Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 31-01-2024] Cô Lý Mai lẽ ra đã 51 tuổi nếu không bị nhà chức trách Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Tỉnh An Huy sát hại vào ngày 1 tháng 2 năm 2001, cách đây 23 năm.

0f9edd518ad6be9b519a31dcca5ba380.jpg

Cô Lý Mai

Cô Lý ở thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy là học viên Pháp Luân Công đầu tiên ở thành phố Hợp Phì đã qua đời trong cuộc bức do Đảng Cộng sản Trung Quốc phát động vào năm 1999. Khi bị đưa tới trại lao động cưỡng bức vào tháng 6 năm 2000, cô là người khỏe mạnh và hoạt bát. Bảy tháng sau, nội tạng của cô bị dập nát và bất tỉnh do lính canh đánh đập dã man.

Thay vì nhanh chóng đưa cô tới bệnh viện, nhà chức trách lại đưa cô tới nhà tang lễ. Cảnh sát thông báo cho gia đình rằng cô đã nhảy lầu tự tử và qua đời vào hồi 6 giờ sáng ngày 1 tháng 2 năm 2001. Tối cùng ngày, khi chị gái chạm vào cơ thể cô (được cho là đã qua đời trước đó 15 giờ đồng hồ) thì cơ thể cô vẫn ấm. Gia đình tin rằng nhà chức trách vội đưa cô tới nhà tang lễ trong khi cô vẫn còn sống. Nhà chức trách từ chối yêu cầu khám nghiệm tử thi của gia đình để tìm nguyên nhân cái chết và họ gấp rút hỏa táng cô. Khi đó cô mới bước sang tuổi 28.

Dựa trên thông tin trang Minghui.org nhận được, vào ngày cô Lý bị hỏa táng, nhiều quan chức cấp cao đã có mặt tại nhà tang lễ gồm Vương Chiêu Diệu, khi đó là phó chủ tịch tỉnh An Huy; giám đốc công an tỉnh; giám đốc sở tư pháp tỉnh; trưởng phòng giáo dục lao động cưỡng bức tỉnh; trưởng Phòng 610 Thành phố Hợp Phì và tỉnh An Huy. Quan chức chính quyền địa phương cũng đe dọa người thân của cô không được tiết lộ chi tiết cái chết của cô cho bất kỳ ai.

Chị gái cô, cô Lý Quân, đã phơi bày cái chết bi thảm của em gái trên mạng internet. Cô bị bắt giữ vào ngày 2 tháng 10 năm 2001 và chưa đầy ba tháng sau cô đã qua đời vào đầu tháng 12 năm 2001. Chính quyền nói rằng cô qua đời do bị viêm gan nặng. Nhưng gia đình cho biết trước khi bị bắt, cô rất khỏe mạnh và họ nghi ngờ cô bị sát hại vì phơi bày cái chết của em gái.

Tuy nhiên, cái chết của hai chị em không phải là dấu chấm hết cho bi kịch mà gia đình đã trải qua. Chồng cô Lý Quân, anh Ngô Tinh, đã mất tích khi tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công từ năm 2004 đến 2005. Gia đình không nhận được thông tin từ anh. Vương Quang Tuyển, cựu trưởng Đồn Công an đường Hòa Bình ở quận Dao Hải, Hợp Phì và một cảnh sát họ Chu tiết lộ cho gia đình rằng anh Ngô đã qua đời ở Bắc Kinh, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết.

Bạn cùng phòng trong trại lao động cưỡng bức kể lại sự đau khổ của cô Lý Mai phải chịu đựng

Sau đây là hồi tưởng của bạn cùng phòng về những gì sảy ra với cô Lý Mai ở trong Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Thành phố Hợp Phì:

Cô Lý là người trầm tính, dịu dàng, đĩnh đạc và xinh đẹp với đôi mắt trong và làn da trắng. Mặc dù còn trẻ tuổi, nhưng cô có vẻ trưởng thành hơn hầu hết những người cùng trang lứa.

Để buộc cô Lý từ bỏ đức tin, lính canh đã xúi giục tù nhân và cựu học viên tra tấn cô. Những cộng tác viên tích cực tham gia bức hại cô để tăng thêm thành tích và giảm án. Một lần, cô Lý bị quản chế nghiêm ngặt, hai tù nhân gồm một kẻ buôn ma túy và một kẻ giết người đã giám sát cô nghiêm ngặt để ngăn không cho cô luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công.

Có lần cô Lý cố gắng thoát khỏi trại lao động cưỡng bức, nhưng không thành công. Sau khi nỗ lực trốn thoát thất bại, tù nhân còn giám sát cô nghiêm ngặt hơn và lính canh nói chuyện với cô hàng giờ mỗi ngày. Sau đó, cô thậm chí còn trầm tính hơn.

Có lần một cộng tác viên đã chế nhạo cô: “Cô ấy còn quá trẻ và ngốc nghếch. Cô từ bỏ cuộc sống thoải mái và chọn đến đây để chịu đựng đau khổ. Nếu cô ấy từ bỏ đức tin, cô ấy có thể được về nhà và tập luyện theo cách mà cô muốn. Nhìn xem cô ấy gầy đi như thế nào mà vẫn còn tuyệt thực. Cô ấy khăng khăng luyện các bài công pháp và tôi phải ngăn cô ấy làm điều đó, bằng không lính canh sẽ phạt tôi.” Cô Lý chỉ mỉm cười.

Khi cô Lý tuyệt thực, một lính canh đã cố gắng thuyết phục cô ăn, nói rằng nhìn cô không được khỏe. Cô vẫn kiên định và nói đùa rằng nhiều tù nhân ăn ba bữa một ngày mà nhìn vẫn không được khỏe.

Một ngày nọ, cô Lý yêu cầu được làm việc với các cựu học viên và lính canh đã chấp nhận điều đó vì họ nghĩ cô có thể xem xét việc từ bỏ đức tin. Ngược lại, thông qua những cựu học viên này, cô đã học và ghi nhớ bài viết mới nhất của Nhà sáng lập Pháp Luân Công, cũng như chia sẻ suy nghĩ của mình. Lính canh nhanh chóng biệt giam cô để cô không thể tiếp cận các bài giảng Pháp Luân Công. Cô còn bị từ chối thăm thân, thường xuyên bị khiển trách và la mắng.

Sáng ngày 1 tháng 2 năm 2001, một lính canh nói với chúng tôi rằng cô Lý đã nhảy lầu tự tử. Không ai có thể nghĩ ra bất cứ lý do tại sao cô làm vậy và nghi ngờ điều đó. Khi đó, cô rất tỉnh táo và sắp được trả tự do.

Nhiều dấu hiệu cho chúng tôi thấy rằng cô Lý không chết vì tự tử. Trong một tuần, chính quyền đã huy động lượng lớn cảnh sát đến nhà tang lễ và hỏa táng thi thể cô mà không được sự đồng ý của gia đình.

Nhiều lần bị bắt giữ trong quá khứ

Cả cha và mẹ cô Lý đều bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1996. Cha cô, ông Lý Gia Đỉnh, nhân viên nghỉ hưu của Công ty Thiết bị máy Hằng Thông ở thành phố Hợp Phì và mẹ cô, bà Khâu Gia Trân, là một giáo viên dạy nhạc tại Trường học Hành Trì ở trong thành phố. Hai chị em cô Lý bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1998. Cô Lý Mai cũng làm việc trong Công ty Thiết bị máy Hằng Thông và chị gái cô, Lý Quân, làm việc trong Cục Thực phẩm Đông Thị. Anh rể cô Lý, anh Ngô Tinh, cũng là học viên và là nhà báo tại Đài Truyền hình Thành phố Hợp Phì.

Sau khi Đảng Công sản Trung Quốc bắt đầu cuộc bức hại Pháp Luân Công, cô Lý Mai và bốn học viên khác đã kháng nghị lên chính quyền trung ương ở Bắc Kinh vào tháng 11 năm 1999. Cô bị bắt giữ tại Bắc Kinh, bị áp giải về Hợp Phì và bị giam giữ trong một trung tâm tẩy não 15 ngày.

Ngay sau khi cô Lý được trả tự do, cô đã đến Bắc Kinh lần nữa. Sau đó, chị gái và ba người thân trong gia đình cũng tham gia với cô. Cả năm học viên bị bắt giữ tại Bắc Kinh và bị đưa về Hợp Phì. Họ bị giam giữ tại Trại tạm giam Thành phố Hợp Phì và sau đó bị đưa tới trung tâm tẩy não.

Tháng 4 năm 2000, cô Lý bị bắt giữ lần nữa và bị giam giữ 15 ngày vì luyện công tại nơi công cộng. Sau vụ bắt giữ, cô đã tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công lần nữa.

Bị cầm tù và tra tấn vì làm biểu ngữ

Cô Lý bị một chủ cửa hàng trình báo với cảnh sát trong khi đang trên đường tới Bắc Kinh vì đặt mua một biểu ngữ có thông tin Pháp Luân Công. Cô đã tuyệt thực sau khi bị chuyển tới một trung tâm tẩy não ở thành phố Hợp Phì. Chín ngày sau, cô bị đưa tới Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Tỉnh An Huy mà không thông qua thủ tục pháp lý. Tại trại lao động, cô bị tra tấn và bị các tù nhân khác giám sát cả ngày lẫn đêm.

Ngày 26 tháng 1 năm 2001, mẹ và chị gái của cô đã tới thăm cô trong dịp Tết Nguyên đán, nhưng bị cảnh sát từ chối. Chị gái cô tra hỏi viên cảnh sát và nghi ngờ nhà tù đã tra tấn cô và không muốn gia đình biết sự khủng khiếp mà cô phải chịu đựng. Cảnh sát khăng khăng rằng cô Lý bị giám sát nghiêm ngặt và không ai có thể vào thăm.

Bốn ngày sau, ngày 30 tháng 1, nhà chức trách thông báo cho cha cô Lý rằng cô sắp chết. Khi gia đình tới Bệnh viện Quân đội Giải phóng Nhân dân Số 105, một bác sỹ nói với họ rằng cô bị chấn thương sọ não và suy nội tạng, các dấu hiệu sinh tồn rất yếu. Gia đình chỉ được nhìn cô từ xa khi hai tay bị cảnh sát trói. Mặt cô sưng phù và có máu chảy ra từ mắt, tai, mũi và miệng của cô. Có một mảnh vải quấn quanh cổ cô và cô bị che từ phần cổ trở xuống.

Gia đình bị quản thúc tại gia sau chuyến thăm và được trả tự do sau sự phản đối gay gắt.

Cơ thể vẫn ấm sau khi nằm 15 giờ tại nhà tang lễ vào mùa đông

Ngày 1 tháng 2, nhà chức trách đã điều động một xe cảnh sát và đưa gia đình cô Lý tới nhà tang lễ. Một cảnh sát nói với gia đình rằng cô qua đời vào lúc 6 giờ sáng cùng ngày và cô đã nhảy lầu tự tử. Viên cảnh sát nói thêm rằng cô sẽ được hỏa táng ngay lập tức. Mẹ cô hỏi: “Không phải con bé bị giám sát nghiêm ngặt mỗi ngày sao? Làm sao nó có thể nhảy lầu?” Khi gia đình yêu cầu khám nghiệm tử thị để tìm nguyên nhân thực sự dẫn đến cái chết, viên cảnh sát đe dọa rằng gia đình sẽ không được phép nhìn thi thể của cô nếu họ cố gắng chụp hình, ghi âm hay quay video cô. Cuối cùng, để được nhìn thi thể của cô, gia đình đã phải đồng ý.

Chị gái cô mang quần áo mới đến thay cho cô. Trong khi đang thay quần áo vào khoảng 9 giờ tối, chị gái cô đã sốc khi phát hiện rằng cơ thể cô vẫn còn ấm bất chấp việc bị bỏ lại trong thời tiết giá lạnh của mua đồng 15 giờ đồng hồ.

Chị gái cô hét lên: “Tại sao các người hỏa táng em ấy!? Em ấy vẫn còn ấm!” Một người thân khác trong gia đình chạm vào vơ thể và cũng cảm thấy ấm. Một nữ cảnh sát đưa bàn tay chạm vào cơ thể và rút tay lại ngay lập tức, nhìn có vẻ kinh hãi. Giọng run run: “Nó vẫn ấm!” Khi cô ấy nói, tất cả cảnh sát đã đi sang phòng khác.

Chị gái cô Lý và những người thân khác trong gia đình nhân cơ hội tới gần để kiểm tra thi thể cô. Họ phát hiện vết khâu dài tới 5cm dưới cằm của cô. Bụng của cô có nhiều nốt to bằng đầu điếu thuốc lá. Gia đình rơi lệ khi nhận ra rằng cô đã bị đưa tới nhà tang lễ trước khi qua đời. Trong khi đang khóc, cha cô hét lớn: “Thay vì hồi sức cho con bé, các người lại đưa nó đến nhà tang lễ. Các người không còn lương tâm!” Vài cảnh sát đứng bên cạnh và chế nhạo gia đình.

Khoảng thời gian này, chính quyền tỉnh An Huy đã huy động hàng chục xe cảnh sát phong tỏa tất cả ngả đường tới nhà tang lễ.

Chị gái qua đời sau khi phơi bày sự thật và anh rể bị mất tích

Ngay sau khi về nhà, chị gái cô Lý đã viết ra việc cô bị giam giữ như thế nào, cũng như việc họ thấy những vết thương và vết sẹo trên cơ thể của em gái tại nhà tang lễ. Cô đã đăng thông tin lên mạng để phơi bày tội ác mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đã gây ra với Pháp Luân Công. Cô cùng chồng nhanh chóng rời Hợp Phì tới Thượng Hải để tránh bị chính quyền trả thù.

Trong hội nghị APEC ở Thượng Hải vào tháng 10 năm 2001, cảnh sát đã lục soát từng nhà những người bất đồng chính kiến để đảm bảo rằng không ai có thể gây “rắc rối” và phơi bày hành vi vi phạm nhân quyền của chính quyền trong thời gian diễn ra hội nghị. Cô Lý Quân và chồng đã bị bắt giữ vào ngày 2 tháng 10.

Ngay sau đó, gia đình đã nghe tin cô Lý Quân phải nhập viện do bệnh viêm gan nặng. Cô Lý Quân luôn khỏe mạnh và gia đình không tin rằng cô có thể lâm bệnh nặng nhanh như vậy trong hoàn cảnh bình thường. Cảnh sát Thượng Hải đã chuyển cô tới Bệnh viện Bệnh truyền nhiễm Thành phố Hợp Phì vào ngày 3 tháng 11. Sau hai tháng bị bắt giữ, cô đã qua đời vào ngày 4 tháng 12. Khi đó, mẹ và chồng cô vẫn bị giam cầm.

Khoảng năm 2004, chồng cô Lý Quân đã tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện và sau đó biến mất không rõ tung tích.

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/1/31/471739.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/2/18/215918.html

Đăng ngày 29-03-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share