Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 28-02-2024]

Họ tên: Vu Hải Long (于海龙)
Giới tính: Nam
Tuổi: 56
Thành phố: Thừa Đức
Tỉnh: Hà Bắc
Nghề nghiệp: Chưa rõ
Ngày mất: Ngày 26 tháng 1 năm 2024
Ngày xảy ra vụ bắt giữ cuối cùng: Ngày 8 tháng 7 năm 2016
Nơi giam cuối cùng: Nhà tù Ký Đông

Một cư dân ở thành phố Thừa Đức, tỉnh Hà Bắc đã bị lở loét khắp người sau khi ngồi tù 4 năm vì tu luyện Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999. Ông Vu Hải Long phải vật lộn với tình trạng sức khỏe yếu kém sau khi ra tù vào năm 2020. Ông qua đời vào ngày 26 tháng 1 năm 2024, ở tuổi 56.

Ông Vu bị bắt vào tối ngày 8 tháng 7 năm 2016 cùng với 3 học viên khác là ông Biện Quần Liên, ông Vu Đại Lực và bà Khương Ngọc Hoàn. Họ bị cảnh sát Đội An ninh Nội địa huyện Thừa Đức báo theo khi đang trên đường đến xã Hạ Bản Thành để phân phát tài liệu về Pháp Luân Công.

Một chiếc xe ô tô màu đen đã chặn đường khi họ đi ngang qua Bệnh viện huyện Thừa Đức,. Một cảnh sát đã buộc tội ông Vu vi phạm luật giao thông. Khi ông Vu xuất trình bằng lái theo yêu cầu của họ, Ngô Lôi và Hầu Thủ Ngân ở Đội An ninh Nội địa đã bắt giữ cả 4 học viên và đưa họ cùng xe của họ đến Trại giam huyện Thừa Đức. Vào khoảng 1 giờ sáng, cảnh sát đột nhập vào nhà ông Vu Hải Long, lục soát và lấy đi các sách về Pháp Luân Công, tài liệu, máy in và máy tính của ông.

Ba học viên nam bị giam ở trong Trại tạm giam huyện Thừa Đức và bà Khương bị giam tại trại tạm giam thành phố Thừa Đức. Gia đình các học viên đã đến Đội An ninh Nội địa huyện Thừa Đức vào ngày 10 tháng 7 để yêu cầu trả tự do cho họ, nhưng bị cảnh sát Ngô đuổi đi. Gia đình học viên cũng đưa ra yêu cầu khác sau đó vài ngày nhưng vẫn không có kết quả.

Gia đình ông Vu đã nhanh chóng thuê luật sư cho ông. Khi luật sư đến thăm ông vào ngày 15 tháng 7, ông chứng kiến cả ông Vu và ông Biện, đã ngoài 60 tuổi, đều bị còng tay và cùm chân. Ông Biện cũng bị thương khắp người do bị sốc điện. Luật sư yêu cầu lính canh cởi xích cho hai học viên nhưng không được.

Bốn học viên đã có mặt tại Tòa án huyện Thừa Đức vào ngày 20 tháng 12 năm 2016. Vì luật sư của ông Vu Hải Long liên tục bị chủ tọa phiên tòa là Vương Phúc ngắt lời trong lúc bào chữa, ông đã bỏ cuộc giữa chừng trong phiên xử để phản đối việc thẩm phán vi phạm quyền bảo vệ thân chủ của mình.

Phiên xử lần hai được tổ chức vào ngày 5 tháng 1 năm 2017, vẫn do ông Vương chủ trì. Lần này có thêm hai công tố viên nữa và nhiều cảnh sát đang tuần tra cả trong và ngoài tòa án. Chỉ có ba người nhà mỗi học viên được phép vào bên trong và họ bị ghi hình trong phiên tòa. Gia đình của các học viên cũng đã gặp các quan chức của Ủy ban Chính trị và Pháp luật địa phương (UBCTPL), một cơ quan ngoài vòng pháp luật có nhiệm vụ giám sát cuộc bức hại. Cả bốn luật sư của học viên đều không nhận tội. Các công tố viên đều im lặng trong hầu hết thời gian.

Chủ tọa phiên tòa Vương đã công bố phán quyết của các học viên vào ngày 15 tháng 2 năm 2017. Ông Vu Đại Lực và ông Biện mỗi người bị án sáu năm tù và bị phạt 20.000 nhân dân tệ. Ông Vu Hải Long bị kết án bốn năm và phạt 10.000 nhân dân tệ. Bà Khương bị kết án ba năm và phạt 10.000 nhân dân tệ. Kháng cáo của họ cũng bị tòa án cấp hơn cao bác bỏ.

Ba nam học viên đã thụ án trong Nhà tù Ký Đông ở thành phố Đường Sơn. Ông Biện được chẩn đoán mắc bệnh ung thư trực tràng vào đầu tháng 1 năm 2020, nhưng nhà tù mãi đến ngày 9 tháng 8 mới thả ông. Theo gia đình ông kể, khi được xe cấp cứu đưa về nhà, người ông hốc hác và phải nhét một ống truyền thức ăn vào dạ dày vì ông không thể ăn được sau khi bệnh ung thư di căn. Ông bị sốt cao và không thể nhận ra chính anh trai mình. Ông qua đời bốn ngày sau đó.

Ông Vu Hải Long bị lở loét khắp cơ thể sau bốn năm bị tra tấn trong tù. Ông liên tục sụt cân sau khi được thả vào năm 2020. Ông không thể hồi phục và qua đời vào ngày 26 tháng 1 năm 2024.

Nhà tù Ký Đông, có chín chi nhánh, nằm dưới sự quản lý của Cục Quản lý Nhà tù tỉnh Hà Bắc. Hầu hết các nam học viên Pháp Luân Công bị kết án ở tỉnh Hà Bắc đều bị giam giữ ở đây. Các cai ngục sử dụng đủ loại phương pháp tàn ác để ép buộc các học viên Pháp Luân Công từ bỏ đức tin của họ. Có ít nhất 36 học viên đã chết sau khi bị tra tấn ở đây.

Bức hại trong quá khứ đối với ông Vu Hải Long

Ông Vu Hải Long tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1998. Bệnh viêm gan B hành hạ ông từ năm 1995 đã sớm biến mất. Ông tiếp tục làm việc tại trang trại của gia đình và cũng tìm được việc làm ở một dự án xây dựng tại địa phương.

Khoảng 6 giờ chiều ngày 30 tháng 12 năm 2005, ngay khi ông Vu bước ra khỏi nhà, Lưu Minh Thành và Vũ Đức Dũng của Đội An ninh Nội địa thành phố Thừa Đức đã bắt giữ ông. Cảnh sát đã tịch thu máy photocopy, máy cắt giấy và các đồ dùng văn phòng khác mà ông dùng để sản xuất tài liệu thông tin Pháp Luân Công tại nhà. Ông bị giữ tại đồn cảnh sát qua đêm và không được phép ngủ. Ngày hôm sau, cảnh sát đã đưa ông đến trại tạm giam thành phố Thừa Đức.

Hai tuần sau, vào tối ngày 14 tháng 1 năm 2006, cảnh sát đưa ông Vu đến trại tạm giam Loan Bình để thẩm vấn. Họ trùm đầu và lăng mạ ông. Ông nhận ra năm sĩ quan, bao gồm Thạch Thụ Kiệm, Lưu Minh Thành, Vũ Đức Dũng, Lưu Bằng và Trương Đại Bằng. Có 2-3 cảnh sát có mặt ở đó, nhưng không rõ danh tính của họ.

Cảnh sát còng tay ông Vu vào một chiếc ghế kim loại rồi bỏ đi ăn tối. Khi trở về, họ bắt đầu thẩm vấn. Lưu Bằng đã tát vào mặt ông hơn chục cái cho đến khi ông gần như mất thính giác. Cuộc đánh đập kéo dài đến nửa đêm. Vì trại tạm giam từ chối tiếp nhận ông Vu nên cảnh sát đã đưa ông trở lại trại tạm giam thành phố Thừa Đức. Nhưng ở đây cũng từ chối nhận ông vì đã quá muộn. Do đó, cảnh sát đã giữ ông Vu tại đồn cảnh sát ở qua đêm và đưa ông trở lại trại tạm giam thành phố Thừa Đức vào buổi sáng.

Mặc dù bệnh viêm gan B của ông Vu tái phát nhưng chính quyền đã giam ông trong sáu tháng. Sau đó ông bị kết án bốn năm quản chế. Ông yêu cầu thuê luật sư nhưng bị viện kiểm sát từ chối. Công tố viên còn chửi bới khi ông yêu cầu được tại ngoại điều trị y tế.

Cuối cùng, sau khi ông Vu được trả tự do vào tháng 6 năm 2006, Lý Phúc Ngọc, thư ký của UBCTPL thị trấn Đại Thạch, Lan Tiểu Phong của văn phòng tư pháp địa phương, Lưu Minh Thành và hai cảnh sát khác liên tục sách nhiễu ông tại nhà hoặc bằng các cuộc gọi điện thoại. Ông buộc phải sống xa nhà một thời gian để tránh bị bức hại.

Bài liên quan:

Sáu học viên Pháp Luân Công bị Nhà tù Ký Đông ở tỉnh Hà Bắc bức hại đến chết kể từ năm 2022

Hà Bắc: Một người đàn ông qua đời sau bốn ngày được nhà tù cho về nhà

Bốn công dân ở Hà Bắc bị kết án tù vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán:https://www.minghui.org/mh/articles/2024/2/28/河北承德市法轮功学员于海龙含冤离世-473707.html

Bản tiếng Anh:https://en.minghui.org/html/articles/2024/3/1/216058.html

Đăng ngày 11-03-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share