Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Hoa Kỳ

[MINH HUỆ 16-12-2024]

Cách đây 19 năm, khi bộ phim Mật mã Da Vinci chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên được khởi chiếu, đã lập tức gặp phải sự phản đối gay gắt và lên án của nhiều tín đồ Cơ Đốc giáo, thậm chí các tín đồ đạo Hồi cũng xuống đường biểu tình. Chính vì lý do này mà hồi đó tôi đã xem bộ phim.

Một bộ phim có đề tài liên quan đến Cơ Đốc giáo, tại sao lại gây ra sự phản đối của những người theo đạo Cơ Đốc? Hơn nữa, nhiều quốc gia đã cấm chiếu bộ phim này. Xem xong tôi mới hiểu, thì ra bộ phim kể rằng Chúa Giê-su có vợ và có con, nhưng sự thật này đã bị che giấu.

Lại nói đến Phật Thích Ca Mâu Ni, Hoàng tử Tất Đạt Đa khi còn trẻ đã muốn xuất gia, tìm kiếm một phương pháp để thoát khỏi sinh lão bệnh tử. Nhưng vua cha và mẫu hậu lại muốn Ngài kết hôn, sinh con và kế vị ngai vàng. Để hoàn thành tâm nguyện của phụ vương cùng mẫu hậu, Ngài đã kết hôn, sinh con rồi mới xuất gia cầu Pháp. Sau quá trình khổ tu và đạt được khai ngộ, Ngài dẫn theo đồ đệ trở về cố hương, tiếp tục tu hành, đồng thời truyền Pháp độ nhân. Những người được Ngài giảng Pháp có cả gia quyến và thân tộc của Ngài. Từ góc độ này mà xét thì Phật Thích Ca Mâu Ni của Phật giáo nguyên thủy là có lưu lại huyết thống ở thế gian, chỉ là người nào một khi đã xuất gia thì sẽ từ bỏ lục căn nơi thế tục.

Đức mẹ Mary đã sinh ra Chúa Giê-su nhờ vào quyền năng của Thượng Đế. Khi Chúa Giê-su chào đời, trên trời xuất hiện những đám mây màu tím và có ba Thiên sứ từ phương Đông đến báo tin với thế gian rằng Chúa giáng lâm, hoàn toàn khác với người thường. Theo ghi chép của “Kinh Thánh”, Chúa Giê-su chưa kết hôn.

Còn trước khi đản sinh ra Phật Thích Ca Mâu Ni, mẹ của Ngài đã mơ thấy một con voi trắng. Ngay khi vừa mới chào đời, Đức Phật đã có thể bước đi và dưới mỗi bước chân của Ngài xuất hiện những đóa hoa sen, cũng hoàn toàn khác với người thường.

Trong suốt lịch sử, có những người đã bước vào tu luyện không phải vì họ muốn làm theo lời dạy của Thần, mà bởi vì họ bị thu hút bởi những điều thần kỳ và sức mạnh siêu nhiên. Ngoài ra, một số người lại làm ra những cái gọi là Thần tích để lừa gạt thế nhân, khiến các loại tà giáo làm loạn thế.

Mà lần này, khi Sư phụ Lý Hồng Chí, nhà sáng lập Đại Pháp, truyền Pháp độ nhân, Ngài được sinh ra trong một gia đình bình thường, có kết hôn và sinh con. Khi giới thiệu môn tu luyện ra công chúng, mặc dù Ngài đã triển hiện nhiều kỳ tích, nhưng ngay cả những người được thụ ích vẫn còn bán tín bán nghi, thậm chí vẫn không tin.

Cách thức truyền Pháp của Sư phụ Lý là không phá mê thế tục, vì vậy con người vẫn có thể tu luyện trong mê. Người tu luyện Đại Pháp cần ngộ ra những Pháp lý cao hơn dựa trên những bài giảng của Ngài, chứ không phải là những điều thần kỳ của công năng. Theo quan điểm của tôi, đây là một trong những sự khác biệt đáng kể nhất giữa Pháp Luân Đại Pháp và các tôn giáo khác.

Ngày nay, con người có xu hướng duy hộ nghi thức tôn giáo hơn là các giáo lý. Họ có thể lưu giữ hình ảnh của Chúa trong lòng mình, duy hộ các tổ chức tôn giáo hoặc cảm xúc cá nhân chứ không tuân thủ nghiêm ngặt các giáo lý trong tôn giáo đó. Họ quan niệm rằng những vị Thần hạ thế độ nhân phải như Phật Thích Ca Mâu Ni đi xin ăn nơi người thường hoặc như Chúa Jesus chuộc tội cho thế nhân để rồi bị đóng đinh trên cây thập tự.

Nhưng chúng ta quên mất rằng khi Thần đến nhân gian độ nhân, xuất hiện dưới hình tượng nào hoặc cách thức sinh hoạt tại nhân gian ra sao là do Thần hoặc Thần ở tầng cao hơn quyết định. Đó không phải là điều mà con người có thể định đoạt. Thần không phải chịu tội chịu khổ như con người – chỉ có con người đầy nghiệp lực mới phải trả nợ nghiệp, còn Thần thì không. Chúng ta không nên đòi hỏi điều gì từ Thần hoặc hỏi tại sao họ đã không làm mọi thứ cho chúng ta. Thần là từ bi và yêu thương, họ không nợ gì con người cả.

Kỳ thực, người tu luyện trong quá khứ không nhất thiết phải vào chùa hoặc lên núi mới đạt được viên mãn. Tu luyện còn có những phương thức khác. Khi Jesus, Lão Tử và Thích Ca Mâu Ni truyền Pháp, họ đều không lập ra tôn giáo, mà đều là thân giáo, ngôn truyền. Kinh sách là do người đời sau ghi chép lại dựa trên trí nhớ và hiểu biết cá nhân về những gì lĩnh hội được, rồi trải qua hàng nghìn năm lại được phiên dịch lại, vô tình hoặc hữu ý đã làm thay đổi hàm nghĩa, ý nghĩa của những lời giảng đó.

Còn đối với người tu luyện Đại Pháp hiện nay, Sư phụ Lý đã cho xuất bản cuốn Chuyển Pháp Luân, chúng ta chỉ cần chú trọng tu tâm tính dựa trên các bài giảng trong sách. Sẽ không xuất hiện vấn đề về sách bị thay đổi sang hình thức cụ thể nào khác.

Một sự khác biệt lớn giữa Pháp Luân Đại Pháp và các tôn giáo khác là các học viên Đại Pháp tu luyện trong xã hội người thường. Họ không xuất gia, không vào chùa, không lên núi, hay trở thành tăng hoặc ni cô.

Người tu luyện trong xã hội người thường gặp rất nhiều thách thức mà người tu trong chùa hay lên núi không phải đối diện: Chẳng hạn như người đó có thể bị mê lạc trong vô số các loại giáo lý, học thuyết lan truyền trong xã hội, và người đó cũng có thể chấp trước vào danh lợi, dục vọng rất khó buông bỏ. Với những người có thể vượt lên trong một môi trường đầy khó khăn như vậy, sự đề cao của họ là nhanh nhất, vững chắc nhất, điều mà nhiều người trong quá khứ không dám nghĩ đến.

Pháp Luân Đại Pháp mang đến cho chúng ta một phương thức tu luyện mới chưa từng có. Mọi người đều có thể dễ dàng có được cuốn Chuyển Pháp Luân và bước vào tu luyện. Nhưng chúng ta không thể tu luyện một cách hời hợt chỉ vì chúng ta đã đắc Pháp một cách dễ dàng. Chúng ta cần trân quý điều đó và thực sự đồng hóa bản thân với Pháp. Bằng cách này, cả xã hội đã trở thành “một ngôi chùa lớn” để chúng ta tu luyện, trực chỉ nhân tâm, đồng thời hoàn thành thệ ước ban đầu của đệ tử Đại Pháp thời kỳ Chính Pháp.

Trên đây là quan điểm cá nhân của tôi. Tôi xin chia sẻ điều này với những người có duyên tu luyện Pháp Luân Đại Pháp nhưng chưa hiểu rõ hình thức tu luyện của pháp môn này.

Bài chia sẻ lý tính giữa những người tu luyện thường chỉ phản ánh nhận thức của cá nhân trong trạng thái tu luyện tại thời điểm viết bài, thiện ý giao lưu trên tinh thần cùng nhau đề cao.

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/12/16/486154.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/1/1/223039.html

Đăng ngày 04-03-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share