Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 08-10-2023] Trong thời gian làm việc ở một thành phố khác, tôi có nhận dạy kèm một học sinh có nhu cầu đặc biệt. Bà ngoại của cậu bé cho biết từ lúc sinh ra cậu bé đã mắc bệnh hiểm nghèo. Các bệnh viện nổi tiếng trong nước đều đã khám cho cậu ấy, các chuyên gia y tế nói với bố mẹ cậu bé rằng bệnh quá nặng, cháu bé quá nhỏ, không thể chữa trị được, kiến nghị gia đình từ bỏ việc chữa trị, tiêm một mũi thuốc sẽ giúp cậu bé thoát khỏi được sự khổ đau. Bố mẹ của cậu bé gần như đã bỏ cuộc, nhưng bà của cháu, một học viên Pháp Luân Đại Pháp, đã phản đối ý định này. Bà nói rằng cách làm này là phi nhân tính, là sát sinh, là đi ngược với Thiên lý. Bà đã thuyết phục họ thay đổi quyết định. Sau đó bà đưa cháu về nhà chăm sóc và nuôi dạy. Bà mở băng ghi âm các bài giảng của Sư phụ cho cháu bé nghe. Cháu bé đã hồi sinh và lớn lên trước sự ngạc nhiên của mọi người. Khi đến tuổi đi học, không trường học nào nhận cháu vì cháu có vấn đề về tâm thần. Gia đình đã đề nghị tôi thử dạy cậu bé và tôi đã đồng ý.

Sau một thời gian đánh giá, tôi nhận thấy cậu bé có vấn đề về tư duy và phát âm, trí nhớ của cháu cũng rất kém. Cháu không thể nhớ được tuổi của mình dù đã được nhắc vô số lần. Cháu không thể phân biệt được chiếc giày dành cho chân trái hay chân phải dù đã hơn 10 tuổi. Những điều nhỏ nhặt nhất cũng có thể khiến cháu nổi giận, vì vậy gia đình hết mực chiều chuộng và cho phép cháu làm bất cứ điều gì mình muốn.

Trước đây, tôi đã từng dạy một học sinh thiểu năng trí tuệ, cuối cùng cháu bé đó đã có trí thông minh tốt hơn mức trung bình. Tôi tin rằng một số đứa trẻ khuyết tật có thể có nguồn gốc đặc biệt khi chuyển sinh tới đây, cậu bé này có thể là một trong số đó.

Chúng tôi dành một chút thời gian mỗi ngày để học Pháp. Tôi đọc cho cháu nghe và dần dần cháu đã có thể tự đọc được. Thời gian học còn lại, tôi dạy cháu các từ ngữ và sửa cách phát âm của cháu. Với mỗi từ tôi dạy cháu, tôi phải hướng dẫn cháu đọc hơn 100 lần mỗi buổi và luyện trong ít nhất ba buổi, vì chỉ sau khi nghỉ ngơi một lúc, tôi hỏi cháu chúng ta vừa học từ gì, cháu đã quên rồi. Đôi khi có những từ tôi vừa dạy xong nhưng cháu không thể đọc được. Tôi đã phải nhắc lại hơn 100 lần, nhưng ngày hôm sau cháu lại quên ngay. Tôi phải dạy đi dạy lại nhiều lần, nhưng cháu vẫn liên tục quên.

Tôi liên tục tu luyện tâm tính trong suốt quá trình này. Tôi không lo ngại cháu chậm chạp, nhưng khó nhất là những lúc cháu không nghe lời. Mặc dù tôi đã yêu cầu cháu nhìn vào chữ trong khi tập đọc nhưng cháu không chịu. Nếu tôi nói với ngữ khí mạnh một chút, cháu lập tức gào thét rồi bỏ đi. Tôi phải dỗ dành cháu quay lại.

Tôi đã dạy cháu bằng nhiều phương pháp khác nhau. Chúng tôi học từ đơn, từ ghép và sau đó là các cụm từ. Tôi cũng hướng dẫn cháu cách thể hiện bản thân. Khả năng nói của cháu đã tiến bộ rất nhiều sau một năm. Một ngày nọ, cháu không nghe lời tôi. Tôi bảo cháu đưa tay cho tôi và tôi đập nhẹ vào tay cháu. Tôi nói rằng đó là một cách phạt không tốt cho việc không nghe lời, sau đó hỏi cháu: “Đó có phải là cách làm tốt không?” Cháu trả lời: “Không tốt. Đó là cách của người bình thường. Cháu muốn theo cách từ bi.” Tôi nghe thấy vậy liền bật cười.

Tôi luôn ghi nhớ Pháp Luân Đại Pháp trong tâm khi dạy cậu bé và nhắc nhở bản thân phải đối xử với cậu bé bằng sự từ bi. Tuy nhiên, tôi lại mất kiên nhẫn khi không thấy tiến triển gì sau một thời gian dài. Lời tôi nói ra mang theo sự oán trách. Cậu bé lập tức thay đổi sắc mặt rồi liên tục nói: “Con không muốn học. Con không muốn học. Cô hãy đi đi!“ Tôi ngay lập tức nhận ra tâm tính của mình có vấn đề.

Sư phụ đã giảng:

“Bình thường chư vị luôn luôn bảo trì trái tim từ bi, [bảo trì] tâm thái hoà ái; [khi] gặp vấn đề thì sẽ xử lý được tốt, bởi vì nó có một khoảng hoà hoãn. Chư vị luôn từ bi, lấy Thiện đãi người, làm việc gì đều luôn luôn cân nhắc đến người khác, mỗi khi gặp vấn đề thì trước hết nghĩ rằng: ‘Việc này đối với người khác có thể chịu được không, đối với người khác có phương hại gì không’; như vậy sẽ không xuất hiện vấn đề gì. Do đó chư vị luyện công cần theo tiêu chuẩn cao, tiêu chuẩn cao hơn nữa mà yêu cầu bản thân.” (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)

Khi nghĩ về hành vi của cậu bé, tôi nhận ra rằng cậu bé không cố ý gây rắc rối; chủ yếu là do tình trạng bệnh tật của cậu ấy. Tôi liền dỗ dành cậu ấy. Lúc này tôi cũng nhắc nhở bản thân rằng mình là một học viên Pháp Luân Đại Pháp. Bất kể cậu ấy cư xử thế nào, nếu trong tâm tôi nảy sinh sự oán trách thì đó chính là nhân tâm, là hướng ngoài mà nhìn. Nếu sức khỏe bình thường thì cậu bé ấy đã có thể đến trường đi học. Tôi nên hướng nội và loại bỏ các chấp trước của mình, chẳng hạn như chấp trước vào danh và thành tích, những điều này dẫn đến việc tôi thiếu kiên nhẫn. Biểu hiện của cậu bé đã giúp tôi tìm ra những chấp trước ẩn giấu và nhận ra ma tính của mình.

Tóm lại, tôi nên làm tốt công việc của mình, nhưng không nên lấy đó làm cái cớ để buông lỏng khiến ma tính biểu hiện ra. Tôi tự nhủ phải buông bỏ những chấp trước của mình, dùng đại Thiện của Pháp Luân Đại Pháp để chỉ đạo việc giảng dạy của mình và đối mặt với mọi khó khăn nhờ tâm thuần Chân và tâm đại Nhẫn mà Sư phụ đã dạy tôi. Tôi không nên chấp trước vào thành tích khi dạy dỗ cậu bé. Thay vào đó, tôi nên dùng hành vi của cháu như một tấm gương phản ánh để nhìn ra những chấp trước của mình. Sau khi tôi nhận ra điều này, mọi thứ đã chuyển biến tốt hơn. Cậu bé đã có thể nhớ được một vài từ sau một tuần học. Tôi cũng làm thẻ ghi chú để cháu xem lại. Tính đến thời điểm viết bài chia sẻ kinh nghiệm này, cháu đã học được từ 300 đến 400 từ dù phải mất 4 năm.

Nhiều lần, tôi đã nghĩ đến việc bỏ cuộc nhưng đã thay đổi quyết định sau khi loại bỏ được tâm ích kỷ của mình. Ngoài việc dạy cháu chữ, thỉnh thoảng tôi còn đưa cháu ra ngoài để dạy cháu nhiều điều trong cuộc sống. Tôi để cháu dẫn tôi về nhà để cháu học cách tìm đường. Tôi cũng bật các video về Pháp Luân Đại Pháp. Khi nhìn thấy bất kỳ nội dung nào liên quan đến cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Đại Pháp của cảnh sát, cháu lại đặt tay trước ngực và nói: “Diệt, diệt, diệt, tà ác toàn diệt!”

Khi còn nhỏ, cậu bé được bà ngoại nuôi dưỡng, môi trường xung quanh là các học viên. Sau đó, cháu được chuyển đến nhà bà nội và mọi người xung quanh đều không phải học viên. Tôi nhận thấy rằng cháu đã học một số từ ngữ thô tục và bắt đầu tranh cãi với tôi. Ví dụ, cháu nói: “Không phải việc của cô” khi tôi cố gắng ngăn cháu làm một việc gì đó. Tôi cảm thấy bối rối và mệt mỏi. Sau khi bình tĩnh lại, tôi nhận ra rằng đã đến lúc tôi phải đề cao bản thân và có tấm lòng rộng mở hơn.

Sau khi hướng nội, tôi nhận ra rằng tôi đã đọc Pháp với cậu bé theo cách làm cho xong nhiệm vụ, tôi hiếm khi thảo luận về ý nghĩa với cậu ấy. Có lẽ cậu ấy không hiểu nhiều. Sau đó, tôi đã cùng cậu bé đọc phần “Tu luyện phải chuyên nhất” trong cuốn Chuyển Pháp Luân và thảo luận về ý nghĩa của nội dung đó. Kết quả là cậu ấy đã hiểu rõ hơn. Lần sau khi cậu bé chửi bậy, tôi nhìn cháu một cách ân cần. Cháu nói: “Con đã sai rồi.” Tôi rất vui và ngạc nhiên trước sự tiến bộ của cháu, đến mức rơi nước mắt. Điều đó thật không dễ dàng!

Khi tôi đề cao tâm tính, học trò của tôi cũng đề cao. Cháu đã chứng kiến ​​cách tôi hướng nội và cũng học cách hướng nội. Một số đồng tu thỉnh thoảng ghé qua và gặp cậu bé. Cháu đã khiến họ ngạc nhiên khi đọc thuộc lòng một vài đoạn Pháp một cách hoàn hảo. Các đồng tu khác rất ấn tượng, mọi người đều thấy được uy lực của Đại Pháp. Hai lần khi cháu không vâng lời, tôi đã tỏ vẻ nghiêm khắc và lớn tiếng. Trước sự ngạc nhiên của tôi, cháu đã đáp lại bằng một nụ cười: “Cô cần có một trái tim từ bi!”

Một điều kỳ lạ là cậu bé từ chối học bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào khác. Những cụm từ và đoạn văn tôi dùng để dạy cậu ấy đều được tôi biên soạn ra dựa trên những từ ngữ đã dạy cháu trước đây. Đôi khi cháu hỏi tôi: “Thưa cô, câu này có phải là từ Pháp không?” Cậu ấy tỏ vẻ hạnh phúc khi tôi trả lời là đúng. Nếu không, cháu sẽ lắc đầu và nói: “Con sẽ không học nó. Xóa nó đi.”

Cháu đã có thể đọc thuộc lòng hơn 10 bài thơ trong cuốn Hồng Ngâm và tiêu đề của các mục trong cuốn Chuyển Pháp Luân, và thậm chí còn đọc chính xác một số câu khi chúng tôi học Pháp. Với một chút trợ giúp, cháu có thể đọc thuộc lòng những đoạn đầu tiên của Luận Ngữ và Bài giảng thứ nhất trong cuốn Chuyển Pháp Luân. Chúng tôi đã thảo luận về việc tu luyện tâm tính sau mỗi buổi học. Chúng tôi đã thực hiện rất tốt. Khi tôi dùng thiện tâm để chỉ ra những chấp trước của cháu, cháu nói: “Thưa cô, điều cô nói rất đúng!”

Cháu đã nhặt các tờ rơi Pháp Luân Đại Pháp bị bỏ đi khi chúng tôi ra ngoài tham gia các hoạt động. Mỗi lần cháu nghe nói Sư phụ có bài giảng mới, cháu đều bảo tôi đọc cho cháu nghe. Khi tôi đưa cháu đi thăm một đồng tu có treo ảnh Sư phụ trên tường, cháu đã chắp hai tay vào nhau theo tư thế hợp thập, thể hiện sự tôn kính trước Sư phụ. Thỉnh thoảng tôi lướt tin tức mới nhất trên điện thoại di động trong giờ nghỉ giải lao, nhưng cháu đã lấy điện thoại di động của tôi và nói: “Cô hãy học Pháp nhiều hơn nếu cô có thời gian rảnh.”

Những cải thiện đáng kinh ngạc của cậu bé đã tâm tôi bừng sáng. Tôi rơi lệ cảm tạ Sư phụ vì sự an bài tỉ mỉ và sự chăm sóc từ bi của Ngài!

Tôi từng nghĩ rằng mình đã tu luyện bản thân tốt, nhưng việc dạy học sinh có nhu cầu đặc biệt này khiến tôi nhận ra rằng mình chỉ mới bắt đầu tu luyện. Mỗi bước tiến đều nhờ vào sự chỉ dẫn của Đại Pháp và Sư phụ. Tôi cảm thấy rằng mọi rắc rối mà tôi gặp phải đều là một loại máy phát hiện nói dối đã vẽ ra một biểu đồ rõ ràng về những chấp trước ẩn giấu của tôi. Cách duy nhất để tôi đạt viên mãn là tu luyện tinh tấn cho đến khi không còn sơ hở nào nữa.

Trên đây là những hiểu biết hạn chế của tôi. Xin vui lòng chỉ ra bất cứ điều gì không phù hợp.

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2023/10/8/466785.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/11/11/212864.html

Đăng ngày 17-12-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share