Bài viết của Anh Tử, phóng viên Minh Huệ
[MINH HUỆ 23-02-2022] Gần đây, Trịnh Bộ Thu (Buqiu Zheng) đã bị cảnh sát bắt giữ bởi những hành động bạo lực liên tiếp đối với các quầy thông tin Pháp Luân Công ở Flushing, New York và bị cáo buộc hai trọng tội cấp E: tội phá hoại mức độ bốn và tội gây thù hận.
Cảnh sát bắt giữ Trịnh Bộ Thu vì tấn công bạo lực các quầy thông tin Pháp Luân Công ở Flushing, New York, ngày 15 tháng 1.
Tại Sở Cảnh sát New York Phân khu 109, ông Quách Cẩm Phúc (Guo Jinfu), một học viên Pháp Luân Công tình nguyện tại các quầy thông tin, khai báo rằng người đàn ông họ Trịnh, 32 tuổi, đã phá hoại các băng rôn, biểu ngữ và nhiều tài liệu khác tại ba quầy thông tin Pháp Luân Công, lần lượt tại Trung tâm mua sắm Golden, Thư viện Flushing và một nhà ga tàu điện ngầm. Ngoài việc lăng mạ các học viên, Trịnh còn đấm vào ngực ông Quách.
Những hành vi bạo lực này đã làm dấy lên mối quan ngại sâu sắc từ các luật sư và người ủng hộ nhân quyền. Có rất nhiều bằng chứng cho thấy những hành động bạo lực này là một phần của cuộc bức hại mang tính hệ thống của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công.
Luật sư David Matas: Tội thù hận bắt nguồn từ sự kích động hận thù của ĐCSTQ
Ông David Matas, luật sư nhân quyền nổi tiếng người Canada, trong một cuộc phỏng vấn gần đây, cho biết kích động thù hận là một tội ác bắt nguồn từ sự hận thù. Ông cho rằng ở các quốc gia bên ngoài Trung Quốc đại lục, tội ác căm thù đối với Pháp Luân Công đến từ các cá nhân, trong khi kích động thù hận lại bắt nguồn từ ĐCSTQ. Do vậy, ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm cho những hành vi kích động này.
Luật sư nhân quyền Canada David Matas cho biết ĐCSTQ kích động thù hận chống lại Pháp Luân Công ở Trung Quốc tương đương với kích động diệt chủng.
Công ước về Ngăn ngừa và Trừng phạt Tội ác Diệt chủng (CPPCG) hay còn gọi là Công ước về Diệt chủng, là một công ước quốc tế được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua vào năm 1948. Ông Matas giải thích rằng đây là công ước ngăn cấm xúi giục phạm tội diệt chủng. Kích động diệt chủng là một hình thức cực đoan của kích động thù hận và Trung Quốc là một thành viên của Công ước về Diệt chủng này. Hành vi kích động thù hận của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công nghiêm trọng đến mức nó tương đương với kích động diệt chủng.
Ngoài ra, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua Công ước Quốc tế về quyền Chính trị và Dân sự vào năm 1996. Điều 20 của công ước này quy định “Bất kỳ hành vi ủng hộ nào cho hận thù quốc gia, chủng tộc hay tín ngưỡng mà cấu thành nên sự kích động phân biệt đối xử, thù địch hay bạo lực đều bị pháp luật nghiêm cấm”. Từ năm 2019, công ước này đã có 173 quốc gia thành viên, cộng thêm 6 nước ký kết mà không cần phê chuẩn, trong đó có Trung Quốc.
Ngày 15 tháng 2, cảnh sát New York và Văn phòng Luật sư quận Queens đã cáo buộc Trịnh với hai tội danh cấp E: tội phá hoại mức độ bốn (theo Luật pháp New York) và tội gây thù hận. Ngày 16 tháng 2, sau phiên xét xử tại Tòa án Hình sự Queens, anh ta đã được thả có điều kiện và phiên xét xử tiếp theo dự định sẽ diễn ra vào ngày 30 tháng 3. Thẩm phán cũng công bố lệnh bảo vệ đối với hai học viên Pháp Luân Công có liên quan tới vụ việc này.
Vào ngày 17 tháng 2, ông Quách Cẩm Phúc, học viên Pháp Luân Công tình nguyện, đã tới NYPD Phân khu 109 để trình bày thêm về vụ việc. Ông cho biết Trịnh đã đấm ông khi đập phá quầy thông tin Pháp Luân Công ở phía trước Trung tâm mua sắm Golden vào ngày 10 tháng 2. Với thông tin mới này, NYPD Phân khu 109 đã lập hồ sơ và đội chống tội phạm thù hận của cảnh sát thành phố đã bắt đầu điều tra sự việc này.
Chuyên gia kêu gọi “điều tra kỹ lưỡng và phơi bày bất cứ liên hệ nào giữa ĐCSTQ và tội phạm ở thành phố New York”
“Nhìn chung, hành vi tra tấn thể hiện thái độ nhất quán và cách tiếp cận mang tính hệ thống của chính quyền Trung Quốc đối với Pháp Luân Công, vốn được thiết kế để trừng phạt, khai trừ, hạ bệ, làm mất nhân tính, sỉ nhục và chụp mũ các học viên Pháp Luân Công hòng chối bỏ và ngăn cấm họ thực hành đức tin”, Tiến sỹ Anders Corr, một chuyên gia chính trị quốc tế, đã viết trong bài báo có tựa đề “Hoa Kỳ cần cứng rắn hơn với những hành động công kích Pháp Luân Công của Trung Quốc”.
Chiểu theo quyền tự do ngôn luận và tín ngưỡng của Hoa Kỳ, chúng ta cần hành động nhiều hơn nữa để bảo vệ các học viên Pháp Luân Công bị bức hại, vốn là những người đang bảo vệ Hoa Kỳ khỏi những tham vọng bá chủ và độc tài của ĐCSTQ. Điều này nên được bắt đầu bằng một cuộc điều tra toàn diện và phơi bày bất kỳ mối liên hệ nào giữa ĐCSTQ và tội phạm ở thành phố New York”, ông cho biết trong bài báo “Côn đồ bị cáo buộc phạm tội thù hận đối với Pháp Luân Công có liên hệ với Bắc Kinh” ngày 18 tháng 2 năm 2022.
Trong cuộc phỏng vấn ngày 25 tháng 2, bà Wong Man-yee, ủy viên hội đồng thành phố Flushing, phát biểu rằng những sự việc như thế không nên xảy ra và cần có thêm các biện pháp để bảo vệ cộng đồng. Với tư cách ủy viên hội đồng thành phố, bà coi đây là một vấn đề quan trọng.
Bà Dịch Dung đến từ Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp New York đã cảm ơn lực lượng cảnh sát vì hành động kịp thời của họ trong việc bắt giữ nghi phạm. Bà giải thích: “Cảm ơn các nhân viên cảnh sát phân khu 109 đã hành động nhanh chóng để truy bắt hung thủ, bảo vệ sự an toàn cho cộng đồng, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, và mang lại môi trường yên bình cho người dân và các tình nguyện viên ở Flushing. Các học viên Pháp Luân Công chúng tôi tại các quầy thông tin Pháp Luân Công sẽ tiếp tục kiên trì giảng chân tướng và góp phần làm cho cộng đồng tốt đẹp hơn”.
Đặc vụ thân ĐCSTQ có mặt trong cuộc tấn công
Bà Từ Vệ Quốc là một học viên tình nguyện làm việc tại quầy thông tin Pháp Luân Công vào ngày 10 tháng 2 khi xảy ra cuộc tấn công. Bà không quen biết nghi phạm và trước đó giữa họ chưng từng có va chạm gì. Nhưng Trịnh dường như đã có sự chuẩn bị, và kỳ lạ là một đặc vụ khác của ĐCSTQ, Lý Hoa Hồng, cũng có mặt tại hiện trường.
Theo các báo cáo truyền thông thì từ năm 2008, Lý đã tham gia nhiều hoạt động phỉ báng Pháp Luân Công. Bà ta cũng liên tục tấn công bạo lực nhiều học viên Pháp Luân Công. Chính bởi điều này nên Lý đã nhiều lần bị cảnh sát bắt giữ.
Lý Hoa Hồng (đội mũ trắng, thứ hai từ trái sang), bị cảnh sát bắt giữ vì quấy nhiễu các hoạt động của Pháp Luân Công vào ngày 13 tháng 5 năm 2016 (Ảnh: the Epoch Times)
Theo thông tin từ nhiều nguồn công khai, Lý là chủ tịch của Liên minh Thế giới chống Tà giáo Trung Quốc, một cơ quan ở hải ngoại của Hiệp hội chống Tà giáo Trung Quốc. Trên thực tế, liên minh này chịu sự điều hành trực tiếp của ĐCSTQ. Theo một bài viết trên tờ New York Post, Chu Nhất Bưu, một quan chức của Ủy ban Chính trị và Pháp luật của ĐCSTQ (PLAC) đã tới New York và tặng Lý “Giải thưởng cho sự dũng cảm chiến đấu”.
Vào ngày 26 tháng 8 năm 2011, khi Lý đang túm áo một học viên Pháp Luân Công trên phố thì một người đi bộ qua, ông Trình Trường Hà, đã cố gắng ngăn cản nhưng đã bị 20 người đứng xem đi theo Lý tấn công. Sau đó, ông Trình đã gọi cảnh sát và Lý đã bị bắt. Sau 17 phiên xét xử, bà ta đã bị Tòa án Hình sự quận Queens kết tội vào ngày 8 tháng 1 năm 2013.
Không phải một sự việc riêng lẻ
Lý Tấn đến từ Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Canada cho biết những hành vi kích động thù hận của ĐCSTQ tại New York chỉ là một trong nhiều vụ việc mà các học viên Pháp Luân Công đã trải qua. Những sự việc tương tự cũng xảy ra ở Canada.
Tháng 3 năm 2020, Tổ chức Ân xá Quốc tế Canada cùng Liên minh Canada về Nhân quyền ở Trung Quốc đã công bố một báo cáo có tựa đề “Sách nhiễu và đe dọa đối với các nhà hoạt động nhân quyền tại Canada quan tâm đến vấn đề nhân quyền của Trung Quốc”.
Báo cáo có đoạn viết: “Trong ba năm qua, các học viên Pháp Luân Công vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều vụ quấy rối tại nhiều thành phố của Canada. Vào tháng 8 năm 2017, hai người đàn ông đã làm gián đoạn buổi mít-tinh của các học viên Pháp Luân Công trước Lãnh sứ quán Trung Quốc tại Calgary, xé rách các biểu ngữ và lăng mạ họ. Nhiều nhân chứng cho biết sau khi căng thẳng giảm xuống, có hai người đi ra từ lãnh sự quán Trung Quốc đã nói chuyện với một trong những kẻ gây rối này, làm dấy lên nghi ngờ rằng lãnh sự quán Trung Quốc đã chỉ đạo hai người đó phá hoại sự kiện”.
Jeff Yang, một học viên điều phối ở Calgary, đã mô tả lại hành vi quấy rối và lăng mạ nhiều lần của một người đàn ông gốc Hoa đối với các học viên Pháp Luân Công trong vài năm qua.
Báo cáo còn cho biết “Đã có nhiều vụ việc hăm dọa, khủng bố và quấy rối các học viên ở Ottawa, Calgary và Winnipeg, cũng như các loại thư từ giả danh các học viên Pháp Luân Công, một đặc trưng của chính quyền Trung Quốc, được gửi đi nhằm làm mất uy tín của họ.”
Nhiều vụ tấn công cũng đã xảy ra ở Hồng Kông. Theo tờ the Epoch Times, từ ngày 2 tới ngày 9 tháng 4 năm 2021, ít nhất sáu quầy thông tin Pháp Luân Công đã bị tấn công tổng cộng hơn 10 lần bởi những đặc vụ thân ĐCSTQ.
Chẳng hạn, bốn người đàn ông đeo khẩu trang mang theo dao, đã đập phá năm quầy thông tin Pháp Luân Công tổng cộng 7 lần chỉ trong hai ngày. Đó là các điểm thông tin ở Vượng Giác (Mong Kok), Hoàng Đại Tiên (Wong Tai Sin), Loan Tử (Wan Chai) và Hồng Uyển (Hung Hom). Ngoài ra, hai điểm thông tin ở Vượng Giác đã bị đập phá trong hai ngày liên tiếp với một lượng lớn băng rôn và biểu ngữ đã bị phá hỏng. Đặc biệt, một học viên lớn tuổi ở đường Thị Du, Vượng Giác đã bị các đặc vụ Trung Cộng đẩy ngã xuống đất. Người qua đường và các học viên đều đã chụp ảnh sự việc này.
Vào khoảng 4 giờ chiều ngày 24 tháng 9 năm 2019, học viên Pháp Luân Công Liêu Thu Lan đã bị hai tên côn đồ tấn công tại khu dân cư Lệ Chi Giác. Sau khi bị đánh tới tấp bằng dùi cui, đầu của cô Liêu đã chảy rất nhiều máu. Sự việc này đã được báo cho cảnh sát.
Học viên Pháp Luân Công Liêu Thu Lan bị đặc vụ Trung Cộng tấn công vào ngày 24 tháng 9 năm 2019.
Ngày 26 tháng 1 năm 2019, Tòa án Tây Cửu Long ở Hồng Kông đưa ra phán quyết cho vụ việc hai người đàn ông phối hợp tấn công tàn bạo một học viên Pháp Luân Công. Kha Diễn Trạm bị kết án 2 năm 9 tháng tù giam vì hành vi đứng ngoài canh chừng trong khi hai kẻ tấn công vẫn được tự do.
National Review: Diệt chủng bởi ĐCSTQ
“Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ cần phải thẳng thừng lên án cuộc bức hại Pháp Luân Công này và tuyên bố đây là tội ác diệt chủng”, bà Nina Shea, giám đốc Trung tâm Tự do Tôn giáo của Viện Hudson, viết trong một bài báo có tiêu đề “ĐCSTQ đã phát động cuộc diệt chủng thứ hai – lần này là nhắm vào Pháp Luân Công” (The CCP Wages a Second Genocide – against Falun Gong) đăng trên tờ National Review ngày 4 tháng 2 năm 2022.
Bà giải thích “Dấu hiệu của tội ác diệt chủng này ‘là một số báo cáo xác đáng cho thấy một số lượng lớn học viên bị giam giữ đã bị cưỡng chế tuân theo các thủ tục y tế mà rốt cuộc là để giết họ.’ Những báo cáo này chỉ ra rằng từ khi tuyên bố ý định tiêu diệt Pháp Luân Công từ 20 năm trước, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã coi những học viên Pháp Luân Công bị giam giữ là mục tiêu để thu hoạch nội tạng phi tự nguyện, chứ không chỉ là mục tiêu giam giữ, mất tích và tra tấn hàng loạt”.
Bà tiếp tục: “Như vậy nghĩa là các nạn nhân bị giết trong hoặc ngay trước khi tim, gan, phổi và thận của họ bị phẫu thuật cắt bỏ để bán tại nơi mà Bắc Kinh tự hào là thị trường cấy ghép nội tạng lớn nhất thế giới.”
Bà cho biết thêm rằng phát hiện quan trọng mới của các chuyên gia Liên Hợp Quốc đã khẳng định thêm về nạn diệt chủng này.
Bà Shea kết luận: “Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ cho thấy một bộ phận mới đã sẵn sàng công nhận sự đàn áp của ĐCSTQ. Họ cần phải thẳng thừng lên án cuộc bức hại Pháp Luân Công này và tuyên bố đây là tội ác diệt chủng”.
Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/2/23/439315.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/2/25/199310.html
Đăng ngày 16-03-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.