Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 13-09-2023] Gần đây, tôi đã đọc bài viết “ Đứng về phía Sư phụ, đứng về phía Đại Pháp” của một đồng tu và thấy rất đồng cảm. Thực ra, toàn bộ quá trình tu luyện cũng chính là quá trình tin vào Sư phụ Lý, nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp, và tin vào Pháp. Tất cả chúng ta đều nói rằng chúng ta tín Sư tín Pháp, nhưng khi chúng ta thực sự gặp phải sự việc hay vào những thời điểm then chốt, thì chúng ta lại có phần thực thi ngược lại với tín tâm này. Trong lần tiếp xúc mới đây với hai đồng tu, tôi nhận thấy cả hai đều thể hiện hy vọng, với các mức độ khác nhau, rằng cuộc bức hại sẽ chấm dứt càng sớm càng tốt. Họ có chút niệm đầu rằng không thể kiên trì thêm nữa. Mặc dù chúng ta nên chia sẻ thể ngộ tu luyện từ một góc nhìn tích cực, tôi vẫn muốn chia sẻ một số thể ngộ nông cạn của mình từ một vài góc độ khác.

1. Chúng ta đã tu luyện bản thân tốt chưa?

Nếu bạn hỏi các đồng tu xung quanh xem họ tu luyện thế nào, hầu hết họ sẽ trả lời: “Kém lắm, tôi còn xa mới thành được!” Thực sự tôi chưa bao giờ nghe thấy bất kỳ học viên nào đích thân nói với tôi rằng anh ấy hay cô ấy đã tu được rất tốt và không hề có vấn đề gì, v.v. Quả thực, mỗi một học viên dù đã tu luyện bao lâu, đều hiểu rõ mình đã tu tốt đến mức nào. Lấy tôi làm ví dụ, tôi vẫn còn nặng nhân tâm, nhiều quan niệm người thường, và nặng Văn hóa Đảng. Tôi cũng chưa hoàn toàn loại bỏ được các chấp trước như tâm danh lợi, tâm hiển thị, tâm tật đố, tâm oán hận và tự ngã v.v..

Nếu ngày mai Chính Pháp kết thúc mà tôi vẫn chưa đạt được tiêu chuẩn, thì tôi phải làm sao đây? Tôi sẽ phải làm gì nếu tôi không hoàn thành thệ ước? Đối diện với cái ngày mai ấy thì tâm thái của tôi nên thế nào đây? Nếu ngày mai Chính Pháp thực sự kết thúc, chắc hẳn tôi sẽ hy vọng rằng Sư phụ cấp cho tôi một cơ hội nữa, tôi sẽ trân quý thời gian, tinh tấn không giải đãi và cố gắng bắt kịp trong tu luyện. Thực ra, nếu chúng ta đặt mình vào vị trí của Sư phụ mà suy nghĩ, thì hiện tại Chính Pháp chưa kết thúc lại là điều tuyệt vời. Chẳng phải Sư phụ từ bi với chúng ta, với chúng sinh, cấp cho chúng ta thời gian và cơ hội để chúng ta tu tốt chính mình đồng thời cứu chúng sinh sao? Nếu đồng tu nào có thể suy nghĩ từ quan điểm của Sư phụ và Pháp trong mọi sự việc, thì tôi cho rằng người đó là người tu luyện tinh tấn.

2. Khổ nạn chúng ta đang trải qua là phần nghiệp còn lại sau khi Sư phụ đã gánh chịu cho chúng ta

Nhiều học viên không thể vượt quan “nghiệp bệnh” có thể đã coi nhẹ một yếu tố quan trọng, rằng những gì chúng ta đang chịu đựng chỉ là phần nghiệp còn lại sau khi Sư phụ đã gánh chịu cho chúng ta. Chúng ta cần chịu đựng phần còn lại đó.

Trong kinh văn mới, Sư phụ giảng:

“Khi Sư phụ cứu chư vị, còn gánh chịu tội nghiệp thay cho chư vị, hơn nữa còn tìm hết các biện pháp tiêu sạch nghiệp của chư vị.” (Tránh xa hiểm ác)

Sư phụ không chỉ gánh chịu nghiệp cho chúng ta, Ngài còn dùng nhiều biện pháp và phương cách khác nhau để giúp chúng ta vừa có thể tu luyện vừa tiêu trừ phần nghiệp còn lại của mình. Tuy nhiên, chúng ta lại thường dùng nhân tâm để đối đãi với tu luyện và dùng cái tình của người thường để cảm tạ Sư phụ. Những gì chúng ta nợ Sư phụ là không thể tưởng tượng được.

Khi một người xuất hiện giả tướng “nghiệp bệnh,” lúc đầu người đó vẫn có thể kiên định. Tuy nhiên, sau khi chịu đựng trong vài ngày, thì phát hiện ra nghiệp bệnh không hề giảm đi mà thậm chí còn nghiêm trọng hơn, tín tâm của anh ấy sẽ bắt đầu lung lay, “Sao mà khó chịu thế nhỉ?” “Sư phụ không còn chăm sóc cho mình nữa sao?” Anh ấy có thể bắt đầu nảy sinh các niệm đầu không chính như vậy. Sau đó, nghiệp tư tưởng sẽ thừa dịp xông lên, không ngừng rót vào đầu não của anh: Nhanh chóng đến bệnh viện đi! Điều trị tại bệnh viện sẽ nhanh hơn đấy! Đau quá thế này tiêm vào thì sẽ hết đau .v.v. Nếu anh ta thuận theo những niệm đầu này, thì anh ta có thể thực sẽ phải đi viện.

Tôi cũng từng có một trải nghiệm tương tự. Có lần thân thể tôi xuất hiện đau đớn tột độ, đau liền bốn ngày năm đêm. Trong mấy ngày đó, tôi đã giảm hơn 7 kg và cảm thấy mình thực sự khó mà sống nổi. Người nhà tôi đã nhờ một người thân lái xe ô tôi đưa tôi đến bệnh viện. Trên đường đi, người bạn đang lái xe đột nhiên nhắc tôi nhẩm Pháp. Tôi đã quen người bạn này đã hơn 20 năm, đã giảng chân tướng cho anh và giúp anh làm tam thoá. Tôi cảm giác Sư phụ đã mượn lời của anh ấy để điểm hóa cho tôi. Vì vậy, tôi bắt đầu nhẩm Pháp của Sư phụ, từ Luận Ngữ, các đoạn Pháp tôi đã thuộc trong Chuyển Pháp Luân, đến Tinh Tấn Yếu Chỉ rồi Hồng Ngâm. Về cơ bản tôi chỉ nhẩm lại những gì tôi có thể nhớ được. Đi được nửa đường, người bạn đó dừng xe để đi vệ sinh. Tôi nghĩ mình cần chút không khí trong lành, bèn ra khỏi xe. Khi người bạn quay lại và nhìn thấy tôi đứng đằng sau anh, anh đã rất kinh ngạc. Lúc đầu lên xe tôi còn phải cần anh ấy trợ giúp mới vào xe được, nên anh ngạc nhiên hỏi tôi: “Sao anh lại ra khỏi xe? Anh hết đau rồi à?” Tôi nói rằng tôi không còn đau nữa. Việc nhẩm thuộc Pháp đã đem lại cho tôi tín tâm và tôi đã vượt qua được quan nạn đó.

Gần chỗ tôi còn có một đồng tu, cô ấy bị xe tông từ phía sau khiến lưng cô bị rạn xương, chỉ nằm trên giường và không thể cử động được. Con trai cô nói muốn mua loại cao dán cho cô, cô liền bảo có mua về cũng không dán được. Sau khi con trai cô mua cao dán về, cậu ấy cũng quên không dán cho cô. Con dâu cô lo lắng rằng cô có thể bị liệt, nên đã cố gắng thuyết phục cô đi viện. Người học viên này buột miệng nói rằng sau 12 ngày nữa cô sẽ khỏi. Cuối cùng, sau 12 ngày cô thực sự đã có thể ra khỏi giường và bước đi được.

Trường hợp thứ nhất là một loại tín, nhưng là bán tín bán nghi, là quá trình mà được Sư phụ điểm ngộ rồi mới tin. Còn trường hợp thứ hai là tín tâm hoàn toàn, một niềm tin kiên định suốt toàn bộ quá trình. Trong trường hợp thứ nhất, người học viên đã đi đường vòng rồi mới quay trở lại (nếu không thể quay trở lại thì sẽ ra sao?) còn ở trường hợp thứ hai, người học viên có niệm đầu ngay chính không chút lay động, có tín tâm kiên định vào Đại Pháp không chút nghi ngờ. Từ góc độ tín Sư tín Pháp mà nói thì khoảng cách là rất rõ ràng.

Sư phụ đã đề cập trong Chuyển Pháp Luân:

“Nhưng trong vũ trụ này của chúng ta có một [Pháp] lý gọi là ‘bất thất bất đắc’, không thể giúp chư vị hạ hết toàn bộ xuống được, chư vị mà không phải chịu đựng một chút thì tuyệt đối không được phép.” (Bài giảng thứ hai, Chuyển Pháp Luân)

Nếu từ đầu tôi đã nghĩ rằng đó chỉ là chút thống khổ còn lại mà tôi phải chịu sau khi Sư phụ đã gánh chịu tất cả cho tôi, thì nhất định tôi sẽ có thể vượt qua được. Nếu tôi có thể suy nghĩ như thế, làm sao tôi có thể không vượt qua chứ? Nhưng ngay cả khi đã nghĩ như thế, khi các nhân tâm nổi lên, tôi vẫn muốn nhận được điểm hóa từ Sư phụ. Không ai trong chúng ta biết Sư phụ đã gánh chịu bao nhiêu nghiệp lực cự đại cho chúng ta. Những gì còn lại để chúng ta chịu đựng thậm chí có thể không đến một phần trăm của nợ nghiệp to lớn mà chúng ta đã tích lũy trong quá khứ. Kỳ thực, Sư phụ biết rõ nhất về việc này. Một phần nhỏ nghiệp lực còn lại đó chắc chắn chúng ta có thể chịu đựng được. Tôi tin rằng phần lớn các đồng tu đều có cùng nhận thức như vậy.

Ghi chú của Ban Biên tập: Bài viết này thể hiện nhận thức cá nhân của tác giả ở trạng thái tu luyện hiện tại, xin chia sẻ cùng quý đồng tu để chúng ta “Tỉ học tỉ tu” (“Hồng Ngâm”).

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2023/9/13/465256.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/11/6/212794.html

Đăng ngày 28-11-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share