Bài viết của Thanh Châu, một học viên Pháp Luân Đại Pháp
[MINH HUỆ 23-08-2024] Vài ngày trước Minh Huệ có đăng một bài chia sẻ có tiêu đề “Không chân chính tu luyện thực sự quá nguy hiểm”, trong đó tác giả có viết: “Trong những năm qua, các nhà tù và trại cưỡng bức lao động ở Trung Quốc rất coi trọng việc dùng những người có ‘trình độ học vấn cao’, ‘chuyên gia’ để cố gắng chuyển hóa các học viên. Nhiều học viên đã bị những ngụy biện của họ mê hoặc, bởi vì, sau khi bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tẩy não, người dân Trung Quốc, trong đó có nhiều học viên, đã hiểu lầm câu ngạn ngữ: “Vạn ban giai hạ phẩm, duy hữu độc thư cao” (Mọi thứ đều tầm thường, chỉ có đọc sách mới là cao quý), hâm mộ những ‘tài tử giai nhân’, ‘tinh anh trí thức’, cho rằng chỉ những ai đọc sách nhiều, có trình độ học vấn cao mới có thể “làm rạng rỡ tổ tông” và mới là những kẻ “thức thời”. Những quan niệm và cái tình con người này đã bị tà ác dùi vào sơ hở. Trong những người bị cựu thế lực khống chế đến mức thực hiện các hành vi phá hoại, tà ngộ, chủ động chuyển hóa, hay bị trại lao động lợi dụng để chuyển hóa các học viên khác, có rất nhiều “tinh anh”. Ở không gian khác, họ đều bị tà ác “tùy bệnh bốc thuốc””.
Đoạn lời này khiến tôi suy nghĩ, Sư phụ đã giảng cho chúng ta:
“Có danh tiếng không nhất định là có minh bạch”. (Bài giảng thứ tám, Chuyển Pháp Luân)
Thật vậy, có rất nhiều học viên bị “chuyển hóa” đã đi sang phía phản diện hoặc bị tà ngộ, trong con mắt người thường, họ đều là những nhân vật thuộc tầng lớp “tinh anh” của xã hội. Tại sao họ lại phản bội Đại Pháp và đi vào con đường không thể quay lại?. Suy ngẫm một chút, chúng ta có thể tìm ra nguyên nhân để tránh đi lệch đường.
Muốn sự khác biệt và hơn người
Có một cựu học viên bước ra làm phương tiện truyền thông cá nhân, cô ấy đã nói những điều tâng bốc để thu hút sự chú ý của người thường. Khi các học viên chỉ ra vấn đề cho cô ấy thì vì tâm oán hận, cô ấy đã công khai phản bác lại trang web Minh Huệ và các học viên khác để tự quảng bá bản thân hơn nữa. Thật không may, một số học viên lại rất quan tâm đến quan điểm của cô ấy và khuyến khích các học viên khác lắng nghe cô ấy, sự việc này diễn ra cho đến khi Sư phụ viết một bài kinh văn ngắn để cảnh báo chúng ta về hành vi như vậy.
Tôi tự hỏi liệu những học viên này có bao giờ thắc mắc tại sao họ lại quan tâm đến những gì cô ấy nói hơn các Pháp lý của Đại Pháp không? Có lẽ quan điểm của cô ấy phù hợp với chấp trước của họ đó là muốn sự khác biệt và hơn người. Tôi khuyến nghị những học viên này hãy loại bỏ hoàn toàn những quan điểm tiếp nhận từ cô ấy và tu bỏ những chấp trước đã dẫn họ đồng thuận với cô ấy, nếu không cựu thế lực sẽ có cớ để truy đuổi và hủy đi những học viên này.
Chấp trước vào bản ngã và quan niệm người thường
Khi gặp phải mâu thuẫn, cựu học viên này đã phản ứng để bảo vệ cảm xúc và bản ngã của mình và thậm chí còn chất vấn Sư phụ và phản bội Đại Pháp. Cô ấy tuyên bố trên mạng xã hội rằng bản thân đang hành động theo “lương tâm” và “bảo vệ giá trị phổ quát”. Những phát ngôn của cô ta trên mạng internet đã gây ra một làn sóng tấn công ác ý vào Sư phụ và Đại Pháp.
Cô ấy không phải là người duy nhất chấp trước vào năng lực hạn chế của bản thân và các vấn đề xã hội người thường. Một điểm chung của những người này là, mặc dù họ ở trong hàng ngũ các học viên nhưng tâm của họ lại không nằm trong Pháp. Họ chưa bao giờ thực sự tin vào Đại Pháp, và việc theo đuổi lợi ích tầm thường của họ vượt xa việc tu luyện. Họ thích nghĩ rằng họ khác với những người khác và coi việc tu luyện Đại Pháp giống như các phương pháp tu luyện thông thường khác, họ mang những kinh nghiệm học được trong cuộc sống người thường vào việc tu luyện Đại Pháp. Mọi quan niệm đều giống như một bức tường ngăn cách họ với Đại Pháp. Mặc dù họ học Pháp mỗi ngày, nhưng họ thường chú ý nhiều hơn đến một số phần của Pháp phù hợp với quan niệm của họ và không bao giờ thực sự thấy được nội hàm thâm sâu của Pháp.
Sư phụ đã sớm cảnh báo cho chúng ta:
“Chấp trước người thường quá mạnh không buông bỏ được thì có thể sang phía phản diện, những bài học giáo huấn trong lịch sử quá nhiều rồi, khi rớt xuống thì mới biết hối hận, nhưng đã muộn mất rồi”. (Không thể trộm Đại Pháp, Tinh Tấn Yếu Chỉ)
Theo đuổi danh vọng và lợi ích cá nhân
Có một học viên tốt nghiệp một trường đại học hàng đầu đã làm rất nhiều công việc để chứng thực Pháp nhưng không tu luyện vững chắc. Cô đã bị giam giữ sau khi cuộc đàn áp diễn ra và nhanh chóng từ bỏ đức tin của mình. Cô bắt đầu giúp lính canh tẩy não các học viên trong tù. Sau đó, cô đã đi theo Phật giáo và xuất bản nhiều sách và video Phật giáo để quảng bá.
Đây không phải là tu luyện, cho dù cô ấy khi còn trong hàng ngũ các học viên, trong tù hay trong Phật giáo, cô ấy luôn cố gắng thể hiện tài năng của bản thân và trở thành người giỏi nhất. Các lính canh thường sử dụng hình ảnh của cô ấy để tẩy não và “chuyển hóa” các học viên trong tù vì họ giỏi ăn nói, nhanh trí, thông minh và có trình độ học vấn cao. Bất cứ nơi nào họ đến, họ dễ dàng làm mê hoặc những học viên học Pháp chưa sâu và có tâm sùng bái mạnh mẽ.
Không thể từ bỏ địa vị xã hội
Tôi biết một học viên lớn tuổi có địa vị xã hội cao đã từng tích cực tham gia quảng bá Pháp Luân Đại Pháp. Nhưng ông đã bị văn hóa đảng tẩy não trong một thời gian dài và nó đã ăn sâu vào ông. Sau khi cuộc đàn áp bắt đầu, ông đã gặp khó khăn trong việc cắt đứt quan hệ với ĐCSTQ và rất chấp trước vào địa vị của mình.
Khi Cửu Bình được công bố, ông đã rất sốc và cho rằng nó mang tính chính trị. Ông đã gặp khó khăn khi chấp nhận những gì Sư phụ giảng sau ngày 20 tháng 7 năm 1999 và tin rằng Thần Vận chỉ là “một đám trẻ con chạy nhảy, không phải tu luyện”. Cuối cùng, ông đã rời bỏ tu luyện và qua đời ngay sau đó.
Lời kết
Sư phụ giảng:
“Người đến học Pháp dẫu học vấn cao bao nhiêu, kinh doanh lớn ngần nào, quan chức hiển hách đến mấy, có kỹ năng đặc thù gì, tồn tại công năng nào, đều phải thực tu. Tu luyện là thù thắng và nghiêm túc, có thể vứt bỏ tâm người thường về đặc thù của chư vị hay không, đối với chư vị mà nói là một đại quan rất khó qua nhưng ắt phải vượt qua. Dẫu thế nào đi nữa, đã là một đệ tử thực tu thì nhất định phải buông bỏ chấp trước này, vì chư vị quyết không thể viên mãn khi không tống khứ tâm đó đi.” (Vứt bỏ tâm người thường và kiên trì thực tu, Tinh Tấn Yếu Chỉ)
Tôi kiến nghị những học viên có trình độ học vấn cao và tự coi mình là chuyên gia, có tri thức (tức là “tinh hoa”) hãy đọc lại bài viết của Sư phụ và buông bỏ quan niệm cảm thấy mình khác biệt và thoát khỏi tư tưởng người thường. Nếu không, sau khi tu luyện xong, chẳng phải vẫn là người thường sao? Nếu không cẩn thận, tâm chí rất dễ tự tâm sinh ma, nói ra những lời ma quỷ khiến những học viên khác lạc lối và phá hoại Pháp. Còn đối với những học viên khác, xin đừng để địa vị xã hội, trình độ học vấn hay tài hùng biện của một người nào đó chi phối bạn. Đại Pháp là tiêu chuẩn duy nhất để phân biệt đúng sai.
Xin hãy chỉ ra bất cứ điều gì không dựa trên Pháp.
Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/8/23/481087.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/9/1/219772.html
Đăng ngày 03-03-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.