Bài viết của Thấm Liên, học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc
[MINH HUỆ 03-09-2023] Ở khu vực chúng tôi có hai mẹ con đều tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Cô con gái lấy chồng và chuyển đến sống ở thành phố khác. Người mẹ đã ngoài 80 tuổi, sống một mình nên tôi thường xuyên đến thăm bà.
Một ngày, người mẹ bị ngã và phải nhập viện phẫu thuật. Cô con gái phải tới sống cùng để chăm sóc bà. Sau khi chung sống một thời gian, họ bắt đầu cãi vã. Khi thấy tôi tới thăm, hàng xóm của họ bảo tôi hãy mặc kệ việc của gia đình họ. Tôi nghĩ vì chúng tôi là đồng tu nên chuyện của họ cũng là chuyện của mình. Tôi không muốn để lại ấn tượng tiêu cực về Đại Pháp cho người khác vì chúng tôi tu luyện không tinh tấn.
Vừa bước vào nhà, hai mẹ con đã phàn nàn về nhau với tôi. Cả hai đều không muốn nghe những gì tôi nói và tiếp tục tranh cãi. Tôi nói: “Hai mẹ con mà cư xử thế này sẽ khiến người khác có ấn tượng không tốt về Đại Pháp. Khi gặp vấn đề chúng ta cần phải đề cao tâm tính. Chúng ta nên học Pháp nhiều hơn và hướng nội tìm.”
Sau khi rời đi, tôi tự hỏi tại sao mình lại nhìn thấy mâu thuẫn này. Có phải vì tôi chưa tu tốt ở một phương diện nào đó hay không? Sau đó tôi nhớ đến Pháp của Sư phụ.
Sư phụ giảng:
“Khi [thấy] người khác có nảy sinh mâu thuẫn, [dẫu] là người thứ ba [ngoài cuộc] thì chư vị đều nên suy xét xem: ‘Tôi nên làm như thế nào cho tốt, đối với sự việc này nếu tráo đổi sang là tôi thì có thể giữ vững bản thân được không, có được như người tu luyện đối diện với phê bình và ý kiến hay không?” (“Giảng Pháp tại Pháp hội thành phố Los Angeles [2006]”)
Lời nói và biểu hiện của các đồng tu giống như tấm gương cho tôi nhìn thấy những thiếu sót của mình. Mối quan hệ giữa tôi với chồng tôi không tốt. Tôi cần tìm ra nguyên nhân chỗ nào mình chưa tu tốt và hoàn toàn buông bỏ chấp trước.
Chồng tôi
Tôi đã từng coi thường chồng mình. Tôi nghĩ ông ấy vừa không có năng lực vừa không có trách nhiệm lại còn nhu nhược. Ông ấy cư xử không ra dáng một người đàn ông và muốn tôi lo hết mọi việc trong nhà, từ lớn đến nhỏ. Ông ấy hiếm khi giúp tôi nhưng lại thường xuyên bịa đặt và nói xấu sau lưng tôi. Tôi thường so sánh chồng mình với người khác và hối hận vì đã cưới một người đàn ông như vậy.
Ngay sau khi bước vào tu luyện, tôi đã thay đổi hoàn toàn thái độ và cư xử tốt với chồng. Nhưng tính khí của ông ấy lại trở nên tồi tệ hơn, ông ấy thường khó chịu và mắng mỏ tôi.Con dâu tôi không thể chịu nổi và nói: “Mẹ ơi, bố luôn nổi giận với mẹ.” Còn con trai tôi phàn nàn: “Mẹ đã nuông chiều bố. Gia đình mình trước đây có như thế này đâu. Mẹ từng là người có tiếng nói cuối cùng, những gì mẹ nói bố không dám phản đối. Mọi chuyện giờ đã đảo ngược rồi, bố lại là người nổi cáu với mẹ. Con đã nói mẹ phải chấn chỉnh bố đi nhưng mẹ không làm.”
Tôi khẽ cười và nói: “Bây giờ mẹ tu Đại Pháp rồi, mẹ sẽ không chấp nhặt với bố con nữa.”
Dù nói là không muốn chấp nhặt với ông ấy nhưng tâm tôi thường không tĩnh lại được khi ông ấy nổi cơn cáu giận với tôi.
Tôi biết quá trình tu bỏ nhân tâm là chuyện tốt, là cơ hội để tịnh hóa thân thể và đề cao trong tu luyện. Nhưng khi không kiềm chế được bản thân tôi lại tức giận và mắng mỏ chồng. Chồng tôi nói: “Nhìn xem, em đâu còn hành xử như người tu luyện. Em giống một mụ đàn bà chua ngoa hơn!” Tôi biết Sư phụ, nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp, đang dùng miệng của ông ấy để điểm hóa cho tôi. Tôi kìm lại những điều muốn nói và hối tiếc vì mình đã không làm tốt.
Tôi đã cố gắng hết sức để kiềm chế bản thân và không tức giận nữa. Tôi tự nhủ có lẽ kiếp trước mình đã nợ ông ấy. Tôi nghĩ mình cần chiểu theo Pháp của Sư phụ, cư xử như một người tu luyện và trả hết nợ. Trong quá trình này tôi cũng muốn buông bỏ tâm oán hận và tâm coi thường chồng.
Tâm tôi tĩnh lại nhưng tôi vẫn không tìm ra mình vướng mắc ở đâu. Tôi đã tu luyện lâu như thế, vậy tại sao tôi vẫn oán hận và coi thường chồng?
Trước đây, chồng tôi chỉ nấu ăn và lau nhà, không chịu làm các việc khác và mọi việc đều đến tay tôi. Ví dụ như khi con vít đèn treo tường bị lỏng, đèn bị lệch đi, tôi nhờ ông ấy chỉnh lại nhưng ông ấy nói không biết sửa. Việc dựng hàng rào, làm cái lán, hay lắp cái cửa ông ấy cũng bảo không biết làm.
Tôi cảm thấy năng lực của ông ấy hạn chế và chấp nhận điều đó. Tuy nhiên, ông ấy không thể chịu đựng được khi người khác khen tôi. Mỗi khi nghe ai khen ngợi tôi, ông ấy lại bịa chuyện để nói xấu tôi. Khi người khác kể lại với tôi những gì ông ấy nói và tôi hỏi ông ấy tại sao, ông ấy phủ nhận và còn giận dỗi. Lúc đó tôi thực sự ghét ông ấy và rất buồn về điều đó.
Giờ đây, khi tu luyện Đại Pháp, tôi đặt mình vào hoàn cảnh của ông ấy. Nhiều người có thể nghĩ rằng tôi có năng lực hơn ông ấy, khiến ông ấy cảm thấy mất thể diện của một người đàn ông. Vì vậy tôi cố gắng hạ thấp mình để ông ấy đỡ bị mất mặt.
Cơ hội đề cao
Tôi nghĩ cuộc sống của chồng tôi hẳn không dễ dàng gì. Ông ấy liên tục cảm thấy cần phải hạ thấp tôi để đề cao bản thân. Tôi không còn oán hận ông ấy nữa. Tôi nhận ra lý do mình coi thường chồng vì tôi không thể dựa vào chồng để có cuộc sống tốt hơn. Bây giờ tôi nhận ra rằng mỗi người đều có số mệnh của mình và không ai có thể thay đổi được. Ngoài ra, người tu luyện có con đường và mục tiêu riêng.
Tôi thực sự biết ơn chồng vì đã cho tôi cơ hội để đề cao, tôi không còn tức giận ông ấy nữa.
Gần đây, chồng tôi lại nghiện chơi điện thoại di động. Ông ấy thường ngồi ôm điện thoại cho đến giờ nấu ăn vẫn không đứng dậy. Khi tôi nhắc nhở, ông ấy tỏ ra khó chịu và nói tôi chỉ dám gọi ông ấy chứ không dám sai bảo con dâu. Tôi nói: “Con dâu còn phải làm việc và chăm sóc con cái. Chúng ta đều đã nghỉ hưu cả rồi, việc nấu ăn cũng đâu có nặng nhọc gì.”
Có lần, ông ấy nói: “Bà cứ bảo tôi nấu ăn. Tại sao bà không tự nấu đi?” Ngay khi ông ấy nói vậy, tôi liền bước vào bếp. Tôi nhận ra rằng đây là cơ hội tốt để tôi buông bỏ tâm sợ bẩn và ngại làm các việc.
Trên đây là kinh nghiệm tu luyện của tôi. Xin vui lòng chỉ ra nếu có điều gì không phù hợp.
Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2023/9/3/464792.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/11/7/212811.html
Đăng ngày 09-12-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.