Bài viết của đệ tử Đại Pháp tại Trung Quốc Đại lục

[MINH HUỆ 04-03-2024] Sau khi được đăng tải trên trang web Minh Huệ, bài viết “Kiến nghị các đồng tu ở Trung Quốc Đại lục không tham gia hạng mục gọi điện của hải ngoại” cũng thu hút sự chú ý và bàn luận giữa các đồng tu đang làm việc trong các hạng mục tương tự ở địa phương. Về những bàn luận này, tôi xin chia sẻ nhận định ​​của mình, có gì không phù hợp với Pháp, mong các đồng tu từ bi chỉ ra và chỉnh sửa.

1. Đây không phải là “hạng mục địa phương” nhưng lại tồn tại những nguy cơ tiềm ẩn lớn về an toàn

Hạng mục có sự tham gia của các học viên bên ngoài Trung Quốc

Địa phương tôi có hạng mục cũng tương tự như tình huống của nền tảng được đề cập trong bài “Kiến nghị các đồng tu ở Trung Quốc Đại lục không tham gia hạng mục gọi điện của hải ngoại” (nghĩa là các đồng tu Đại lục được kết nối với nhân viên ở nước ngoài thông qua internet, nhân viên ở nước ngoài quay số gọi điện cho người dân Đại lục, rồi các đồng tu Đại lục khẩu giảng và làm tam thoái cho người dân Đại lục), chỉ khác ở cách đột phá phong tỏa và cách ẩn địa chỉ IP để truy cập internet. Tuy nhiên, người điều phối hạng mục cho rằng hạng mục địa phương này không liên quan mấy đến những gì được đề cập trong bài viết trên Minh Huệ, rằng hạng mục này của địa phương chỉ tận dụng đường truyền gọi điện của nước ngoài, chứ không phải là “tham gia”, là do các đồng tu tự phát xây dựng để giảng chân tướng cứu người, chỉ là phối hợp và phân công với nước ngoài.

Thực ra, hạng mục này không chỉ là một kênh gọi điện giống như dùng Skype hay SIP, mà là các đồng tu Đại lục và các đồng tu ở nước ngoài phối hợp với nhau để gọi điện cho người dân ở Đại lục. Trong thời gian gọi, hai bên sẽ có những tương tác nhanh gọn, chẳng hạn như đồng tu Đại lục đề nghị gọi điện, cúp máy, hay báo có tam thoái hay không; đồng tu ở nước ngoài tiến hành thao tác cụ thể, v.v.; hai bên thậm chí có thể trò chuyện trực tiếp. Đây chẳng phải là hai bên cùng tham gia một hạng mục sao?

Ngoài ra, đã từng có trường hợp các đồng tu ở nước ngoài tiến hành kiểm tra đánh giá phần khẩu giảng của các đồng tu Đại lục, chỉ những người đạt thì mới được cấp tài khoản truy cập vào nền tảng. Xét từ nhiều phương diện thì đúng là các đồng tu Đại lục đã tham gia vào hạng mục gọi điện thoại ở nước ngoài, có thể nói rằng nếu không có hạng mục điện thoại ở nước ngoài thì không thể triển khai được hạng mục địa phương này, vậy nên không thể gọi đây là hạng mục giảng chân tướng độc lập ở Trung Quốc Đại lục, và kiểu phối hợp, phân công này chính là một hình thức tham gia.

Công cụ trò chuyện trực tuyến

Hạng mục được đề cập trong bài viết nêu trên liên quan đến hai loại phần mềm mà hạng mục địa phương tôi cũng dùng, nhưng người điều phối cho rằng hạng mục địa phương chúng tôi không sử dụng những phần mềm được nêu trong bài viết: không họp bằng phần mềm Mumble, không lập nhóm hay liên lạc hàng ngày bằng Telegram và Nandbox, Dexun và Shenxun, mà là dùng phương thức họp có tính an toàn cao hơn. Vì thế, người điều phối cho rằng địa phương chúng tôi hầu như không có nguy cơ tiềm ẩn nào về an toàn ở phương diện này cũng như phương diện kỹ thuật mà bài viết đó đề cập.

Nhưng dù là dùng phương thức nào thì vẫn là lên mạng giao lưu, lập nhóm trực tuyến, Minh Huệ trước nay rõ ràng vẫn phản đối việc học viên Đại lục làm vậy. Thông báo “Coi trọng an toàn là điểm trọng yếu” của Minh Huệ, bài chia sẻ “Kiến nghị các đồng tu ở Trung Quốc Đại lục không tham gia hạng mục gọi điện của hải ngoại”, và nhiều bài khác, cũng như phản hồi của đồng tu trong diễn đàn kỹ thuật đều thể hiện quan điểm rằng: “Một nhóm mà nhiều thành viên tham gia thế này, nếu như nhóm này bị lộ hoặc có đặc vụ trong đó, muốn lấy thông tin và nội dung chia sẻ của các thành viên thì dễ vô cùng. Như vậy sẽ nguy hiểm cho sự an toàn của tất cả mọi người trên nền tảng này.” Bởi vậy, mong mọi người không dùng phần mềm chat của bên thứ ba để giao lưu tâm đắc, học Pháp, hay liên lạc với nhau.”

Nên dùng phần mềm nào để lập nhóm cho hạng mục địa phương, có thể lên diễn đàn kỹ thuật tham khảo ý kiến ​​của các đồng tu kỹ thuật. Tại đây xin đơn cử đôi điều:

“Phần mềm này là phần mềm của người thường, chưa rõ về tính an toàn. Chúng tôi không khuyến nghị sử dụng bất kỳ phần mềm liên lạc nào để liên lạc trong các học viên, trên Minh Huệ trước đây đã nêu nhiều trường hợp có vấn đề trong các nhóm Telegram. Vui lòng tham khảo: Coi trọng an toàn là điểm trọng yếu. Để liên hệ giữa các học viên, chúng tôi chỉ kiến nghị gặp trực tiếp và không mang theo điện thoại di động, hoặc dùng hộp thư của Minh Huệ kết hợp với mã hóa Như Ý.“

1. “Mã hóa đầu cuối không thể đảm bảo an toàn trong liên lạc. Năm 2016, Reutersvà nhiều hãng truyền thông khác đưa tin rằng tin tặc Iran đã lợi dụng lỗ hổng SMS để lấy số điện thoại của 15 triệu người dùng Telegram (trong khoảng 20 triệu người dùng ở Iran) và xâm nhập (hack) vào tài khoản Telegram của mười mấy người dùng. Các nhà nghiên cứu cho hay, khi người dùng muốn đăng nhập vào Telegram từ điện thoại mới, công ty điện thoại sẽ gửi cho họ một mã ủy quyền qua tin nhắn SMS, mã này có thể bị công ty điện thoại chặn lại và chia sẻ với tin tặc. Khi có được mã này, tin tặc có thể thêm thiết bị mới vào tài khoản Telegram của một người, như vậy họ có thể đọc được lịch sử trò chuyện và nghe lén tin nhắn mới. Các nhà nghiên cứu cho biết, việc Telegram dựa vào cách xác minh qua tin nhắn SMS sẽ là lỗ hổng dễ bị xâm nhập ở những quốc gia mà các công ty viễn thông thuộc quyền sở hữu của chính phủ hoặc bị chính phủ chi phối sâu.”

2. “Đối với mọi phiên bản Telegram, các cuộc trò chuyện nhóm không có dịch vụ mã hóa đầu cuối. Nghĩa là, nếu thông tin của cuộc trò chuyện trong nhóm Telegram không được mã hóa ở cả hai đầu thì toàn bộ lịch sử trò chuyện nhóm sẽ được lưu trữ trên máy chủ ở dạng không được mã hóa.”

3. “Ngoài ra, nếu Telegram không được cập nhật kịp thời, cũng sẽ xuất hiện nhiều lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng. Ví dụ, lỗ hổng gần đây nhất là vào năm 2021 là ngay cả khi đã bật mã hóa hai đầu, những các bản sao của tệp tin (media file) sẽ vẫn còn trên thiết bị; lỗ hổng hồi cuối năm 2020 đã cho phép tin tặc lấy được danh bạ điện thoại, lịch sử trò chuyện, và video trò chuyện bằng cách gửi stiker sai quy cách cho người dùng.”

4. Ví dụ này là về Telegram. Với những cái gọi là phần mềm trò chuyện an toàn khác, vui lòng tham khảo phần mô tả kỹ thuật này.”

Tự ngã và bao biện

Có những người chỉ bám vào những chi tiết vụn vặt mà không thấy được nội dung thực chất, cho rằng việc này không liên quan gì đến mình, rằng dù có việc này nhưng cách làm khác nhau, tình huống này của chúng tôi là đặc thù, v.v.. Họ dùng đủ loại lý do và tìm cớ để bào chữa cho mình, chứ không kịp thời nhìn thẳng vào vấn đề của hạng mục mình làm, không lắng nghe Minh Huệ và ý kiến ​​lâu nay trên diễn đàn công nghệ, không nhận thức đúng Pháp mà Sư phụ giảng về phương diện an toàn của đệ tử Đại Pháp Đại lục, cứ để mặc cho quan niệm “tôi không sai” khống chế mãi. Không xúc động tới được chấp trước và quan niệm của mình thì sẽ không thừa nhận sai lầm. Không chấp nhận thực tế rằng mình đã sai thì căn bản không tìm lại được chính mình, không cách nào quy chính bản thân.

Sư phụ giảng:

“Người tu luyện không phải là Thần tu luyện, trong quá trình tu luyện ai chẳng có lỗi lầm; vấn đề then chốt là đối đãi [các vấn đề] như thế nào. Có người nhận thức ra được, có người nhận thức không ra; cũng có vị chấp trước vào tâm hoảng sợ cũng như các chủng nhân tố [đến mức] chẳng chịu nhận thức nữa.” (Cũng một gậy cảnh tỉnh, Tinh Tấn Yếu Chỉ III)

“[Nếu] chư vị có chỗ sai mà không thừa nhận, còn muốn người ta hiểu rằng chư vị không sai nên cứ biểu hiện mình không có sai, như thế không ai coi chư vị ra gì đâu; vì đó là thủ đoạn của người thường.” (Giảng Pháp tại Pháp hội vùng đô thị New York [2003], Giảng Pháp tại các nơi III)

Hy vọng những đồng tu tham gia hạng mục này có thể nhìn thẳng vào vấn đề thực tại, rằng hạng mục này có sự điều phối trên diện rộng, gọi điện thoại qua mạng, giao lưu qua mạng, sử dụng điện thoại di động, thậm chí cả học Pháp trực tuyến, hầu như đều là những phương thức mà Minh Huệ và diễn đàn kỹ thuật rõ ràng đã phản đối. Vấn đề an toàn này còn chưa lớn sao?

2. Sư phụ giảng: “Nhưng vấn đề lớn thì nhất định phải xem thái độ của Minh Huệ”

Mặc dù bài viết nói trên chỉ là bài chia sẻ của đồng tu trên Minh Huệ, nhưng qua mấy điểm sau đây, cũng có thể thấy được thái độ của Minh Huệ: Tiêu đề “Kiến nghị các đồng tu ở Trung Quốc Đại lục không tham gia hạng mục gọi điện của hải ngoại” đã thể hiện hết sức rõ ràng, trong bài có những đoạn được nhấn mạnh bằng phông chữ màu đỏ – là điều hiếm thấy – để người đọc chú ý và coi trọng. Hiện tại, trên Minh Huệ chỉ thấy đăng những bài viết kêu gọi đình chỉ hạng mục chứ chưa có bài viết nào ủng hộ hạng mục cả.

Những điểm này kỳ thực đã thể hiện rõ thái độ của Minh Huệ rồi. Nếu việc gì cũng chờ đến khi Ban Biên tập Minh Huệ đăng bài, đợi Sư phụ chỉ rõ ra rồi mới làm, thì chẳng phải chúng ta đã phải chịu rất nhiều can nhiễu, gây tổn thất quá lớn và ân hận không bù đắp được sao? Tại sao chúng ta không thể dừng lại sớm nhất có thể và tránh những nhân tố bất lợi này? Có một số người không muốn đối mặt, không muốn thay đổi, ngay cả khi Ban Biên tập Minh Huệ có đăng bài hay chỉ dẫn của Sư phụ đi nữa, thì họ vẫn nói đủ kiểu để biện bạch cho bản thân, cho rằng tình huống đó không liên quan gì đến họ.

3. Vấn đề về phương diện tâm tính trong hạng mục này

Các đồng tu có thể bước ra và giảng chân tướng là một quá trình đột phá bản thân và tín Sư tín Pháp, cũng là quá trình tăng cường chính niệm và đề cao bản thân. Rất nhiều đồng tu tham gia đều nói rằng, hiện nay, những người ra ngoài giảng chân tướng và phát tài liệu ở Đại lục bị bắt rất ghê. “Hạng mục này” có thể bảo đảm một hoàn cảnh để các đồng tu không bị bức hại mà vẫn cứu người được, khiến rất nhiều đồng tu mang tâm sợ hãi và tâm an dật khi tham gia hạng mục này. Hạng mục này “ở một mức độ lớn đã khiến đồng tu Đại lục né tránh tâm sợ hãi cũng như các chấp trước khác khi giảng chân tướng và phát tài liệu trực diện”. Nó tạo ra một môi trường tưởng như an toàn, để những người không dám giảng chân tướng trực diện có thể ở lại và ỷ lại vào “hạng mục này”, như vậy không những không trừ bỏ được tâm sợ hãi mà còn nuôi dưỡng tâm sợ hãi, tâm an dật, và đủ loại tâm chấp trước, mất đi nhiều cơ hội đề cao và cứu độ những người xung quanh.

Sư phụ từng giảng:

“Trong giảng chân tướng bất kể chư vị thông qua biện pháp gì, thì đều là đang cứu người, nhưng không được ỷ lại vào một loại hình thức nào, hoặc thật sự không dám mặt đối mặt giảng chân tướng, ấy cũng là một tâm sợ hãi, nên phản ánh ra những vấn đề như thế. Vậy làm sao? Tôi làm Sư phụ cũng không cần nói nhiều, tôi hễ đọc câu hỏi thì chư vị cũng biết rồi. Hãy thực thi tốt hơn chút nữa.“ (Giảng Pháp tại Pháp hội New York kỷ niệm 25 năm Đại Pháp hồng truyền [2017])

Còn có một số đồng tu trước đây vốn đã giảng chân tướng trực diện, giờ cũng tham gia vào hạng mục này, đặc biệt là một số đồng tu cao tuổi không có kiến thức kỹ thuật về máy tính và điện thoại di động, lại cần có sự giúp đỡ của người khác, nên đã tiêu hao rất nhiều tinh lực và thời gian để học và thực hiện các thao tác kỹ thuật của hạng mục này. Việc này có những can nhiễu nhất định đến hạng mục giảng chân tướng truyền thống vẫn làm ở Đại lục lâu nay, còn chiếm dụng các nguồn lực cứu người của nước ngoài. Các đồng tu hải ngoại muốn tiếp cận với người ở Đại lục thì chỉ có thể dùng phương thức này. Còn chúng ta ở Đại lục thì sao lại bỏ gần lấy xa chứ? Hễ ra ngoài là thấy người rồi, nhưng tâm sợ hãi đã ngăn trở bản thân đi ra ngoài.

Vì nhiều người trong hạng mục này, về cơ bản, hễ có thời gian thì đều hoạt động trên mạng, đôi khi mất tới bảy, tám tiếng đồng hồ, lưu lượng lên mạng như vậy có thể có nguy cơ tiềm ẩn về bảo mật. Phương thức hoạt động trực tuyến thời gian dài như vậy cũng sẽ khiến mọi người thoát ly khỏi cuộc sống thường nhật và hoạt động xã hội, hết sức phong bế, không còn tiếp xúc với người và việc xung quanh nữa. Tôi cho rằng như vậy không phải là hình thức tu luyện phù hợp tối đa với trạng thái xã hội người thường.

Sư phụ giảng:

“Hết thảy những gì các đệ tử Đại Pháp làm hôm nay, hết thảy những [ai] chư vị tiếp xúc ở xã hội hôm nay, tôi nói với chư vị, chư vị đang cứu độ chúng sinh.” … “Ngoài ra, những người mà chư vị ngẫu nhiên gặp, những người gặp trong cuộc sống, những người gặp trong công tác, [với những người ấy] chư vị cần giảng chân tướng cho họ. Ngay cả với người ở nơi thế gian này mà chư vị gặp thoáng qua không kịp nói chuyện thì chư vị cũng cần để từ bi lưu lại cho họ; không được lạc mất [những ai] đáng được độ, càng không được lạc mất [người] có duyên.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Atlanta năm 2003, Giảng Pháp tại các nơi IV)

Các đệ tử Đại Pháp ở Đại lục hãy trân quý cơ duyên tu luyện và hoàn cảnh cứu người, trợ Sư chính Pháp khi được ở Đại lục, hãy dành tâm sức để trợ giúp việc giảng chân tướng ở Đại lục, chứ không phải là tham gia vào hạng mục giảng chân tướng của hải ngoại.

4. Dĩ Pháp vi Sư

Cuối cùng, tôi xin được trích dẫn một số đoạn giảng Pháp của Sư phụ, để chúng ta chiểu theo lời dạy của Sư phụ một cách vô điều kiện, nghĩ cho người khác, chú ý an toàn, và quy chính bản thân.

Đệ tử: Thỉnh Sư phụ giảng thêm một chút vấn đề chú ý an toàn sử dụng điện thoại di động. Sư phụ: Cái này không có gì giảng. Chư vị mang thiết bị có thể nghe lén. Không chỉ gián điệp, hay chính phủ, bất kể ai tuỳ ý đều có thể theo dõi chư vị, vô cùng đơn giản. Chính là việc này, dù tắt hay không tắt thì cũng như nhau. Tôi đang giảng ở đây, chư vị biết đấy tà đảng Trung Cộng cũng đang nghe ở đó.” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2016)

Đệ tử: Thưa Sư phụ tôn kính, học viên vận dụng Internet để giao lưu tâm đắc, hình thức loại này có tốt hay không?

Sư phụ: Tôi nghĩ rằng ở ngoài Trung Quốc Đại Lục thì không thành vấn đề, nhưng không được nói về tình huống cụ thể chứng thực Pháp mà chư vị làm. Nếu ở Trung Quốc Đại Lục, thì tốt nhất vẫn là coi trọng an toàn của chư vị, đừng để cựu thế lực dùi vào sơ hở, đây không phải vấn đề sợ hay không, mà là đừng để tà ác dùi vào sơ hở.” (Giảng Pháp vào Tết Nguyên Tiêu năm 2003)

Đệ tử: Giai đoạn hiện nay thu xếp thế nào vấn đề điều phối trên diện rộng ở [Trung Quốc] Đại Lục? Một thành phố cấp địa khu do “người tổng điều phối” quản tất cả các huyện thuộc địa phương đó quản hạt, như vậy thích hợp chăng? Cũng có [người] cho rằng không quản thì không hình thành chỉnh thể.

Sư phụ: Không được, mặc kệ chư vị [có] tâm gì, tôi bảo chư vị này, không được làm thế! Tôi biết vô cùng rõ ràng, thân thể người ấy, khi bị bức hại thì năng lực chịu đựng thân xác thịt25 của họ là hữu hạn! Khi tư tưởng chư vị chịu đựng tới cực hạn, lúc thậm chí ở tình huống lý trí không thanh [tỉnh] mà vẫn tra tấn thống khổ chư vị, chư vị có thể nói ra những gì không nên nói, chư vị có thể thỏa hiệp. Nhưng trong tu luyện ấy, đó không nhất định là kết quả cuối cùng của chư vị, biết được khi mà chư vị chịu đựng đến cực hạn, thậm chí không chịu được nữa thì làm không tốt, vì tu luyện chưa kết thúc thì chư vị có thể vẫn còn cơ hội. Nhưng mà, hễ làm sai những việc đó rồi, thì đó không còn là việc đơn giản nữa. [Nếu] vì điều ấy mà khiến một số đệ tử Đại Pháp mất mạng, đó không hề đơn giản đâu. Cho nên tôi bảo mọi người này, đừng làm những việc như thế.

Minh Huệ Net là sân giao lưu của các đệ tử Đại Pháp, về đối ngoại cũng là một cửa sổ. Có việc thì có thể thông qua Minh Huệ Net để nói ra quan điểm của mọi người; điều phối ở diện rộng thì nay không được làm, nghĩ vấn đề thì nhất định phải chú ý an toàn.” (Giảng Pháp tại Washington DC năm 2018)

Đệ tử: Minh Huệ Net yêu cầu các điểm tư liệu là lập ra khắp nơi ở [Trung Quốc] Đại Lục, và [duy trì] liên hệ đơn tuyến [riêng lẻ] với Minh Huệ Net, nhưng có những người điều phối tại [Trung Quốc] Đại Lục không chú ý an toàn cho điểm tư liệu, lấy danh nghĩa “phối hợp chỉnh thể” để đi các nơi, đem các điểm tư liệu vào nắm chặt trong tay, [khiến] tất cả đồng tu của các điểm tư liệu đều chuyển động quanh mình.

Sư phụ: Nhân tâm, chính là nhân tâm. Tâm danh lợi, tâm hiển thị, loại tâm hiếu thắng. Không lo lắng an toàn của học viên, gây khó khăn, nguy hiểm cho đệ tử Đại Pháp. Tất cả những người như thế, tất cả những người đi khắp nơi và nắm lấy tình huống học viên như thế, riêng cái tâm ấy đã không đúng, trong đó cũng có một số là có động cơ khác. Do đó cần chú ý vấn đề này, không được cấp cơ hội cho những người như vậy.“ (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2015)

“Vô luận là đệ tử Đại Pháp ở Trung Quốc hay ở địa phương khác trên toàn thế giới, tất cả phương thức phản bức hại được sử dụng trong khi bị bức hại này đều phải chú ý cho an toàn của các đệ tử Đại Pháp tại Trung Quốc. Hết thảy hành vi nào bất lợi cho an toàn của đệ tử Đại Pháp đều phải chấm dứt.” (Lời bình, Tinh Tấn Yếu Chỉ III)

Sư phụ vẫn luôn từ bi coi sóc và bảo hộ chúng ta, và thông qua Minh Huệ Net để thức tỉnh các đệ tử và học viên Đại Pháp đang rơi vào nguy hiểm. Hy vọng các đồng tu sẽ suy xét một cách lý tính, đi cho chính đoạn đường cứu người cuối cùng. Một chút ý kiến ​​cá nhân, có chỗ nào chưa đúng, mong được từ bi góp ý và chỉnh sửa.

Hợp thập!

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/3/4/473864.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/3/6/216112.html

Đăng ngày 08-03-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share