Bài viết của Hoàng Vũ Sinh, phóng viên báo Minh Huệ ở Đài Loan

[MINH HUỆ 12-06-2023] Cha của một cư dân Đài Loan đã bị tước quyền thăm thân trong thời gian thụ án 3,5 năm tù ở Trung Quốc Đại lục vì tu luyện Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Ngày 20 tháng 1 năm 2021, ông Bạch Tuyết Tùng, một cư dân thành phố An Sơn, tỉnh Liêu Ninh, đã bị bắt và sau đó bị kết án vào ngày 29 tháng 9 năm 2022.

Ông đã bị chuyển đến Nhà tù thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh vào ngày 25 tháng 4 năm 2023 và hiện đang bị giam tại khu 5 của nhà tù.

Cô Bạch Tông Duyệt, người con gái duy nhất của ông Bạch, đã chia sẻ với Minghui.org rằng trước khi bị bỏ tù, cha cô đã bị bức hại tàn nhẫn ở trong Trại tạm giam Số 2 thành phố An Sơn, khiến ông bị sụt khoảng 20-25 kg và bước đi tập tễnh. Vì Nhà tù thành phố Đại Liên vốn khét tiếng trong việc tra tấn các học viên Pháp Luân Công, nên cô Bạch đang vô cùng lo lắng cho tình trạng sức khỏe của cha mình.

Cô Bạch nói thêm: “Theo suy nghĩ của tôi, những nhân viên chấp pháp thì nên bắt giữ tội phạm, đảm bảo an toàn và bình an cho người dân. Nhưng ngay lúc này đây, họ lại bắt giữ và ngụy tạo án oan để bỏ tù một người dân vô tội vốn chỉ muốn thực hành tín ngưỡng của mình“.

2023-6-11-rescue-bai-01.jpg

Cô Bạch và cha cô

Trở thành người tốt hơn nhờ tu luyện Pháp Luân Công

Cô Bạch cho biết cha cô đã bỏ nhiều thói quen xấu và có sức khỏe tốt sau khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1993.

Cô Bạch kể lại: “Lúc đó khí công đang rất thịnh hành. Một người bạn của ông tôi đã đưa cho cha tôi cuốn sách Chuyển Pháp Luân (cuốn sách chính của Pháp Luân Công). Ông đọc cuốn sách này một cách say sưa và sáng hôm sau, ông đạp xe đến công viên để tìm điểm luyện công. Sau khi bước vào tu luyện Pháp Luân Công, cha tôi bỏ được nhiều thói quen xấu như hút thuốc, uống rượu và cờ bạc. Bạn bè và đồng nghiệp của ông cũng nói ông đã trở thành một con người khác.”

Ít lâu sau, bệnh viêm ruột mãn tính của ông Bạch cũng biến mất và ông không cần dùng bất kỳ loại thuốc nào nữa.

Cô Bạch nói: “Sau đó, cha tôi tìm được một công việc ở một công ty chứng khoán địa phương. Một người đồng nghiệp của ông từng nói với mẹ tôi: ‘Chồng chị luôn từ bỏ những cơ hội thăng tiến tốt trong công việc và nhường chúng cho người khác, anh ấy cũng không nề hà giúp đỡ đồng nghiệp khi họ gặp khó khăn’. Một lần, khi mẹ tôi đến công ty của cha, người quản lý và đồng nghiệp của ông ấy đều nói với bà: ‘Chị thật may mắn khi cưới được một người đàn ông tốt như vậy’.”

Bị bức hại vì kiên định đức tin

Sau khi chính quyền cộng sản Trung Quốc phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, cuối tháng 12 năm đó, ông Bạch đi tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền thực hành tín ngưỡng của mình và bị bắt giữ. Sau đó ông bị cảnh sát địa phương đưa về An Sơn và bị giam ở trong trại tạm giam thành phố Hải Thành.

Hồi đó, cô Bạch mới 2 tuổi: “Tôi vẫn nhớ như in khoảnh khắc mẹ đưa tôi vào trại tạm giam thăm cha, chúng tôi bị ngăn cách bởi tấm kính và tôi chỉ biết gọi ‘cha’ qua điện thoại“.

Ông Bạch bị giam 40 ngày, trong thời gian đó ông bị tra tấn dã man. Sau khi gia đình kiến ​​nghị với các cơ quan hữu quan và chi 70.000 nhân dân tệ lót tay cho những người phụ trách trường hợp của ông, cuối cùng ông mới được thả.

Cô Bạch cho hay, vì căn cước của cha cô bị đánh dấu nên ông gần như không thể tìm được việc làm, khiến gia đình lâm vào cảnh túng quẫn. Năm 2009, ông chuyển đến thành phố Tần Hoàng Đảo, tỉnh Hà Bắc để tìm sự giúp đỡ từ một người họ hàng. Vì Tần Hoàng Đảo là một thành phố ven biển và có nhiều khách du lịch, ông kinh doanh nhà trọ ở đây và có thu nhập khá ổn.

Nhưng cuộc sống yên bình của họ ngắn chẳng tày gang. Vào tháng 4 năm 2013, trong khi đi đón một người đến thuê nhà, ông Bạch bị cảnh sát chặn lại và khám xét túi xách. Ông bị bắt một lần nữa khi cảnh sát tìm thấy một cuốn sách nhỏ có nội dung về Pháp Luân Công trong túi. Tại Đồn Công an Bát Đạt Lĩnh, cảnh sát đánh ông bằng một thanh gỗ dày và nhốt ông trong chiếc lồng sắt. Ông bị đưa đến Nhà tạm giữ thành phố Tần Hoàng Đảo vào ngày hôm sau. Ông tuyệt thực để phản bức hại. Nhờ nỗ lực mạnh mẽ của gia đình, ông được thả sau 5 ngày bị giam cầm.

2011-4-13-minghui-jinanevils--ss.jpg

Minh họa tra tấn: lồng sắt

Mùa hè năm 2014, ông Bạch lái xe chở vợ, con gái và cha mẹ đến Tần Hoàng Đảo. Ngay khi cất hành lý ở nhà và chuẩn bị đi làm, ông bị hàng chục cảnh sát bắt giữ. Họ đưa ông đến Đồn Công an Bát Đạt Lĩnh, lấy chìa khóa xe của ông và lái xe quay lại để đột nhập vào nhà ông. Ông bị giam cho đến nửa đêm.

Năm 2015, cô Bạch sang Đài Loan học đại học, sau đó thực tập ở đó vào mùa hè năm 2016. Trong thời gian này, mẹ cô đã tới Đài Loan du lịch và ở chung với cô. Cô Bạch nói: “Vào cuối tháng 7, cha tôi gọi điện cho tôi để chúc mừng sinh nhật. Nhưng tôi không ngờ được cha tôi lại bị bắt ngay sau đó và phải sau một năm rưỡi nữa tôi mới được nghe lại giọng nói của cha mình.”

Theo thông tin Minghui.org thu thập, ông Bạch bị bắt vào ngày 3 tháng 8 năm 2016 khi đang mua đồ cho hai cô con gái của một học viên Pháp Luân Công khác, những đứa trẻ đã mất cha trong cuộc bức hại. Sau đó, ông Bạch bị Tòa án Lô Long kết án 1 năm 8 tháng tù vào ngày 10 tháng 10 năm 2017.

Khi ông Bạch được gia đình dìu ra khỏi trại tạm giam huyện Lô Long tại thời điểm mãn hạn tù vào ngày 1 tháng 4 năm 2018, ông gầy hốc hác (chỉ nặng dưới 49 kg) và bước đi khập khiễng. Phải mất một thời gian rất dài ông để ông hồi phục.

Cô Bạch kể rằng chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công mà ông bị chính quyền bắt giữ và sách nhiễu ít nhất 6 lần kể từ khi cuộc bức hại bắt đầu. Lần bắt giữ gần đây nhất của ông là vào ngày 20 tháng 1 năm 2021, khi ông chở một nữ học viên lớn tuổi đến thăm một học viên khác ở An Sơn. Cảnh sát mai phục và bắt ông ngay khi họ vừa tới nhà của học viên đó.

Ông Bạch phản kháng cảnh sát và nói mình không vi phạm bất kỳ luật nào. Cảnh sát đáp “Tôi sẽ thả ông nếu ông nguyền rủa Lý Hồng Chí (Nhà sáng lập Pháp Luân Công)”.

Sau đó ông Bạch viết trong đơn khiếu nại cảnh sát: “Chuyện gì đang xảy ra trên thế giới này vậy? Cảnh sát yêu cầu tôi nguyền rủa người khác, nếu không nguyền rủa thì họ sẽ tống giam tôi. Cảnh sát chẳng phải là để bắt giữ kẻ xấu sao?”

Bị kết án tù

Đêm hôm đó, ông Bạch bị thẩm vấn tại Đồn Công an Phồn Vinh. Phó đồn trưởng Ngô Thuần Tùng đã khống chế ông ngồi trên một chiếc ghế sắt và liên tục tát vào mặt ông. Ngô cũng lấy một chai coca đựng đầy nước và đập vào đầu ông. Khi Ngô thấm mệt, ông ta ra lệnh cho một cảnh sát trẻ ở tuổi 20 tuổi tiếp tục đánh ông Bạch. Ngày hôm sau, viên cảnh sát thứ ba là Trương Kiến kéo ông Bạch vào phòng tắm và dùng vật cứng đập vào đầu ông. Sau đó ông Bạch bị đưa đến trại tạm giam Số 2 thành phố An Sơn và bị kết án tù vào ngày 29 tháng 9 năm 2022.

Mãi đến ngày 30 tháng 3 năm 2023, sau hơn 2 năm ông bị bắt, người thân mới được phép vào thăm ông lần đầu tiên. Họ nói ông gầy gò và sụt ít nhất 22 kg.

Gia đình không hề hay biết ông Bạch bị chuyển đến Nhà tù Nam Quan Lĩnh vào ngày 10 tháng 4, và sau đó là Nhà tù thành phố Đại Liên sau 15 ngày.

Ngày 14 tháng 4 năm 2023, gia đình ông Bạch thay mặt ông nộp đơn kháng cáo lên Tòa án Trung cấp thành phố An Sơn, yêu cầu thẩm phán phải duy trì công lý và tha bổng cho ông, nhưng vô ích.

Nhà tù thành phố Đại Liên tước quyền thăm thân

Trong 24 năm qua, tỉnh Liêu Ninh là một trong những địa phương bức hại các học viên Pháp Luân Công tàn khốc nhất. Vô số học viên bị bắt và tra tấn, nhiều người đã thiệt mạng.

2023-6-11-rescue-bai-03.jpg

Cổng Nhà tù thành phố Đại Liên

Ngày 8 tháng 5 năm 2023, người thân ông Bạch đi một quãng đường hơn 418 km từ An Sơn đến Đại Liên, nhưng không được vào thăm ông. Họ đã gọi điện cho nhiều bộ phận khác nhau của nhà tù để yêu cầu được vào thăm thân, nhưng không có kết quả. Ngày 23 tháng 5, gia đình một lần nữa đến nhà tù nhưng vẫn không được phép thăm thân. Một lính canh nhấn mạnh rằng ông Bạch bị cấm thăm thân, trừ phi ông từ bỏ Pháp Luân Công.

Đầu tháng 6, nhà tù gọi điện cho mẹ cô Bạch, thông báo rằng quyết định cấm thăm thân và gửi thư của nhà tù là dựa trên quy định “Biện pháp tạm thời trong việc quản lý các loại tù nhân trong các nhà tù ở tỉnh Liêu Ninh” ban hành ngày 20 tháng 4 năm 2022.

Cô Bạch nói: “Tôi hy vọng cộng đồng quốc tế và những người quan tâm đến nhân quyền có thể giúp đỡ chúng tôi. Tôi kêu gọi Đảng Cộng sản Trung Quốc lập tức trả tự do cho cha tôi, ông Bạch Tuyết Tùng“.

Cô nói thêm rằng bằng cách chia sẻ câu chuyện của gia đình mình, cô hy vọng nhiều người hơn nữa sẽ biết đến Pháp Luân Công, đến việc các học viên và người thân của họ đã được thụ ích như thế nào từ pháp môn này, cũng như việc chính quyền cộng sản bức hại học viên Pháp Luân Công ra sao. “Một pháp môn tu luyện tuyệt vời như vậy nên được khuyến khích và tôn vinh thay vì bị đàn áp. Tôi hy vọng những người vô tội đang bị giam giữ có thể sớm được trả tự do và đoàn tụ với người thân của mình”.

Bài liên quan:

Người đàn ông Liêu Ninh bị kết án 3,5 năm tù, bị tước quyền thăm thân ở trong tù

Người đàn ông Liêu Ninh đối mặt với phiên tòa thứ ba vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công

Cảnh sát thẩm vấn người đàn ông Liêu Ninh và sách nhiễu gia đình ông vì đức tin của ông vào Pháp Luân Công

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của trang web Minh Huệ (Minghui.org). Khi sử dụng lại vì mục đích phi lợi nhuận, vui lòng ghi rõ nguồn ở đầu bài đăng hoặc tác phẩm (Theo bài viết của trang Minh Huệ…), sau đó dẫn đường link bài gốc của Minh Huệ. Trường hợp sử dụng với mục đích thương mại, vui lòng liên hệ với Ban Biên tập về thủ tục ủy quyền.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/6/12/461910.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/6/15/209897.html

Đăng ngày 02-07-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share