Bài viết của đệ tử Đại Pháp tại Bắc Mỹ

[MINH HUỆ 03-02-2024] Tôi muốn chia sẻ một chút trải nghiệm tu luyện gần đây của cá nhân tôi.

Trong kinh văn “Tu luyện Đại Pháp là nghiêm túc”, Sư phụ đề cập đến “tâm oán hận”, “tâm bất mãn” và “dùng nhân tâm để xét vấn đề”. Tôi luôn hướng nội, đối chiếu với Pháp và suy xét từng ý từng niệm, nhưng tôi nhận ra không phải lúc nào tôi cũng có thể chiểu theo yêu cầu của Sư phụ, từ những việc nhỏ nhặt xảy ra trong gia đình đến việc cứu người trong hạng mục, đều có can nhiễu của nhân tâm.

Tôi thường cho rằng mình vẫn rất thiện lương, hay giúp đỡ người khác, đồng nghiệp và bạn bè của tôi cũng đều cho rằng như vậy. Tôi cũng chưa bao giờ gây xích mích với người khác, nhưng thỉnh thoảng lại nảy sinh mâu thuẫn trong gia đình, vì thế mà tâm mòn lực kiệt.

Lâu nay, khi xảy ra mâu thuẫn với chồng (cũng là đồng tu), tôi luôn nghĩ anh là người gây sự với tôi trước, anh cứ như cảnh sát duy trì trật tự, thích uốn nắn cả những điều mà tôi cho là nhỏ nhặt, còn hùng hồn giáo huấn cho tôi một trận.

Chẳng hạn, một lần tôi quên đưa phiếu giảm giá mà tôi đã sử dụng cho nhân viên bán hàng khi thanh toán tiền mua hàng. Về đến nhà, tôi thấy điện thoại báo một phiếu giảm giá mới, tôi hồ hởi khoe với chồng: “Em tìm được một phiếu giảm giá mới này”, nhưng lại nhận từ anh lời chê trách, bảo tôi buông quăng bỏ vãi, cuộc sống lúc nào cũng lộn xộn, càng nói càng cường điệu hóa. Lúc đó, tôi giận quá, bèn tranh cãi với anh, nói rằng tư tưởng văn hóa đảng của anh quá nặng, ngữ khí bất thiện, không biết tôn trọng người khác, nhà anh toàn người như thế, thích chuyện bé xé ra to, v.v.

Tôi nghĩ bụng, kinh tế gia đình toàn mình lo, ngoài công việc người thường, mình còn phải bận việc của hạng mục, như vậy đã mệt mỏi lắm rồi, còn anh chỉ cần chuyên tâm toàn chức làm hạng mục, lại còn hay nhàn rỗi không phải lo chuyện gì. Vì chuyện nhỏ mà cãi vã với tôi, đúng là không thể ở cùng kiểu người này, cảnh giới tư tưởng giữa chúng tôi quá xa, chuẩn mực sống của người nông thôn so với người thành thị khác nhau quá nhiều. Đêm đó tôi tức đến mức không sao ngủ nổi.

Tối hôm sau, khi tôi giúp một khách hàng đặt mua vé xem Thần Vận, khách hàng yêu cầu tách riêng tiền vé với vợ anh, ai trả tiền vé của người nấy, tôi thầm nghĩ: “Lại có chuyện này nữa, vợ chồng mà còn phải thanh toán riêng sao? Tôi đã làm hai hóa đơn riêng theo yêu cầu của anh ấy.

Trước khi kết thúc giao dịch, khách hàng này đột nhiên kể với tôi: “Cô biết không? Hôm nay tôi đọc câu chuyện về một cặp vợ chồng theo đạo Cơ-đốc tranh cãi ai là người pha cà phê vào buổi sáng. Người chồng nói: “Mọi chi tiêu trong nhà đều do tôi làm việc vất vả bên ngoài kiếm tiền. Tôi phải đi làm từ sáng sớm, làm gì có thời gian? Cô phải pha cà phê.” Người vợ đáp lại: “Kinh Thánh dạy rằng anh phải quan tâm đến tôi.” Người chồng đáp trả: “Kinh Thánh không nói gì về việc tôi phải pha cà phê cả.”

Nghe anh ấy kể tới đây, tôi dường như hiểu ra rằng Sư phụ đang mượn miệng của anh ấy để thức tỉnh tôi, như muốn nói mâu thuẫn giữa vợ chồng tôi thật sự rất nực cười trong mắt người khác.

Tôi minh bạch ra rằng tôi vẫn cứ so bì ai làm nhiều, ai làm ít, cứ phải rạch ròi giữa mình với người khác; mình giỏi giang như vậy, sao anh không kể khuyết điểm của anh đi mà lại xét nét tôi; tôi còn dán nhãn cho người khác một cách vô thức, đồng tu kia dễ nói chuyện, đồng tu này khó làm việc cùng, đồng tu kia văn hóa đảng quá nặng… còn có tâm không để người khác nói, khi chưa chạm đến điểm giới hạn của tư tưởng quan niệm thì còn nhẫn được, còn không là không nhẫn nổi, còn cảm thấy ủy khuất.

Tôi nhận ra rằng bề ngoài, tôi yêu cầu bản thân phải làm tốt, nhưng từ sâu thẳm tôi lại muốn sống cuộc sống bình yên, ít mâu thuẫn, chứ không thực sự từ trong mâu thuẫn mà buông bỏ chấp trước vào “hạnh phúc” của con người, chưa mở rộng dung lượng của mình một cách vô điều kiện, chưa thực sự thiện ý lý giải người khác, chưa âm thầm phó xuất mà không mong hồi báo, thậm chí ngay cả quan niệm “phó xuất” này cũng phải chuyển biến, đó là lựa chọn, lựa chọn đi trên con đường tu luyện, chứ không phải đi theo con đường của người thường.

Người tu luyện dù ở đâu cũng phải làm cho tốt, nếu việc nhỏ ở nhà không vượt qua được thì sao nói đến quan nạn lớn được đây. Nhiều khi đối mặt với người nhà là đồng tu, thì càng thể hiện ra con người thật của mình nhất, cũng khó nhận ra khuyết điểm của bản thân nhất, mà đây cũng chính là nguyên nhân căn bản của vấn đề.

Trên đây là một chút thể hội của cá nhân tôi. Có gì chưa phù hợp, mong các đồng tu từ bi chỉ rõ.

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/2/3/471755.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/2/22/215963.html

Đăng ngày 04-03-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share