Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc

[MINH HUỆ 20-03-2024]

Họ và tên: Hứa Kim Vinh (许金荣)
Giới tính: Nữ
Tuổi: 70
Thành phố: Lâm Thanh
Tỉnh: Sơn Đông
Nghề nghiệp: Nhân viên công ty vận tải về hưu
Ngày mất: Ngày 25 tháng 2 năm 2024
Ngày bị bắt giữ gần đây nhất: Ngày 29 tháng 11 năm 2019
Nơi bị giam giữ gần đây nhất: Phòng An ninh Nội địa Thành phố Lâm Thanh

Ngày 23 tháng 2 năm 2024, một người phụ nữ Thành phố Lâm Thanh, tỉnh Sơn Đông, bị chảy máu thân não nghiêm trọng. Bà rơi vào trạng thái hôn mê, và qua đời hai ngày sau, vào ngày 25 tháng 2. Sự ra đi của bà Hứa Kim Vinh kết thúc hai thập kỷ bị bức hại vì thực hành đức tin của bà, Pháp Luân Công, pháp môn bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc nhắm đến từ năm 1999.

Vì không từ bỏ đức tin, bà Hứa liên tục bị bắt và giam giữ phi pháp. Năm 2000, bà phải lãnh án ba năm lao động cưỡng bức. Mặc dù sống sót qua sự tra tấn tàn bạo, nhưng việc sách nhiễu liên tục trong nhiều năm khiến bà sống trong sợ hãi. Áp lực tinh thần ảnh hưởng đến sức khỏe của bà, cuối cùng dẫn đến cái chết của bà.

Tu luyện Pháp Luân Công

Bà Hứa sinh ngày 27 tháng 5 năm 1954. Bà từng làm việc cho Công ty Vận tải Thành phố Lâm Thanh trước khi về hưu. Trước khi tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 5 năm 1993, bà đã mắc nhiều bệnh khác nhau, bao gồm các bệnh về gan, lá lách, túi mật và dạ dày, cũng như mất ngủ trầm trọng. Để cải thiện sức khỏe, bà đã thử nhiều môn khí công khác nhau, nhưng không có tác dụng. Sau khi tu luyện Pháp Luân Công, bà rất hạnh phúc khi trở nên vô bệnh. Ngoài lợi ích về sức khỏe, các bài giảng của Pháp Luân Công cũng khiến bà thay đổi, từ một người bon chen thành một người an hòa, thiện lương và nghĩ cho người khác trước.

Hai lần bị giam giữ

Để ép bà Hứa từ bỏ Pháp Luân Công, công ty của bà đã bắt bà đến một khách sạn vào ngày 19 tháng 7 năm 1999, một ngày trước khi cuộc bức hại chính thức bắt đầu. Bà đã bị giam giữ ở đó trong sáu tháng, cho đến tận Tết Cổ truyền vào tháng 2 năm 2000. Cảnh sát địa phương cũng lục soát nhà bà và tịch thu các sách Pháp Luân Công.

Tháng 6 năm 2000, bà Hứa đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện. Bà bị bắt và đưa về Trại tạm giam địa phương. Bà tuyệt thực để phản đối cuộc bức hại, và được thả sau năm ngày, sau khi cảnh sát tống tiền bà 2.000 Nhân dân tệ.

Vài tuần sau, vào tháng 7 năm 2000, chồng bà Hứa bị ốm và phải nhập viện. Trong thời gian này, công ty của bà và cảnh sát địa phương bắt đầu theo dõi bà, và theo bà đến tận phòng bệnh của chồng bà. Sự giám sát nghiêm ngặt khiến chồng bà khó chịu, khiến quá trình hồi phục của ông bị chậm lại. Việc giám sát cuộc sống thường nhật của bà Hứa vẫn tiếp diễn sau khi chồng bà được xuất viện.

Ngoài việc giam giữ và giám sát, công ty của bà Hứa cũng đình chỉ lương của bà từ tháng 7 năm 1999, và đến tận năm 2002 mới phục hồi lại.

Án lao động cưỡng bức

Ngày 10 tháng 9 năm 2000, bà Hứa bị kết án ba năm lao động cưỡng bức. Trong Trại Lao động Cưỡng bức Nữ tỉnh Sơn Đông, bà bị tra tấn tàn bạo vì kiên định vào Pháp Luân Công. Lính canh dùng dùi cui sốc điện bà trong thời gian dài, để lại sẹo ở cổ và cổ tay của bà. Bà cũng bị nhốt trong phòng biệt giam. Vào mùa đông, lính canh mở cửa sổ khiến bà lạnh cóng. Đôi khi bà bị cấm ngủ. Thay vào đó, bà bị bắt đứng với bàn tay, cánh tay và chân bị trói vào thành giường. Trong một lần tra tấn khác, cổ tay của bà bị treo lên, khiến bà bị mất cảm giác ở cánh tay và bàn tay trong một thời gian dài. Thêm vào đó, lính canh bắt bà làm việc mà không trả lương, đôi khi lên tới 16 tiếng đồng hồ một ngày. Sau 1,5 năm bị tra tấn, bà được thả trước thời hạn.

Trong thời gian bà bị giam giữ, chồng bà nỗ lực đòi công lý cho bà, nhưng vô ích. Áp lực tinh thần khiến sức khỏe của ông suy sụp, và ông đã qua đời vào năm 2006.

Sự sách nhiễu trong những năm cuối đời

Bà Hứa tiếp tục phải đối mặt với sự sách nhiễu sau khi được tại ngoại. Trong vài năm gần đây, có hai vụ sách nhiễu từ năm 2017 đến 2019 được ghi chép lại.

Tháng 5 năm 2017, cảnh sát của Đồn Công an Tân Hoa, Đồn Công an Tiên Phong và nhân viên của Ủy ban khu phố đến sách nhiễu bà.

Ngày 29 tháng 11 năm 2019, bà Hứa bị đưa đến Phòng An ninh Nội địa Thành phố Lâm Thanh. Cảnh sát cố ép bà ký vào cam kết từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công, đe dọa đình chỉ lương hưu của bà. Bà không tuân thủ, và được thả vào tối cùng ngày.

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/3/20/474387.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/3/21/216290.html

Đăng ngày 09-04-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share