Bài viết của một học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 25-06-2024] Sau khi đọc bài “Những em nhỏ có tâm nguyện giúp chấm dứt cuộc bức hại”, tôi thấy vô cùng thương tâm. Trong cuộc bức hại Pháp Luân Công suốt 25 năm qua, ngay cả người trưởng thành chúng ta cũng khó mà chịu đựng được áp lực đằng đẵng không dứt trong ngần ấy năm; Tôi không sao hình dung nổi bọn trẻ làm sao vượt qua được cú sốc tinh thần khi chứng kiến ba mẹ mình bị bức hại.

Tôi biết ba gia đình ở Trùng Khánh có con nhỏ, ba mẹ của các em đã nhiều lần bị bắt giữ và bị kết án tù. Hoàn cảnh của những đứa trẻ này cho chúng cái nhìn sơ bộ về sự tàn khốc của cuộc bức hại đối với các em nhỏ.

Khê Khê (溪溪)  Vượng Vượng (旺旺)

Anh Hà Tổ Bân (何祖彬) bị bắt vào tháng 12 năm 2000 và bị giam giữ trong một tháng vì phân phát tài liệu về Pháp Luân Công. Lúc đó, anh Hà 23 tuổi, còn vợ anh, cô Lã Thái Lợi (吕蔡利), đang mang thai chín tháng đứa con đầu lòng, bé Khê Khê. Khi Khê Khê còn chưa đầy một tuổi, anh Hà lại bị bắt lần nữa vào ngày 21 tháng 11 năm 2002, và bị giam vào trung tâm tẩy não địa phương trong mấy tháng.

Mặc dù anh Hà đã thoát khỏi một vụ bắt giữ khác vào tối ngày 8 tháng 1 năm 2003, vì treo biểu ngữ Pháp Luân Công, nhưng anh buộc phải sống xa nhà gần hai năm. Thời điểm ấy, cô Lã mang thai đứa con thứ hai. Khi con trai Vượng Vượng ra đời vào ngày 30 tháng 11 năm 2003, anh cũng không thể về nhà với vợ con. Vì phải một mình nuôi dạy hai con, nên tóc cô Lã đã bạc khi mới ngoài 30 tuổi.

Sau gần hai năm sống lang bạt, anh Hà bị bắt ở thành phố Toại Ninh, tỉnh Tứ Xuyên, vào ngày 29 tháng 11 năm 2004, và sau đó bị kết án 2,5 năm tù. Khi được thả vào năm 2007, cuối cùng anh đã được gặp bé Vượng Vượng lần đầu tiên lúc đó đã 3 tuổi.

Hai vợ chồng bị bắt vào ngày 19 tháng 4 năm 2015, khi Khê Khê học cấp hai và Vượng Vượng học tiểu học. Hai chị em phải tự chăm sóc nhau trong thời gian cha mẹ bị giam giữ. Các em phải đối mặt với sự sách nhiễu của cảnh sát ở trường khi có người phát hiện hai chị em cũng luyện Pháp Luân Công.

Sau đó, cô Lã được thả ra sau 37 ngày, còn anh Hà lại bị kết án 5 năm tù vào ngày 20 tháng 10 năm 2016. Cô Lã kinh doanh một nhà hàng nhỏ để lo cho gia đình trong khi vẫn tìm cách giải cứu chồng. Khê Khê hiểu mẹ em vất vả như thế nào, nên cố gắng học hành chăm chỉ và giúp mẹ chăm sóc em trai. Một hôm, Vượng Vượng mải chơi, không chịu làm bài tập về nhà. Khê Khê không biết phải làm gì với em trai. Đến tối, khi cô Lã về nhà, Khê Khê bật khóc trong vòng tay mẹ: “Con nhớ bố lắm! Vượng Vượng sẽ không như vậy nếu có bố ở nhà.”

Một năm sau anh Hà được thả, nhưng lại bị bắt một lần nữa cùng cô Lã vào tối ngày 18 tháng 6 năm 2021. Năm 2023, Quận Cửu Long Pha kết án anh Hà 8 năm tù và cô Lã 5 năm tù.

Lúc đó, Khê Khê đã tốt nghiệp trung học dạy nghề và đang đi làm. Vì cha mẹ phải thụ án dài hạn, Khê Khê đảm trách việc chăm sóc Vượng Vượng và trả khoản thế chấp của gia đình. Khê Khê luôn mong mỏi ngày bố mẹ được trả tự do về nhà.

Hinh Di (馨怡) và Thụy Thụy (瑞瑞)

Năm 2000, cô Kim Vũ (金雨) 27 tuổi, bị bắt, rồi được thả ra sau vài giờ vì đang mang thai con gái đầu lòng, bé Hinh Di. Nhưng vài tháng sau khi sinh bé Hinh Di xong, cô Kim buộc phải rời nhà để tránh bị cảnh sát bắt. Sau đó, mẹ của cô Kim, bà Tằng Hiến Phúc (曾宪福), cũng bị giam giữ vì tu luyện Pháp Luân Công. Bà xuất hiện các bệnh về tim và bị cao huyết áp vì bị tra tấn trong thời gian giam giữ và qua đời vào năm 2008.

Cô Kim lại bị bắt vào năm 2003 và 2005. Sau đó, cô sinh thêm con gái Thụy Thụy. Tuy nhiên, vì áp lực của cuộc bức hại, chồng cô đã ly dị cô, còn cô lãnh toàn bộ trách nhiệm nuôi con.

Trong lần bắt giữ thứ tư vào ngày 19 tháng 4 năm 2015, cô Kim bị cảnh sát cấm ngủ, còn bảo cô rằng một trong hai con gái của cô đang hấp hối và cô hãy hợp tác thì mới được về nhà sớm gặp con. Cô đã không rơi vào bẫy của cảnh sát và bị kết án 2 năm tù vào ngày 20 tháng 10 năm 2016.

Vào thời điểm cô Kim bị bắt vào năm 2015, Hinh Di đã học cấp hai và Thụy Thụy học tiểu học. Hinh Di nói với Thụy Thụy rằng mẹ đang đi công tác xa, còn Thụy Thụy thường hay khóc, hỏi vì sao mẹ lại để các em lại lâu thế.

Khi một người bạn của cô Kim đến thăm hai em, Hinh Di hỏi cô ấy có gặp mẹ của hai em ở trong trại tạm giam không và cai ngục có còng tay hay đánh mẹ của em không.

Hinh Di thích múa từ khi còn nhỏ, ước mơ của em là được tham gia vào Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun. Chương trình múa tại Học viện Nghệ thuật Phi Thiên (đối tác của Shen Yun nhằm mang đến cơ hội thực tập cho các diễn viên múa) đã nhận đơn đăng ký của em vào năm 2015, và Hinh Di đã đáp ứng tất cả điều kiện. Nhưng vì mẹ em đang bị bắt và bị kết án hai năm sau đó, em đành phải từ bỏ theo đuổi ước mơ trở thành diễn viên múa.

Chân Chân (真真) và Hùng Hùng (雄雄)

Ngày 19 tháng 4 năm 2015, anh Châu Dũng (朱勇), một công nhân xí nghiệp máy, bị bắt khi đang trò chuyện với con gái Chân Chân đang học tiểu học, và con trai 1 tuổi Hùng Hùng về việc đi chơi cùng ông bà nội. Cảnh sát đã đánh và bắt anh đi ngay trước mặt các con. Bố mẹ anh và bọn trẻ kinh hoàng khi chứng kiến anh bị đối xử tàn bạo thế nào.

Một năm sau, một người hàng xóm nói với mẹ của Hùng Hùng rằng cậu bé đã kể với cô: “Người xấu đã bắt bố của con đi rồi.” Mẹ của Hùng Hùng bị sốc khi nghe điều đó, vì cô chưa bao giờ giải thích cho Hùng Hùng về việc bố của cháu bị bắt, vì sợ điều đó sẽ làm em đau lòng.

Sau đó, khi một người bạn của anh Châu đến thăm gia đình, Hùng Hùng lại nói người xấu đã bắt bố em đi. Em cũng mô tả chi tiết cảnh bắt giữ, như bố em bị bắt theo hướng nào. Mẹ em bàng hoàng trước ký ức và nỗi đau mà con cô phải chịu đựng.

Anh Châu bị kết án 2 năm tù vào ngày 20 tháng 10 năm 2016. Khi Hùng Hùng chơi một mình, em thường tưởng tượng đang trò chuyện với bố qua điện thoại: “Con chào bố! Bố đang ở đâu đấy? Ồ, bố đang ở chỗ bà ạ? Mai bố về chưa ạ?” Sau khi “cúp máy”, em mỉm cười nhìn mẹ: “Mai bố sẽ về ạ.”

Lời kết

Ba gia đình này, cùng những trường hợp được đề cập trong loạt bài kể trên, chỉ là bề nổi của tảng băng chìm về những gì mà các em nhỏ phải chịu đựng trong cuộc bức hại Pháp Luân Công. Trong vô số các học viên bị nhắm đến trong 25 năm qua, con của họ đều ít nhiều bị ảnh hưởng. Một số em bị phân biệt đối xử ở trường, một số bị dọa đuổi khỏi trường hoặc bị trường đại học từ chối. Sau 25 năm, một số em nhỏ đã trưởng thành, thành những người trẻ tuổi. Các em phải chịu nỗi đau ngoài sức tưởng tượng, nỗi sợ hãi cũng như áp lực vẫn dai dẳng mỗi ngày bởi cuộc bức hại vẫn chưa kết thúc.

Tôi xin tuyên dương tất cả những học viên Pháp Luân Đại Pháp trẻ tuổi đã sát cánh bên cạnh nhũng học viên trưởng thành để nâng cao nhận thức về cuộc bức hại. Ý chí và sự dũng cảm của các em thật đáng khen ngợi và vô giá.

Bài viết liên quan:

失去幸福的童年 (Mất đi tuổi thơ hạnh phúc)

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/6/25/478961.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/7/3/218855.html

Đăng ngày 06-07-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share