Đề nghị các đệ tử Đại Pháp đều đọc bài viết này.

Lý Hồng Chí
1 tháng Mười Một, 2003

*
*      *

[Minh Huệ] Mấy hôm trước trong một bài viết của bạn đồng tu, tựa đề “Lấy tâm thuần tịnh nhất để đối đãi với tu luyện Chính Pháp”, có một câu chuyện bàn về vấn đề tâm tu luyện có thuần tịnh hay không. Câu chuyện đó như sau.
Xưa có người làm nghề đồ tể, một hôm gặp hai người tu Phật trên đường sang Tây thiên gặp đức Phật. Họ khuyến khích người đồ tể kia cùng đi, nhưng người đồ tể nói: “Tôi nhơ bẩn quá, thật không xứng đáng. Thỉnh cầu hai vị mang trái tim của tôi đến gặp đức Phật” (thể hiện rằng người này tuy chức nghiệp xấu tệ, nhưng cái tâm đối với đức Phật là sùng kính và hướng thượng) nói rồi móc trái tim của mình ra đưa cho hai người kia (thể hiện rằng sự sùng kính và hướng thượng đối với đức Phật của cá nhân này quả không gợn chút vương vấn hay nghi ngờ gì cả). Thế rồi hai hành giả kia mang trái tim người đồ tể theo đến Tây phương. Khi gặp đức Phật, đức Phật trỏ một chiếc vạc lớn đầy nước đang sôi lên sùng sục, hỏi xem họ dám nhảy vào đó chăng. Hai người do dự, bèn nghĩ rằng thử bỏ trái tim của người đồ tể kia vào đó trước xem sao (thể hiện rằng hai vị này vẫn chưa hoàn toàn tin vào lời đức Phật, vẫn còn dùng cái tâm người thường để đo lường). Rồi họ bỏ trái tim người đồ tể vào đó, và trái tim đó hoá thành một kim Phật (ông Phật vàng) (đây là hình tượng thể hiện của cảnh giới chân thực nơi nội tâm người đồ tể kia). Hai người thấy vậy liền vội vã nhảy vào theo (thể hiện rằng hai người này ngộ tính rất sai kém, vẫn còn lưu giữ tư tưởng rằng những gì mắt thấy là đúng, hơn nữa họ phải nhìn thấy rằng mình sẽ được những điều tốt rồi mới nghe theo lời đức Phật dạy). Kết quả họ hoá thành hai chiếc quẩy rán (hình tượng thể hiện của cảnh giới chân thực nơi nội tâm của họ).

Trong một bài viết khác, tựa đề “Lúc trọng yếu cuối cùng chớ khởi tâm người thường”, bạn đồng tu cũng kể một chuyện ngắn.

Chuyện rằng xưa có hai người kia. Một người với bề ngoài thật đẹp đẽ (thể hiện rằng đã làm tốt nhiều sự việc, rất thành thành đạt, mọi người đều ngưỡng mộ). Nhưng sau khi chết đi, người ta mở bụng ra thì thấy trong toàn những thứ đồ hủ bại dơ dáy; thế nên gọi đó là “vàng ngọc ở ngoài, xú uế ở trong” (nội tâm bất hảo ấy được che đậy kỹ quá, chưa hề tịnh hoá đến cái bản chất bên trong). Còn người kia bề ngoài thật tầm thường, không có gì xuất chúng cả, rồi vì một chuyện nhỏ không giải được nên phải tự sát. Sau khi chết người ta mở bụng ra thấy vàng ngọc rực rỡ sáng loà. Cảm động và thương xót quá, rồi người ta gọi đó là “ngoài dẫu bình thường, trong tàng châu ngọc”, thật nuối tiếc cho bao công phu trước kia nay phí cả. Cá nhân ấy thực ra đã tu luyện rất tốt đẹp, tiếc thay anh ta không tự biết điều ấy, chỉ vì không qua nổi một chuyện nhỏ mà quyên sinh, để rồi bao công quả trước đây nay hoài phí.

Đọc xong hai chuyện trên, tôi thấy đó đúng là những lời nhắc nhở thật thâm thuý, có tác dụng trợ giúp rất tốt để bản thân mình cũng như mọi người có thể tu luyện tâm tính cho tốt hơn nữa và nên hiểu Pháp như thế nào cho đúng. Qua chuyện thứ nhất, tôi nghĩ thế này: người làm công tác Đại Pháp đến quên ăn quên ngủ trong thời gian dài, cũng không hề sánh nổi với người luôn luôn trong mọi thời khắc đều mang theo trạng thái mà một đệ tử Đại Pháp cần nên phải có; dẫu có đang đi thật tốt thật chính trên con đường của mình, thì cũng không nhất định rằng đã lập tức có ngay được nhận thức thanh tỉnh và thấu triệt.

Trong thời kỳ tu luyện cá nhân trước đây, có nhiều người “nổi danh” là các trạm trưởng, phụ đạo viên cũng như học viên lâu năm, kể cả một số học viên thường ở bên Sư phụ, cả trong ngoài nước; họ đã vì Đại Pháp mà làm rất nhiều công việc, rất có năng lực, tuy nhiên trong đó có một số vị vẫn còn tồn tại những vấn đề nổi cộm về tâm tính. Ví dụ, thường hay không học Pháp hoặc coi Pháp như là một nguồn tín tức (thông tin) có tính tri thức và lẫn lộn tâm hiếu kỳ, hay một thứ học thuật nghiên cứu, v.v.; chứ họ không lấy cái tâm của người tu luyện để học. Họ không thiện, hoặc những khái niệm quan cách cấp bực, v.v. còn rất nặng nề, hoặc những tâm như tâm ngạo mạn luôn cho rằng mình là đúng, tâm ích kỷ, tâm tật đố, tâm tranh đấu, tâm được mất v.v. còn rất mạnh. Dù sao, họ còn đang tu luyện, nên mới chưa bỏ được những thứ đồ tranh đấu nơi người thường như thế. Tuy nhiên, giữa các học viên hoặc trong phạm vi những người tu luyện, thì những thứ đồ mà họ nhận thức là “đẹp mã” ấy, nhiều khi chỉ là những biểu hiện nổi cộm [của các tâm chấp trước] mà họ không hề nhận ra [kể cả khi được chỉ rõ]. Vấn đề này cũng có trong các học viên không phải là người phụ trách; ví như ái mộ một số người thường nào đó, hay sùng bái mấy nhân vật “nổi tiếng” nơi người thường, mặt khác nó cũng làm gia tăng tâm bất thuần của họ. Nhưng vì họ không phải là người phụ trách, nên cũng không thấy điều ấy nghiêm trọng. Thực ra đó là phản ánh trong họ còn có cái tâm người thường [chấp trước] vào đẳng cấp. Bởi vì tu luyện Đại Pháp là vứt bỏ vỏ ngoài chỉ coi cái tâm của người ta, nên không hề coi xem đó là nhân vật nào danh tiếng ra sao.

Từ 20 tháng Bảy, 1999 bắt đầu cuộc bức hại đến nay, tất cả các trạm trưởng tại Trung Quốc, những người có “danh” ấy lập tức lâm vào cảnh chịu áp lực rất mạnh. Trong đó có một loạt nhiều người đã rớt xuống rất nhanh, có người đã triệt để đi ngược hẳn lại, có người rơi vào ma nạn trong thời gian rất dài. Vào thời đó hiện tượng này đã làm cho một bộ phận học viên trở nên nghi ngờ và chịu can nhiễu rất nhiều, đã làm tôi chấn động rất ghê gớm. Tôi nghĩ rằng: phần đông là do lúc bình thường họ [bận] làm công tác quá, không chú ý dành thì giờ học Pháp cho tốt, cái nền tảng tu luyện tâm tính không vững vàng. Do vậy mọi người cần thấy được bài học này, và học Pháp cho nhiều vào.

Học Pháp thời bấy giờ là học Pháp chủ yếu bảo đảm về số lượng, chứ chưa [hiểu rõ là] lấy chủ ý thức mạnh mẽ để học Pháp và học Pháp cùng tu tâm phải được liên hệ khăng khít với nhau vô cùng chặt chẽ. Cho nên nhiều vấn đề chưa giải được thông, không đạt đến trình độ mỗi ngày đều nhận ra cái mới trong Pháp lý. Nhiều khi học Pháp với can nhiễu mạnh mẽ. Sau này Sư phụ giảng Pháp về Chính Pháp càng ngày càng nhiều, tôi mới dần dần nhận thức ra chỗ thâm sâu trong vấn đề này. Thứ nhất, các bạn đồng tu này đã vô ý lấy nhiệt tình công tác của người thường, lấy năng lực công tác, lấy tinh thần hy sinh và các phương thức công tác của người thường rồi cùng với vai trò của mình trong tu luyện Đại Pháp hợp nhất lẫn lộn lại, họ không nhận ra rằng bản thân mình vẫn còn chấp trước căn bản. Đến khi đối mặt trước những mâu thuẫn vốn nảy sinh từ vấn đề trong tu luyện tâm tính của mình, thì đã không nhận ra rằng phải tu bản thân mình, mà trái lại đã theo thói quen tự cho mình một “đặc quyền” nào đó, chứ không hiểu rằng đó là vì chính mình đang tranh đoạt gì đó, đang cầu gì đó. Thứ hai, trong số này có một bộ phận nguyên lai là do cựu thế lực an bài, thậm chí có trường hợp là để đến đúng thời khắc then chốt liền khởi tác dụng phản diện, chứ không phải vì tâm tính của họ tốt hơn so với người khác nên mới làm những công tác đó. Tuy nhiên vì muốn cứu độ hết thảy chúng sinh, nên Sư phụ mới tương kế tựu kế, đã cải biến bản chất sự việc ngay từ trong những an bài kia, phá trừ an bài của cựu thế lực. Thứ ba, khi thực thi một số công việc trong khuôn khổ những người tu luyện, đã bị hấp thụ can nhiễu của tâm danh lợi, nên họ không chú ý thật khắt khe đặt vị trí của mình cho đúng, nên lại càng tăng cường tâm danh lợi, tâm tranh đấu, tâm tật đố hơn nữa, từ đó mà nảy sinh hàng loạt vấn đề mới trong tu luyện.

Như vậy đã qua bốn năm tu luyện trong Chính Pháp, các bạn đồng tu tại Trung Quốc hoàn toàn dựa vào hình thức “Đại Đạo vô hình” để thực thi công việc chứng thực Đại Pháp và cứu độ chúng sinh. Mỗi cá nhân đều có trách nhiệm với tu luyện và công tác Đại Pháp của bản thân mình, khi giúp đỡ nhau cùng tự giác phối hợp. Nói cách khác, mỗi cá nhân trên thực tế tu luyện trong Chính Pháp đều biến thành “người phụ trách” cả. Mặc dù có Phật Học Hội và các trạm phụ đạo ở ngoại quốc, cũng có rất nhiều phân mục tiểu tổ, xuất hiện rất nhiều người phụ trách mới; nhưng những thứ hữu hình ấy đều là để phù hợp theo hình thức của xã hội người thường, còn về tu luyện Đại Pháp một cách chân chính, thì mỗi một đệ tử Đại Pháp đều là đang “phụ trách” chính bản thân mình, có trách nhiệm với Sư phụ và Pháp, có trách nhiệm với chúng sinh. Trong quá trình ấy, tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta – những “người phụ trách” cũ và mới – đều nên lấy những sự việc trên làm bài học cho mình, đừng hấp thụ can nhiễu của tâm danh lợi, của người “nổi tiếng” nơi người thường, cũng như quan niệm đẳng cấp này khác; cũng đừng nghĩ vì mình đang bận công tác đại Pháp nên khẳng định rằng mình đang tu rồi. Chỉ khi nào từng thời từng khắc nhất nhất đặt Pháp tại tâm không ngừng đo lường bản thân, lấy tâm mà xét xem cần có trách nhiệm với Pháp, có trách nhiệm với chúng sinh, và có trách nhiệm với tu luyện tự thân như thế nào, thì khi ấy mỗi “người phụ trách” chúng ta mới có thể tiến bước thật tốt, thật chính.

Câu chuyện thứ hai làm tôi suy nghĩ. Người thường tự sát sẽ tạo thành tội nghiệp to lớn, [đó là tội sát nhân], gây nên hậu quả phức tạp. Nhưng người tu luyện mà tự sát, thì chính là tội sát Phật, hậu quả càng nghiêm trọng phức tạp phi thường. Trong chuyện tu luyện của đức Phật Milarepa có đoạn như sau.

Sau khi phải chịu muôn vàn thống khổ đủ loại cả về cả thể xác và tinh thần trong quá trình cầu Pháp của Milarepa, Ông cho rằng bản thân tội nghiệp của mình có lẽ quá to quá lớn, đời này không đắc chính Pháp được, và trong những cái khổ nhất Ông đã nghĩ đến tự sát. Ông tự nhủ: “Tội chướng của ta nặng quá, thượng sư và sư mẫu đều vì ta mà chịu bao thống khổ đến thế, đời này không thể tu Pháp đến đích được, chỉ còn nước tự sát mà thôi!”, rồi rút một con dao ra để tự sát (người Tây Tạng thường mang dao bên mình). Lúc ấy một vị Lạt-ma tên là Ngokpa, giữ cứng Ông lại, mắt tuôn lệ nói rằng: “… Không được thế! Không được thế! … các uẩn các giới các xứ của tự thân đều là Phật-đà; trước khi mệnh chung dẫu có hành chuyển thức Pháp (‘chuyển thức Pháp’ là một trong sáu chủng thành tựu Pháp, một phương tiện Mật Tông tu Tịnh Độ, Pháp này nếu thành tựu thì sẽ tự tại trong sinh tử), thì vẫn có tội sát Phật. Thế gian này không tội nào lớn hơn tội tự sát. Vậy trong hiển giáo có giảng: không có tội nào nặng hơn tội tự đoạn đứt sinh mệnh của mình. Ông phải suy xét cho kỹ. Vứt bỏ cái niệm đầu về tự sát ấy đi! …”

Ấy mới chỉ là tu luyện cá nhân, tình huống bản thân người tu luyện. Từ một giác độ khác mà xét, thì tu luyện trong Chính Pháp yêu cầu chúng ta dẫu ở đâu khi nào đều phải nghĩ đến người khác trước, tu thành đến Chính Giác ‘vô tư vô ngã’, ‘người trước ta sau’. Ngoài ra các đệ tử Đại Pháp còn có sứ mệnh lịch sử rất đặc thù, thử hỏi khi bản thân mình chịu ma nạn, khi bản thân mình chịu thống khổ, chúng ta có nghĩ đến những gì Sư phụ phải chịu đựng, cái khổ tâm Sư phụ, cũng như bao hy vọng từ chúng sinh hay không?

Cũng ngay trong bài đó của bạn đồng tu, có đoạn viết: “Khi bị bức hại, có nhiều đệ tử bị hại đến lang bạt không nhà không cửa, mất cả công tác. Theo người thường mà xét thì sự nghiệp cá nhân ấy đã tiêu vong, không còn gì để cất đầu lên nữa. Nhưng tại giác độ của người tu luyện và chư Thần mà xét, thì những người đó đang thực thi những việc thần thánh nhất, vĩ đại nhất là chứng thực Đại Pháp và cứu độ chúng sinh. Vào thời kỳ lịch sử cuối cùng vũ trụ Chính Pháp này, chúng ta nhất định không được khinh suất nảy sinh bất kể cái tâm nào của người thường, hoặc chỉ vì không thấy được thành quả tu luyện bản thân mình mà buông lơi tinh tấn, thậm chí bỏ cả tu luyện, rốt cuộc bị huỷ hoại tất cả chỉ trong chốc lát”.

Qua học Pháp tôi ngộ ra rằng còn có một tầng hàm nghĩa nữa. Chính là trên thực tế khi tu luyện trong Chính Pháp không hề có vấn đề chúng ta đang phải hy sinh điều chi cho Đại Pháp, hay chúng ta nguyện ý vì Đại Pháp mà làm gì đó, hay thực thi nhiều hay ít; mà là vấn đề chúng ta có thể nhận thức ra hàm nghĩa rộng lớn của Chính Pháp hay không, có biết trân quý và cung kính tiếp thu tương lai mà Sư phụ khai sáng cho chúng ta hay không. Không có Sư phụ thì không có Chính Pháp chân chính, không có Chính Pháp của Sư phụ, thì hết thảy các sinh mệnh trong cựu vũ trụ đều không có tương lai, Chính Pháp là từ bi vô lượng, cũng là thần thánh uy nghiêm vô cùng, Chính Pháp không thể bị lợi dụng bởi bất kể sinh mệnh nào, bởi bất kể cái tâm nào của người thường.

Trịnh Nham (Zheng Yan), một đệ tử Đại Pháp tại Mỹ Quốc
31-10-2003

***

Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2003/11/1/59854.html;
Bản tiếng Anh: https://www.clearwisdom.net/emh/articles/2003/11/2/41918.html.

Dịch và đăng ngày 1-11-2003; bản dịch có thể được chỉnh sửa trong tương lai để sát hơn với nguyên tác.

Share