Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở Bắc Kinh, Trung Quốc
[MINH HUỆ 01-06-2023] Ngày 24 tháng 5 năm 2023, vợ chồng ông Đường Bình Thuận và bà Mã Tú Vân, hai cư dân ở quận Triều Dương, Bắc Kinh đã bị kết án 1,5 năm tù và phạt tiền 4.000 Nhân dân tệ vì tu luyện Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại từ năm 1999.
Ông Đường và bà Mã (đều ngoài 60 tuổi) đã bị bắt giữ vào ngày 9 tháng 6 năm 2022. Cảnh sát tịch thu máy tính, máy in, các sách Pháp Luân Công và lịch để bàn có thông tin Pháp Luân Công (lịch đã hết hạn) của họ và sử dụng nhiều vật phẩm trong số đó để làm bằng chứng truy tố họ.
Bởi Trại tạm giam Quận Triều Dương từ chối tiếp nhận hai vợ chồng ông Đường do dịch bệnh COVID, họ đã được bảo lãnh tại ngoại. Ngày 6 tháng 10 năm 2022, cảnh sát sách nhiễu hai vợ chồng một lần nữa và yêu cầu họ không được ra ngoài để quảng bá cho Pháp Luân Công. Ngay sau đó, hai vợ chồng ông Đường nhận thấy có hai người đang ở bên ngoài nhà để theo dõi họ.
Sáu ngày sau, tức vào ngày 12 tháng 10, 12 cảnh sát đã bắt giữ hai vợ chồng và đưa họ trại tạm giam quận Triều Dương. Vụ bắt giữ hai vợ chồng đã được phê chuẩn trong ngày.
Ngày 17 tháng 10, con gái của họ (hiện đang sống ở bên ngoài Trung Quốc) đã gọi cho Đồn Công an Thái Dương Cung để hỏi tại sao cảnh sát lại bắt giữ cha mẹ của cô. Cảnh sát từ chối cung cấp thông tin chi tiết, nhưng ám chỉ rằng là vì họ muốn duy trì sự ổn định trong thời gian diễn ra Đại hội lần thứ 20 của ĐCSTQ (được tổ chức từ ngày 16 đến ngày 22 tháng 10).
Sau khi Đại hội lần thứ 20 kết thúc, cảnh sát vẫn giam giữ hai vợ chồng họ và trình hồ sơ vụ án của họ tới Viện Kiểm sát quận Triều Dương vào ngày 8 tháng 12 năm 2022, với lý do họ đã bị bắt trước đó vào ngày 9 tháng 6 năm 2022. Đến ngày 6 tháng 1 năm 2023, công tố viên truy tố họ và chuyển hồ sơ vụ án của họ tới Tòa án quận Triều Dương.
Ông Đường và bà Mã bị đưa ra xét xử tại Tòa án Ôn Du Hà ở quận Triều Dương vào ngày 15 tháng 3 năm 2023. Cả hai đều tự làm chứng cho phần bào chữa của mình. Bà Mã nói việc bà và chồng tu luyện Pháp Luân Công không gây phá hoại việc thực thi của bất kỳ luật nào hay gây bất kỳ nguy hại nào cho xã hội. Bà nhấn mạnh rằng nỗ lực của hai vợ chồng bà để trở thành người hơn và biết quan tâm tới người khác nhờ hành xử theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công chỉ có trăm phần lợi cho xã hội mà không có một phần hại.
Hai luật sư biện hộ của họ đã bác bỏ cáo buộc chống lại các thân chủ của mình và yêu cầu tòa tuyên họ trắng án. Tuy nhiên, công tố viên khăng khăng rằng cáo buộc của ông ta đối với hai vợ chồng ông Đường là chính xác.
Công tố viên và thẩm phán còn cố ép hai vợ chồng ông Đường tiết lộ người cung cấp sách Pháp Luân Công cho họ, hay liệu bản thân họ có in sách Pháp Luân Công hay không. Hai vợ chồng từ chối trả lời.
Thẩm phán kết án hai vợ chồng ông Đường vào ngày 24 tháng 5.
Trước bản án lần này, cả ông Đường và bà Mã đã nhiều lần bị chính quyền nhắm mục tiêu chỉ vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công. Đặc biệt, bà Mã đã 3 lần lĩnh án lao động cưỡng bức với tổng thời gian thụ án là 6,5 năm.
Bị bắt giữ hai lần trong năm 2000
Tháng 8 năm 2000, bà Mã đã đi tới Quảng trường Thiên An Môn để công khai kháng nghị cho quyền tu luyện Pháp Luân Công và đã bị bắt giữ. Bà bị giam 7 ngày trong trại tạm giam quận Triều Dương.
Ngày 1 tháng 10 năm 2000, bà quay lại Quảng trường Thiên An Môn và lại bị bắt giữ một lần nữa. Bà đã bị giam 5 ngày trong cùng trại tạm giam trên.
Bản án lao động cưỡng bức đầu tiên (1,5 năm) vào năm 2001
Tháng 3 năm 2001, bà Mã bị triệu tập tới Đồn Công an Thái Dương Cung để nói chuyện, nhưng lại bị bắt giữ sau khi tới nơi và bị đưa thẳng tới trại tạm giam quận Triều Dương và bị giam 28 ngày tại cơ sở này. Cảnh sát chỉ ra rằng họ giam giữ bà để ngăn bà kháng nghị cho Pháp Luân Công trong “Lưỡng hội” (hai phiên họp chính trị thường niên của chính quyền).
Tháng 5 năm 2001, hai người phụ nữ tới gõ cửa nhà bà Mã và nói rằng họ đến để kiểm tra đường ống khí gas tự nhiên. Khi bà mở cửa thì có bốn người đàn ông đột nhiên xuất hiện, túm lấy bà và đưa bà tới một ngôi nhà ở vùng nông thôn tại huyện Hoài Nhu ở Bắc Kinh. Bà đã tuyệt thực để phản bức hại trong hơn 10 ngày bị giam giữ tại đó.
Vài ngày sau khi được thả, bà lại bị bắt giữ và bị đưa tới Trung tâm Giáo dục Pháp luật Bắc Kinh (thực chất là một trung tâm tẩy não). Nhiều học viên Bắc Kinh khác cũng bị đưa tới đây trong thời gian đó.
Ngày 1 tháng 10 năm 2001, bà Mã tới Quảng trường Thiên An Môn và bị một cảnh sát mặc thường phục theo dõi. Ngay sau đó, viên cảnh sát này đã đưa bà tới Đồn Công an Thiên An Môn. Tiếp đó, bà bị chuyển tới Công an Đoàn Kết Hồ và bị một cảnh sát ở đó tát vào mặt hơn 10 lần.
Sau đó, cảnh sát của Đồn Công an Thái Dương Cung đã đến đón bà và nhốt bà trong một tầng hầm ở quận Triều Dương. Lưu Nhân Thuận, một nhân viên Phòng 610 quận Triều Dương, cùng một cảnh sát đã được chỉ định giám sát bà cả ngày lẫn đêm. Cả hai người đàn ông này đều bị cảm lạnh, sốt và họ không thể chịu được tầng hầm ẩm ướt. Khoảng hai tuần sau, họ đã chuyển bà Mã tới tới nhà ở dành cho người già và giam bà ở đó hơn nửa tháng. Tiếp đó, bà bị chuyển tới trại tạm giam quận Triều Dương và 1 tháng sau bà bị kết án 1,5 năm lao động cưỡng bức.
Bởi bà Mã từ chối hợp tác với lính canh trại lao động nên bà đã bị treo người lên bằng cổ tay trong 7 ngày và bà bị đánh đập mỗi ngày. Lính canh không cung cấp cho bà thức ăn và nước ống. Họ còn cấm bà sử dụng nhà vệ sinh, ép bà phải đại tiểu tiện ra quần. Sau khi thả bà xuống vào ngày thứ 8, lính canh đã lột quần áo bà trước đám đông và đưa bà vào phòng giặt.
Bản án lao động cưỡng bức thứ 2 (2,5 năm) vào năm 2005
Bà Mã bị bắt giữ tại nhà riêng vào ngày 30 tháng 3 năm 2005 và bị đưa thẳng tới trại tạm giam quận Triều Dương. Sau đó, bà bị kết án 2,5 năm lao động cưỡng bức. Bà đã luyện công (luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công) ở trong Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Bắc Kinh và bị tra tấn ngồi trên chiếc ghế cao từ 5:30 sáng tới 2:00 sáng ngày hôm sau. Trong suốt 3 tháng, bà không được cung cấp đủ thức ăn và không được tắm rửa, thay quần áo cũng như liên lạc với gia đình. Sau đó, bà bị chuyển tới Đội 3 để lao động khổ sai không công, gồm chở phân bò, chuẩn bị thức ăn cho lợn và tưới cây.
Bản án lao động cưỡng bức thứ 3 (2,5 năm) vào năm 2008
Ngày 23 tháng 5 năm 2008, bà Mã bị bắt giữ một lần nữa và bị lục soát nhà cửa. Bà bị kết án 2,5 năm lao động cưỡng bức vào ngày 19 tháng 6 năm đó. Một trại lao động ở Bắc Kinh đã bán bà cho Trại Lao động Cưỡng bức Nữ tỉnh Hồ Bắc để làm lao động tự do. Bởi bà từ chối từ bỏ Pháp Luân Công, bà đã bị tra tấn đứng phơi mình dưới cái nắng thiêu đốt suốt nhiều giờ đồng hồ, từ 6:00 sáng tới nửa đêm. Bà còn bị cưỡng bức lao động không công.
Giám sát cả ngày lẫn đêm
Năm 2017, bà Mã bị giam trong một trại tạm giữ 30 ngày vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công. Sau đó, bà bị giam trong một trung tâm tẩy não trước khi được trả tự do. Ngay cả khi hai vợ chồng bà không bị giam giữ, họ vẫn bị theo dõi sát sao, đặc biệt vào những ngày được chính quyền cộng sản Trung Quốc coi là nhạy cảm.
Ngày 8 tháng 5 năm 2017, hai vợ chồng bà thấy có hai người đàn ông tầm ngoài 20 tuổi đang đóng chốt bên ngoài nhà họ và theo dõi họ mỗi khi họ ra ngoài. Nhân viên ủy ban khu phố cũng tới nhà để sách nhiễu họ. Hai người đàn ông kia tiếp tục theo dõi họ cho đến ngày 16 tháng 5 năm 2017.
Ngày 1 tháng 10 năm 2017, hai vợ chồng bà Mã lại phát hiện có người bên ngoài nhà đang theo dõi họ cả ngày lẫn đêm. Sự việc tương tự xảy ra trong thời gian diễn ra kỳ họp “Lưỡng hội” năm 2018, bắt đầu từ tháng 3 tới ngày 25 tháng 4 năm 2019 (kỷ niệm 20 năm sự kiện 10.000 học viên Pháp Luân Công thỉnh nguyện ôn hòa bên ngoài Văn phòng Kháng nghị của Quốc vụ viện ở Bắc Kinh vào năm 1999).
Bài liên quan:
Hai vợ chồng ở Bắc Kinh đối mặt với xét xử vì tu luyện Pháp Luân Công
Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của trang web Minh Huệ (Minghui.org). Khi sử dụng lại vì mục đích phi lợi nhuận, vui lòng ghi rõ nguồn ở đầu bài đăng hoặc tác phẩm (Theo bài viết của trang Minh Huệ…), sau đó dẫn đường link bài gốc của Minh Huệ. Trường hợp sử dụng với mục đích thương mại, vui lòng liên hệ với Ban Biên tập về thủ tục ủy quyền.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/6/1/461495.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/6/12/209852.html
Đăng ngày 01-07-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.