Bài viết của một phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc

[MINH HUỆ 18-12-2023] Ngày 8 tháng 7 năm 2023, một cư dân ở thành phố Đức Huệ, tỉnh Cát Lâm đã bị bắt cóc vì tu luyện Pháp Luân Công. Phòng An ninh Nội địa thành phố Đức Huệ đã hai lần gửi vụ án của ông Triệu Kim Dân tới Viện Kiểm sát thành phố Đức Huệ nhưng đều bị trả lại với lý do không đủ bằng chứng. Gần đây, trang Minh Huệ xác nhận rằng ông Triệu đã bị kết án 1,5 năm tù giam nhưng hiện vẫn chưa có thông tin chi tiết về bản cáo trạng, phiên tòa xét xử và bản án của ông.

Đây không phải lần đầu tiên ông Triệu, cựu quản lý kho lương thực, bị nhắm tới từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ra lệnh bức hại Pháp Luân Công, môn tu luyện cả tâm lẫn thân, vào năm 1999. Trước đó, ông đã nhiều lần bị bắt cóc và nhận ba bản án cải tạo lao động. Bà Mã Cảnh Hoàn, vợ ông Triệu, cũng là học viên Pháp Luân Công, cũng từng bị bắt hai lần cùng với ông. Bà bị suy nhược cơ thể do áp lực tinh thần của cuộc bức hại và đã qua đời vào mùa đông năm 2022.

Dưới đây là lời kể của chính ông Triệu về cuộc bức hại mà ông phải chịu đựng trước đây.

Sách nhiễu

Vào ngày 22 tháng 7 năm 1999, hai ngày sau khi cuộc bức hại bắt đầu, tôi đã tới trụ sở chính quyền tỉnh Cát Lâm để kháng nghị cho quyền tu luyện Pháp Luân Công. Tôi đã bị bắt cóc và đưa đến một trường tiểu học ở vùng ngoại ô. Trong 8 giờ bị giam giữ ở đó, cảnh sát đã đánh đập tôi. Họ cũng tịch thu cuốn sách Pháp Luân Công tôi mang theo người.

Biết tôi là người điều phối của các học viên địa phương, cảnh sát cùng nhiều đảng viên đảng cộng sản đã thường xuyên đến nhà sách nhiễu tôi, bắt tôi giao nộp sách, băng hình và băng ghi âm Pháp Luân Công. Họ cũng bắt tôi viết tuyên bố từ bỏ và phỉ báng Pháp Luân Công. Tôi và người thân đã phải sống trong nỗi sợ hãi thường trực. Hai cảnh sát là Trương Vĩnh Thần và Trương Dã đã tống tiền tôi 2.000 nhân dân tệ nhưng sau đó chỉ trả lại 1.500 nhân dân tệ.

Bản án một năm cải tạo lao động

Ngày 26 tháng 9 năm 1999, tôi bị bắt cóc và bị đưa vào Trại tạm giam Đức Huệ trong 15 ngày. Lưu Văn Siêu cùng hai cảnh sát khác đã tra tấn tôi: họ dùng gót giày da giẫm lên ngón chân tôi, lột hết quần áo của tôi rồi dùng thắt lưng da để đánh, họ còn kẹp vỏ đạn vào giữa các ngón tay rồi bóp chặt các ngón tay tôi.

Dưới sự chỉ đạo của Bí thư Đảng ủy Vu Hiểu Chu, tôi phải nhận bản án 1 năm cải tạo trong Trại lao động cưỡng bức Ẩm Mã Hà. Hàng ngày, tôi bị ép lao động nặng nhọc cường độ cao mà không được trả công. Lo lắng cho sức khỏe của tôi, gia đình tôi đã hối lộ những quan chức liên quan. Sau đó 4 tháng, tôi được thả và được phép thụ thời gian còn lại của bản án tại nhà.

Thêm nhiều lần bắt bớ và bản án cải tạo lao động thứ hai

Ngày 2 tháng 3 năm 2000, một số người của Đồn Công an Dương Thụ đã bắt cóc tôi theo lệnh của Thịnh Thế Trung, chính ủy của Sở Công an thành phố Đức Huệ, và Trương Khánh Xuân, trưởng Phòng An ninh Nội địa thành phố Đức Huệ. Tối hôm đó, tôi được thả về nhưng ngay ngày hôm sau đã bị bắt giữ trở lại và giam giữ 20 ngày.

Tôi bị bắt thêm một lần nữa vào giữa tháng 4 năm 2001 và bị giam 15 ngày trong một trung tâm tẩy não nằm dưới sự điều hành của Phòng 610 thành phố Đức Huệ.

Ngày 28 tháng 5 năm 2001, người của Đồn Công an phố Chính Dương đã bắt tôi khi tôi đang đi bộ trên phố. Nhiều tài liệu Pháp Luân Công, điện thoại di động và hơn 500 nhân dân tệ tiền mặt của tôi đã bị tich thu. Tại đồn công an, tôi bị tát vào mặt, nhốt vào lồng kim loại rồi bị đánh vào nách và mạng sườn. Viên cảnh sát Vương Bồi Quốc đã nhiều lần chụp túi ni lông lên đầu khiến tôi bị nghẹt thở. Một ngày sau, tôi bị đưa đến trại tạm giam Số 1 thành phố Trường Xuân trong hơn một một tháng. Lính gác họ Vương và Vạn Đắc Học đã nhiều lần đánh tôi, cố gắng ép tôi phải khai ra thông tin của những học viên khác và nơi tôi lấy tài liệu Pháp Luân Công. Tôi từ chối hợp tác và đã phải nhận bản án 2 năm cải tạo lao động tại Trại lao động cưỡng bức Triều Dương Câu.

Trại lao động này giống như một địa ngục trần gian. Chúng tôi bị các tù nhân theo sát chặt chẽ và không được phép nói chuyện với các học viên Pháp Luân Công khác. Mọi hoạt động hàng ngày của chúng tôi bị kiểm soát nghiêm ngặt, từ việc khi nào được uống nước, uống bao nhiêu tới việc khi nào chúng tôi được dùng nhà vệ sinh và dùng bao nhiều lần hay việc mỗi tối khi nào được đi ngủ và ngủ trong bao lâu.

Trong cả tháng 8 năm 2001, hơn 30 người trong Đội 1 của ở trại tạm giam không được phép rửa mặt. Chỉ có những tù nhân cầm đầu mới có đặc quyền được tắm rửa. Trong tháng 9 và tháng 10, chúng tôi bị chia thành ba nhóm và buộc phải ngồi ăn trong nhà vệ sinh. Trong khi chúng tôi ăn luôn có người đi vệ sinh bởi ba nhóm đều dùng chung nhà vệ sinh. Nhiều lần mất nước, chúng tôi vẫn phải dùng bữa trong nhà vệ sinh hôi hám.

Trong một ngày tháng 9 năm 2001, hai lính canh Vương Khải và Lý Quân phát hiện ra mấy cuốn sách Pháp Luân Công trên giường của tôi. Họ còng tay tôi vào thành giường tầng trên và các ngón chân của tôi hầu như không chạm đất. Lý Quân tra tấn tôi bằng dùi cui điện đồng thời ra lệnh cho một tù nhân khác đổ nước dưới chân tôi để sốc điện mạnh hơn. Còn Vương Khải dùng ống cao su đánh vào đầu vào mặt tôi. Khi ống cao su này hỏng, anh ta đã dùng thắt lưng da để đánh tôi. Cảm thấy như thế chưa đủ, anh ta tìm thấy một chiếc giày cứng có đế cao su và tiếp tục đánh tôi, chủ yếu là vào đầu và mặt, trong vòng hai giờ cho đến khi anh ta kiệt sức. Thấy tôi vẫn kiên định vào Pháp Luân Công, Vương Khải quấn vài sợi dây cáp điện thành một bó rồi đánh vào chân tôi. Cuối cùng, khi toàn thân run rẩy vì mệt thì anh ta mới ngừng lại. Lúc đó, mặt tôi đầy máu và sưng tấy. Thân thể tôi cũng đầy rẫy vết thương và vết bầm tím.

Trong một chiến dịch vào tháng 9 năm 2002 nhằm ép các học viên Pháp Luân Công kiên định phải từ bỏ đức tin, lính canh Cố Lục đã dùng một thanh gỗ cứng dài hơn 1 mét để đánh vào lưng, mông và chân của tôi. Sau đó, tôi đã không thể đứng, đi lại hay nằm ngửa được.

Tháng 11 năm 2002, Cố và một số lính canh khác đã ép tôi và học viên Vương Dũng đứng dưới vòi nước đang chảy hơn 40 phút mỗi ngày. Chúng tôi quá lạnh đến nỗi thân thể không ngừng run rẩy.

Cũng trong tháng 11 năm 2002, tất cả các học viên Pháp Luân Công bị giam trong trại lao động đã tập trung tại một phòng khám để lấy mẫu máu. Các lính canh nói rõ rằng họ chỉ quan tâm đến việc thu thập mẫu máu của các học viên Pháp Luân Công chứ không phải từ bất kỳ tù nhân bình thường nào khác. Không ai trong chúng tôi biết chuyện gì đang xảy ra. Chỉ khi tội ác cưỡng bức thu hoạch nội tạng bị vạch trần vào năm 2006, chúng tôi mới nhận ra rằng chính quyền đang xây dựng một ngân hàng nội tạng dựa trên dữ liệu sinh học của chúng tôi.

Sau khi mãn hạn hai năm, tôi bị giữ ở trại lao động thêm 15 ngày nữa. Khi thấy tôi vẫn không từ bỏ Pháp Luân Công, Phòng 610 thành phố Đức Huệ đã đưa tôi đến Trung tâm tẩy não Hưng Long Sơn ở thành phố Trường Xuân và giam thêm 15 ngày rồi mới thả tôi ra.

Bản án cải tạo lao động lần thứ ba

Vào 11 giờ 30 phút đêm ngày 28 tháng 9 năm 2004, Trương Khánh Xuân của Phòng An ninh Nội địa thành phố Đức Huệ, Vũ Đắc Dân của Đồn Công an Dương Thụ, cùng một số người khác đã đến gõ cửa nhà tôi. Khi tôi không mở cửa, họ đã đột nhập vào trong bắt cóc tôi và vợ tôi. Hai lần cảnh sát đưa tôi đến trại lao động thì cả hai lần tôi đều bị từ chối tiếp nhận vì lý do sức khỏe. Cuối cùng, họ vẫn bắt tôi phải nhận bản án 1 năm cải tạo lao động nhưng cho phép thụ án tại nhà. Viên cảnh sát Bạch Á Đông đã tống tiền tôi 2.000 nhân dân tệ.

Một vụ khám nhà khác

Ngày 4 tháng 7 năm 2012, hơn mười nhân viên của Đồn Công an Dương Thụ cùng Lâu Hưng Nham từ Phòng An ninh nội địa thành phố Đức Huệ cùng hai cảnh sát từ thành phố Liêu Nguyên, tỉnh Cát Lâm, đã đột nhập vào nhà tôi. Họ tịch thu các sách Pháp Luân Công, một bức chân dung của nhà sáng lập Pháp Luân Công, nhiều tài liệu thông tin, một đầu DVD, hai máy nghe nhạc MP3, ba điện thoại di động và một túi xách.

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/12/18/469445.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/12/21/213412.html

Đăng ngày 07-01-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share