Bài viết của học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 05-12-2024] Trước kia, tôi luôn cho rằng mình không chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ), cũng không có tâm tật đố. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, tôi bắt đầu có mâu thuẫn với các đồng tu và ngày càng gay gắt hơn. Sau khi không ngừng hướng nội, tôi nhận ra nguyên nhân gốc rễ của những vấn đề này đều bắt nguồn từ văn hóa đảng.

Bởi vì từ bé đến lớn, tôi bị bao bọc trong văn hóa đảng. Tôi không chú trọng lễ nghi, cũng không hiểu văn hóa truyền thống là gì, trong tư tưởng đều là những thứ của văn hóa đảng, cho nên hành vi của tôi đương nhiên cũng đều là biểu hiện của văn hóa đảng.

Ví như khi giúp mọi người thoái ĐCSTQ, tôi thường khoe với các đồng tu: “Hôm nay tôi đã khuyên thoái được cho mấy chục người”, hoặc: “Hôm qua tôi đã giúp được mấy chục người thoái Đảng đấy”. Thấy các đồng tu dường như không muốn nghe, tôi đã không ngộ ra, mà còn nghĩ: “Giúp được nhiều người thoái Đảng chẳng phải sẽ tốt hơn sao? Sao đồng tu lại không thích nghe nhỉ?” Có đồng tu còn chỉ ra tôi có tâm hiển thị. Tôi thấy mình đầu óc đơn giản, có chuyện gì liền nói ra, thoái được bao nhiêu đều là nhờ lòng từ bi của Sư phụ, tôi có gì mà phải hiển thị chứ?

Thông qua việc học Pháp, tôi nhận ra mình đã không suy xét đến cảm nhận của người khác. Một số đồng tu không thường xuyên làm việc thứ ba, không khuyên được nhiều người tam thoái, vậy mà tôi suốt ngày khoe khoang bản thân làm tốt thế nào, vô tình đã tạo áp lực cho họ. Hành vi này của tôi bộc lộ tâm tự cao, tự ngã mạnh mẽ — tôi muốn nổi bật và được tán dương, đó chính là thể hiện của văn hóa đảng.

Nhận ra tâm hiển thị

Nếu thực sự biết đó là Sư phụ làm, tại sao tôi còn khoe khoang thành tích của bản thân? Đây chẳng phải là biểu hiện của việc chứng thực bản thân, tâm hiển thị cộng thêm tâm hoan hỷ sao? Những chấp trước này đã hình thành một cách tự nhiên rồi, đến nỗi tôi không nhận ra chúng. Đồng thời ở tôi còn tồn tại vấn đề tu khẩu. Một sự việc đã phơi bày ra biết bao nhiêu nhân tâm, chấp trước của tôi!

Ban đầu, khi đồng tu chỉ ra tôi có tâm hiển thị, tôi còn không thừa nhận, nghĩ mình không có chấp trước ấy. Mãi đến khi Sư phụ để một đồng tu biểu hiện cho tôi thấy, tôi mới minh bạch. Đồng tu ấy khoe rằng anh ấy có thể đọc được cỡ chữ nhỏ nhất trên màn hình điện thoại, tôi mặc dù ngoài miệng không nói gì, nhưng trong tâm có chút khó chịu, không muốn nghe và nghĩ anh ấy đang khoe khoang. Tôi chợt ngộ ra mình cũng như thế.

Tôi liền hướng nội, và thấy những lời nói của mình phản ánh tâm hiển thị—bất kể đó là về việc giúp được bao nhiêu người thoái Đảng, học thuộc được bao nhiêu đoạn Pháp, hoặc bất cứ thứ gì tôi đạt được. Tôi tự hỏi: “Những lời mình nói liệu có thực sự mang lại lợi ích cho người khác không?” Khi giảng chân tướng còn phải cân nhắc đến khả năng lĩnh hội của đối phương, vậy tại sao tôi lại không để ý đến cảm giác của các đồng tu khác? Tôi chỉ tập trung nói về thành tích của mình, đây cũng là một loại biểu hiện của tự ngã.

Thực ra, chúng ta cần cân nhắc liệu mỗi lời chúng ta nói ra có ích cho người khác hay không, không chỉ với người thường, mà với đồng tu cũng vậy. Tu khẩu không chỉ là về lời nói, mà còn cần phù hợp với tâm tính của chúng ta.

Trước khi tu luyện, từ thuở nhỏ cho đến lúc trưởng thành, tôi thường cảm thấy nhiều người xung quanh dường như tật đố với tôi, tôi cũng không hiểu tại sao. Một hôm, tôi đọc một bài chia sẻ, tác giả viết rằng trái ngược với ‘đại trí nhược ngu’ là phô trương bản thân. Tôi nhận ra đó chính là hình ảnh chân thực về bản thân tôi.

Bởi vì thiếu hiểu biết về văn hóa truyền thống và không biết khiêm nhường, tôi thường khoe điểm mạnh của mình. Tôi làm người khác cảm thấy khó chịu, rồi tôi lại nảy sinh mâu thuẫn với họ. Bức hại của tà ác không quật ngã được tôi, nhưng mâu thuẫn với các đồng tu thật sự khiến tôi khắc cốt ghi tâm. Thực ra là trường không gian của bản thân không được thanh tịnh, cho nên mới xuất hiện mâu thuẫn. Tôi nhận ra vấn đề này bắt nguồn từ ảnh hưởng của văn hóa đảng. Giờ đây, cuối cùng tôi đã tìm ra căn nguyên là văn hóa đảng.

Trong mâu thuẫn đến oan tâm thấu cốt, tôi dần dần nhận ra chấp trước của bản thân. Vì lớn lên trong hoàn cảnh thuận lợi, tôi đã quen với việc nghe lời tán dương. Ngay cả khi ở trong trại tạm giam, các đồng tu khác luôn tán dương sự bình tĩnh và chính niệm của tôi. Vậy nên, khi đột nhiên bị đồng tu khác chỉ trích, tôi rất khó chấp nhận.

Tôi nhận ra mình thích nghe những lời hay ý đẹp. Tôi để ý đến việc đúng sai trên bề mặt và không thích bị hiểu nhầm. Tuy nhiên, bản thân việc dựa vào đúng sai trên bề mặt đã là sai rồi. Là người tu luyện, chúng ta nên tập trung vào việc đề cao tâm tính, bất kể mọi việc trên bề mặt diễn ra như thế nào.

Tôi cũng ngộ ra nếu không có những mâu thuẫn trong gia đình hay ngoài xã hội, tôi không thể thực sự đề cao được. Mâu thuẫn giữa các đồng tu cũng là giúp nhau đề cao tâm tính, tiêu trừ nghiệp lực, thực ra đều là chuyện tốt. Tất cả ma nạn chúng ta gặp phải đều là cơ hội được Sư phụ an bài kỹ lưỡng để phơi bày các chấp trước cần tu bỏ. Nếu tôi không thể buông bỏ chấp trước, thì chính là không làm theo lời dạy và sự chỉ dẫn của Sư phụ.

Tôi đột nhiên minh bạch ra chuyện dù tốt hay xấu đều là chuyện tốt. Sau khi ngộ ra điều này, tôi cảm thấy như trút được gánh nặng trên vai. Tôi vô cùng biết ơn sự giúp đỡ của các đồng tu, và tôi cảm thấy cân bằng và bình tĩnh hơn.

Biểu hiện nổi trội nhất của văn hóa đảng là hận, hận một cách vô duyên vô cớ. Tôi luôn nghĩ mình tốt bụng và không bao giờ tranh cãi gay gắt với bất kỳ ai. Tuy nhiên, lòng hận thù mà ĐCSTQ gieo rắc đã ăn sâu trong tâm tôi.

Khoảng hơn 10 năm trước, có một đồng tu địa phương tôi tái hôn sau khi chồng cô ấy qua đời. Cô ấy biết tôi không đồng tình, nên không dám nói với tôi. Mỗi khi nhắc đến việc tái hôn của cô ấy, tôi lại cảm thấy khó chịu, và có những niệm đầu tiêu cực về cô ấy. Tôi không hiểu sao tôi lại bực mình như thế, và tôi biện minh là vì muốn tốt cho cô ấy; dù sao thì cô ấy cũng đã 50 tuổi rồi, việc tái hôn có ý nghĩa gì cơ chứ?

Tôi biết niệm đầu đó của mình không đúng, nên tôi cố gắng kìm nén cảm xúc. Hồi ấy tôi còn chưa hiểu văn hóa đảng là gì. Nhiều năm sau, khi tôi gặp lại cô ấy, cô ấy trông già đi đáng kể và không còn làm ba việc nữa. Tôi thực sự cảm thương cho cô ấy.

Tôi dần nhận ra rằng nhân tố hận của tà linh cộng sản đã ngăn cản tôi từ bi với cô ấy. Khi tôi nhận ra nó, nó đã biến mất. Kể từ đó không còn dấu vết nào của sự thù hận xuất hiện trong suy nghĩ của tôi nữa.

Văn hóa đảng còn biểu hiện ở sự sắc sảo, ngạo mạn, thiếu khiêm nhường, thích được chú ý, cao giọng, mồm năm miệng mười và nói không chừa đường lui. Tôi nhận ra mình vẫn còn bóng dáng của những thứ này, nhưng tôi quyết tâm dùng Pháp để quy chính từng tư từng niệm của bản thân và trừ bỏ hết thảy độc tố của văn hóa đảng trong tôi. Tôi cũng vô cùng biết ơn sự giúp đỡ vô tư của các đồng tu.

Bài chia sẻ lý tính giữa những người tu luyện thường chỉ phản ánh nhận thức của cá nhân trong trạng thái tu luyện tại thời điểm viết bài, thiện ý giao lưu trên tinh thần cùng nhau đề cao.

Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/12/5/485600.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/1/25/223839.html

Đăng ngày 04-03-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share