Bài viết của Ái Tử, phóng viên báo Minh Huệ ở Ottawa, Canada

[MINH HUỆ 31-10-2023] Ngày 25 tháng 10, bà Đới Công Vũ (Dai Gongyu), đại diện của Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Canada và hai nhân chứng đã trình bày một báo cáo dài 130 trang tại Quốc hội Canada, tóm tắt về cuộc bức hại Pháp Luân Công của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở nước ngoài. Với tiêu đề Sự can thiệp và đàn áp ở nước ngoài đối với Pháp Luân Công tại Canada: Sự phát triển và các nghiên cứu điển hình từ năm 1999 đến năm 2023, báo cáo này phơi bày những sự thật đáng báo động về phạm vi, thời gian, mức độ thâm nhập và tính đa dạng của sự can thiệp này. Báo cáo cũng đưa ra 11 khuyến nghị về cách chống lại sự đàn áp của ĐCSTQ ở nước ngoài.

47db2b66135437ab1904bc89abff92ce.jpg

Bà Đới Công Vũ của Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Canada đã trình bày một báo cáo dài 130 trang tại Quốc hội Canada hôm 25 tháng 10 năm 2023, nêu chi tiết về sự can thiệp và cuộc bức hại xuyên quốc gia của ĐCSTQ

Sự can thiệp của ĐCSTQ ở Canada

Báo cáo của Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Canada liệt kê sự can thiệp và đàn áp xuyên quốc gia của ĐCSTQ từ năm 1999 đến năm 2023. Nội dung bao gồm sự thâm nhập chính trị, thao túng, đe dọa, kích động thù hận, làm sai lệch thông tin, hành hung, sách nhiễu cũng như tấn công và theo dõi mạng internet. Báo cáo tiết lộ, những phương thức này không chỉ là thủ đoạn của Đại sứ quán và Lãnh sự quán Trung Quốc, mà còn là của các điệp viên và đặc vụ của ĐCSTQ ở nước ngoài. Đặc biệt, Ban Công tác Mặt trận Thống nhất Trung ương ĐCSTQ đóng một vai trò quan trọng trong quá trình này.

Trong cuộc họp báo, bà Trương Thiên Khiếu, một học viên Pháp Luân Đại Pháp đến từ Toronto, đã chia sẻ về trải nghiệm cá nhân của mình. Em rể của bà, ông Trâu Tùng Đào, (tốt nghiệp thạc sỹ tại Đại học Hải dương Trung Quốc ) đã bị ĐCSTQ bức hại đến chết vào năm 2000. Em gái bà, bà Trương Vân Hạc (tốt nghiệp chuyên ngành kế toán tại Đại học Thanh Đảo) đã cùng bà tìm kiếm công lý sau cái chết của chồng bà ấy. Vì phân phát thông tin về cuộc bức hại vào năm 2001, bà Trương Vân Hạc bị bắt và mất tích kể từ đó.

Bà Trương Thiên Khiếu khi đó đang sinh sống ở Vancouver đã phơi bày sự bức hại tàn bạo này trong một cuộc họp báo và diễn đàn năm 2001. Bà nhanh chóng phát hiện mình trở thành mục tiêu bị sách nhiễu. Năm 2003, cửa kính của chiếc ô tô mà bà đỗ ở bên ngoài một căn hộ đã bị đập vỡ. Vài tháng sau, có ai đó đã đổ rất nhiều phân người lên ban công nhà bà. Bà Trương cho biết bà không có thù oán cá nhân với bất kỳ ai. Hơn nữa, bà mới chuyển đến căn hộ này không lâu và hầu như không ai biết nơi ở của bà. Vậy ai là người đã sách nhiễu bà?

Tháng 6 năm 2008, bà Trương chuyển đến Toronto và vài tháng sau bà trở thành tình nguyện viên. Kết quả là, bà phải để lại đứa con trai 4 tuổi và đứa con gái 7 tuổi ở nhà với một người bạn lớn tuổi.

Không lâu sau khi bà Trương rời khỏi căn hộ, một người đàn ông Trung Quốc mang theo súng đi đến, yêu cầu người bạn của bà giao hai đứa trẻ cho ông ta. Hai đứa trẻ trốn trong tủ quần áo và người bạn không mở cửa. Sau đó, người đàn ông cầm súng đó bỏ đi.

Sau khi gửi hai con đến một trường tiểu học địa phương, bà Trương đã gặp một số học sinh đến từ Trung Quốc đại lục. Vì vậy, bà giới thiệu Pháp Luân Công cho cha mẹ và ông bà của các em. Sau đó, bà thường thấy một số người Trung Quốc nhìn chằm chằm vào bà từ xa. Điều này khiến bà có cảm giác bất an, vì sự sách nhiễu và ảnh hưởng của ĐCSTQ đã bành trướng tới cả Canada.

Kích động hận thù và ảnh hưởng đến các quan chức đắc cử

Bà Đới giải thích: “Báo cáo ghi lại mức độ đáng báo động của thông tin sai lệch, đe dọa, thao túng và can thiệp của ĐCSTQ nhắm vào các quan chức đắc cử ở Canada, nhằm ngăn cản họ ủng hộ Pháp Luân Công, hoặc chỉ trích các hành vi vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ ở Trung Quốc”. Sự xâm nhập của ĐCSTQ vào hệ thống và tổ chức chính trị Canada là điều đáng báo động, vì nó làm suy yếu năng lực của chính phủ Canada trong việc giải quyết vấn đề và khắc phục sự can thiệp này.

Trong nhiều năm, ĐCSTQ còn giả danh học viên Pháp Luân Công để gửi thư điện tử cho các chính trị gia Canada nhằm hạ thấp uy tín của Pháp Luân Công bằng cách xúc phạm và đe dọa các quan chức này. Báo cáo viết: “Trong nhiều năm qua, Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Canada nhận được hơn 10 loại thư điện tử mạo danh như vậy từ các quan chức đắc cử Canada chuyển tiếp sang”.

Hơn nữa, ĐCSTQ còn can thiệp vào hoạt động của các cộng đồng và tổ chức Canada, cũng như các sự kiện văn hóa và lễ kỷ niệm. Bằng cách tài trợ cho các hoạt động này, ĐCSTQ yêu cầu nhà tổ chức loại trừ các học viên Pháp Luân Công ra khỏi sự kiện. Sự thao túng và can thiệp như vậy gây tổn hại đến lợi ích của người dân Canada và làm xói mòn các giá trị quan của Canada. Ngoài ra, các phương tiện truyền thông tin tức và nền tảng trực tuyến do ĐCSTQ kiểm soát thường truyền bá thông tin giả mạo nhằm kích động lòng hận thù, dẫn đến thái độ lãnh đạm, gạt ra rìa xã hội và kỳ thị Pháp Luân Công.

Nguy hiểm nhất là ảnh hưởng của ĐCSTQ đối với nhận thức của dân chúng và các quan chức đắc cử, khiến họ dễ tiếp nhận những lời phỉ báng Pháp Luân Công hơn. Chính vì sự tuyên truyền thù hận như vậy mà ĐCSTQ có thể đàn áp Pháp Luân Công thông qua việc tra tấn và ngược sát trong gần một phần tư thế kỷ qua.

Bà Đới nói rằng khi cuộc bức hại bắt đầu, đại sứ quán và lãnh sự quán của ĐCSTQ trực tiếp phát tán truyền đơn và thư kích động hận thù Pháp Luân Công. Rồi họ chuyển sang phương thức kín kẽ hơn, ví dụ như các điệp viên của Mặt trận Thống nhất trực tiếp gửi thư cho các quan chức đắc cử ủng hộ Pháp Luân Công. Các học viên nhận thấy điều này và đưa ra tòa án. Sau đó, đặc vụ của ĐCSTQ chuyển sang kế sách khác. Họ mạo danh học viên Pháp Luân Công để gửi tín thư hoặc thư điện tử đến các quan chức đắc cử các cấp, đặc biệt là các nghị viên quốc hội, bộ trưởng và thống đốc. Những lá thư này có những ngôn từ mang tính sỉ nhục và đe dọa với mục đích hạ thấp thanh danh của Pháp Luân Công và phá hoại những nỗ lực phơi bày những vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc của các học viên. Những lá thư điện tử đã được gửi đi nhiều lần và các quan chức chuyển tiếp tới các học viên hơn 10 lá thư điện tử kiểu như vậy. Chúng có nhiều loại và định dạng khác nhau.

Những lá thư điện tử như vậy cũng được gửi tới các quan chức đắc cử ở các quốc gia khác bao gồm Úc, New Zealand và Hoa Kỳ. Rõ ràng, đây là một hoạt động có chủ đích ​​mang tính toàn cầu và có sự phối hợp. Địa chỉ IP của một số thư điện tử có thể được truy nguyên ra là từ Trung Quốc, cho thấy đây là một hoạt động có hệ thống của ĐCSTQ nhằm đàn áp Pháp Luân Công và gây ảnh hưởng đến các quan viên chính phủ nước ngoài.

Hơn nữa, ĐCSTQ tạo điều kiện cho các quan chức Canada đến viếng thăm Trung Quốc nhằm mục đích khiến họ không ủng hộ Pháp Luân Công nữa. Trong báo cáo có đưa ra một ví dụ là thành phố Port Moody ở British Columbia. Từ năm 2002 đến năm 2007, thị trưởng của thành phố này mỗi năm đều ban hành tuyên bố “Tháng Pháp Luân Đại Pháp”. Sau đó, vào năm 2007, tỷ phú Lý Triệt, vốn là một quan chức quân đội Trung Quốc đã nghỉ hưu, đã lấy thân phận là một nhà phát triển bất động sản để mời thị trưởng đến thăm Bắc Kinh. Khi trở về, thị trưởng đã ngừng ban hành tuyên bố ca ngợi Pháp Luân Công.

Năm 2011, tờ Nhân dân Nhật báo (People’s Daily)cũng đưa tin việc mời các thị trưởng Canada đến thăm Trung Quốc làm thay đổi quan điểm của họ. Ví dụ, một thị trưởng từng có thái độ đối địch với ĐCSTQ đã thay đổi quan điểm sau chuyến đi như vậy. Sau đó, Ban Mặt trận Thống nhất quyết định cho Lý Triệt và nhiều người khác mời thêm các thị trưởng khác đến thăm Bắc Kinh. Kết quả là, mỗi năm có khoảng 10 thị trưởng đến thăm Trung Quốc theo thể thức này và họ đến từ Canada, Hoa Kỳ, Pháp, Ý và các quốc gia khác. Trên thực tế, Lý Triệt cũng được bổ nhiệm vào một chức vụ trong Liên đoàn Hoa kiều của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất ở Bắc Kinh.

Truyền thông đưa tin thị trưởng Vancouver Sam Sullivan được tiếp đãi như “hoàng đế” khi ông viếng thăm Trung Quốc. Khi trở về, ông ta ra lệnh dỡ bỏ các tấm áp phích và chòi thông tin của các học viên Pháp Luân Công dựng ở bên ngoài Lãnh sự quán Trung Quốc ở Vancouver. Để phản bức hại, các học viên ở Vancouver đã xúc tiến và không ngừng thỉnh nguyện ôn hòa trước lãnh sự quán ở Vancouver 24 giờ mỗi ngày kể từ năm 2001.

Uy hiếp và hăm dọa

Báo cáo cũng cung cấp chi tiết về những đe dọa và uy hiếp như vậy đối với công dân Canada cũng như người thân của họ ở Trung Quốc. Những hoạt động này do các đặc vụ của ĐCSTQ phát động, một số hoạt động có tính hệ thống và một số có tính ngẫu nhiên, nhưng tất cả đều nhắm vào các nỗ lực của các học viên Pháp Luân Công.

b59110bafe2920c779ace03388d7833b.jpg

Ông Jeff Li (Lý Kiệt), một học viên Pháp Luân Công ở Toronto, giải thích về báo cáo trong cuộc họp báo

Trong cuộc họp báo, học viên Jeff Li ở Toronto đã đưa ra một số dẫn chứng. Khi cô Helen Li (Lý Hải Luân) tham gia vào các cuộc thỉnh nguyện ôn hòa tại Lãnh sự quán Trung Quốc ở Toronto, cô thường bị chụp ảnh. Một hôm khi cô đang ở nơi làm việc thì một người đàn ông đến gặp cô và nói: “Này, tôi biết tên bố của cô đấy. Tốt hơn hết là cô hãy cẩn thận”. Vài ngày sau, bố của cô Helen từ Trung Quốc gọi điện đến, bảo cô hãy tránh tham gia các cuộc thỉnh nguyện ôn hòa, bởi cảnh sát Trung Quốc đã nói với ông rằng cô sẽ gặp nguy hiểm nếu làm như vậy.

Ông Jeff Li cho biết nhiều học viên Pháp Luân Công khác cũng đã trải qua những việc tương tự. Khi họ đi tới các điểm du lịch để luyện công hoặc giảng chân tướng về cuộc bức hại ở Trung Quốc với du khách, họ thường bị chụp ảnh. Tháng 4 năm 2022, có người đã đến tòa thị chính gỡ các biểu ngữ của học viên xuống và chụp ảnh họ. Vài tháng sau, cũng chính người này đã tấn công và lăng mạ các học viên Pháp Luân Công ở Khu phố Tàu vào ngày 30 tháng 9. Người đàn ông này đã giật điện thoại di động của một nữ học viên và cố gắng bỏ chạy. Các học viên đã báo theo và lấy lại được điện thoại cho cô ấy.

Ông Li không có thân nhân trực hệ ở Trung Quốc. Vào năm ngoái, vợ của một người bạn tốt của ông đã qua đời vì bạo bệnh ở Trung Quốc. Người bạn đó nói với ông Li qua điện thoại rằng: “Cảnh sát [Trung Quốc] nói với tôi là ngay cả khi anh ở Canada, họ cũng vẫn biết nhất cử nhất động của anh“.

Bà Đới cũng nêu ra một ví dụ. Trong 10 năm qua, một người đàn ông thường đến khu Pacific Mall ở Toronto để quan sát các học viên Pháp Luân Công. Khi được hỏi tại sao lại đến đây mỗi ngày, anh ta nói rằng mình được trả tiền để làm việc đó. Hơn nữa, một người phụ nữ Trung Quốc thường xuyên quấy rối các học viên tại ga tàu điện ngầm Scarborough. Một tuần sau, cũng chính người phụ nữ đó đã đến Thác Niagara để quấy rối và tấn công các học viên ở đó.

Bà Đới kết luận những sự việc này cho thấy đó là một nỗ lực có tổ chức của ĐCSTQ nhằm sách nhiễu các học viên Pháp Luân Công.

Lợi dụng các kênh ngoại giao

Cựu nhà ngoại giao Trung Quốc Trần Dụng Lâm (Chen Yonglin) đã làm chứng tại Quốc hội Hoa Kỳ rằng ưu tiên hàng đầu của các Lãnh sự quán và Đại sứ quán Trung Quốc trên khắp thế giới là công kích Pháp Luân Công một cách có hệ thống. Trên thực tế, ĐCSTQ đã thành lập một lực lượng chuyên môn trong mỗi cơ quan ngoại giao để phát động các hoạt động nhắm vào Pháp Luân Công ở quốc gia đó.

Bằng cách leo thang cuộc bức hại Pháp Luân Công ở nước ngoài, ĐCSTQ không chỉ đe dọa các học viên Pháp Luân Công mà còn phá hoại các giá trị cơ bản và hệ thống pháp luật ở Canada. Sau đó, báo cáo đưa ra 11 khuyến nghị nhằm chống lại sự can thiệp và đàn áp xuyên quốc gia của ĐCSTQ.

Nếu những hành vi tà ác này của ĐCSTQ vẫn tiếp diễn mà không bị chính phủ Canada khống chế, nhiều công dân Canada sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực hơn. Vì vậy, điều quan trọng là chính phủ Canada phải ưu tiên các phương án để ​​chống lại sự thâm nhập của ĐCSTQ.

Luật pháp và những nỗ lực chung

Cựu quan chức tình báo cấp cao của Canada ông Michel Juneau Katsuya cho biết, trong một cuộc phỏng vấn rằng chính phủ đã biết về hành vi sách nhiễu Pháp Luân Công của ĐCSTQ trong nhiều năm qua. Ví dụ, các thị trưởng ở Vancouver, Ottawa và Toronto đã bị ảnh hưởng bởi ĐCSTQ và đã thay đổi các quy định, khiến các học viên Pháp Luân Công gặp khó khăn hơn trong việc vạch trần sự tàn bạo của ĐCSTQ. Ông nhấn mạnh rằng người dân Canada, bất kể có tín ngưỡng tôn giáo gì, đều cần được bảo hộ.

Cụ thể hơn, Canada cần có pháp luật định nghĩa về sự can thiệp từ nước ngoài. Pháp luật cũng cần phải xác định những đại diện của nước ngoài nào cần phải báo cáo, không chỉ những người vận động hành lang, mà cả những người chịu ảnh hưởng bởi những người vận động hành lang. Ông cho biết, hiện cơ quan tình báo chỉ báo cáo với Thủ tướng. Ông khuyến nghị cơ quan này cũng cần cung cấp thông tin cập nhật cho công chúng để các ngành nghề và học viện khác nhau có thể nhận được các thông tin liên quan. Ông nói thêm, điều quan trọng là xã hội phương Tây phải cùng nhau chung tay nỗ lực để đối kháng với ĐCSTQ.

Báo cáo đầy đủ về Sự can thiệp và đàn áp ở nước ngoài đối với Pháp Luân Công tại Canada: Sự phát triển và các nghiên cứu điển hình từ năm 1999-2023, có thể được truy cập qua đường link

https://library.faluninfo.net/canada-2023-report-foreign-interference-transnational-repression-of-falun-gong/

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/10/31/467661.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/11/1/212728.html

Đăng ngày 05-11-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share