Bài viết của phóng viên Minh Huệ ở tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc
[MINH HUỆ 19-06-2023] Ngày 5 tháng 6 năm 2023, một cư dân 72 tuổi ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm đã bị đưa đến Nhà tù Nữ tỉnh Cát Lâm để thụ án 2 năm vì tu luyện Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cổ xưa đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.
Bà Tàng Hồng Yến bị bắt vào ngày 16 tháng 9 năm 2022. Sau đó, Tòa án quận Triều Dương xét xử vụ án của bà vào ngày 7 tháng 2 năm 2023 và kết án vào ngày 11 tháng 4.
Ngày 19 tháng 1, bà Tàng được phát hiện huyết áp cao và có các triệu chứng đột quỵ. Bà được chuyển đến bệnh viện công an. Ở đó, bà tiếp tục bị giam giữ và bị từ chối quyền thăm thân.
Bức hại trong quá khứ
Trước khi tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1996, bà Tàng đã phải chống chọi với những cơn đau đầu dữ dội, bệnh thấp khớp và chân sưng tấy. Bất cứ khi nào bà ấy bị đau đầu, bà ấy sẽ đập đầu vào tường hoặc tự đánh vào đầu bằng một cây chổi để giảm bớt cơn đau. Tất cả bệnh tật của bà đều biến mất ngay sau khi bà học Pháp Luân Công. Bà tràn đầy năng lượng và dành nhiều thời gian để chăm sóc bố chồng nằm liệt giường.
Trước khi bị tuyên án gần đây nhất, bà Tàng bị bắt và giam giữ hơn 10 lần. Bà bị kết án lao động 4 lần, nhưng được miễn chấp hành 1 lần vì sức khỏe kém. Trong thời gian bà không bị giam giữ, cảnh sát vẫn sách nhiễu và lục soát nhà bà nhiều lần.
Ngày 20 tháng 7 năm 1999, khi cuộc bức hại bắt đầu, bà Tàng cùng con gái và hai học viên Pháp Luân Công địa phương khác đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền thực hành đức tin của họ. Sau khi phát hiện ra chuyến đi của họ, cảnh sát đã lừa bà Tàng và con gái bà đến đồn công an vào ngày 1 tháng 9 năm 1999 và giam họ ở trong Tại tạm giữ Bát Lý Bảo và Nhà khách Trường Ảnh trong nhiều ngày.
Mùa hè năm 2000, bà Tàng đến Bắc Kinh 2 lần để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công và cả 2 lần đều bị bắt và giam giữ tại Trại tạm giam Đại Quảng trong 15 ngày.
Năm 2000, bà Tàng bị bắt vì thu thập chữ ký thỉnh nguyện kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại. Sau 15 ngày ở trong trại tạm giam Đại Quảng, bà bị kết án 1 năm lao động khổ sai ở trong Trại Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Hắc Chủy Tử. Bà được thả 6 tháng trước hạn do vấn đề sức khỏe.
Không lâu sau khi được trả tự do, bà Tàng lại đi tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện vào tháng 6 năm 2001 và bị bắt giữ. Không biết bà đến từ đâu, cảnh sát đã chuyển bà đến một trại tạm giam ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh. Họ liên tục tra hỏi danh tính và địa chỉ của bà. Bởi bà từ chối trả lời các câu hỏi, cảnh sát đã còng tay bà vào lan can cửa sổ và buộc bà phải đứng qua đêm. [Ghi chú của biên tập viên: Bởi chính sách liên lụy của chính quyền Trung Quốc, các học viên Pháp Luân Công thường từ chối tiết lộ danh tính của họ để bảo vệ các thành viên trong gia đình, đồng nghiệp và các cộng sự khác của họ].
Trong khi bị giam ở Thẩm Dương, bà Tàng đã cùng với các học viên bị giam giữ khác luyện các bài công pháp Pháp Luân Công vào mỗi buổi tối. Cảnh sát trả đũa bằng cách sốc điện vào tay, đầu, cổ và chân của họ vào sáng hôm sau. Cổ của bà Tàng đầy những vết phồng rộp và sẹo do bỏng điện và phải mất một thời gian lâu chúng mới lành lại.
Cảnh sát sau đó đã xác nhận được danh tính của bà Tàng và đưa bà đến trại tạm giam Thiết Bắc ở Trường Xuân. Lính canh tù của trại bắt tất cả những người bị giam giữ ở đó nằm nghiêng khi ngủ, người này nắm lấy chân của người bên cạnh.
Hai tuần sau, bà Tàng bị đưa vào Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Hắc Chùy Tử trong lần thụ án thứ hai. Bởi vì bà không viết cam kết từ bỏ Pháp Luân Công, chính quyền kéo dài thời hạn và yêu cầu bà hoàn thành bản án lần trước. Bà bị giam giữ tổng cộng 20 tháng và được thả vào ngày 15 tháng 2 năm 2003.
Cuối tháng 12 năm 2003, cảnh sát theo dõi và bắt giữ bà Tàng tại nhà của họ hàng. Bà bị kết án lao động lần thứ 3 và được trả tự do vào tháng 3 năm 2004 do vấn đề sức khỏe.
Vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công, bà Tàng bị trưởng ban dân cư báo cảnh sát và bị bắt vào ngày 16 tháng 12 năm 2006. Bà bị giam tại trại tạm giam Số 3 Thành phố Trường Xuân trong 1 tháng, sau đó bị kết án lần thứ 4 tại Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Hắc Chủy Tử. Cảnh sát cố tống giam bà 3 lần, nhưng cả 3 lần đều bị từ chối vì bệnh tình của bà.
Bà Tàng lại bị bắt vào ngày 2 tháng 6 năm 2010 vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công. Bà được thả 6 ngày sau đó.
Lần bắt giữ tiếp theo của bà là tại một bến xe buýt vào mùa hè năm 2011 vì nói với người dân về Pháp Luân Công. Ban đầu bà bị nhốt ở đồn công an trong một tuần và sau đó bị chuyển đến Trại tạm giữ Vi Tử Câu, bà bị giam 15 ngày ở cơ sở này.
Vì từ chối viết cam kết từ bỏ Pháp Luân Công, bà Tàng lại bị bắt thêm một lần nữa vào ngày 7 tháng 2 năm 2012 và bị giam ở trong trại tạm giam Số 3 thành phố Trường Xuân 1 tháng. Bà đã tuyệt thực để phản bức hại và lính canh đã bức thực bà một tuần sau đó.
Trong một lần bị bức thực, bà Tàng đã hỏi người đứng đầu trại tạm giam rằng liệu hai học viên địa phương (bà Vương Thủ Huệ và bà Lý) có phải đã chết vì bị bức thực hay không. Giám đốc trại đã trả đũa bằng cách bắt bà đeo một dụng cụ tra tấn gây đau đớn với còng tay và cùm chân được nối với nhau.
Minh họa tra tấn: còng tay và cùm chân bị nối với nhau
Ngày 1 tháng 6 năm 2018, bà Tàng lại bị bắt giữ vì luyện các bài công pháp Pháp Luân Công ở ngoài trời. Bà bị giam 15 ngày ở trong Trại tạm giữ Vi Tử Câu.
Bài liên quan:
Người phụ nữ 71 tuổi đột quỵ chỉ vài tháng sau khi bị lĩnh án 2 năm tù vì kiên định đức tin
Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của trang web Minh Huệ (Minghui.org). Khi sử dụng lại vì mục đích phi lợi nhuận, vui lòng ghi rõ nguồn ở đầu bài đăng hoặc tác phẩm (Theo bài viết của trang Minh Huệ…), sau đó dẫn đường link bài gốc của Minh Huệ. Trường hợp sử dụng với mục đích thương mại, vui lòng liên hệ với Ban Biên tập về thủ tục ủy quyền.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/6/19/462129.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/6/25/210037.html
Đăng ngày 06-07-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.