau, có một người đàn ông mù đi đến và cũng ngồi dưới tán cây. Người đàn ông mù lẩm bẩm: “Cái cây này thật là tốt, giúp ích cho bao người qua đường. Mình biết xem bói, để mình xem vận mệnh của nó thế nào nào.”
Xem xong, người đàn ông mù thở dài và lắc đầu: “Thật đáng tiếc – cái cây này sắp chết rồi. Tiếc quá!” Sau khi ngồi nghỉ thêm một lát, ông ấy đứng dậy và chậm rãi rời đi.
Lúc ấy Tô không để tâm đến lời của người đàn ông mù. Nhưng không lâu sau, có vài người cầm rìu và cưa kéo đến. Một người trong số họ nói với Tô: “Chúng tôi sẽ chặt cái cây này.”
Tô hỏi: “Sao các anh lại chặt nó? Không có cái cây này thì những người qua đường như tôi đây có thể tìm bóng mát ở đâu chứ?” Người đàn ông kia nói họ không còn lựa chọn nào khác vì chủ nhân của cái cây này đã bán nó.
Tô liền đề nghị: “Nếu tôi trả cho các anh số tiền bằng với giá mua cái cây đó, thậm chí trả tăng thêm một ít nữa, thì liệu các anh có thể để nó lại, để nó tiếp tục giúp đỡ người qua đường không?”
Người đàn ông đó đồng ý. Sau khi hoàn tất việc thanh toán vào ngày hôm sau, nhóm người đó rời đi.
Nhớ đến lời tiên đoán của người đàn ông mù, Tô cảm thấy hiếu kỳ và vội đuổi theo ông ta. Tô hỏi: “Thưa ông, lúc nãy tôi nghe thấy ông nói về vận mệnh của cây liễu kia. Ông nghĩ số mệnh của nó có thể thay đổi được không?”
Người đàn ông mù đáp: “Sẽ có người mua cái cây đó. Tuy nhiên, gặp được người như thế khó lắm!”
Tô nói mình chính là người đã mua cây đó, rồi hỏi về tương lai của mình. Người đàn ông mù đáp: “Không cần nói về tương lai của cậu đâu, bởi hôm nay cậu sẽ gặp một tai hoạ hiếm có. Tuy nhiên, âm đức mà cậu có được khi cứu cái cây kia có thể sẽ giúp ích cho cậu. Nhưng nhớ là, chỉ khi cậu nhẫn được điều mà người bình thường không thể nhẫn được, cậu mới có thể tránh được tai hoạ này.”
Nghe vậy, Tô tức tốc về nhà. Vừa về tới nhà, Tô liền thấy vợ mình đang nằm ngủ cạnh một thanh niên trẻ tuổi. Cơn giận bùng lên, Tô vồ lấy con dao toan giết họ. Nhưng đúng tíc tắc đó, Tô chợt nhớ đến lời căn dặn của người đàn ông mù và cơn tức giận dịu đi.
Tô lay vợ dậy và hỏi: “Này! Nàng đang ngủ cùng ai vậy?”
Cô vợ đáp: “Chàng nghĩ ai nằm ngủ trên giường này được?”
Tô nói: “Chỉ có ta hoặc con gái chúng ta”.
Cô vợ nói: “Chàng đã biết câu trả lời, vậy sao còn hỏi thiếp?”
Tô nhìn kỹ hơn, quả đúng như vậy, người đó chính là con gái của họ. Tô thở phào nhẹ nhõm, mỉm cười và hỏi: “Có chuyện gì xảy ra vậy?”
Vợ Tô đáp: “Hôm nay là sinh nhật của thiếp. Vì chúng ta không có con trai, nên con gái đã cải trai thành con trai để làm thiếp vui lòng”.
Lúc này, Tô đã hiểu ra mọi chuyện. Lòng tốt của anh ta không chỉ cứu cái cây kia mà còn cứu cả gia đình anh ta. Nếu không có lời cảnh báo của người đàn ông mù kia, có thể Tô đã gây ra một sai lầm không thể cứu vãn–tự tay sát hại chính vợ và con gái mình.
Chỉ những gì trong tâm mới là thật
Tôi muốn chia sẻ câu chuyện này vì một số người làm việc tốt là để được tuyên dương hoặc khen thưởng, trong khi những người như Tô làm việc tốt đơn thuần chỉ vì họ là người lương thiện và biết suy nghĩ cho người khác. Mặc dù cả hai kiểu người này đều làm việc tốt, nhưng dưới con mắt của Thần thì sự khác biệt đó rõ nét như ngày và đêm, đồng thời, sự khác biệt đó phản ánh rõ trong vận mệnh của họ.
Sau vài thập kỷ bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tẩy não một cách có hệ thống, nhiều người dân Trung Quốc không còn tin vào Thần Phật nữa. Để đạt được mục đích, họ có thể làm những việc trái với lương tâm và cố ý hãm hại người khác. Họ không biết rằng họ sẽ phải chịu trách nhiệm cho mọi việc mà mình đã làm, bất kể là tốt hay xấu.
Đạo lý này cũng áp dụng cho người tu luyện. Nhiều học viên Pháp Luân Đại Pháp rất chân thành và khiêm tốn. Họ hiếm khi bàn luận chuyện gì – thay vào đó, họ chiểu theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn mỗi khi đối mặt với thử thách và liên tục hướng nội để hoàn thiện bản thân.
Mặt khác, một số người lại có xu hướng tự quảng bá bản thân và truy cầu danh tiếng và lợi ích cá nhân. Kiểu người thứ nhất biết ơn Pháp Luân Đại Pháp vì có được cơ hội để tu luyện, trong khi kiểu người thứ hai có thể sinh ra tâm oán hận và phàn nàn. Trên bề mặt, tất cả họ đều là học viên, nhưng cách họ tu luyện lại khác nhau một trời một vực.
Minh Huệ Net từng đăng bài viết có tiêu đề “Kim Phật” vào năm 2003 và bài viết nhận được sự bình chú của Sư phụ Lý, Nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp. Bài viết này thường nhắc nhở tôi phải luôn suy ngẫm về việc tu luyện của mình: “Liệu tôi có bất kỳ động cơ nào ẩn giấu trong khi làm các việc không? Liệu tôi có phải là một học viên Pháp Luân Đại Pháp chân chính không?
Bài chia sẻ lý tính giữa những người tu luyện thường chỉ phản ánh nhận thức của cá nhân trong trạng thái tu luyện tại thời điểm viết bài, thiện ý giao lưu trên tinh thần cùng nhau đề cao.
Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2025/2/8/490503.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/2/12/225454.html
Đăng ngày 06-03-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.