Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc

[MINH HUỆ 07-03-2024]

Họ và tên: Mã Thanh Hiền
Tên tiếng Trung: 马清贤
Giới tính: Nữ
Tuổi: 60
Thành phố: Tế Nam
Tỉnh: Sơn Đông
Nghề nghiệp: Không xác định
Ngày mất: Tháng 12 năm 2021
Ngày bị bắt gần đây nhất: Đầu những năm 2000
Nơi giam giữ gần đây nhất: Trại tạm giam Quận Lai Vu

Họ và tên: Tề Khánh Tín
Tên tiếng Trung: 齐庆信
Giới tính: Nam
Tuổi: 60
Thành phố: Tế Nam
Tỉnh: Sơn Đông
Nghề nghiệp: Công nhân mỏ than
Ngày mất: Đầu tháng 2 năm 2022
Ngày bị bắt gần đây nhất: Năm 2002
Nơi giam giữ gần đây nhất: Một Trại lao động địa phương

Một cặp vợ chồng ở Thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, qua đời cách nhau chưa đầy 100 ngày, sau nhiều năm bị bức hại vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công, môn tu luyện cả tâm lẫn thân dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn.

Bà Mã Thanh Hiền, 60 tuổi, qua đời vào tháng 12 năm 2021. Chồng bà, ông Tề Khánh Tín, cũng 60 tuổi, qua đời vào đầu tháng 2 năm 2022. Họ đã kết hôn được khoảng 40 năm, nhưng phải sống xa nhau trong 20 năm cuối, vì bà Mã buộc phải rời nhà vào năm 2002 để tránh bị bắt giữ vì đức tin của mình.

Bà Mã bị bắt giữ hai lần trước năm 2002

Bà Mã tu luyện Pháp Luân Công từ năm 1996, và nhanh chóng khỏi bệnh. Chồng bà cũng bước vào tu luyện cùng bà. Sau khi chế độ Cộng sản bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, đôi vợ chồng này đã nhiều lần bị nhắm đến.

Trước năm 2002, bà Mã từng hai lần đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công, và đều bị bắt. Sau mỗi lần bị áp giải về tỉnh Sơn Đông, bà đều bị giam tại trại tạm giam Quận Lai Vu.

Sau lần giam giữ lần thứ hai, bà từng thuật lại việc bức thực tàn bạo mà bà phải chịu đựng trong khi bị giam giữ. Bà cho biết những kẻ hành ác cầm một ấm lớn đựng hỗn hợp bột ngô nóng, và đổ chúng vào miệng và lỗ mũi của bà. Bà bị dính bột ngô khắp mặt, cổ, ngực, lưng và tóc. Bà gần như bị nghẹt thở. Một học viên khác, ông Thượng Khánh Lĩnh, cũng bị bức thực tại cùng trại giam đó. Thậm chí có lần lính canh còn bức thực ông bằng phân. Ông bị tổn thương phổi nghiêm trọng, và qua đời vào ngày 31 tháng 1 năm 2001.

Cả hai vợ chồng đều bị bắt vào năm 2002 – Người vợ phải bỏ trốn còn người chồng chịu án hai năm lao động cưỡng bức

Bà Mã và chồng đều bị bắt vào năm 2002, và bị đưa đến khu nhà chính quyền thị trấn Hoàng Trang. Ông Tề bị Mỏ than Phan Tây (nằm ở quận Cương Thành, Thành phố Tế Nam) sa thải.

Cảnh sát đe dọa phạt cưỡng bức lao động đối với hai vợ chồng, nhưng họ đã trốn thoát khỏi khu nhà chính quyền, và sống ở Thành phố Tân Đài gần đó. Ông Tề bị bắt không lâu sau đó, trong khi phân phát tài liệu Pháp Luân Công. Sau đó, ông bị kết án hai năm lao động cưỡng bức. Sau này, bà Mã phải sống phiêu bạt trong suốt 20 năm để tránh bị bức hại.

Chính quyền không bắt được bà Mã

Sau khi ông Tề được thả vào năm 2004, cảnh sát tiếp tục sách nhiễu ông và truy tìm tung tích của vợ ông.

Khoảng năm 2016, bảy người từ Ủy ban Chính trị và Pháp luật Thành phố Tân Đài, chính quyền thị trấn Hoàng Trang và Làng Tề Gia Lĩnh đến nhà ông Tề, yêu cầu ông khai báo về vợ mình, người đã bị đưa vào danh sách truy nã. [Đôi vợ chồng sống ở làng Tề Gia Lĩnh, thị trấn Hoàng Trang, quận Cương Thành, thành phố Tế Nam].

Nhân viên của Ủy ban Chính trị và Pháp luật Thành phố Tân Đài cho hay họ biết tung tích của bà Mã, nhưng không hiểu sao không thể bắt được bà. Mỗi lần họ đuổi theo bà đến một địa điểm nào đó, bà luôn rời đi trước khi họ đến. Cuối cùng, họ bắt giữ năm hoặc sáu học viên khác, và do áp lực các học viên này đã thừa nhận bà Mã đã cung cấp cho họ tài liệu thông tin Pháp Luân Công để phân phát.

Sau đó, Ủy ban Chính trị và Pháp luật Thành phố Tân Đài phải nhờ chính quyền thị trấn Hoàng Trang và chính quyền làng Tề Gia Lăng giúp đỡ, đó là lý do họ đều có mặt vào ngày hôm đó. Ông Tề cáo buộc họ vì đã sách nhiễu ông và truy lùng vợ ông. Họ rời đi, và sau đó đến Thành phố Tân Đài để truy tìm bà Mã, nhưng bà lại trốn thoát được.

Sách nhiễu không ngừng

Mỗi khi đến ngày nhạy cảm chính trị, các nhà chức trách lại đến sách nhiễu ông Tề. Họ yêu cầu ông phải từ bỏ đức tin, và cáo buộc vợ ông đã bỏ rơi ông vì tu luyện Pháp Luân Công. Ông Tề bác bỏ luận điệu của họ, và cho biết chính cuộc bức hại này đã buộc vợ ông phải sống tha phương.

Mặc dù Mỏ than Phan Tây đã sa thải ông Tề từ lâu, nhưng hộ khẩu của ông vẫn ở đó, thuộc quận Cương Thành. Mặt khác, bà Mã vẫn còn hộ khẩu ở quê nhà, thị trấn Hoàng Trang. Đã vài lần chính quyền Cương Thành và Hoàng Trang yêu cầu hai vợ chồng chuyển khẩu sang quận khác. Dưới chính sách bức hại của chế độ Cộng sản, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm giám sát các học viên Pháp Luân Công trong khu vực của họ, vì vậy Cương Thành và Hoàng Trang đều cố gắng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Lần nào ông Tề cũng đều từ chối yêu cầu của họ.

Bà Mã ra đi tại nơi tạm trú, sau đó là chồng bà

Bà Mã phải trải qua một cuộc sống tạm bợ thật khó khăn, vất vả. Bà sống tạm bợ ở những nơi khác nhau, không có lò sưởi vào mùa đông và bà phải liên tục uống nước nóng để giữ ấm. Kết quả, bà xuất hiện tình trạng đi tiểu thường xuyên. Để tránh bị bắt, bà cũng phải liên tục cảnh giác. Đã hơn một lần bà phải quyết định rời khỏi nơi tạm trú vào đêm khuya, vì bà có linh cảm rằng cảnh sát đang đến tìm mình. Thực sự vài giờ sau khi bà rời đi, cảnh sát đến tìm bà.

Ông Tề lo lắng cho bà Mã, và sức khỏe của ông cũng suy sụp. Trong hai năm cuối đời, ông bị phù nề toàn thân và có máu trong nước tiểu. Sự ra đi của vợ ông vào tháng 12 năm 2021 lại giáng thêm một đòn nữa, và ông đã qua đời sau đó chưa đầy 100 ngày.

Báo cáo liên quan bằng tiếng Anh:

Mr. Shang Qingling of Laiwu City, Shandong Province Died from Severe Lung Injuries after being Tortured and Force-Fed with Excrement

Crimes of the Laiwu Iron and Steel Complex 610 Office: Mr. Shang Qingling Tortured to Death, Ms. Jiao Fangyu Forced to Have an Abortion

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/3/7/473974.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/3/8/216140.html

Đăng ngày 10-04-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share