Bài viết của Nhất Ngôn
[MINH HUỆ 03-03-2024] Một bài viết dài gần 16.000 từ có tựa đề “Hồi tưởng lại những năm tháng thống khổ khôn cùng ấy” đăng trên Minh Huệ gần đây đã vạch trần rất nhiều tội ác ở Nhà tù Lan Châu, tỉnh Cam Túc. Tác giả của bài viết là ông Lý Văn Minh, một học viên Pháp Luân Công bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) giam giữ 21,5 năm. Trong thời gian đó, ông đã chịu đủ loại hình thức tra tấn tàn khốc và bị xúc phạm nhân phẩm một cách phi nhân tính. Cuối cùng, dưới sự gia trì của Đại Pháp, với sự khích lệ từ những người thiện lương và ý chí kiên định của người tu luyện, vào tháng 8 năm 2021, ông đã bước ra khỏi oan ngục.
Trong 21 năm rưỡi bị giam cầm phi pháp, ông Lý Văn Minh đã bị đơn vị khai trừ công chức, nhà bị phá dỡ, đồ đạc trong nhà không cánh mà bay sạch, hiện phải thuê nhà ở ngoài. Vợ của ông, bà Tiêu Ngạn Hồng, cũng từng bị bức hại vì tu luyện Pháp Luân Công, và sau đó, dưới áp lực quá lớn, vợ ông buộc phải ly hôn với ông, một gia đình vốn hạnh phúc đã bị phá nát như thế. Lẽ ra ông Lý Văn Minh có thể lĩnh được 22 tháng trợ cấp thất nghiệp, nhưng Sở An sinh Xã hội Thành phố Lan Châu đã gây khó khăn đủ điều, từ chối nộp đơn, nên ông cũng không nhận được trợ cấp.
Nhiều trường hợp tử vong của học viên
Bài viết này đã đề cập đến nhiều trường hợp học viên bị bức hại đến chết ở Nhà tù Lan Châu.
Tháng 5 năm 2000, ông Diêu Bảo Vinh bị bức hại đến chết, sau đó, các cán bộ nhà tù cấm mọi hành vi tưởng niệm và lập tức đem thi thể ông đi hỏa táng.
Cuối tháng 1 năm 2001, sau khi đoạn video về vụ Tự thiêu dàn dựng trên Quảng trường Thiên An Môn được phát ở Trại Lao động Cưỡng bức Bình An Đài, ông Tiền Thế Quang, một học viên 60 tuổi, bị đánh đập dã man đến nỗi mặt bị biến dạng. Ông Tiền sau đó đã bị bức hại đến chết tại Trung tâm Tẩy não Cung Gia Loan.
Bài viết viết về học viên Tống Diên Chiêu: “Đồng tu Tống Diên Chiêu bị đánh đến nỗi mặt biến dạng, năm xương sườn bị gãy. Vậy mà mỗi ngày ra ngoài lao động, cảnh sát tà ác vẫn bắt anh phải kéo xe tải chở bốn, năm bệnh nhân ra tận ngoài đồng. Đại đội 5 trồng rau trong nhà kính, đến nhà kính, lính canh Bao Bình lệnh cho hai tù nhân treo tay Tống Diên Chiêu lên dây điện của nhà kính và đánh anh tàn độc. Khi chúng tôi nói Tống Diên Chiêu đang bị gãy xương sườn, cần phải đến bệnh viện kiểm tra, thì lại kích động cảnh sát Khang Sỹ Thành, Vương Văn Xương, Bao Bình và các cảnh sát tà ác khác bức hại anh càng tàn khốc hơn. Khang Sỹ Thành nói với Tống Diên Chiêu: Nghe nói xương sườn của mày bị gãy, lại đây, bọn tao chữa cho. Thế rồi, chúng quăng Tống Diên Chiêu xuống đất, dùng tay day siết vào chỗ bị gãy của Tống Diên Chiêu, khiến anh phải hét lên vì đau đớn.”
Sau khi ông Tống Diên Chiêu bị bức hại đến chết, một số cảnh sát nhà tù chỉ đơn giản là được điều chuyển sang đơn vị khác của nhà tù này mà không hề bị truy cứu trách nhiệm.
Ông Vương Hữu Giang cũng bị cựu đại đội trưởng Trương Hải Quân và cựu quản giáo Vương Quốc Thần ở Đại đội 5 bức hại dã man, khiến ông Vương bị đột quỵ, bị liệt bán thân, rồi qua đời.
Những trường hợp tử vong của tù nhân thông thường
Theo ông Lý Văn Minh, chỉ riêng năm 2020, “đã có hơn 20 tù nhân ở Nhà tù Lan Châu chết vì bệnh do không được điều trị. Trong vòng chưa đầy hai năm từ năm 2019 đến 2020, riêng Khu số 10 đã có ba người chết, trong đó hai người chết ở khu giam này, còn một người bị đưa sang Nhà tù Tân Kiều (“Bệnh viện Khang Thái”) chưa đầy một tuần thì chết. Họ coi mạng người như cỏ rác, vậy mà không ai quan tâm. Vương Tinh Vân bị “sỏi ống mật” không được chữa trị, rồi phải chết đau chết đớn. Cho đến ngày mất, anh vẫn phải đi làm cùng đại đội, phải nhờ hai người dìu đi, đến tối xong việc, anh mới được trở về phòng giam, rồi qua đời.”
“Hy Tinh Vũ bị ung thư dạ dày, không được điều trị, đến khi tế bào ung thư lan rộng, ông mới được đưa đến bệnh viện Khang Thái và qua đời trong vòng một tuần. Nhiễm Hồng Cử bị bệnh tim, lâu ngày không được điều trị, đến khi ông rơi vào tình trạng nguy kịch, họ mới cho đi khám ngoại trú, đưa đến bệnh viện “Khang Thái” để chuẩn bị “điều trị”, nhưng chưa kịp ra khỏi cổng nhà tù thì ông đã qua đời.”
Những trường hợp kể trên, dù không phải là học viên Pháp Luân Công, nhưng Nhà tù Lan Châu vẫn che đậy. “Nhà tù Lan Châu đã hình thành thông lệ độc ác nhằm lừa dối thế giới và đánh bóng tên tuổi là: khi người chết rồi, họ mới cắm kim truyền và đặt ống dưỡng khí vào để giả bộ là đã cấp cứu nhưng không thành công nên mới tử vong, hoặc là cắm ống truyền và đặt ống dưỡng khí cho người đã chết, rồi đưa vào ô tô, như thể đang được đưa đến bệnh viện “Khang Thái”, nhưng thực ra người ấy đã chết rồi.”
Những hình thức tra tấn tàn khốc mà tác giả Lý Văn Minh đã trải qua và chứng kiến, bài viết này sẽ không đề cập đến, chỉ nói riêng việc trực tiếp tạo hồ sơ án mạng như vậy cũng có thể làm giả được thì pháp luật nào còn nghiêm minh nữa? Thật vậy, không có cảnh sát, lính canh, hay tù nhân nào tham gia bức hại phải gánh chịu hậu quả.
Khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu vào năm 1999, trước khi bị tiết lộ, cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân vì để đạt mục tiêu “tiêu diệt Pháp Luân Công trong vòng ba tháng”, y đã nhiều lần hạ lệnh ra tay tàn độc với các học viên như: “Đánh chết cũng không phải chịu tội, đánh chết thì tính là tự sát“, “Giết chết cũng không việc gì”. Hiện, bản thân Giang Trạch Dân đã bị hạ vào địa ngục, nhưng lệnh của y cớ sao vẫn giữ nguyên hiệu lực ở Trung Quốc Đại lục? Điều này nói rõ một vấn đề, đó là vì việc thực thi chính sách này không phải là hiện tượng cá biệt, mà cũng không phải chỉ Pháp Luân Công mới bị ngược đãi như thế, chẳng qua Pháp Luân Công là bị nghiêm trọng nhất.
Với “kinh nghiệm thành công” trong việc giám sát tại nơi cư trú, tịch thu, đe dọa, giam giữ trong các trại lao động, trung tâm tẩy não, nhà tù, và tra tấn các học viên Pháp Luân Công, ĐCSTQ đã mở rộng việc áp dụng các biện pháp này cho các nhóm thiểu số khác, trong đó có người Duy Ngô Nhĩ và những người đi thỉnh nguyện đòi quyền lợi của mình.
Những trường hợp chưa được báo cáo
Tháng 9 năm 2023, The Paper, một tờ báo ở Thượng Hải, đưa tin về cái chết oan uổng xảy ra cách đây 10 năm. Người chết có tên Mã Long, quê ở Định Tây, tỉnh Cam Túc, chết tại Nhà tù Lan Châu vào ngày 26 tháng 3 năm 2013. Vào buổi chiều xảy ra vụ việc, bốn cảnh sát cai tù có liên quan đã báo cáo rằng Long ngã từ ghế băng xuống, vết thương không chữa trị nên mất mạng. Thi thể của Mã Long được đem đi hỏa táng vội, nhà tù bí mật giải quyết với gia đình bằng khoản bồi thường 60.000 nhân dân tệ.
The Paper cho biết, trong hơn 10 năm sau cái chết của Mã Long, các cựu tù nhân và lính canh thỉnh thoảng lại liên lạc với gia đình ông, nói rằng ông Mã đã bị đánh đến chết trong tù. Mặc dù gia đình đã đệ đơn kiện nhưng ban Nhà tù Lan Châu cho biết kết quả điều tra cho thấy đây chỉ là “cái chết tự nhiên”. Mãi đến năm 2023, khi viện kiểm sát tối cao ở nơi khác mở lại để điều tra lại vụ án này, bốn cai tù mới thừa nhận là đã đánh Mã Long bằng dùi cui cao su và dùi cui điện, sau đó lại không đưa ông đi “hồi sức” cho đến sau khi ông qua đời. Bản thỏa thuận bí mật giữa nhà tù và gia đình ông Mã để “khép lại” vụ án bằng cách hối lộ cho gia đình 60.000 nhân dân tệ cũng được công khai.
Tờ báo này là một kênh tuyên truyền của ĐCSTQ và do ĐCSTQ kiểm soát. Vậy nên cho dù câu chuyện nội bộ đằng sau cái chết của Mã Long được viết ra như thế nào, bất kể thông tin được công bố là sai hay đúng, bài báo này đã tiết lộ một số thông tin thực tế, điểm này là khẳng định.
Vụ Mã Long tử vong không phải là vụ án học viên Pháp Luân Công, nhưng cũng phải trải qua chục năm mới bị phơi bày ra thế giới. Thế nhưng, trong số ít nhất 5.000 học viên Pháp Luân Công đã được xác nhận là bị bức hại đến chết ở Trung Quốc đại lục trong 24 năm qua, chưa hề có một thủ phạm nào bị trừng phạt nghiêm minh theo quy định của pháp luật, và hầu như cũng không có kênh truyền thông bên thứ ba dám điều tra và vạch trần. Nguy cơ đạo đức và hiện tượng xã hội coi thường tính mạng tràn lan này không chỉ là tội ác của Nhà tù Lan Châu và các cơ sở giam giữ ở những nơi khác, nỗi bi ai của người dân Trung Quốc, cũng là nỗi đau của thế giới và nhân loại.
Cuộc bức hại Pháp Luân Công do Đảng Cộng sản Trung Quốc phát động đã kéo dài 24 năm. Đây là một chiến dịch diệt chủng hàng loạt, thông qua việc tuyên truyền cho ngụy án “tự thiêu Thiên An Môn” từ chính quyền trung ương đến ủy ban khu phố, từ các cơ quan chính phủ đến các trường tiểu học, trung học, đại học, từ doanh nghiệp đến bệnh viện, từ ủy ban chính trị pháp luật, đến tòa án, nhà tù, các lớp tẩy não đều chấp hành chính sách “bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính, hủy hoại thân thể” của Phòng 610 đối với các học viên Pháp Luân Công, khiến người Trung Quốc im lặng hoặc đổ thêm dầu vào lửa, hoặc kỳ thị, thù hằn, và những tác động tiêu cực khác đối với Pháp Luân Công.
Trung Quốc có câu cổ ngữ: “Cổng thành bốc hỏa, cá trong ao cũng vạ lây”. Trong tình hình dịch bệnh ba, bốn năm trở lại đây, mọi người đã dần nhận thức được dã tâm thống trị thế giới của ĐCSTQ: Sự xâm nhập toàn diện của ĐCSTQ ở nước ngoài, gồm cả việc xâm nhập và mua chuộc các chính khách Hoa Kỳ, nền kinh tế, giáo dục, và các viên chức quan trọng trong các ngành nghề của Hoa Kỳ. Sau hàng loạt hành động truy lùng của FBI gần đây, điều này đã dần dần lọt vào tầm mắt của công chúng; tuyên truyền bên ngoài của ĐCSTQ cường điệu “Một vành đai, một con đường” bề ngoài có vẻ hào nhoáng và thân tình, nhưng những ý định mờ ám và độc hại thực sự đằng sau nó không còn có thể che giấu được nữa; Những quan niệm tư tưởng và nhân phẩm đạo đức của lão phấn hồng, tiểu phấn hồng ở Trung Quốc ngày càng không còn xa lạ với cộng đồng quốc tế nữa. Tình trạng suy thoái kinh tế chung đang tạo cơ hội cho nhân loại lý trí dần lên, để nhận thức lại về Trung Cộng, nhận thức lại về thế giới.
Hy vọng những người có lương tâm ở Trung Quốc Đại lục và cộng đồng quốc tế có thể dũng cảm gạt bỏ những tuyên truyền dối trá mà ĐCSTQ nhồi nhét, và liễu giải chân tướng Pháp Luân Công một cách chính diện và lý tính, đồng thời giúp chấm dứt tội ác diệt chủng hiện đại bắt đầu từ năm 1999 này.
Mục sư người Đức Martin Niemöller (1892–1984) từng thể hiện sự tiếc nuối vì đã không làm gì hơn khi Đức Quốc xã xâm lược trong bài thơ có tựa đề “Ban đầu họ đến” (First They Came):
Ban đầu họ đến bắt những người theo chủ nghĩa xã hội, và tôi không lên tiếng—
Bởi tôi không phải là người theo chủ nghĩa xã hội.
Rồi họ đến bắt các đoàn viên công đoàn, và tôi không lên tiếng—
Bởi tôi không phải là đoàn viên công đoàn.
Rồi họ đến bắt người Do Thái, và tôi không lên tiếng—
Bởi tôi không phải là người Do Thái.
Sau đó họ đến tìm tôi—và chẳng còn ai để lên tiếng cho tôi.
Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/3/3/473821.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/3/20/216273.html
Đăng ngày 26-03-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.